Tri thức càng hạn hẹp, tư tưởng càng bảo thủ, cố chấp

24/12/2020 08:00
Tri thức càng hạn hẹp, tư tưởng càng bảo thủ, cố chấp

Trình độ nhận thức càng hạn hẹp, suy nghĩ càng đơn nhất, càng thiếu đi năng lực phán đoán, và tất nhiên, cũng sẽ trở nên cố chấp hơn.

Có lẽ bạn cũng đã từng có trải nghiệm này, khi nói chuyện với người khác, mặc dù bạn đứng ở mọi góc độ phân tích cho họ vấn đề, đưa ra những lời khuyên hết sức chân thành, nhưng có thế nào họ cũng không nghe lọt tai, vô cùng cố chấp, bảo thủ.

Chẳng hạn, một cô gái yêu một chàng trai nọ, người ngoài vừa nhìn vào là biết cô ấy bị chàng trai kia lừa gạt, nhưng cô gái lại luôn cố chấp cho rằng chàng trai thực sự yêu mình, mặc kệ người ngoài có nói ra sao, cô ấy cũng không thay đổi chủ ý, thậm chí còn cho rằng người khác đang cố phá rối mình.

Một ví dụ khác, bạn nói hết nước hết cái với người khác rằng tranh thủ khi còn trẻ, năng học hỏi, năng tìm tòi nâng cao kiến thức lên, nó rất có ích cho sự nghiệp và cuộc sống sau này, nhưng họ lại luôn cho rằng học hành, tri thức vô dụng, gặp chuyện vẫn phải dựa vào tiền bạc, quan hệ hay vận may.

Cứ như vậy, mọi lời khuyên của bạn căn bản là không có tác dụng, họ luôn cố chấp tìm một lý do nào đó, cố chấp để từ bỏ nỗ lực.

Mỗi lúc như này, có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình trong bất lực: "Chưa thấy ai cố chấp như vậy, điều đơn giản vậy cũng không hiểu là sao?"

1. Cố chấp là vì thiếu đi khả năng phán đoán

Vài ngày trước tôi có cùng một đồng nghiệp trao đổi, anh ấy nói rằng một mục dữ liệu bất thường, nhất định là do sự cố thiết bị.

Tôi nói cứ bình tĩnh, để tôi kiểm tra lại.

Khi tôi nói với anh ấy rằng số liệu không đúng không phải do máy móc vận hành không bình thường, mà do công nhân đang kiểm tra, sửa chữa ngay lúc đó và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác không kiểm soát được, gây ra sự cố.

Tôi đã gửi cho anh ấy biên bản bảo trì và chỉ ra một số yếu tố có thể xảy ra, nhưng cho dù tôi có làm gì thì anh ấy cũng mặc định rằng nguyên nhân là hỏng hóc thiết bị.

Tôi nói tới bực mình rồi mà kết quả vẫn vậy.

Sau khi bình tĩnh lại, tôi liền nghĩ, vì sao anh ấy lại cố chấp như vậy?

Nguyên nhân có lẽ nằm ở năng lực nhận thức, khi phát hiện ra vấn đề, phản ứng đầu tiên, thậm chí là duy nhất của anh ấy chính là hỏng hóc thiết bị, dù bạn có đưa ra bằng chứng thuyết phục ra sao, anh ấy cũng không muốn thay đổi quan điểm của mình, bởi vì anh ấy căn bản là không có suy nghĩ nào khác.

Trình độ nhận thức càng hạn hẹp, suy nghĩ càng đơn nhất, càng thiếu đi năng lực phán đoán, và tất nhiên, cũng sẽ trở nên cố chấp hơn.

Tri thức càng hạn hẹp, tư tưởng càng bảo thủ, cố chấp - Ảnh 1.

2. Cố chấp không có nghĩa là cá tính

Rất nhiều người nói cố chấp không có gì không tốt, bởi nó cho thấy chính kiến, sự kiên trì, không bị số đông hóa của một người.

Nhưng điều tôi muốn nói đó là, cố chấp ở đây nó hoàn toàn không phải là một kiểu chấp niệm hay nguyên tắc kiên trì, mà là khi bạn đối mặt với một ý kiến khác, bạn vô cùng nhạy cảm, bỗng dưng tự tôn, cự tuyệt suy ngẫm lại, cự tuyệt lắng nghe, cự tuyệt học hỏi.

Thậm chí nó còn có thể biến tướng thành sự ấu trĩ, bảo thủ, và những lúc như vậy, bạn rất khó có không gian để tiến bộ hay trưởng thành.

