Tư duy hiệu ứng gió Nam
Đặc điểm: Làm việc chú ý cách thức và phương pháp, nâng cao EQ nhằm giúp giải quyết vấn đề được tốt hơn.
Nhà văn người Pháp La Fontaine đã viết một câu chuyện ngụ ngôn: Gió Bắc và gió Nam thi thố tranh đua xem ai mạnh hơn, xem ai có thể thổi bay áo khoác của người đi đường. Gió Bắc thổi trước, cậu ta tạo một cơn gió lớn, nhưng người ta lại quấn chặt áo hơn vào người để khỏi lạnh.
Ngược lại, gió Nam chỉ nhẹ nhàng thổi qua, nắng yên gió lặn, khiến người đi đường càng ngày càng nóng, cuối cùng đành cởi áo khoác ra.
Kết quả đã rõ, gió Nam chiến thắng. Sau đó, câu chuyện nhỏ này đã trở thành một khái niệm trong tâm lý học, được gọi là "hiệu ứng gió Nam".
Tục ngữ có câu: "Lời thiện chỉ một câu cũng đủ làm đông ấm, lời ác hại người rét cả hè."
Khi giao tiếp với người khác, không phải cứ nói nhiều, giành thắng lợi là hay. Nếu EQ quá thấp rất dễ khiến người khác tổn thương mà bản thân lại không hề nhận ra.
Hãy xem một câu chuyện khác: Búa và chìa khóa đang cố gắng tìm cách mở một ổ khóa. Búa đập rất lâu vẫn không phá được, nên bực bội nói: "Cái khóa này hỏng rồi, không mở được đâu."
Nhưng không ngờ đến lượt chìa khóa, nó chỉ mới tra chìa vào ổ, xoay vài vòng, ổ khóa đã được mở ra dễ dàng.
Bất kể chúng ta làm việc gì cũng vậy, phải có phương pháp đúng đắn. Không phải cứ thấy bản thân có sức mạnh liền uy hiếp người khác. Mưu trí là điều cần thiết để bất khả chiến bại.
Hãy học cách kiểm soát cảm xúc để mọi mối quan hệ được hòa giải trong yên bình...
Tư duy hiệu ứng thùng gỗ
Đặc điểm: Có khả năng tự nhận thức mạnh, học hỏi được điểm mạnh của nhau
Một thùng gỗ có thể chứa được bao nhiêu nước thường không phụ thuộc vào tấm gỗ cao nhất trên thành thùng, mà là tấm gỗ ngắn nhất.
Nếu một thùng gỗ muốn chứa đầy nước thì mỗi tấm gỗ phải có độ cao ngang nhau và không bị hư hại. Nếu một trong những tấm gỗ cấu thành thùng gỗ không bằng nhau, hoặc giả có một lỗ thủng trên tấm gỗ, như vậy nhất định thùng này không thể chứa đầy nước được. Đây chính là "hiệu ứng thùng gỗ".
Con người cũng giống như vậy, nhiều người luôn tự tin mình giỏi. Nhưng bạn muốn giỏi, bản thân trước tiên phải là những "tấm ván gỗ" có chiều cao ngang bằng người khác.
Nên hiểu rõ bản thân là tấm ván dài hay ngắn. Nói cách khác, nếu bạn không hiểu rõ bản thân có tiềm năng gì, thế mạnh và điểm yếu là gì... thì bạn rất khó để tìm ra một hướng đi đúng cho chính mình.
Muốn biết được sở trường và sở đoản của bản thân, điều quan trọng nhất là phải tự nhận thức được bản thân muốn gì, hiểu rõ chính mình! Bước tiếp theo đương nhiên là học hỏi điểm mạnh từ người khác để hoàn thiện bản thân, dùng ưu điểm bản thân để bù đắp khuyết điểm.
Người thực sự thông minh sẽ không bao giờ tự ti về khuyết điểm của mình, họ hiểu rõ "nhân vô thập toàn". Chính vì vậy, họ sẽ cố gắng mượn ngoại lực, dành nhiều tâm sức hơn cho việc mình giỏi để bù đắp vào nhược điểm còn thiếu.
Tư duy hiệu ứng đèn giao thông
Đặc điểm: Chấp nhận và học hỏi
Đèn xanh thì chạy, đèn đỏ thì dừng, đây là lẽ thường tình. Thế nên, cái gọi là "hiệu ứng đèn giao thông", thực chất chính là muốn bạn dám đối mặt và chấp nhận những người không tốt, những sự việc không may với một thái độ cởi mở.
Ví dụ: Khi ai đó đề cập đến một ngành công nghiệp mới nổi. Dù không hiểu, bạn vẫn có thể lắng nghe những gì đối phương nghĩ, đừng vội phủ nhận hay bác bỏ nó.
Từ chối những điều mới mẻ, chỉ cố chấp tin tưởng những gì đã tiếp xúc, không thể chấp nhận những điều khác biệt và đa dạng là một suy nghĩ cổ hủ, dễ khiến bạn bị xã hội đào thải.
Đây là một khuôn mẫu hẹp hòi khiến bao người phải thất bại vì điểm này. Đặc biệt là trong thời đại phát triển ngày nay, sự ngoan cố giống như một liều thuốc khiến người ta "tự sát mãn tính".
Hãy luôn duy trì sự tò mò và khao khát về kiến thức mới. Một người có thể làm được điều này sẽ không dễ dàng bị rơi vào vòng bận rộn mù quáng.
Đôi khi trong cuộc sống, bạn cần phải nhìn đủ mọi hướng, lắng nghe và thấu hiểu, để bước đi được nhẹ nhàng và ít tốn sức lực hơn.
Tư duy hiệu ứng kẹo
Đặc điểm: Học được cách tự kiểm soát, dễ hài lòng với những gì đang có.
Một nhà tâm lý học từng làm bài kiểm tra trên một nhóm trẻ 4 tuổi: Anh ấy nói với những đứa trẻ rằng, trên bàn mỗi người sẽ có 2 cái kẹo. Nếu có thể kiên trì 20 phút không ăn nó, đợi anh ấy mua đồ về xong, 2 viên kẹo này sẽ thuộc về từng người trong bọn trẻ. Nhưng nếu bọn nhỏ không đợi được lâu như thế, vậy mỗi người chỉ có thể lấy được 1 viên kẹo mà thôi.
Đối với những đứa trẻ 4 tuổi mà nói, việc lựa chọn thực sự rất khó khăn. Bọn nhỏ muốn có cả 2 viên kẹo, nhưng lại không muốn đợi 20 phút.
Kết quả của thí nghiệm: Có 2/3 số trẻ chọn cách chờ đợi. Để vượt qua 20 phút này, bọn trẻ nhìn, sờ vào viên kẹo, hoặc đi chơi, lăn ra ngủ để quên nó trong giây lát.
1/3 số trẻ còn lại chọn cách không chờ đợi. Sau khi người đặt ra thí nghiệm rời đi, chúng ngay lập tức lấy một viên kẹo trên bàn và ăn nó.
Sau 12 năm theo dõi, người ta phát hiện ra những đứa trẻ "chịu khó" chờ đợi 20 phút có khả năng tự chủ rất mạnh mẽ. Chúng đối phó với vấn đề bằng tinh thần dũng cảm, dám chấp nhận thử thách. Còn những đứa trẻ chọn 1 viên kẹo lại hay do dự, làm việc gì cũng dễ chán nản, không chịu được thất bại.
Sau đó, khi những đứa trẻ đã lớn, thí nghiệm cũng thu về kết quả khả quan, những đứa trẻ kiên nhẫn chờ đợi ngày xưa sẽ dễ thành công hơn trong sự nghiệp.
Khả năng kiểm soát bản thân càng tốt, càng dễ thành công. Nhiều người gọi nó là quá trình "kỷ luật bản thân".
Những người có thể tự mình chống lại sự cám dỗ, không bốc đồng, không tìm cớ trì hoãn và thỏa mãn ham muốn nhất thời, chính là những người có sức sống mạnh mẽ nhất.
Thiếu tinh thần kỷ luật tự giác, chính là thứ đang hủy hoại cuộc sống của nhiều người.
Tư duy hiệu ứng bánh xe
Đặc điểm: Nỗ lực và kiên trì
Muốn một bánh xe đứng yên di chuyển, ban đầu chắc chắn phải dùng rất nhiều sức lực, đẩy từng vòng, và vòng quay nào cũng rất tốn sức.
Tuy nhiên, công sức của mỗi vòng lăn sẽ không hề bị lãng phí. Vì bánh xe càng quay sẽ càng nhanh. Và cuối cùng, bạn không cần phải đẩy nó nữa, nó cũng có thể chạy nhanh về phía trước. Đây chính là "hiệu ứng bánh xe".
Trên thực tế, loại sự thật này rất phổ biến trong cuộc sống của chúng ta, và nhiều thứ đều tuân theo quy luật vận hành này. Ví dụ: Khi bạn bước vào một lĩnh vực mới, hoặc một công ty mới, thời gian đầu nhất định sẽ rất khó khăn, bạn sẽ đi rất chậm, nhiều vấn đề không tự giải quyết được.
Nhưng nếu bạn có thể kiên trì vượt qua, con đường phía sau sẽ đi được nhanh hơn. Như câu nói: "Vạn sự khởi đầu nan."
Đây là sức mạnh của "hiệu ứng bánh xe", cũng là sức mạnh của sự bền bỉ và chăm chỉ.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị