Kết quả nghiên cứu suốt 75 năm của đại học Harvard: 5 quy tắc ngầm trong xã giao

14/12/2020 07:30
Kết quả nghiên cứu suốt 75 năm của đại học Harvard: 5 quy tắc ngầm trong xã giao

Không ai là một hòn đảo sống giữa biển lớn mênh mông cả, mỗi người đều là những vũng đất nhỏ, kết nối lại tạo nên một vùng đất khổng lồ".

Con người từ khi sinh ra là đã xác định phải ở trong những mối quan hệ với người này người kia, những người có thể nhẹ nhõm tự do vùng vẫy trong cái mạng lưới xã giao khổng lồ ấy nhất định là những người khiến người khác cảm thấy thoải mái khi ở bên.

Đại học Harvard từng làm một hạng mục nghiên cứu rằng: người như nào là người dễ có được hạnh phúc nhất?

Trải qua 75 năm, đi theo ghi lại cuộc đời của 724 người, họ đưa ra được kết luận: "Bất kể giàu hay nghèo, địa vị cao hay thấp, điều khiến con người ta vui vẻ và khỏe mạnh hơn đó chính là những mối quan hệ tốt đẹp."

Điều đó có nghĩa là, sự tốt xấu trong các mối quan hệ cá nhân, có thể quyết định hạnh phúc của một người. Nhưng ở trong một môi trường xã giao phức tạp, phải tiếp xúc với nhiều kiểu người, phần lớn chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi khi xử lý hay khó mà thích ứng.

Cũng giống như chuyên gia tâm lý Alfred W. Adler từng nói: "Mọi phiền não của con người, đều tới từ các mối quan hệ cá nhân." Có thể thấy, quan hệ giao tiếp là điều vô cùng quan trọng, nhưng nó đồng thời cũng khiến con người ta đau đầu không kém.

Vậy làm sao để có thể xử lý thật trôi chảy những mối quan hệ cá nhân xung quanh? Cuốn sách mang tên "Cảm ơn bạn" của một tác giả người Nhật là một cuốn sách chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm tự thân, nó nói cho chúng ta biết cách điều chỉnh các mối quan hệ cá nhân, giữ gìn những tình cảm quý giá trong cuộc sống.

Tác giả của cuốn sách, Matsuura Yataro, được mệnh danh là "người đàn ông hiểu cuộc sống nhất của Nhật Bản", ông sở hữu cho mình hơn 50 cuốn sách bán chạy, tất cả đều là những ghi chép, chia sẻ về những cảm ngộ và suy ngẫm về cuộc đời của chính ông.

Tôi xin chọn ra 5 mẹo đáng quý để chia sẻ với các bạn, hi vọng nó sẽ giúp ích, truyền cảm hứng cho các bạn.

Kết quả nghiên cứu suốt 75 năm của đại học Harvard: 5 quy tắc ngầm trong xã giao - Ảnh 1.

Quan hệ có tốt tới đâu, cũng không cần phải như hình với bóng

Khi còn trẻ, chúng ta luôn cho rằng, bạn bè với nhau là phải như hình với bóng, luôn ở bên nhau, quan tâm tới nhau. Khi lớn lên rồi mới phát hiện ra, tình bạn đẹp nhất chính là ai bận việc người nấy, nhưng vẫn luôn nghĩ tới nhau. Bởi lẽ theo năm tháng, con người và môi trường đều thay đổi, khoảng cách giữa người với người cũng dần đổi thay.

Matsuura Yataro nói: nếu bạn muốn trân trọng một mối quan hệ nào đó mãi mãi, bạn phải có ý thức đi điều chỉnh lại khoảng cách giữa hai bên, quá xa thì kéo nó gần lại một chút, còn nếu gần quá thì hãy lùi lại một bước nhỏ.

Giữa người và người với nhau, cũng giống như những con nhím sưởi ấm cho nhau vậy, gần quá sẽ khiến nhau bị thương, duy trì một khoảng cách thích hợp mới là hơi ấm dễ chịu nhất.

Mỗi người đều có một "không gian riêng" thuộc về chính mình, không gian của mỗi người là khác nhau: có người bẩm sinh đã có tính phòng bị mạnh mẽ, có người từ nhỏ đã luôn xởi lởi, thích sẻ chia, gặp là thân thiết.

