"Lòng tôi, có đôi lần khép cửa."
Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của nhân loại. Bỏ qua những yếu tố mà vua chúa phong kiến "đặt hàng" ông để quản lý xã hội nông nghiệp lạc hậu và diện tích rộng lớn thời đó, có nhiều quan điểm của ông về con người khá hay. Trong đó có một câu mà sinh viên tinh hoa trong các lớp về quản lý ở các ĐH lớn của châu Á như Thanh Hoa, Tokyo, Hongkong, Seoul, NUS... thường được các giáo sư yêu cầu phân tích khi nhập môn quản trị học (hình). Đây là một câu vô cùng sâu sắc.
Vậy câu này có gì mà hay ho đến vậy?
1. Yêu ghét... là những phạm trù thuộc về cảm xúc, loài người không ai không có. Thậm chí loài vật chim muông cũng có.
Con người thường đan xen hai phạm trù cảm tính và lý trí, không ai cảm tính hết hoặc lý trí hết. Với người lý trí lớn hơn cảm tính, họ thường sống khoẻ hơn người có cảm tính lớn hơn lý trí. Theo tâm lý học, trẻ con, phụ nữ, người châu Á, người nông thôn, người nghèo... thường có cảm tính nhiều hơn lý trí. Ở người cảm tính, mọi thứ ngoài "đạt lý" thì phải "thấu tình". Còn với người lý trí, "đúng luật, minh bạch" là đủ.
2. Ở người cảm tính, trái tim mạnh hơn khối óc, dẫn đến hành xử không theo logic mà theo cảm xúc. Dạng người này thường khó làm quản lý hoặc nên cơ nghiệp. Họ không thể làm việc nhóm và cũng không thể tính toán làm ăn. Họ suy diễn chứ không suy luận. Dù chưa có thông số dữ liệu (facts) nào, họ kết luận luôn theo chủ quan của họ. Người cảm tính luôn khổ đau vì cảm xúc chi phối suy nghĩ. Nếu yêu màu hồng, ghét màu xanh... dẫn tới thấy ai mặc đồ xanh là ghét, thấy ai mặc đồ hồng là yêu. Bán hàng cho họ rất dễ, cứ lấy cảm tình xong là "chị thích em nên em bán gì chị cũng mua, còn thằng kia á, chị ghét nó nên có cho miễn phí chị cũng không lấy". Khi giận lên, họ thậm chí "tao sẵn sàng bán nhà để chơi khô máu, chơi tới cùng với mày". Các nhóm khủng bố cực đoan thường lợi dụng những người này để đánh bom liều chết sau khi tiêm vài mũi doping tinh thần. Mỵ Châu khi chết vẫn tin Trọng Thuỷ và khi chạy giặc, nàng vẫn lén cha bứt và rắc lông ngỗng cho chàng tìm.
Những người cảm tính, nếu họ kết giao với người mưu mô, tâm không sáng thì dễ bị dụ dỗ. Cứ khen, nịnh, chiều chuộng, nhiệt tình giúp đỡ mấy cái lặt vặt, dành thời gian để gây nợ tình cảm, nắm được cái thóp "yêu ghét" này, làm cho cái tôi của họ sướng lên, rồi tha hồ lợi dụng. Đáng buồn là họ không nhận ra, thậm chí cố gắng bảo vệ người họ thích, chỉ đến khi rành rành trước mắt, mất hết lợi ích cá nhân thì họ mới vỡ lẽ. Từ trạng thái yêu, người cảm tính ngay lập tức chuyển qua thành thù hận. Một cụm từ người cảm tính hay dùng là "tao cạch mặt", tức đi kể nỗi niềm với người khác về tính xấu người kia trước khi tuyệt giao. Tuyệt giao nhưng lòng không quên.
Người đã cảm tính, có cái tôi lớn mà còn tiêu cực thì lại phức tạp muôn phần, đặc biệt là người đầu óc nhỏ tuổi bị 3 chứng bệnh này. Họ chỉ thấy "gai" trong bụi hoa hồng, thấy "phần nước chưa đầy" trong ly nước, thấy mặt xấu nhiều hơn mặt tốt nên luôn phàn nàn. Trong một đoàn khách du lịch, thể nào cũng có vài ba người thuộc nhóm này. Họ phàn nàn mọi thứ từ chỗ ăn, chỗ uống, giá tiền, cung cách phục vụ, tài xế, xe cộ, máy bay... và thậm chí còn giật dây cho những khách yếu bóng vía khác để có cùng đồng minh. Ai bản lĩnh lắm mới không bị cuốn theo những suy nghĩ tiêu cực này mà "đứng ra một bên". Cứ có mặt một người tiêu cực và cảm tính trong một tập thể, mọi thứ sẽ bị hỏng, dù là một chuyến đi ngắn hay hùn hạp cổ phần làm ăn. Do không thể ngừng được việc chỉ trích người khác nên họ phá hỏng hết mọi cuộc vui, dù họ nghĩ là "nói để xây dựng", bắt người khác "cầu thị" để làm theo cái tôi của họ.
