Phải làm gì nếu đồng nghiệp vay tiền không trả?: Câu trả lời đơn giản nhưng rất khôn khéo của ứng viên

05/09/2021 08:00
Phải làm gì nếu đồng nghiệp vay tiền không trả?: Câu trả lời đơn giản nhưng rất khôn khéo của ứng viên

Không ít người phải “ngậm đắng nuốt cay” vì lỡ cho đồng nghiệp vay tiền mà không đòi được vì nhiều lý do. Nếu gặp trường hợp như vậy, bạn sẽ có câu trả lời thế nào?

Xã hội ngày nay phát triển rất nhanh, nhịp sống ngày càng nhanh! Nhu cầu thay đổi công việc thường xuyên cũng bắt nguồn từ rất nhiều lý do, người thì không chịu được áp lực, người thì không hài lòng với hiện trạng của bản thân...

Trong môi trường làm việc, mọi người đều có những rắc rối ​​riêng của mình. Người thì không phù hợp với tính chất công việc, có người không đáp ứng được KPIs, nhưng càng nhiều hơn cả là những rắc rối đến từ các mối quan hệ công sở, trong đó, bất đồng và xích mích giữa đồng nghiệp với nhau là nhân tố gây stress nhiều nhất.

Chính vì thế, cho dù là ứng viên phỏng vấn tìm việc hay nhà tuyển dụng trong quá trình săn tìm nhân tài cũng đều “đau đầu” khi lo ngại mối quan hệ giữa nhân sự. Đặc biệt, với những vị trí có công việc yêu cầu phải tiếp xúc với nhiều người nội bộ công ty như bộ phận hành chính, kế toán, nhân sự… thì kỹ năng xử lý các mối quan hệ xung quanh là một nhân tố vô cùng quan trọng.

Đó cũng chính là lý do mà trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng admin văn phòng, một HR đã đưa ra câu hỏi “lắt léo” rằng: “Bạn sẽ ứng xử như thế nào nếu đồng nghiệp mượn tiền xong không trả?”.

“Câu hỏi vàng” khiến không ít ứng viên bối rối khi nhắc tới vấn đề tiền bạc khá nhạy cảm, đối tượng là đồng nghiệp, những người chưa chắc đã thân thiết nhưng ngày ngày đều đối diện với nhau, lại càng khiến vấn đề trở nên rắc rối hơn.

Phải làm gì nếu đồng nghiệp vay tiền không trả?: Câu trả lời đơn giản nhưng rất khôn khéo của ứng viên đã ghi điểm tuyệt đối, càng ngẫm càng hay! - Ảnh 1.

Nhiều người phải khó xử vì đồng nghiệp vay tiền mà khất nợ không trả (Ảnh: Internet)

Người phỏng vấn đầu tiên là một cô gái hiền lành, đối mặt với câu hỏi này, cô suy nghĩ rất lâu nhưng cũng không nghĩ ra cách từ chối nào. Vì vậy tỏ vẻ rằng, nếu số tiền cho vay là không lớn thì không đòi nữa cũng được, dù gì cũng là đồng nghiệp trong cùng một bộ phận, gặp nhau suốt ngày.

Đương nhiên, câu trả lời này không làm hài lòng nhà tuyển dụng khi ứng viên không tìm ra cách để đấu tranh cho quyền và lợi ích cá nhân của mình, cũng không thể hiện được kỹ năng ứng xử mà họ đang tìm kiếm.

Người nhận phỏng vấn thứ hai là một người đàn ông trẻ tuổi. Anh ta cân nhắc một lúc và trả lời với suy nghĩ rõ ràng:

"Thứ nhất, vì tôi sẵn sàng cho đồng nghiệp này vay tiền, chứng tỏ tôi không chỉ coi người đó là đồng nghiệp nữa, mà là bạn bè thân thiết và có thể tin tưởng rồi. Nói cách khác, tôi chỉ cho hai nhóm người vay tiền, nhóm thứ nhất chắc chắn sẽ hoàn trả không sớm thì muộn, còn nhóm thứ hai thì quá thân thiết đến nỗi không trả cũng không sao.

Thứ hai, tôi sẽ không để tiền bạc, kinh tế dính vào mối quan hệ với đồng nghiệp, điều này không giúp ích được gì cho công việc của tôi, nhưng tôi sẽ nghĩ cách để từ chối họ mà không làm ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ”.

Câu trả lời khá là lý tưởng, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng để phân chia rạch ròi như vậy. Bản thân câu trả lời cũng còn nhiều điều kiện giả định chưa được làm rõ, ví dụ như làm thế nào để phân biệt đồng nghiệp thân thiết và “quá thân thiết, được tin tưởng”, hay làm thế nào để “từ chối họ mà không làm ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ”. Những vấn đề chưa được làm rõ khiến nhà tuyển dụng chưa hoàn toàn ưng ý với ứng viên thứ hai.

Phải làm gì nếu đồng nghiệp vay tiền không trả?: Câu trả lời đơn giản nhưng rất khôn khéo của ứng viên đã ghi điểm tuyệt đối, càng ngẫm càng hay! - Ảnh 2.

Rất khó để có thể thẳng thắn đòi nợ từ đồng nghiệp mà không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ. Ảnh: Pinterest

Người phỏng vấn thứ ba là một phụ nữ trưởng thành, có ngoại hình và nụ cười khá duyên dáng, nhìn từ bề ngoài đã cho người đối diện cảm nhận rằng, đây là một người có chỉ số EQ không thấp.

Cô đưa ra câu trả lời rằng:

Thứ nhất, nếu người vay tiền không có mối quan hệ quá thân thiết cả trong đời sống lẫn công việc thì cô sẽ trực tiếp đề nghị người đó trả nợ. Một thông điệp rõ ràng để người đó phải thể hiện thái độ và trách nhiệm của mình.

Thứ hai, nếu người vay tiền có mối quan hệ thân thiết, đòi nợ trực tiếp sẽ khiến cả hai mất tự nhiên. Thay vào đó, cô sẽ để ý một cơ hội thuận lợi để rủ người đó đi ăn, đi chơi, đi du lịch hoặc đi cafe… tùy vào khoản tiền cho vay ít hay nhiều. Các cơ hội thuận lợi nhất là sau thời điểm công ty trả lương.

Trong buổi hẹn, cô có thể bảo người đồng nghiệp đó trả tiền trước. Sau đó, đến khi tính toán chi phí theo đầu người mới nhắc đến số tiền họ đang nợ mình và trừ vào đó luôn. Bằng cách này, đối phương đang cuốn theo bầu không khí vui vẻ của buổi đi chơi nên có thể dễ dàng chấp nhận trả tiền mà không quá khó chịu.

Người phỏng vấn khá ngạc nhiên khi ứng viên có thể đưa ra cách xử lý gọn ghẽ, vừa đảm bảo quyền lợi cá nhân, vừa suy nghĩ cho cảm nhận của đối phương, trong thời gian ngắn như vậy. Họ vô cùng ưng ý với cách thể hiện và sự khôn khéo của người phụ nữ này.

Đương nhiên, đây không phải cách thức có thể áp dụng lâu dài. Tuy nhiên, một người đồng nghiệp thân thiết vay tiền quá nhiều lần, lần nào cũng trễ hẹn trả thì cũng cần xem lại sự “thân thiết” này.

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025