Vì vậy, qua lại với những người khác nhau, hãy tìm hiểu và giao tiếp với nhau trước, rồi sau đó hãy điều chỉnh, tạo ra một khoảng cách nhất định mà hai bên cảm thấy thoải mái.

Cũng giống như Matsuura Yataro nói: Không có tình bạn nào có thể tự nhiên kéo dài, cân nhắc khoảng cách giữa hai bên là nỗ lực để bảo vệ mối quan hệ lâu dài. Chỉ khi hai bên cùng nhau quan tâm, chăm sóc và vun đắp thì tình bạn mới bền lâu được.

Cá nhân tôi cũng luôn cho rằng, tình bạn đẹp, chính là vì cả hai bên đều trân trọng lẫn nhau, nên hiểu được rằng phải giữ lại cho nhau những không gian riêng, phải cho đối phương một khoảng cách, tôn trọng lẫn nhau.

Thân thiết không có nghĩa là phải rút ngắn khoảng cách càng nhiều càng tốt, bạn không cần phải tự hạ mình, tự khiến mình tủi thân chỉ để làm hài lòng người khác, nhưng cũng đừng miễn cưỡng người khác đến để làm thỏa mãn chính bản thân.

Cần phải nhớ, bạn bè với nhau, quan tâm, suy nghĩ cho nhau, là tình nghĩa; có chừng mực chính là bổn phận.

Kết quả nghiên cứu suốt 75 năm của đại học Harvard: 5 quy tắc ngầm trong xã giao - Ảnh 2.

Dù là lời nói nào, hãy nghĩ kĩ trước khi nói

Thế gian này, sự hiểu lầm khiến con người ta bất lực nhất đó chính là "người nói vô ý, người nghe bận tâm".

Một câu nói vô ý, có thể đem lại cho người khác sự ấm áp, nhưng cũng có thể đâm chọc vào điểm nhạy cảm của người khác để rồi tạo thành những tổn thương khó lành.

Matsuura Yataro cho rằng: ngôn ngữ là một vũ khí rất nhạy bén, tính sát thương cao, cũng chính vì vậy mà chúng ta càng phải thận trọng khi sử dụng chúng. Bởi lẽ thuốc giải cứu người đôi khi cũng có thể trở thành thuốc độc cướp đi sinh mạng của họ.

Có một câu chuyện đau lòng như này.

Một cậu bé vì thi không đạt mà bị phụ huynh mắng chửi vô cùng thậm tệ, không chịu được đả kích, cậu bé nhất thời nghĩ quẩn chạy ra ban công, muốn nói lời tạm biệt với thế giới.

Phụ huynh khi ấy vẫn đang tức giận, nói kiểu thách thức: "Có giỏi thì nhảy đi."

Cậu bé đau lòng, cứ như vậy mà nhảy xuống. Phụ huynh không kịp phản ứng lại, suy sụp khóc tới ngất lịm đi.

Một câu nói vô ý trong lúc tức giận, cứ như vậy cướp đi sinh mạng của một cậu bé.

Vì vậy, Matsuura Yataro chỉ ra rằng: bất kể là khi nào, dù không có ác ý, nhưng cũng đừng nói ra những lời khiến người khác phải tổn thương.

Cá nhân tôi cho rằng, đối với bạn bè người thân nên như vây, với người lạ cũng cần như vậy.

Vì không hiểu nhau, nên bạn không thể biết được đâu là câu nói làm tổn thương tới cảm xúc của người ta.

Trong giao tiếp, chú ý chừng mực trong lời nói là điều vô cùng quan trọng, đây cũng là một biểu hiện của người có đạo đức.

Mỗi một lời nói trước khi thốt ra khỏi miệng, trước tiên hãy hỏi mình: lời này, có nhất thiết phải nói ra hay không?

Rất nhiều khi, có thể quản được cho tốt cái miệng của mình, cũng chính là một phương thức đối nhân xử thế rất tuyệt vời.

Kết quả nghiên cứu suốt 75 năm của đại học Harvard: 5 quy tắc ngầm trong xã giao - Ảnh 3.

