Tối 12.3, trên VTV1, trong chuyên mục "Chống gian lận, hàng giả bảo vệ người tiêu dùng" có một phóng sự về một vụ việc khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Qua đó bộc lộ rõ về một cung cách làm việc thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh. Sự vụ rất đáng xem xét, kết luận và xử lý nghiêm khắc hơn.
Tôi theo dõi và tìm hiểu thêm thì được biết Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương có nhận được thư của một số phóng viên cho biết họ đã phát hiện một cơ sở sản xuất có tên Quốc Bảo, đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Họ đang sản xuất khẩu trang nhưng có dấu hiệu gian lận thương mại và nhiều khả năng chất lượng hàng không đảm bảo đúng như vỏ bao ghi. Tức là có dấu hiệu được coi là hàng giả.
Ngay lập tức, Tổng cục trưởng Nguyễn Hữu Linh đã ra quyết định cử tổ công tác 304 xuống tỉnh Bắc Ninh nắm tình hình.
Xin nói thêm, tổ công tác 304 mới được hình thành theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương trước tình hình dịch COVID-19 hoành hành ở nước ta và cả thế giới về công tác quản lý thị trường ở nhiều lĩnh vực. Mục tiêu của việc thành lập tổ công tác này là giúp Tổng cục và Bộ “theo dõi, chỉ đạo giám sát các cục, đội quản lý thị trường trong hoạt động, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin từ đơn thư phản ánh, làm căn cứ kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với nhưng cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, kháng khuẩn, có dấu hiệu vi phạm nhằm trục lợi trong đợt dịch COVID-19 “ (trích nội dung ghi trong quyết định số 416/TCQLTT ký ngày 4.3.2020).
Khi tổ công tác 304 của Bộ Công Thương và Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) có mặt cùng đại diện lãnh đạo của Cục QLTT tỉnh và cán bộ chức năng thuộc đội QLTT quản lý địa bàn tại cơ sở sản xuất bị đơn thư phản ánh sai phạm, bằng trực quan và kinh nghiệm, họ thấy đúng là có chuyện lớn.
Họ đã được nghe báo cáo, đây chỉ là doanh nghiệp nhỏ sản xuất khẩu trang bảo hộ lao động. Thế nhưng trên bao bì, nhà sản xuất lại cố tình ghi nhãn mác sai lệch là “khẩu trang kháng khuẩn cao cấp“, đạt đủ mọi tiêu chuẩn y tế quy định.
Thử hỏi, trong lúc cả nước đang lo lắng tìm mua khẩu trang không hề dễ mà vớ được loại này, làm gì người tiêu dùng lại không mua vội, mà đâu biết nó không hề có tác dụng chống lây nhiễm vi rút hiện thời.
Điều đáng trách, thậm chí còn gây phẫn nộ với khán giả xem truyền hình vào hôm 12.3 ở chỗ dù Tổ công tác 304 đã lập biên bản để yêu cầu địa phương và chủ cơ sở sản xuất thực hiện niêm phong số lượng bao bì đã in và tổng sản phẩm đã được đóng gói rồi chờ giám định mức độ sai phạm, nhưng không hiểu sao, chính chi cục QLTT địa phương này, dù đã tiến hành lập biên bản nhưng lại cố ý để chủ cơ sở sản xuất phi tang vật chứng bằng cách nại ra cớ giám đốc không có nhà nên không có ai ký biên bản.
VTV1 sau đó, họ có trở lại phỏng vấn ông Vũ Mạnh Hải, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh thì thật không ngờ khi nghe những phát ngôn chối tai từ người đứng đầu ngành của một địa phương. Ông Hải cho rằng ông Trần Hùng, tổ trưởng Tổ công tác 304 của Bộ Công Thương “đã làm sai quy trình”, viện lý do tổ công tác trước khi xuống cơ sở lại nói là “đi thăm “mà anh lại đòi đi ”kiểm tra“ là không được.
Đây quả là điều phi lý. Nếu trong quá trình “đi thăm” (có thể cũng là cách nói của Tổ 304 để đảm bảo không bị lộ) thì cũng có sao nếu trong quá trình này họ phát hiện ra sai phạm cần được xử lý.
Thật lạ ở chỗ, ngay chính trong quyết định 416 tôi vừa nêu, Tổng cục trưởng đã ghi rất rõ nhiệm vụ họ sẽ làm, đó là “theo dõi, chỉ đạo giám sát các cục, đội quản lý thị trường trong hoạt động, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin từ đơn thư phản ánh, làm căn cứ kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với nhưng cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, kháng khuẩn, có dấu hiệu vi phạm nhằm trục lợi trong đợt dịch COVID-19“. Vậy mà tại sao ông quyền cục trưởng nọ vẫn “coi trời bằng vung”?
Một cán bộ lãnh đạo cấp cục ở địa phương mà còn vặn vẹo câu chữ kiểu như vậy để cho rằng địa phương mình “làm đúng quy trình“ và xử lý nhẹ hều, lờ đi, không cho người ở lại giữ nguyên hiện trường, đợi chủ về thì ký biên bản vi phạm. Thậm chí còn nêu lý do “đã thống nhất với tổ công tác xuống cơ sở chỉ để tìm hiểu thực tế” thì thật đáng lo và đáng phê phán khi địa phương đã không làm tròn trách nhiệm được giao và không hợp tác rốt ráo với cơ quan cấp trên của họ.
