Khủng hoảng tinh thần mùa dịch: Không chỉ có những con số, mà còn rất nhiều nỗi buồn và áp lực

01/08/2021 08:00
Khủng hoảng tinh thần mùa dịch: Không chỉ có những con số, mà còn rất nhiều nỗi buồn và áp lực

Sức khỏe tinh thần trong mùa dịch là điều nhiều người đang bỏ quên, hoặc không dám thừa nhận hay lên tiếng khi bên ngoài vẫn còn nhiều những định kiến.

Có lẽ rất khó để thống kê có bao nhiêu người trải qua những cung bậc cảm xúc buồn vui lẫn lộn, rơi vào những trạng thái tâm lý phức tạp trong mùa dịch . Chúng ta ngại chia sẻ những câu chuyện như vậy trên mạng xã hội vì sợ người ngoài nhìn vào sẽ đánh giá: "Mùa dịch người ta đang chết vì đói, chết vì không có việc kia kìa, làm gì có ai chết vì buồn".

"Chết vì buồn" - khi không gọi được tên đúng của nó ra, người ta vo nó vào thành hết nỗi buồn.

Tôi nhớ một đêm cách đây vài tuần, nhìn đồng hồ đã là 3:00 sáng. Tôi tỉnh như sáo, nghe rõ cả tiếng kim đồng hồ kêu, tiếng rèm cửa rung bần bật vì gió quạt. Nằm trong không gian tối một mình, suy nghĩ về cái chết đột ngột xâm chiếm tâm trí. Tôi bị panic attack (đột ngột lên cơn sợ hãi) lần đầu tiên trong đời khi nghĩ tới cái chết. Triệu chứng đầu tiên là khó thở, hoảng loạn, ra mồ hôi dù phòng mở điều hòa, cộng thêm kích thích từ cốc cà phê uống lúc tối khiến tôi run rẩy. Cuối cùng, tôi phải ngồi dậy, hít lấy hít để, hơi thở dồn dập trong căn phòng ngột ngạt.

Ngày hôm sau, tôi có chia sẻ câu chuyện trên Facebook cá nhân. Ngạc nhiên, có vài người bạn cũng nói rằng họ trải qua những tình huống tương tự. Khó thở, lo lắng, toát mồ hôi, run rẩy... những triệu chứng như vậy không hiếm. Điều khác nhau là cách mọi người đối mặt với panic attack. Một người bạn trong bình luận nói rằng cậu phải nghe nhạc thiền để ổn định tâm trí rồi mới có thể quay trở lại với giấc ngủ. Những lúc đó, tôi mới thấy các kiến thức cơ bản về xử lý khủng hoảng tinh thần quan trọng như thế nào khi bạn không có ai ở bên cạnh.

Và trong mùa dịch này, nhiều người chúng ta không có ai ở bên cạnh.

Khủng hoảng tinh thần mùa dịch: Không chỉ có những con số, mà còn là rất nhiều nỗi buồn và áp lực - Ảnh 1.

Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở các nước châu Âu hay Mỹ, ngày nào New York Times cũng có những bài viết về cách sống lành mạnh, cách ổn định tâm lý, cách để giảm bớt căng thẳng trong mùa dịch. Tôi thấy những câu chuyện đó xa lạ với mình; xa lạ như việc có vài nghìn ca bệnh tăng mỗi ngày tại một đất nước nào đó hay chính quyền phong tỏa thành phố nào đó cả tháng trời. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi tin tức về dịch bệnh tại Việt Nam mỗi ngày thêm căng thẳng, dồn dập, tôi chờ mong những tin tức, câu chuyện như vậy. Những giải pháp tinh thần không phức tạp, đôi khi đơn giản mà ai cũng biết như trò chuyện với bạn bè, nghe nhạc, tập thể dục,... nhưng chúng ta vẫn muốn đọc lại để xoa dịu tinh thần, để biết rằng mình vẫn có những điểm tựa giúp vượt qua mùa dịch một cách khỏe mạnh.

Sức khỏe tinh thần trong mùa dịch là điều nhiều người đang bỏ quên, hoặc không dám thừa nhận hay lên tiếng khi bên ngoài vẫn còn nhiều những định kiến. Ở nước ngoài, rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch bệnh tới đời sống tinh thần cộng đồng đã được tiến hành, tuy kết quả không tích cực nhưng cũng là điều mọi người cần biết để nhận diện vấn đề của bản thân và chấp nhận rằng, trải qua những cảm xúc tiêu cực trong mùa dịch không phải chuyện của riêng ai. Tại Nhật Bản, tỷ lệ tự tử tăng cao hơn ở nữ giới trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh. Cứ 4/10 người trưởng thành tại Mỹ cho biết họ trải qua những trạng thái căng thẳng, lo lắng trong mùa dịch, tăng cao so với con số 1/10 người Mỹ được khảo sát vào năm 2019, theo báo cáo của tổ chức Kaiser Family Foundation.

