Những điểm sáng
Có một tỷ rưỡi người vào Youtube mỗi tháng, xem đầy đủ các thể loại từ tin tức thời sự, ca nhạc đến thể thao, một số coi đó như một kênh học tập. YouTube tạo nên một thế hệ người nổi tiếng mới - những ngôi sao YouTuber đứng cùng hàng với những nghệ sĩ chính thống như Taylor Swift hay Leonardo Dicaprio. Lượng ngân sách quảng cáo khổng lồ từ các nhãn hàng đổ dồn vào nền tảng này.
"Khi tôi suy nghĩ tại sao YouTube thành công trong những năm đầu tiên, tôi cho rằng phần nhiều đó là do YouTube đem đến cho khán giả những thứ không giống trên truyền hình", Robert Kyncl - giám đốc kinh doanh YouTube giải đáp trong cuốn sách "Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông" (Streampunks).
Trên truyền hình, không gian phát sóng bị giới hạn, nội dung được tạo chỉ các bởi chuyên gia và bị "gác cổng" bởi một vài ông lớn truyền thông. Trên YouTube thì khác. Với không gian không giới hạn trên Internet, ai cũng có thể chia sẻ video, ai cũng có thể kể câu chuyện của mình. Một thế hệ những nhà sáng tạo độc lập nổi lên, thoải mái quay video kể về những điều họ thích, họ nghĩ. Và hoá ra, khán giả rất thích xem chúng.
Trong cuốn sách, Robert Kyncl không hẳn bàn về riêng YouTube. Mà ông nói về một nền truyền thông mới, được thúc đẩy bởi YouTube.
"Chúng ta đã đi đến một giai đoạn mà ở đó những gì chúng ta xem, đọc và nghe không còn được quyết định duy nhất bởi một cơ quan hay một doanh nghiệp độc quyền nào nữa, mà chính bởi bản thân chúng ta". YouTube xuất hiện, sẵn sàng đón nhận các video của mọi người một cách miễn phí và lưu trữ mãi mãi. Nền tảng này còn phân phối toàn cầu, cho phép bất cứ ai muốn chia sẻ những gì mình thích xem cho mọi người khác. Kể từ đó, ngành truyền thông không bao giờ còn như trước nữa. Một lớp người mới, với sự tự do được trao, theo mô tả của tác giả, "lập dị nhất, mạnh mẽ nhất", dần chiếm sức ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực truyền thông.
Đi kèm với sự tự do là những giá trị rất "con người" mà YouTube mang lại. Robert Kyncl mô tả: "YouTube có thể hé lộ thế giới này, cho chúng ta thấy “bề rộng của nhân gian”, thứ mà không thể nhìn thấy qua ô cửa sổ. Đó là thứ có thể kết nối chúng ta với người khác, những người có cùng suy nghĩ, tình yêu; những người đã vượt qua những trở ngại trong cuộc sống giống mình; những người chịu những áp lực tương tự như chúng ta đã chịu; những người mà không thể tìm thấy ở trường học hay ở hàng xóm".
Robert Kyncl đang ám chỉ đến những người trẻ dám nhuộm tóc xanh, đỏ sáng màu, tiên phong nói về đồng tính hay sự khác biệt. Ông cũng nhắc đến cách YouTube ủng hộ người khuyết tật, phụ nữ ở Trung Đông, cộng đồng LGBT hay những tiếng nói chính trị từ trong dân chúng. YouTube là nơi "tìm thấy tiếng nói của người yếu thế và nghe được những câu chuyện chưa từng được kể trên truyền hình", hướng tới lý tưởng về sự dân chủ và cởi mở.
Những tiêu cực bị phớt lờ
Trong "Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông", Robert Kyncl tương đối thành công trong việc soi rọi vào từng chuyển động li ti từ truyền thông cũ sang truyền thông mới, cách truyền hình và truyền thông truyền thống hoàn toàn bị "lép vế" và cách một thế hệ ngôi sao YouTuber định dạng lại ngành này.
Tuy nhiên, như một đồng xu có hai mặt, sự nổi dậy nào cũng có mặt trái. Nhưng vì khó mà đòi hỏi một lãnh đạo YouTube phát ngôn trung lập về công ty mình, những mặt trái của YouTube khó được đối diện thành thực trong Streampunks.
Đâu đó trong cuốn sách, Robert thừa nhận vài điểm "chưa được lý tưởng như mong đợi" của YouTube. Chẳng hạn, ông nói về sự hạn chế trong thuật toán khiến khó lo lan truyền video đến từ những vlogger da màu. Robert cũng thừa nhận (hết sức nhẹ nhàng) rằng: "YouTube cũng là nơi chia sẻ những bình luận có tính chất gây hấn và tấn công người khác".
Thực tế, nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới này mang lại vấn đề nghiêm trọng hơn. Điển hình như cuộc khủng hoảng của YouTube năm 2017, khi tình trạng lan tràn các video phản cảm nhắm vào trẻ em làm gia tăng nỗi lo của phụ huynh về việc con trẻ của họ bị nhiễm "rác" trên YouTube. Sự tự do cất tiếng nói mà YouTube tự hào đồng thời phát đi những âm thanh tiêu cực, kỳ thị. PewDieDie - cựu vlogger đình đám có những phát biểu về phân biệt chủng tộc khiến YouTube phải dừng hợp đồng với anh này - là một ví dụ điển hình nhất.
Hay như, trong khi thu thập những "lời tự thú" thành thật và hấp dẫn nhất từ những YouTuber nổi tiếng, tác giả hoàn toàn phớt lờ quyết định từ bỏ YouTube của không ít những ngôi sao khác.
Tóm lại, như tờ New York Times nhận định, "Streampunks" vẽ ra một cốt truyện lạc quan, một bức tranh sáng màu về YouTube. Cuốn sách thực sự đáng giá và lý thú ở cách nó mô tả tài tình cách Youtube thay đổi luật chơi của ngành truyền thông, thấm đẫm hơi thở thời đại, đặt ra những dấu hỏi thú vị về ngành truyền thông, giải trí trong tương lai.
Nhưng với riêng câu hỏi về mặt trái của YouTube lẫn truyền thông xã hội chưa được giải đáp rành rẽ, độc giả cần độc lập tìm một kết luận cho riêng mình.
Châu Minh