Thông minh không sánh được với đức hạnh. Thông minh có thể do thiên phú nhưng đức hạnh lại do tu dưỡng mà thành. Có câu: "Chiến thắng nhỏ dựa vào trí tuệ, thắng lợi lớn dựa vào đức hạnh." Nghĩa là sự khôn khéo và danh tiếng của một người có được trong một thời gian ngắn và cái gọi là thành công dựa vào năng lực và vận may của bạn, nhưng nếu bạn muốn đạt được thành công thực sự và giành được sự tôn trọng của người khác, bạn phải dựa vào đức hạnh.
Chắc các bạn đều biết Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599 – 649), vị Hoàng đế thứ hai của nhà Đường trong lịch sử Trung Hoa. Sinh thời, ông nổi tiếng là một vị minh quân và cũng là người đã mở ra thời kỳ thịnh trị của vương triều này. Thế nhưng để có thể ngồi lên ngai vị Hoàng đế, Lý Thế Dân đã từng phát động "Sự biến Huyền Vũ môn", giết huynh sát đệ, ép cha ruột nhường ngôi. Cho tới ngày nay, đây vẫn là một trong những vết đen khó gột rửa trong cuộc đời của vị Hoàng đế nổi tiếng này.
Lý Thế Dân năm xưa luôn vô cùng nghiêm khắc trong việc nuôi dạy các hoàng tử, đồng thời lại rất cẩn thận trong việc lựa chọn người kế thừa cốt để tránh con cái đi vào vết xe đổ của mình. Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, cơ nghiệp mà ông cả đời gây dựng sau cùng lại truyền cho một người con trai bị cho là không có gì nổi bật. Đó chính là Lý Trị, tức Đường Cao Tông sau này. Vậy lý do nào đã khiến Lý Thế Dân chọn Lý Trị trở thành người kế vị?
Những "gương mặt" sáng giá trong công cuộc tranh quyền đoạt vị thời Lý Thế Dân:
Sinh thời, Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng có tới 14 người con trai. Thế nhưng để bàn tới việc kế vị, "ứng cử viên" cho ngai vàng của ông chỉ có 3 người con trưởng do Hoàng hậu sinh hạ, đó là: Lý Thừa Càn, Lý Thái và Lý Trị.
Theo lẽ thường, Lý Thừa Càn là con trưởng lớn nhất nên sẽ được danh chính ngôn thuận kế thừa ngai vị. Thế nhưng Lý Thế Dân còn sủng ái một người con trai khác cũng thuộc dòng trưởng. Đó là Lý Thái, đây là vị Hoàng tử được cho là sở hữu tính cách vô cùng giống phụ hoàng. Năm xưa, Hoàng đế thường xuyên để Lý Thái tham gia những cuộc luận đàm với bề tôi về quốc gia đại sự. Vì vậy địa vị của người con này cũng tương đối vững vàng trong triều đình.
Nếu so sánh với hai người anh trai cùng mẹ nói trên cũng như những người con của dòng thứ, Lý Trị có thể coi là vô cùng mờ nhạt. Chẳng những chịu thiệt thòi về tuổi tác vì sinh sau đẻ muộn, ông còn bị cho là không sở hữu tài năng xuất chúng, cũng không được vua cha quá mức sủng ái. Thế nhưng, ngôi vị vua cha truyền lại không ai khác là Lý Trị.
Lý Thế Dân trên màn ảnh (ảnh minh hoạ)
Vậy nguyên nhân nào khiến Lý Thế Dân lựa chọn truyền ngôi cho Lý Trị?
Năm xưa để có được ngai vàng, Lý Thế Dân đã từng giết chết hai người anh em ruột thịt và ép cha ruột nhường ngôi cho mình. Vì áy náy nên vị Hoàng đế ấy chưa bao giờ mong muốn các con đi vào vết xe đổ của mình. Cũng bởi vậy mà kể từ sau khi phong con trưởng Lý Thừa Càn làm Thái tử, ông ra sức trợ giúp, từ từ giao lại việc triều chính cho người con này. Thế nhưng vì Lý Thái cũng có địa vị trong triều, lại được vua cha yêu thương, Thái tử lo sợ rằng người em trai ấy sẽ nối gót cha mà phát động chính biến, đoạt đi ngai vị của mình. Vì vậy, Lý Thừa Càn đã âm thầm lên kế hoạch soán ngôi, mục tiêu là trước đem ngai vàng đoạt về tay mình, sau đó mới trừ khử đối thủ. Điểm đáng nói nằm ở chỗ, âm mưu ấy không có cơ hội trở thành hiện thực. Vua cha sau khi biết được ông mưu đồ soán ngôi đoạt vị liền thẳng tay phế đi ngai vị Thái tử.
Thái tử đã bị phế, Lý Thái cho rằng ngai vị chắc chắn sẽ về tay mình, liền càng lúc càng trở nên ngông cuồng, mở yến tiệc tại tư gia thết đãi trọng thần, thậm chí còn khoác lác rằng mình chắc chắn sẽ lên làm Hoàng đế. Mặc dù người con này sở hữu tính cách vô cùng giống cha, nhưng Lý Thế Dân lại hết sức bài xích sự ngông cuồng, tự đại đó. Bởi vậy, ông quyết định thu lại Vương tước của Lý Thái, đồng thời cũng gạt vị Hoàng tử này khỏi danh sách ứng cử viên thừa kế ngai vàng.
