Tôi đã từng nói, đàn ông Việt Nam sướng nhất thế giới nhưng phải hiểu nghĩa SƯỚNG ở đây như thế nào cho chuẩn? Tổ chức Y tế Thế giới đã định nghĩa cuộc sống có chất lượng là: Đủ ăn, đủ tinh thần và đủ môi trường xung quanh. Sống có chất lượng chưa chắc đã sướng. Sướng là sống có chất, chứ không phải là cuộc sống chất lượng. Nghe na ná nhưng không giống nhau. Sống có chất là sống thỏa mãn được hệ giá trị cá nhân của mình.
Cho nên, giặt đồ cho vợ với người này là khổ nhưng với người khác lại là hạnh phúc tràn trề. Để xem đàn ông Việt Nam sướng hay khổ, chỉ cần lấy tổng khái niệm sướng mà mình vừa nói trừ đi tổng khổ. Nếu ra kết quả dương thì là sướng, mà kết quả âm thì là khổ.
Đứng về mặt hiện tượng, chưa bình luận bản chất, cái sướng đầu tiên là anh không phải nấu ăn; thứ hai, ở ngoài đường hay ở công ty, người ta chẳng coi anh ra gì nhưng về nhà anh cứ như vua, được quyết định mọi thứ, thích thì đi nhậu cùng bạn bè, bực lên còn đánh vợ... Tôi có thể liệt kê ra 50 dẫn chứng nữa nhưng tạm thời kết luận về mặt cơ học, đàn ông Việt Nam mình rất sướng.
Trông thế thôi nhưng đàn ông Việt Nam cũng có nhiều nỗi khổ. Người phụ nữ khổ nhất là mang nặng đẻ đau. Cái khổ nhất của đàn ông là mắc hội chứng "con gà tức nhau tiếng gáy". Là đàn ông mà không "gáy" được thì tim cứ như bị khoét một cách âm thầm. Cho nên, trong đầu của đàn ông lúc nào cũng chỉ đau đáu phải kiếm được tiền, phải có nhà, có xe... để con gái, đặc biệt là bọn đàn ông, ngưỡng mộ mình. Nỗi đau này xuất hiện hằng ngày, tạo ra hàng loạt sự mất cân đối. Không phải giặt đồ, không phải nấu cơm, ra vẻ này nọ nhưng thực ra trong tâm khổ lắm, đôi khi là "nhục" nữa.
Hình ảnh quán nhậu vỉa hè toàn đàn ông.
Nhưng tôi ngạc nhiên là có những cái sướng thật, mà đàn ông Việt Nam mình lại không biết hưởng. Nếu vợ nấu cơm thì đồng thời, anh phải làm gì chứ? Vợ nấu cơm thì chồng phải chẻ củi. Cái sướng nó đến từ sự chia sẻ, chứ không phải cứ để vợ đi nấu cơm, còn anh ngồi ghểnh chân lên bàn xem tivi. Tại sao người đàn ông Việt Nam mình lại hành xử như vậy?
Thứ nhất, nó thành thói quen từ thời phong kiến, đè nặng trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam. Nguyên nhân thứ hai là từ chính các bà vợ. Họ chấp nhận sự bất bình đẳng giới như mặc định. Khi nhà có khách, chồng bảo vợ lên ăn cơm cùng thì dứt khoát không lên. Hạnh phúc của họ là được ăn ở dưới bếp, là không cần anh phải tôn trọng họ, mời họ đi nhậu...
Phụ nữ có đặc điểm rất hay bao biện: "Tao" tin chính "tao" chứ tao không tin "thằng" nào cả. Rửa chén cũng phải "tao" làm, giặt đồ cũng phải "tao"... "Tao" làm "tao" mới tin. Thế là tạo ra thói quen xấu cho đàn ông. Mà đế đàn ông sướng quá thì họ lại sinh hư: Rượu chè, cờ bạc, bồ bịch... Cho nên, đàn ông hư, lỗi lớn là do vợ. Để khắc phục, các bà vợ nên chấp nhận rủi ro một chút: Giao trách nhiệm cho chồng và chấp nhận đổ bể lần đầu, lần sau không đổ bể nữa.
Quá trình hội nhập khu vực và thế giới nhanh và mạnh như hiện nay có làm thay đổi tình hình không? Câu trả lời là chắc chắn có.
Chúng ta chẳng cần làm gì thì tự khắc tình hình cũng đang thay đổi và sẽ thay đổi. Nhưng quá trình này sẽ thay đổi nhanh hơn nếu nhận thức xã hội đi trước một bước. Vai trò của nhà trường quan trọng nhưng đặc biệt quan trọng là ngay từ trong mỗi gia đình. Cách giáo dục đơn giản, hiệu quả nhất là từ chính hành vi của ông, bà, bố, mẹ, cô, dì, chú, bác... Cả xã hội hô hào phải xóa bỏ định kiến giới nhưng trong mỗi gia đình lại chẳng quan tâm thì làm sao có kết quả?
Kết luận đầu tiên của tôi: Tôi ca ngợi người phụ nữ Việt Nam với tất cả những đức tính nhường nhịn, nhẫn nại, chiều chồng, thương con... nhưng tôi phản đối kịch liệt việc các chị chiều chồng để chồng sướng theo kiểu cơ học như tôi phân tích ở trên.
Kết luận thứ hai: Tôi thấy khó chấp nhận kiểu đàn ông đang hưởng thụ sự sướng cơ học hiện nay mà không biết. Nếu biết mình đang sướng thì hãy cảm ơn người ta, cảm ơn bằng hành vi chứ đừng bằng lời nói suông. Ví dụ, người ta đã nấu cơm thì anh về ăn cơm, ăn nhiệt tình là cách cảm ơn chân thành nhất. Nếu coi chuyện vợ nấu cơm là bổn phận và trách nhiệm, còn việc đàn ông đi nhậu nhẹt, bồ bịch... là chuyện bình thường thì chẳng đáng mặt đàn ông.
(*) Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách: Cảm xúc là kẻ thù số một của Thành công- Tiến sỹ Lê Thẩm Dương.
Theo Trí Thức Trẻ