Nếu địa phương nào trên cả nước cũng tồn tại những cán bộ lãnh đạo QLTT như Bắc Ninh thì người dân cả nước sẽ gặp rất nhiều nguy cơ mua phải khẩu trang kém chất lượng, và nếu đối chiếu với câu chữ ghi trên bao bì thì đó chính là đồ giả. “Kháng khuẩn “kiểu gì mà thứ sản phẩm sẽ được cho lên che miệng, mũi lại đóng gói bằng tay không đeo găng, ngồi bệt xuống sàn nhà rất nhếch nhác? Nó thật sự là điều đáng lo cho sức khỏe của nhân dân mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp hơn một lần nhắc nhở, phải thật chăm lo cho sức khỏe của nhân dân... Chính từ thực tế đã phát hiện ra trước đó có những dấu hiệu làm hàng phục vụ chống dịch bệnh kém chất lượng mà Bộ Công Thương mới có hàng loạt kế hoạch công tác, trong đó có công tác quản lý thị trường như vậy.
Theo tôi biết thì về nguyên tắc, cấp tổng cục nếu có nguồn tin cần tuyệt đối bí mật, họ vẫn có thể thành lập gấp tổ công tác xuống thẳng cơ sở kiểm tra, không nhất thiết phải báo trước cho địa phương. Sau đó, khi đã ở hiện trường, họ mới mời lãnh đạo địa phương cùng phối hợp cũng vẫn không sao.
Tôi không rõ, sau sự việc tai hại gây sự bất bình đến ngỡ ngàng trong dư luận như vậy, Bộ Công Thương sẽ mổ xẻ vấn đề này để xử lý ra sao cái cách mà ông Vũ Mạnh Hải bao biện, vặn vẹo đến mức phi lý của ông ta.
Nhưng vào thời điểm cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào dập dịch và xem việc "chống dịch phải như chống giặc”, những cán bộ có quyền mà lại như vậy thì không thể chấp nhận được việc họ tồn tại trong bộ máy nhà nước.
Còn với Tổ công tác 304 mà Bộ trưởng Công Thương đã sớm có chỉ đạo thành lập có lẽ cũng nên trao thêm “thượng phương bảo kiếm “ của Tổng cục trưởng, của Bộ trưởng cho tổ để họ đủ quyền xử lý tại trận, nhiều khi có thể ban đầu họ chỉ nói là "đi thăm” cơ sở. Nếu phát hiện sai phạm thì họ cũng có quyền chỉ đạo buộc Cục QLTT tỉnh phải tuân thủ, không thể có chuyện xem thường người của Bộ như vậy được. Một khi đã thực sự chống hàng giả thì đòi hỏi phải có những người lãnh đạo trung thực, không giả. Tuy nhiên, nếu phân tích thật kỹ câu chữ của quyết định mà Tổng cục trưởng QLTT ký, tôi nghĩ có thể nó vẫn chưa thật rõ góc độ này cho nên muốn Tổ công tác có làm mạnh cũng gặp phải chuyện nếu cơ sở họ đã có ý bảo kê cho người vi phạm mà cụ thể như vụ việc nêu trên.
Tôi có cảm giác rằng, không phải vô tình mà Bộ trưởng Công Thương "tùy hứng” chỉ định ông Trần Hùng, nguyên Phó cục trưởng Cục QLTT, sau được nâng lên thành tổng cục) là tổ trưởng Tổ công tác 304 của Bộ đi đốc chiến như vậy. Đó là cách chọn và nhìn người đúng đắn và cần thiết ở thời điểm này. Tiếc rằng người muốn làm, kiên quyết và trách nhiệm, luôn dám tiến công không khoan nhượng với bọn tội phạm làm hàng giả thì lại không có thực quyền. Cụ thể là trong vụ việc này, lãnh đạo QLTT địa phương, là tỉnh Bắc Ninh, đã rất coi thường bộ chủ quản.
Ngược lại, người có quyền hành thì lại kiên quyết bao che, bảo vệ trắng trợn cho doanh nghiệp sai phạm.
Đề nghị ông Bộ trưởng Bộ Công Thương nên xem lại chuyện này. Một khi đã chỉ thị nhân sự đích danh lúc thành lập Tổ công tác 304 về QLTT thì mong ông trao quyền cho người đó. Còn không, có lẽ cũng nên giải tán ngay, không nên tồn tại tổ hữu danh vô thực như vậy. Nếu không, sẽ vô tình lộ ra cảnh ”trên nóng dưới lạnh”. Nó có thể làm xấu mặt cái gọi là lực lượng QLTT ở cấp cao nhất khi... “trên bảo, dưới không thèm nghe”. Nếu chúng ta sớm điều chỉnh lại quy chế làm việc, tôi tin rằng Tổ công tác sẽ tỏ ra hữu hiệu bởi nó thực sự cần thiết vào lúc này.
Quốc Phong