Những vấn đề mùa dịch như một bàn cờ domino, đổ một quân là xô theo cả chuỗi dài. Dịch bệnh khiến mọi người mất việc, thất nghiệp khiến chúng ta sợ hãi, lo lắng. Dịch bệnh khiến mọi người phải ở trong nhà, ngột ngạt và tù túng. Dịch bệnh khiến những kết nối con người phần nào đứt gãy; chúng ta là những con người xã hội và gần như không thể sống một mình. Dịch bệnh khiến việc tiếp cận những giúp đỡ trở nên khó khăn hơn. Làm việc ở nhà có thể khiến nhiều người tập trung hơn nhưng cũng đẩy nhiều người vào tình trạng quá tải. Đương đầu với một vài điều đơn lẻ có thể dễ dàng nhưng khi tất cả kết hợp lại, chúng ta cảm thấy choáng ngợp.

Khủng hoảng tinh thần mùa dịch: Không chỉ có những con số, mà còn là rất nhiều nỗi buồn và áp lực - Ảnh 2.

Nhiều người bạn của tôi rơi vào trạng thái có tên cabin fever (nỗi sợ, căng thẳng khi bị kẹt ở một nơi nào đó quá lâu). Linh là một trong số đó. "Mắc kẹt" trong chính căn hộ của mình ở Sài Gòn, cuộc sống của Linh cứ tuần tự diễn ra từ giường ra bàn làm việc, từ bàn làm việc đến bếp ăn rồi lại quay ra giường nằm. Không phải ai cũng có điều kiện sở hữu một căn nhà đầy đủ tiện nghi, chia phòng ngăn nắp. Những nhân viên văn phòng như bạn tôi, từ một tỉnh khác đến Sài Gòn làm việc, chỉ có thể trang trải cho một căn phòng bình thường cũng đã ngốn kha khá tiền lương. Làm việc ở nhà đồng nghĩa với việc ranh giới giữa giờ làm việc và giờ nghỉ ngơi bị xóa mờ. Ngồi bên bàn máy tính cả ngày, có những lúc Linh không biết là ngày hay đêm, chỉ biết lúc nào cảm thấy đói, lúc nào muốn đi vệ sinh hay lúc nào thấy mệt không chịu được.

"Tao thấy không ổn, tao mệt quá", có một tối khuya Linh nhắn tin cho tôi. Cô bạn nói như vỡ òa trong điện thoại. Vài ngày đầu tiên ở nhà, mọi chuyện vẫn ổn. Khi việc đi chợ trở nên khó khăn hơn với thông tin nhiều, Linh bắt đầu không chú tâm tới ăn uống, mua được gì ăn nấy vì ở một mình. Dần dần, những nỗi lo khiến Linh "no bụng", chẳng còn tâm trí muốn ăn uống gì. Chứng chán ăn cũng xuất hiện cùng nỗi chán chường, căng thẳng tâm lý.

Tình trạng burnout (kiệt quệ) và sự căng thẳng khi ở trong một không gian quá lâu khiến nỗi sợ dịch bệnh, những lo lắng thường trực leo thang nhanh hơn. Linh kể có những lúc đã tắt mic và hét lên vì không chịu nổi áp lực của các cuộc họp triền miên, điều mà bình thường cô không thấy vấn đề gì khi còn đi làm. Trong căn phòng chật hẹp, cô không thể làm gì khác để giải tỏa ngoài việc nằm dài trên giường và khóc lóc. Những lúc như vậy, điều họ cần là một người ở bên; sự kết nối online đôi khi chỉ khiến họ thấy bất lực vì không cảm thấy được kết nối con người. Nhưng đó là lựa chọn duy nhất vào thời điểm này.

Khủng hoảng tinh thần mùa dịch: Không chỉ có những con số, mà còn là rất nhiều nỗi buồn và áp lực - Ảnh 3.

Tôi hay cô bạn mình vẫn còn may mắn khi có thể giải quyết được vấn đề của mình, chia sẻ được với người khác hay lên tiếng để tìm sự trợ giúp. Nhiều người không biết vấn đề của mình là gì, không biết có thể chia sẻ với ai hay nói ra vấn đề như thế nào. Không ít người phải ngừng điều trị tư vấn tâm lý khi các thành phố lớn phong tỏa, không ít người gặp hạn chế trong việc tiếp cận thuốc điều trị bệnh. Nhiều người loay hoay với câu hỏi về hiện tại và tương lai khi thất nghiệp, kẹt ở trong nhà cả ngày và nhìn đâu cũng không thấy lối ra. Báo chí có thể cập nhật về số ca lây nhiễm Covid, số người tử vong, số lượng công nhân bị mất việc hay số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không thể cho chúng ta biết chính xác số người đang phải vật lộn với những vấn đề tâm lý.

Họ ở khắp mọi nơi khi giờ đây dịch Covid không chỉ là cuộc chiến tại những thành phố lớn mà đã lan ra rất nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Đại dịch ảnh hưởng mỗi người theo những cách khác nhau; có người đi qua mùa dịch chật vật vì những đau đớn thể chất và kinh tế, có người kiệt quệ vì những nỗi khổ tinh thần. Điều chúng ta có thể làm là lắng nghe những chia sẻ của mọi người, thực sự thấu hiểu và đồng cảm cho mọi áp lực dù ở hình thức này hay hình thức khác.

Và cùng nhau cố gắng làm những gì tốt nhất, để chờ đợi đến khi đại dịch qua đi.

Pháp luật và bạn đọc


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024