Không tùy tiện đánh giá người khác

Trong tâm lý học, có một hiệu ứng mang tên "hiệu ứng hào quang".

Có nghĩa là khi ai đó có ấn tượng tốt hay xấu về một đặc điểm nào đó của một người, họ sẽ có xu hướng suy ra những đặc điểm khác của người đó dựa trên điều này.

Ấn tượng phóng đại này dễ dẫn đến những nhận định sai lầm. Việc dán nhãn và định nghĩa người khác trong một khuôn khổ nào đó là thiếu tôn trọng họ và đồng thời cũng khiến bản thân trở nên nông cạn trong mắt người khác.

Matsuura Yataro cho rằng: kiến thức có thể trở thành sức mạnh cho bạn, nhưng nếu quá thông minh, bạn sẽ dần mất đi khả năng cảm nhận. Những kiến thức dùng để phân loại người khác, vốn dĩ là không cần thiết.

Những người có khí chất không giống bạn, không nói lên được rằng suy nghĩ của bạn và họ là khác nhau; cùng ở trong một nhóm quần thể xã hội nào đó cũng chưa chắc đã hợp nhau tới đâu.

Đừng để những phán đoán nhất thời, thiển cận che mờ đi đôi mắt của bạn.

Với Matsuura Yataro, phán đoán một người có đáng để kết giao hay không, cần chúng ta tự mình đi cảm nhận.

Nghe hơi nồi chõ, chưa chắc đã là thật; mắt thấy tai nghe chưa chắc đã là chân tướng. Chỉ khi tự mình đi cảm nhận, bạn mới có được sự lý giải và phán đoán của riêng mình.

Những người tinh thần tương thông, tự nhiên sẽ trở thành bạn với bạn; những người cùng chí hướng, cũng nhất định sẽ đi cùng bạn tới cùng.

Cá nhân tôi cho rằng, tình bạn đẹp, thực ra không cần phải cố tình chọn lọc, khi bạn ưu tú, bạn tự nhiên cũng sẽ thu hút được những người ưu tú cùng đồng hành với mình.

Vì vậy, dù có gặp phải định kiến, cũng không cần phải phản ứng thái quá.

Bạn không thể thay đổi người khác, nhưng ít nhất vẫn có thể là chính mình, cứ kiên trì nguyên tắc và thái độ của bản thân, sớm muộn gì cũng đợi được đúng người.

Kết quả nghiên cứu suốt 75 năm của đại học Harvard: 5 quy tắc ngầm trong xã giao - Ảnh 4.

Đừng xem người khác là cái thùng rác cho bạn trút bỏ cảm xúc

Xung quanh bạn có những người như này hay không?

Ngày nào cũng tiêu cực, than ngắn thở dài, luôn treo trên mồm mấy chuyện xui xẻo, không thuận lợi.

Thực ra đời người, 10 phần thì có tới 8,9 phần là không như ý, thỉnh thoảng "tụt mood" một chút cũng là chuyện thường tình.

Nhưng nếu cứ giam mình trong trạng thái tiêu cực, không ngừng ca thán phàn nàn, bạn không những không giải quyết được vấn đề, mà còn làm ảnh hưởng xấu tới cả những người xung quanh.

Giống như Matsuura Yataro nói: chẳng có ai ở cùng người động một tý là kêu ca phàn nàn mà lại vui được cả.

Không thể nào vì bản thân bất mãn, chán nản mà phá hỏng bầu không khí xung quanh, kéo người khác ủ rũ theo mình.

Chẳng ai có nghĩa vụ phải là cái thùng rác để bạn trút bỏ cảm xúc của mình, vì vậy, đừng đem những cảm xúc tiêu cực của mình ra làm ảnh hưởng tới người khác, đây là nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp giữa các cá nhân với nhau.

Thế giới của người lớn, phiền muộn là chuyện cơm bữa, không thể tránh khỏi, có thể tự mình tiêu hóa đã không dễ dàng gì rồi, thời gian và sức lực đâu để mà đi chia sẻ sự buồn bã và ưu phiền với người khác.

Matsuura Yataro cho rằng: ca thán là một cảm xúc vô cùng cá nhân, vừa cá nhân, vừa tiêu cực, và nó không nên được phát ra từ một người trưởng thành và chín chắn.