Cũng có nhiều người xem sự cố chấp là một kiểu cá tính, nếu một ngày nào đó không còn cố chấp nữa, vậy có phải là sẽ trôi theo dòng nước, mất đi cái đặc trưng của mình.

Thực ra, đây là một suy nghĩ sai lầm, sai lầm ở chỗ coi cái góc cứng đầu của sự cố chấp là cá tính, trộn lẫn sự cứng đầu và cá tính vào làm một.

Có những góc cứng cản trở sự trưởng thành cần phải được mài nhẵn, khiến bạn trở nên tròn trịa, uyển chuyển hơn, và điều này hoàn toàn không hề ảnh hưởng tới cá tính của bạn.

Một người thực sự tài giỏi, họ có cá tính riêng của mình, nhưng họ đồng thời cũng hiểu rằng cố chấp hoàn toàn không phải cá tính, mà ở một góc độ nào đó mà nói, sự cố chấp, bảo thủ chính là một khuyết điểm nhỏ trong tính cách.

Chính sự cố chấp này đã cản trở sự hình thành của một cá tính tốt, nó khiến bạn có thiên hướng cực đoan, thiếu lòng khoan dung và trí tuệ, cản trở khả năng học hỏi, suy nghĩ và tiếp nhận cái mới của bạn.

Nhà tâm lý học người Mỹ, George Alexander Kelly, từng đưa ra một quan điểm gọi là "thuyết kiến tạo cá nhân".

Kiến tạo cá nhân là một quan niệm được hình thành nên bởi nhận thức, kì vọng, đánh giá, tư duy… của một cá nhân trong quá khứ.

Khi gặp phải những tình cảnh giống hoặc tương tự, kinh nghiệm trong quá khứ của một người sẽ hiện lên trong đầu để đưa ra phán đoán về vấn đề hoặc bối cảnh ấy.

Khi năng lực nhận thức của bạn hạn hẹp, những ý niệm trong đầu sẽ có xu hướng đơn nhất, thiếu đi sự linh hoạt.

Vì vậy, khi bạn gặp sự cố, các biện pháp đối phó do kiến ​​tạo cá nhân của bạn đưa ra là rất hạn hẹp, nhưng chúng lại trở thành tất cả của bạn, bạn lầm tưởng rằng đây là tất cả, là biện pháp đối phó tốt nhất, và không có khả năng nào khác.

Khi năng lực nhận thức của bạn rộng mở, kiến thức nhiều, đọc được nhiều, trải nghiệm nhiều, có năng lực tư duy độc lập, bạn sẽ có được càng nhiều tri thức và kinh nghiệm hơn, kiến tạo cá nhân của bạn cũng sẽ phong phú, hoàn thiện hơn.

Khi đối mặt với một vấn đề nào đó cũng sẽ không chỉ cố chấp một loại đáp án, mà sẽ nghĩ ra rất nhiều khả năng khác.

Tri thức càng hạn hẹp, tư tưởng càng bảo thủ, cố chấp - Ảnh 2.

3. Người càng ưu tú, càng sẵn sàng nâng cao bản thân

Nếu dùng một tập hợp toán học để biểu diễn, nghĩa là, kiến tạo cá nhân có nhận thức hẹp là A, kiến tạo cá nhân có nhận thức cao là B, như vậy thì B chứa A, ngoài A, còn có các tập hợp khác trong B (chẳng hạn như C, D, E ......).

Lấy một ví dụ, người có nhận thức hạn hẹp luôn cho rằng đọc sách, đi học là vô ích, người học hết đại học kiếm tiền chưa chắc nhiều hơn người chỉ tốt nghiệp hết tiểu học, tiêu chuẩn đo lường của họ chỉ là tiền bạc.

Nhưng đối với người có nhận thức tư duy cao, tiêu chuẩn đo lường của họ ngoài tiền bạc ra thì còn có lựa chọn cơ hội việc làm, khai thác tiềm lực tự thân, sự nâng cao về mặt tinh thần, môi trường học tập đa dạng hóa…

Người có năng lực nhận thức cao thường vui vẻ với việc nâng cao bản thân, vì vậy mà sau một khoảng thời gian, khi quay lại xem xét các biện pháp đối phó hoặc suy nghĩ mà mình đã thực hiện, họ thường sẽ bổ sung thêm nhiều khả năng giải quyết hơn.

Bởi lẽ họ lại tiến bộ rồi, năng lực nhận thức của họ lại nâng lên một bậc mới.

