Trong cuộc đời mỗi con người, khó khăn là điều không thể nào tránh khỏi. Nhưng cách chúng ta đối mặt với nó thế nào, sẽ quyết định khoảng cách giữa chúng ta và thành công. Thế nên, để có thể đi xa hơn, hãy ghi nhớ những điều sau:
1. Không ai "bỗng dưng" thành công
"Ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới" chính là câu nói đại diện cho những người thất bại vì "nỗ lực không đều", làm việc được "bữa đực bữa cái".
Tất nhiên, chẳng ai muốn chính mình phải sống những ngày cực khổ, nhưng nếu còn nghèo, vậy chỉ có thông qua việc chịu cực chịu khổ, nỗ lực bền bỉ mới là con đường tắt duy nhất dẫn đến thành công.
Bạn thử nghĩ xem, nếu không muốn chịu đắng trước thì làm sao có cơ hội nếm được vị ngọt?
Có người nói rằng: "Nỗ lực chưa chắc gì đã thành công." Nhưng nếu ngay cả việc nỗ lực gầy dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình bạn cũng lười làm, thì cuộc sống này chỉ có thể trở thành một vũng nước đọng vô dụng!
Mặc dù quỹ đạo chuyển động cuộc đời của mỗi người so với dòng sông thời gian dài vô tận thật không đáng kể là bao. Nhưng đối với chúng ta, điều quan trọng nhất không phải là chúng ta còn bao nhiêu thời gian, mà là trong khoảng thời gian hạn hẹp đó, chúng ta đã nỗ lực cho ước mơ của mình được bao nhiêu rồi?
Nếu bạn muốn tỏa sáng trên sân khấu, thì phía sau hậu trường bạn nhất định phải trả giá bằng những gian khổ mà người thường không thể nhìn thấy được!
2. Bỏ than phiền, nghĩ thay đổi, bắt tay hành động
Nếu trong một ngày làm việc gặp toàn những điều không được như ý, nhiều người thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác để làm giảm sự bực tức hoặc chán nản trong lòng mình.
Ngược lại, cũng có người sẽ chọn cách thay đổi và không ngừng cải thiện dù bản thân có đang ở trong nghịch cảnh đi nữa.
Tôi từng xem qua một câu chuyện rất ấn tượng: Một cậu bé giúp người cha kinh doanh xưởng rượu trông chừng những thùng gỗ trống. Và hàng đêm, cậu bé đều sẽ cẩn thận lau chùi từng thùng gỗ cũng như sắp xếp lại chúng thật ngay ngắn.
Nhưng có một đêm gió lớn, sáng hôm sau gió đã thổi tung những thùng gỗ mà cậu bé đã sắp xếp gọn gàng, khiến cậu bé rất buồn.
Người cha thấy vậy liền an ủi, nói với con trai: "Không sao đâu con trai, không phải lỗi của con, chúng ta chỉ cần nghĩ ra cách đối phó với cơn gió mạnh này là được rồi."
Cậu bé nghe thế liền chớp mắt, nghĩ ra một cách. Mỗi đêm, cậu bé đều sẽ đổ đầy nước vào thùng gỗ. Quả nhiên, gió không thể làm đổ thùng gỗ xuống nữa.
Đối mặt với khó khăn, có nhiều người thường quen với việc dựa dẫm vào người thân quen hoặc bỏ mặc để thế giới bên ngoài tự chịu trách nhiệm.
Nhưng "thế giới bên ngoài" rất bận, không phải lúc nào cũng rảnh để chiếu cố cho họ, vì thế khi thế giới bên ngoài không hợp ý bản thân, họ liền cảm thấy tủi thân, suy sụp và buồn bã.
Người thực sự thông minh luôn hiểu rằng phàn nàn và tức giận chẳng thể giải quyết được điều gì, thế nên tốt hơn hết vẫn là tự mình tìm cách giải quyết vấn đề.
Chỉ có học cách tự xử lí mọi việc, bạn sẽ nhận ra khi bản thân thay đổi, thế giới trong mắt bạn cũng thay đổi theo.
3. Buông bỏ những cố chấp mù quáng
"Hối tiếc lớn nhất đời người là cứ mãi cố chấp theo đuổi một việc không nên theo đuổi."
Đã là người làm việc lớn thì phải biết buông bỏ đúng lúc, đây là chiến lược và cũng là cách ứng phó linh hoạt để đạt được mục tiêu lớn hơn... Nếu bạn cứ cố chấp mù quáng, bạn sẽ phạm sai lầm, và vì vậy tự đưa mình vào vũng bùn, ngày càng lún sâu mà không tìm được cách thoát ra.
Giống như câu chuyện về một vị du khách muốn băng qua một con sông lớn. Ở đó không có cầu cho người đi bộ, cũng không có những người chèo thuyền chở khách, nhưng có sẵn một chiếc bè gần bờ sông.
Người du khách ngắm nhìn chiếc bè, cảm thấy nếu dùng nó để qua bờ bên kia cũng không phải chuyện khó, bởi vì trông chiếc bè được đóng rất an toàn. Thế nên, anh ta đã chèo nó qua bờ bên kia. Nhưng khi đến nơi, nghĩ đến việc bỏ chiếc bè lại, anh ta lại bắt đầu thấy tiếc nuối. Anh ta nghĩ thầm: "Chiếc bè này còn có ích cho mình, tại sao mình không đem nó theo?"
Kết quả, dù đã qua được sông, trên lưng lại vác một chiếc bè nặng, khiến du khách mỏi lưng và không còn vui vẻ như lúc đầu nữa. Không chịu nổi, anh ta đã nhờ người khác giúp. Nhưng người qua đường lại nói với anh ta:
"Khi qua sông, chiếc bè có ích, nhưng qua được rồi thì nên bỏ nó lại. Nếu không nó lại trở thành một gánh nặng."
Nếu bạn muốn có những chặng đường suôn sẻ trong hành trình cuộc sống, tốt nhất đừng nên ép buộc mình mãi truy cầu những thứ không thuộc về mình. Hãy học cách buông bỏ đúng lúc để có thể thoải mái đi về phía trước.
Cuộc sống như một con đường, đất bằng hay ổ gà, rộng mở hay nhỏ hẹp, chông gai hay dễ đi, đều sẽ xuất hiện trong một khoảnh khắc nào đó. Nếu khi bạn gặp khó khăn, bạn có thể như chiếc lò xo, dám "bật" lại nó, thì đoạn đường nào bạn cũng có thể vượt qua được.
Đừng truy cầu quá nhiều, cũng đừng quá nhút nhát, chỉ có ai dám dũng cảm phá kén, mới có thể trở thành một con bướm xinh đẹp!
Theo Trí Thức Trẻ