Vì vậy, khi muốn phàn nàn hay oán than điều gì đó, hãy nghĩ cho kĩ, hãy tự suy ngẫm lại chính mình trước.

Cá nhân tôi cũng cho rằng, có một vài cảm xúc, chỉ có thể tự mình hóa giải, tự mình bài trừ. Bạn cần phải ngừng phàn nàn, học cách buông tay, có như vậy, bạn mới phát hiện được ra rằng, thế gian này còn nhiều điều đáng để bạn chia sẻ với mọi người hơn.

Kết quả nghiên cứu suốt 75 năm của đại học Harvard: 5 quy tắc ngầm trong xã giao - Ảnh 5.

Dành thời gian cho những người quan trọng nhất

Từng có một số liệu điều tra như này:

Trung bình hơn 70% mọi người dành chưa đến một giờ với bạn đời của họ mỗi ngày; 63% nhân viên công sở thành thị có ít hơn 3 buổi họp mặt gia đình mỗi năm; 75% cha mẹ trẻ bỏ lỡ lần nói chuyện bập bẹ đầu tiên của con cái họ vì công việc.

Chúng ta luôn cho rằng thời gian là rất dài, mà quên mất rằng, thời gian khi đã đi thì sẽ không quay trở lại.

Matsuura Yataro cho rằng: học cách dành thời gian cho những người quan trọng là một năng lực không thể thiếu trong quan hệ giữa người với người.

Trong một xã hội phát triển nhanh như hiện nay, ai ai cũng bận rộn, nhưng vẫn luôn có người biết cách phân bổ thời gian để có thể ở bên và thể hiện sự quan tâm với những người thân yêu.

Đó cũng chính là lý do vì sao mà chúng ta luôn nói: ở bên, chính là lời tỏ tình lãng mạn và lâu dài nhất.

Bởi lẽ những lời nói ngôn tình tới đâu cũng không thể sánh bằng niềm vui và cảm giác an toàn khi được ai đó ở cạnh bên.

Tất nhiên, có ở bên thì cũng có những lúc cần ở một mình. Đây không phải mâu thuẫn, mà là bởi giữa người với người, cần có một cái "độ", cần có cái "chừng mực".

Thân thiết tới đâu, cũng cần cho nhau không gian riêng.

Dẫu sao thì ở cạnh nhau lâu rồi cũng sẽ khó có thể tránh được "cảm giác mệt mỏi" hay "chán ngấy" nhau, muốn duy trì được "sự mới mẻ" nhất định, phải cho nhau sự tự do và không gian riêng.

Vì vậy, Matsuura Yataro nói: dành cho đối phương một khoảng không gian riêng, cũng là một món quà rất đẹp.

Cá nhân tôi rất tán đồng câu nói này, quan hệ tốt nhất đó chính là, khi có nhau, bạn vẫn có thể là chính mình.

Người thực sự yêu bạn, sẽ "nỡ" dành thời gian quý báu nhất cho bạn; tất nhiên, khi yêu ai, bạn cũng cần phải biết cách dành thời gian cho đối phương.

Có một câu nói như này:

"Không ai là một hòn đảo sống giữa biển lớn mênh mông cả, mỗi người đều là những vũng đất nhỏ, kết nối lại tạo nên một vùng đất khổng lồ."

Con người từ khi sinh ra là đã xác định phải ở trong những mối quan hệ với người này người kia, những người có thể nhẹ nhõm tự do vùng vẫy trong cái mạng lưới xã giao khổng lồ ấy nhất định là những người khiến người khác cảm thấy thoải mái khi ở bên.

Sự thoải mái này tới từ sự tôn trọng, từ chừng mực, sự chân thành, trân trọng… luôn luôn giữ được cái khoảng cách dễ chịu "không gần mà cũng chẳng xa".

Có thể không gặp mà vẫn nhớ, chơi lâu rồi mà vẫn thương, đó mới là trạng thái thoải mái nhất trong một mối quan hệ.

Mong bạn có thể trở thành một người khiến mọi người cảm thấy thoải mái khi ở bên, tận hưởng niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời.

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025