3. Ngược lại với người cảm tính là người duy lý, sống và hành xử theo logic, theo các sự kiện, quy tắc, quy định. Người lớn tuổi, đàn ông, người phương Tây, người sinh sống ở đô thị lớn nhiều đời, người giàu, nhà khoa học, nhà kinh doanh... thường có lý trí lớn hơn cảm xúc. Họ suy luận chứ không suy diễn. Tức khi đánh giá một người, một sự vật, hiện tượng... họ thu thập dữ kiện rồi suy ra như toán học vậy. Đặc điểm của người vĩ đại, doanh nhân lớn, nhà giàu, nhà khoa học... là họ khách quan đến vô cùng.
Hùn hạp làm ăn, họ quan tâm đến khía cạnh "hiệu quả, cùng nhau làm lớn" hơn là mấy cái râu ria như tính tình hiền hậu, hạp rơ, dễ thương, vui vẻ, đẹp trai đẹp gái. Trong công việc, họ chỉ mổ xẻ "cái gì đúng, cái gì sai, what's right, what's wrong" chứ không phải "ai đúng, ai sai, who's right, who's wrong" nên tranh cãi có dữ dội xong rồi thôi, không để bụng. Họ không công kích cá nhân dựa trên các yếu tố ngoại hình, giới tính, học vấn, tôn giáo, vùng miền, chủng tộc, xuất thân, tiền bạc... Họ luôn tránh những cụm từ đặc sệt cảm tính, đậm chất trẻ thơ như món này ngon, món kia dở; dòng nhạc này văn minh, dòng nhạc kia sến; gu này sang trọng, gu kia quê mùa... vì làm gì có thước đo các tiêu chí cảm tính này. Họ 'enjoy' mỗi phút giây họ sống, mỗi con người họ gặp, mỗi vùng đất họ đi qua để trong đầu họ, bao giờ cũng là kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ về. Nếu bạn nhớ về 1 người, 1 chuyến đi, 1 kỷ niệm, 1 mối quan hệ... mà bạn thấy chán, thì bạn là người tiêu cực mất rồi.
4. Các bạn trẻ thân mến. Mình xuất thân từ văn hoá lúa nước làng xã, nên suy nghĩ và hành xử cảm tính là điều rất dễ hiểu. Nhưng cần phải mở lòng ra học tập trong thời đại toàn cầu. Không phải ghét Khổng Tử mà câu nào của ổng cũng thấy khó chịu. Cũng không vì yêu Jack Ma hay Bill Gates mà cái gì của ổng cũng hay. Không vì ngưỡng mộ Mourinho mà thấy cái áo choàng lông cừu của ổng trên sân Stamford Bridge cũng đẹp, bèn mua một cái bận vô tha thướt chạy xe máy giữa trời nắng nhiệt đới Việt Nam.
Một nhóm người Trung Hoa cổ đại thiển cận đã xem họ là trung tâm tinh hoa, còn xung quanh đều là man di mọi rợ, khiến Lão Tử có lần đã chỉnh đốn, dạy học trò rằng, phàm là người, không được để mình có ý nghĩ xấu xa như vậy. Do học hành chưa tới mới có ý nghĩ đó trong đầu. Nếu mình gọi họ như vậy thì tự khắc mình đã hạ giá trị của mình xuống rất thấp, vì không tự tin nên mới tìm cách hạ bệ cái/người mình không ưa xuống cho thoả cảm giác mình hơn. Khi người ta rơi ngựa hoặc đau khổ, mình vỗ tay mừng là một sự hạ thấp đến cùng cực nhân phẩm của chính mình.
Những tư tưởng nhỏ hẹp này đã đi ngược lại với các giá trị mới của người tiến bộ. Cùng 1 dân tộc, 1 đất nước mà kỳ thị nhau thì quá dở. Cùng 1 châu lục, cùng sinh sống chung trên 1 trái đất mà đi ghét nhau thì lỗi là do não ích kỷ của mình. Có mấy chục năm sống trên đời đâu mà tốn thời gian vô việc ghét ai đó.
5. Ở đâu cũng có xấu tốt. Lý trí là nhận ra mỗi cá nhân xấu tốt thông qua xâu chuỗi các hành động của họ, chứ không liên quan gì đến vùng miền xứ sở hay học vấn, địa vị, ngoại hình. Không phải vì ghét Pháp nên không thèm coi phim Pháp, không thèm học tiếng Pháp, không thèm xài đồ Pháp. Mình cảm tính vậy thì cá nhân mình thiệt thòi thôi. Mình có là ai đâu, 1 cá nhân vô danh trong 7 tỷ người. Chỉ có mình đóng cửa lòng mình. Mà bế quan toả cảng, càng đóng cửa càng thất bại trong mọi thứ. Vì dòng đời nó vẫn trôi, vẫn tươi đẹp ngoài kia bất chấp lòng mình buồn hay vui, yêu hay ghét, cái tôi mình to đùng, nào ai quan tâm. Thậm chí mình có chết thì trái đất vẫn quay, người ta vẫn sống.
Nhạc sĩ Trịnh cũng vài lần thừa nhận cảm xúc tiêu cực, "khép cửa, sống ơ hờ, quỳ mãi bên vết thương lòng". May mà ông nhận ra nên chỉ có đôi lần.
"Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ.
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ.
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia"
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị