1. Muốn kẻ khác nghe, phải biết cách nói - Muốn người khác hiểu, phải biết nói đúng cảm xúc
Trong cuộc sống, cũng như trong công việc, giao tiếp là một trong những kỹ năng mà bất kỳ ai cũng cần học hỏi và trau dồi. Dù bạn có giỏi giang đến đâu, nhưng đôi khi chỉ cần mất kiểm soát trong lời nói, không điều khiển được cảm xúc sẽ là hòn đá ngáng chân con đường phát triển của bạn.
Kiểm soát cảm xúc trong lời nói không có nghĩa là bạn loại bỏ đi cảm xúc của bản thân mà là khả năng làm chủ cảm xúc và mức độ trong giao tiếp. Điều này chỉ thể hiện trong ngôn ngữ bạn nói ra mà còn qua cách diễn đạt. Biểu hiện được đúng tầm quan trọng của vấn đề được nói tới đó là cả một quá trình học hỏi và lắng nghe.
Việc cân bằng cảm xúc và điều tiết khả năng nói luôn khiến chúng ta giữ gìn và phát triển các mối quan hệ trong xã hội, đặc biệt là trong công việc. Việc chúng ta biết các nói chuyện, giao tiếp tạo nên thương hiệu cá nhân của mỗi người trong môi trường công sở. Cách nói sao để khẳng định được bản thân cũng như tránh những hiểu lầm không đáng có với mọi người phục thuộc nhiều vào khả năng điều tiết cảm xúc của chúng ta.
2. Những cơ hội mất đi khi chúng ta không kiểm soát cảm xúc từ lời nói
Hôm trước, đi cafe với một người bạn kể về chuyện muốn nghỉ làm. Tôi mới hỏi lý do tại sao vì tôi biết chỗ làm làm của cô ấy vốn trước nay có mức lương tốt cũng như nhiều cơ hội phát triển, hiện giờ mà bạn tôi nghỉ làm có vẻ phí phạm. Hỏi ra nguyên nhân thì tất cả tựu lại về vấn đề người sếp trực tiếp của cô ấy. Mỗi khi mắc một lỗi, dù nhỏ dù lớn thì người sếp này đều nói khá to, và khá suồng sã trong ngôn ngữ thể hiện khiến cho bạn nhân viên cảm thấy nặng nề. Câu chuyện đi xa hơn khi ngay cả những phòng ban khác cũng thiếu hợp tác với người sếp này và cũng đã có phản hồi trực tiếp lên CEO. Câu chuyện được nhắc tới ngay ở trong những nhóm lãnh đạo của công ty.
Với nhân viên, vì tính cách cũng khá thẳng thắn, có thể người sếp ấy đã nói chuyện và góp ý trực tiếp. Dẫu biết rằng, đó là tính cách của sếp và người sếp không hề có ý gì xấu cả nhưng tựu trung lại vẫn là cảm xúc không thoải mái và lâu dần tích tụ dẫn đến quyết định nghỉ việc, những khoảng cách vô hình trong mối quan hệ khiến ta âm thầm tạo ra những rào cản trong công việc, trong bước đường thăng tiến.
Nghe được câu chuyện, tôi cũng chỉ biết cảm thán thở dài, vì trong cuộc sống công sở thành thực 10 người thì đến 8, 9 người hay vô tình làm tổn thương người khác vì những lời vô tư của mình. Rất nhiều người coi đó là tính cách riêng, vốn chẳng phương hại đến ai hoặc mình căng thẳng hơn một chút đó cũng là vì công việc. Nhưng thật sự, có những điều ta vốn cảm thấy nó bình thường hóa với cá nhân ta nhưng lại để lại sự lấn cấn, bào mòn sự thân thiết, tin tưởng của những người đồng nghiệp.
Nói như vậy cũng không có nghĩa chúng ta luôn luôn phải chiều lòng tất cả mọi người. Ranh giới của việc chúng ta điều tiết lời nói phù hợp và sự xu nịnh, thảo mai nó cũng vô cùng mong manh.
Ở một thái cực khác, khi mà chúng ta luôn chọn cách nói hài hòa, trung tính với tất cả mọi người, việc trở nên mờ nhạt trong đám đông thật khó tránh khỏi. Sẽ chẳng có vị sếp nào ấn tượng về một nhân viên luôn đưa những nhận định như “hoa hậu thân thiện” trong mọi vấn đề. Hãy biết cách tạo ấn tượng nổi bật bản thân với những ý kiến đa chiều, sắc sảo.
Điều quan trọng trong giao tiếp là ta luôn cần chọn ngôn ngữ phù hợp, điều phối đủ cảm xúc trong lời nói. Đó mới là phẩm chất cần có của nhà quản lí. Biết cách nói để người khác nghe, biết cách nói để người khác hiểu, và biết cách nói để người khắc phục.
3. Điều tiết cảm xúc trong lời nói - Điều một lãnh đạo cần học
Càng bước lên các vị trí lãnh đạo cao cấp bạn càng cần tiếp xúc với nhiều người và có càng nhiều mối quan hệ. Và đừng quên khi đó bạn càng cần cẩn trọng trong giao tiếp, đặc biệt là điều tiết cảm xúc trong lời nói. Giao tiếp phù hợp với từng hoàn cảnh không phải tự nhiên mà đó là cả một quá trình lắng nghe, tư duy và truyền đạt.
Đầu tiên, hãy học cách lắng nghe mọi người, lắng nghe để biết người khác muốn gì, người khác mong mỏi gì ở chúng ta? Đồng thời, lắng nghe khiến người giao tiếp cùng chúng ta có cảm giác được tôn trọng, được tin tưởng. Lắng nghe để hiểu được sự truyền đạt từ phía đối phương, hiểu được đối phương mong muốn điều gì từ chúng ta. Trong mọi cuộc trao đổi và giao tiếp, lắng nghe giúp bạn giữ được sự bình tĩnh nhất định, kiềm lại để xử lí thấu đáo mọi chuyện.
Tiếp theo đó, hãy biết tư duy trước mọi phát ngôn: Câu nói “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” là cầu thần chú không bao giờ thừa với những người mau mồm mau miệng. Đừng bao giờ để bản thân bị "hớ" vì những phát ngôn vạ miệng mà ra. Dừng một chút, chậm một chút, biết tư duy trong câu nói và phát ngôn giúp bạn đưa ra quyết định chính xác hơn cho bản thân.
Cuối cùng, hãy biết cách truyền đạt cảm xúc và lời nói mình mong muốn tới người nghe. Hãy chọn cho mình những cách truyền đạt chính xác. Đôi khi, im lặng là cách truyền đạt tốt nhất cho một số hoàn cảnh. Mặt khác, ta cũng cần cứng rắn hay mềm mại tùy theo diễn biến câu chuyện hay tình huống giao tiếp ta gặp phải.
Hãy luôn luôn nhớ rằng, mỗi câu nói, mỗi câu từ bạn nói ra chính là đại diện thương hiệu của chính bạn. Diễn ta cảm xúc bản thân qua lời nói như nào để nâng tầm bản thân trong mắt những người khác cũng là cách để bạn tạo con đường thăng tiến cho mình trong tương lai.
Theo Trí Thức Trẻ