Quy tắc giao tiếp sandwich: Kẹp Chỉ trích vào giữa Khen ngợi và Kỳ vọng, không một ai nỡ từ chối bạn

19/03/2020 11:01
Quy tắc giao tiếp sandwich: Kẹp Chỉ trích vào giữa Khen ngợi và Kỳ vọng, không một ai nỡ từ chối bạn

Giao tiếp đúng cách và đúng thời điểm, một lời nói có tác dụng bằng triệu hành động, nhưng ngược lại, cách đặt vấn đề sai lầm sẽ đem tới tâm lý phản nghịch và hậu quả phản tác dụng không ngờ.

Trong cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi một số tranh chấp, khó chịu, nhưng phần lớn những vấn đề này đều có thể giải quyết thông qua lời nói mà không phải dùng tới những biện pháp tiêu cực như bạo lực. Để làm được điều đó, hãy sở hữu cho mình một số kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

01. Không bạo lực bằng lời nói

Chương trình "Nói chuyện với người lạ" ở Trung Quốc từng chiếu trích đoạn phỏng vấn một nữ sinh bị bạo lực học đường, tên là Vương Tinh Tinh.

Tuy rất xinh đẹp nhưng suốt thời kỳ trung học phổ thông, cô đã phải chịu đựng bạo lực bằng lời nói nhiều lần. Các bạn học đồn thổi rằng Vương Tinh Tinh đi phẫu thuật thẩm mỹ, thay bạn trai như thay áo… Lời đồn ngày càng biến chất, cô cũng bị cô lập, không một ai cùng trường chịu nói chuyện chung.

Vương Tinh Tinh nói: “Tôi không còn là một cá nhân, mà là một bia ngắm để họ dồn hết bực tức lên đầu, không ai để ý cảm xúc của chính tôi cả.”

Bạo lực bằng lời nói đang dần trở thành một hiện tượng đáng sợ phổ biến trong cuộc sống. Nữ sinh trên chỉ là một trong vô số nạn nhân. 

Tuân Tử có câu: “"Lời nói hay giúp người ấm hơn vải lụa. Lời nói dở hại người như gươm dao."

Nếu không nắm được bản chất của việc giao tiếp, trao đổi, để cho cảm xúc tiêu cực chi phối suy nghĩ, chúng ta rất dễ tạo ra tổn thương cho người xung quanh bởi lời nói của mình. 

Lấy ví dụ, khi tức giận vì người yêu không liên lạc, bạn nói: “Tại sao vô duyên vô cớ không trả lời tin nhắn của em mấy ngày liền hả?” Những lời này trộn lẫn cả cảm xúc tiêu cực lẫn tình huống hiện thực, giảm hiệu quả giao tiếp một cách đáng kể.

Ngược lại, nếu bạn bình tĩnh chỉ ra rằng: “Tuần vừa rồi em gửi tin nhắn muốn bàn bạc chuyện mua đồ với anh nhưng chưa thấy anh trả lời gì cả. Em buồn lắm nhưng em nghĩ có lẽ lúc đó anh bận. Cho nên, nếu hôm nay anh rảnh, chúng ta có thể rút thời gian thảo luận cùng nhau được không?”

Bằng cách này, đối phương vừa nắm rõ được sự kiện đang diễn ra, cảm xúc của bạn là gì, có nhu cầu gì, từ đó đưa ra phản ứng đáp lại thích đáng hơn. 

Cốt lõi của phương pháp giao tiếp này là làm rõ suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của chính bạn bằng một phương thức thể hiện rõ ràng, bình tĩnh và tôn trọng người khác.

 Quy tắc giao tiếp sandwich của người khôn ngoan: Kẹp Chỉ trích vào giữa Khen ngợi và Kỳ vọng, không một ai nỡ từ chối bạn - Ảnh 1.

02. Lấy lùi làm tiến

Vào thời nhà Hán, có một vị tướng gọi là Kình Bố. Ban đầu, ông đi theo Hạng Vũ nhưng sau đó dần dần cảm thấy bất mãn, ông chuyển đến dưới trước Lưu Bang. Khi Kình Bố vừa phản chiếu, để mượn sức vị tướng tài này, Lưu Bang đã bày một kế.

Lần đầu gặp mặt, Lưu Bang giả vờ say mèn, vừa tắm rửa vừa ngạo mạn triệu kiến Kình Bố. Đương nhiên Kình Bố rất tức giận. 

Hôm sau, Lưu Bang lại tổ chức một yến hội linh đình để an ủi, cũng đích thân tạ tội, tỏ ý hối hận cho hành vi vô lễ vì say xỉn của mình. Sau đó, thấy lửa giận của Kình Bố đã hạ bớt, Lưu Bang liền phong cho ông làm Cửu Giang vương, dành tặng nhiều ưu ái.

Ngay từ đầu, Lưu Bang đã bày ra dáng vẻ khiến người ta không thể chấp nhận được, khiến Kình Bố tự hạ thấp tiêu chuẩn xuống, tự nhiên sẽ dễ dàng ghi nhận những ưu ái được ban tặng sau đó nhiều hơn. 

Đây được cho là một cách lấy lùi làm tiến hiệu quả trong giao tiếp. Khi muốn đạt được một yêu cầu, chúng ta nên đưa ra một yêu cầu thái quá khác, sau khi bị từ chối thì thương lượng một yêu cầu tương đối hợp lý hơn. Như vậy, xác suất thành công sẽ cao hơn hẳn. 

Giống như George O'Neill đã nói: “Muốn thay đổi gì đó, trước tiên cần lùi một bước rồi mới có thể tiến hai bước.”

03. Tranh chấp tích cực

Trong cuộc sống, những cuộc tranh chấp vẫn thường xảy ra. Cho dù đây được coi là một dạng trao đổi, nhưng khi chúng vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành cãi vã theo hướng tiêu cực, những hậu quả bi kịch rất có thể xảy đến. 

Tranh chấp tích cực và tiêu cực khác biệt ở một điểm quan trọng: Trong quá trình lên tiếng, liệu hai bên có thử giảm bớt mức độ xung đột hay không. Nếu cuộc tranh chấp kết thúc bằng việc chỉ trích lẫn nhau, không ai muốn tự đặt mình vào cảnh nhún nhường, sau đó là chiến tranh lạnh, không ai muốn chủ động nhận sai, cũng không có một phương án giải quyết vấn đề ban đầu mang tính xây dựng nào cả, vậy đó chính là tranh chấp tiêu cực.

Ngược lại, người khôn ngoan hiểu rằng, tranh chấp thực ra là một phương thức để thúc đẩy giao tiếp, thấu hiểu và giải quyết vấn đề. Cho nên, tranh chấp tích cực là khi hai bên có thể vận dụng công thức phàn nàn của nhà tâm lý học Haim Ginott : Khi bạn làm X, tôi cảm thấy Y và tôi hy vọng bạn chuyển sang Z.

Ví dụ: Tối qua cậu tới trễ mà không báo trước, tôi cảm thấy mình không được tôn trọng nên có chút tức giận, hy vọng rằng lần sau cậu có thể gọi điện thoại trước cho tôi để nói một tiếng.

Cách nói chuyện rõ ràng, trực tiếp mà tích cực như vậy có thể khiến đối phương hiểu chính xác nguyên tắc và điểm giới hạn của bạn mà không cần công kích cá nhân theo kiểu “Cậu là đồ ích kỷ chỉ biết lấy mình”.

 Quy tắc giao tiếp sandwich của người khôn ngoan: Kẹp Chỉ trích vào giữa Khen ngợi và Kỳ vọng, không một ai nỡ từ chối bạn - Ảnh 2.

04. Quy tắc bánh sandwich

Bạn sẽ làm gì khi muốn nhận xét hoặc chỉ trích ai đó?

Vào những năm 1920, Tổng thống Hoa Kỳ Calvin Coolidge phát hiện ra rằng, tuy thư ký của ông rất xinh đẹp nhưng năng lực làm việc lại chưa hoàn hảo, thường phạm sai lầm. Một buổi sáng, khi thư ký bước vào văn phòng, ông đã nói: "Quần áo của cô hôm nay thật đẹp, rất phù hợp với một người trẻ trung và xinh đẹp như cô."

Nữ thư ký nghe vậy rất vui. Calvin Coolidge tiếp tục nói, "Và tôi tin rằng công việc mà cô xử lý cũng có thể xinh đẹp như cô vậy.”

Kể từ ngày hôm đó, công tác của nữ thư ký đã đạt hiệu quả cao hơn hẳn.

Phương pháp này được gọi là “Quy tắc sandwich”: Nếu chúng ta kẹp nội dung phê bình vào giữa sự khẳng định và kỳ vọng, người bị phê bình sẽ tiếp nhận vấn đề trong tâm trạng vui vẻ và thành khẩn thay đổi hơn hẳn. 

Luật Sandwich nhấn mạnh thứ tự phê bình, thường bao gồm ba tầng:

Tầng đầu tiên là sự khẳng định, đánh giá cao và sự quan tâm.

Tầng thứ hai là những lời đề nghị, phê bình hoặc quan điểm bất đồng.

Tầng thứ ba là khuyến khích, hy vọng, tin tưởng và ủng hộ.

Nếu đặt vấn đề không đúng cách và đúng thời điểm, nó rất dễ gây ra tâm lý nổi loạn, kỳ vọng không được đáp ứng, thậm chí còn tạo ra tác dụng phụ lớn hơn nữa. Đó chính là lý do mà giao tiếp là một môn học vấn bắt buộc phải có để trở thành người khôn ngoan.

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 10/12/2024