Trải qua một loạt các biến cố nói trên, Hoàng tử thuộc dòng trưởng của Lý Thế Dân lúc đó chỉ còn lại duy nhất một người. Đó không ai khác ngoài Lý Trị. Về phần Lý Trị, mặc dù không quá nổi bật, thế nhưng ông lại sở hữu một ưu điểm mà vua cha luôn tìm kiếm – không bị mờ mắt vì tranh đoạt quyền lợi. Đó là chưa kể Lý Trị lúc sinh thời sở hữu phong thái trầm ổn, lại biết cách đối nhân xử thế.
Cũng bởi vậy nên ông dần được vua cha coi trọng, sau cùng được chọn làm người kế thừa ngai vàng, danh chính ngôn thuận tiếp quản giang sơn nhà Đại Đường, trở thành Đường Cao Tông sau này.
Có câu nói: "Thông minh không bằng có đức hạnh." Người sắc sảo luôn cho rằng mình thông minh nhưng lại hay bị lầm tưởng là người thông minh vì trong lòng không có đức, dù có được công danh nhất thời cũng khó được hưởng cả đời. Đối xử tốt với người khác là tài sản lớn nhất để một người có thể bước đi trên đường đời.
Bạn có thể đánh mất tất cả nhưng không được đánh mất lương tâm, đừng tưởng rằng việc xấu xa mình làm là khôn khéo và "thần không biết, quỷ không hay". Có câu: Muốn người khác không biết tốt nhất là đừng làm. Bạn có thể thoát khỏi những bản án của cuộc đời nhưng không thoát khỏi bản án trong lương tâm đâu.
Biển không rộng bằng lòng người, đất không dày bằng đức hạnh. Lương tâm là nền tảng vững chãi nhất của đời người, người mất lương tâm thì khác gì kẻ chết đi một nửa.
Trước đây từng có một "Cửa hàng bánh hấp tình yêu" nổi tiếng ở Hàng Châu. Cô chủ quán tốt bụng thấy nhiều công nhân vệ sinh và những người vô gia cư nghèo khổ đi sớm về muộn không kịp ăn một miếng cơm nóng nên cô đã quyết định hấp bánh miễn phí. Cô bắt đầu dậy nhào bột lúc 3 giờ sáng, bận rộn đến 8 giờ tối mới nghỉ ngơi. Mặc dù công việc rất vất vả nhưng cô cảm thấy vui khi nhìn thấy những người hay ăn không đúng giờ xếp hàng để lấy bánh hấp, khiến cô cảm thấy hài lòng.
Nhưng điều cô không ngờ là không bao lâu, lại có thêm nhiều yêu cầu vô lý từ những người nhận bánh hấp miễn phí: "Tôi không nhận bánh hấp nữa. Vui lòng đưa tiền cho tôi!" Sau khi biết rằng không thể lấy tiền, một số người thậm chí còn bức xúc:
"Mỗi ngày đều cho chúng tôi ăn loại này, cô chỉ coi thường người nghèo, cô thật quá ác độc!", "Cô ấy chỉ muốn nổi tiếng!" Cô chủ quán buồn bã và miễn cưỡng đóng cửa quán.
Tiêu xài lòng tốt của người khác một cách không cần thiết, sau khi thỏa mãn nhu cầu của bản thân, họ lại cắn ngược người có ơn với mình. Người như vậy không những không hiểu lòng biết ơn mà còn đánh mất lương tâm và tư cách làm người.
Lương tâm được ví như nền móng của ngôi nhà, không có nó thì nhà cao tầng sẽ sụp đổ. Đức hạnh như là cái gốc nâng đỡ cây cối, không có sự nuôi dưỡng của nó, dù cây cao chót vót cũng sẽ trở nên héo khô và chết dần chết mòn.
Một người tài đức vẹn toàn, cho dù số phận có dẫn đường cho anh ta vào bóng tối, thì những đức tính tốt đẹp mà anh ta tích lũy được trong ngày thường sẽ như một lá bùa hộ mệnh giúp anh ta thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Có một câu chuyện như sau:
Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, vua nước Tần là Tần Mục Công đi săn núi Lương Sơn, đêm mất mấy con ngựa. Tần Mục Công sai người đi tìm, thấy một bọn hơn 300 người mình mặc áo rách, chân đi dép cỏ đang cùng nhau ăn thịt ngựa. Quân sĩ về báo, xin đem người vây bắt. Tần Mục Công than rằng: Ngựa đã chết rồi mà nay lại giết người nữa thì dân trong nước sẽ bảo ta quý ngựa hơn người. Nói xong lại truyền đem mấy chục hũ rượu đến cho bọn ăn thịt ngựa mà bảo rằng: "Chúa công tôi thấy các ngươi ăn thịt ngựa mà không uống rượu như thế dễ sinh bệnh, vậy sai tôi đem rượu tới để ban cho các người".