Đây cũng chính là lý do vì sao khi càng biết nhiều, càng thấy mình sao thiếu hiểu biết tới vậy.

Bởi lẽ trình độ nhận thức càng cao, bạn càng cảm nhận rõ được sự to lớn của thế giới bên ngoài, hiểu ra rằng tri thức là bất tận, bạn không thể cố chấp được nữa, chỉ có thể khiêm tốn đi học tập, đi lĩnh ngộ.

Vì vậy, những người thực sự tài giỏi luôn là những người hết sức khiêm tốn.

Cũng giống như triết gia người Hy Lạp cổ đại, Sokrates nói: "Thứ duy nhất mà tôi biết là tôi không biết gì cả."

Vì khả năng nhận thức hạn hẹp, quan điểm cá nhân bảo thủ, đơn nhất, thiếu óc phán đoán nên họ tỏ ra cố chấp, và vì tính cố chấp này mà họ không chịu học tập, không chịu lắng nghe ý kiến ​​của người khác, cứ như vậy, con đường hoàn thiện bản thân sẽ bị trì trệ, rồi dần dần cứ đi theo một vòng luẩn quẩn.

Tri thức càng hạn hẹp, tư tưởng càng bảo thủ, cố chấp - Ảnh 3.

4. Đọc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, nâng cao trình độ nhận thức

Những người có cùng trình độ nhận thức khi giao lưu với nhau thường sẽ rất nhanh bắt được ý của nhau, trình độ nhận thức khác biệt sẽ khiến đôi bên cảm thấy "sao thời gian trôi chậm quá vậy".

Bạn bè lâu ngày không gặp nhau, thỉnh thoảng sẽ cảm thấy không có gì để nói với nhau, thực ra, không phải vì môi trường sống khác biệt, trải nghiệm khác biệt, mà là bởi khoảng cách trong trình độ nhận thức ngày một trở nên cách xa.

Có những người phát triển rất nhanh trong lĩnh vực của mình, thực ra là bởi trình độ nhận thức của họ đã đạt tới một độ cao nhất định, còn có những người vẫn mãi dậm chân tại chỗ, đó là bởi nhận thức của họ cũng chưa hề tiến lên, luôn đưa ra phán đoán dựa trên tư duy, nhận thức từ nhiều năm trước.

Người cố chấp, thiếu đi năng lực tự suy ngẫm về bản thân, càng thiếu đi sự tự giác.

Cố chấp, bảo thủ là một biểu hiện của việc thiếu đi trí tuệ, sự thông minh, trong khi cởi mở lại rất có lợi trong việc làm phong phú tri thức và cả trí tuệ của chúng ta.

Nhà tâm lý học Flavell từng đưa ra khái niệm "siêu nhận thức", trong đó đề cập tới việc bạn cần phải có năng lực tự suy ngẫm, tự nhận thức và tự hoàn thiện bản thân.

Bạn cần phải biết mình nghĩ gì, biết suy nghĩ của mình ra đời và phát triển ra sao, biết làm sao đối mặt với kết quả của tư duy của mình, biết tự hỏi mình xem có cải thiện được gì không, nếu có thể, ngay lập tức sẽ thay đổi.

Bản thân tôi lúc trước cũng là một người khá cố chấp, cho rằng tính cách này có điểm độc đáo riêng, không thay đổi được, nhưng thông qua quá trình không ngừng học tập, phát hiện ra bản thân thì ra nhỏ bé tới vậy, sự cố chấp của trước đây cũng dần dần được cải thiện.

Khi biết được càng nhiều, khi học được càng nhiều từ những người ưu tú, khi sự cố chấp vô lý lại xảy đến, tôi sẽ tự động và kịp thời ngẫm nghĩ lại hành vi và suy nghĩ của bản thân.

Tất nhiên, quá trình thay đổi này không hề dễ dàng, cần phải duy trì nhắc nhở bản thân thường xuyên, càng cần tới một quãng thời gian khá dài.

Nếu bạn ý thức được sự cố chấp của bản thân, nhưng không biết làm thế nào để thay đổi, ngoài việc "cố tình" nhắc nhở, suy ngẫm lại bản thân ra, phương pháp hiệu quả và trực tiếp nhất chính là đi học hỏi, đi đọc, đi nâng cao nhận thức.

Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ phát hiện ra mình trở nên ôn hòa hơn rất nhiều, bạn có thể suy nghĩ vấn đề từ góc độ khác, không còn cố chấp với tư tưởng cá nhân nữa.

Theo Trí Thức Trẻ

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025