Bọn trộm ngựa chia nhau uống rượu rồi bảo nhau rằng: "Chúng ta ăn trộm ngựa, chúa công đã không bắt tội thì thôi, lại lo chúng ta mắc bệnh mà đem cho rượu ngon đến. Bao giờ chúng ta mới đền được cái ơn này đây?"
Trong một trận kịch chiến, Tần Mục Công bị quân của Tấn Huệ Công vây chặt, sắp bị bắt. Bỗng đâu có mấy trăm tráng sĩ dùng cung tên, dao nhọn xông vào đánh tan quân Tấn, cứu được Tần Mục Công. Hỏi ra mới biết họ chính là những người mặc áo rách, chân đi dép cỏ ăn trộm ngựa năm xưa.
Thời Chiến Quốc, nước Tề có Mạnh Thường Quân nuôi kẻ sĩ đến 3000 người, phần lớn được đãi là thượng khách. Một hôm có người mặc áo rách, đi dép cỏ tên là Phùng Hoan xin yết kiến, Mạnh Thường Quân cho vào hạng hạ khách.
Do bổng lộc ở đất phong là ấp Tiết không đủ cung phụng cho tân khách, Mạnh Thường Quân đành đem tiền cho dân ở đó vay, lấy số lãi thêm vào việc chi tiêu. Một năm, khi lương trong kho đã cạn, mà dân gian rất nhiều người không trả nợ, Mạnh Thường Quân bảo Phùng Hoan đi đòi. Ông này đến ấp Tiết, đem hết giấy nợ của người nghèo đốt đi. Trăm họ không biết đó là chủ ý của riêng Phùng Hoan, cứ dập đầu ca tụng ơn đức của Mạnh Thường Quân. Dù giận Phùng Hoan lắm, nhưng giấy nợ bị đốt cả rồi, Mạnh Thường Quân đành cho qua việc ấy.
Được người dân ca tụng, danh tiếng của Mạnh Thường Quân vang thiên hạ, chốn quan trường nào tránh khỏi gièm pha. Vua Tề nghe lời tiểu nhân, thu ấn tín của Mạnh Thường Quân. Tân khách thấy ông bị bãi chức, dần dần bỏ đi. Chỉ còn Phùng Hoan vẫn ở bên cạnh, cầm cương xe ngựa cho Mạnh Thường Quân trở về ấp Tiết. Trăm họ già trẻ dắt díu nhau đi đón, tranh nhau dâng cơm rượu. Sau nhờ mưu kế của Phùng Hoan, Mạnh Thường Quân được phục chức tướng quốc. Những tân khách bỏ đi khi ông bị bãi chức, lúc ấy lại quay về cả.
Theo Đông chu liệt quốc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1988)
Thay vì bất bình và hình thành thù hận, tốt hơn hết bạn nên tử tế và thông cảm hơn với người khác. Bạn phải tin rằng những mất mát tạm thời và những giọt nước mắt bạn rơi sẽ ngày càng trở thành những phước lành tốt đẹp hơn trong cuộc sống của bạn.
Hàn Tín (229 – 196 TCN) là người Hoài Âm, tỉnh Giang Tô. Ông là một danh tướng dũng mãnh, thiên hạ vô địch, được vua Hán Cao Tổ ca ngợi là: "Nắm trong tay trăm vạn quân, đã đánh là thắng, ta thật không bằng Hoài Âm Hầu". Thời Hán Sở tranh hùng, ông là 1 trong "tam kiệt nhà Hán" có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm. Nhưng thuở chưa thành danh, vì gia cảnh bần cùng mà ông phải chịu biết bao sự khinh rẻ của mọi người.
Một lần ông đến bên bờ sông câu cá gặp một bà lão giặt quần áo. Bà lão biết tình cảnh khó khăn của Hàn Tín nên rất đồng cảm với Hàn Tín. Bà lão thường xuyên chia sẻ đồ ăn của mình cho Hàn Tín. Hán Tín cảm kích trong lòng nên đã thề rằng sau này nhất định sẽ báo đáp ân huệ của bà lão.
Về sau, Hàn Tín "mặc áo gấm" trở về quê hương, đã tặng cho bà lão nhiều vàng bạc để tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ của bà lão khi xưa. Câu nói "Nhất phạn thiên kim" (Tạm dịch: Bát cơm ngàn vàng) cũng từ đây mà ra. Ý nói rằng, nhận của người một chút ân huệ dù ít ỏi giống như "dòng nước chảy nhỏ giọt", nhưng báo đáp người lại tràn đầy giống như "dòng suối chảy tuôn trào".
Chỉ cần một người luôn giữ cho mình trái tim trong sáng, trong sáng, luôn đối xử tử tế với người khác thì con đường phía trước dù có gập ghềnh cũng sẽ tươi sáng. Thế gian khó lường, chỉ có phúc đức mới có thể tồn tại suốt đời và chỉ có phúc đức mới có thể hưởng phước lớn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị