Ở một ngôi làng nọ có một nông dân trẻ tuổi tên là Shyamlal. Một hôm, anh ta quyết tâm phải đào giếng bằng được để có nước sử dụng cho sinh hoạt.
Sáng hôm ấy, Shyamlal chọn được một vị trí thích hợp và vui vẻ bắt đầu công việc. Đào được khoảng 8m, bắt đầu thấy thấm mệt và chưa thấy có nước đâu, Shyamlal quyết định ngồi nghỉ một lúc rồi sẽ tiếp tục.
Đang ngồi nghỉ thì bỗng có một người lạ đi qua. Người này hỏi Shyamlal: "Anh đang làm gì thế?". Shyamlal nói rằng mình đang đào giếng, nhưng đã đào được 8m mà chưa thấy nước đâu.
Người này cười cười, bảo Shyamlal rằng đào ở chỗ đó thì lấy đâu ra nước, phải đào ở chỗ này này, rồi dẫn Shyamlal ra cách đó không xa. Anh ta đảm bảo rằng cứ đào ở đây thì chỉ vài phút là sẽ có nước thôi. Nói rồi, người lạ mặt đi mất, để lại Shyamlal một mình tiếp tục công việc của mình.
Như chết đuối vớ được cọc, Shyamlal rối rít cảm ơn rồi nhanh chóng chuyển sang chỗ người lạ mặt đi qua mách bảo. Anh ta hăm hở đào lấy đào để, song cũng đã quá 8m mà vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì của nước cả. Chán nản và mệt mỏi, người nông dân lại ngồi nghỉ.
Đúng lúc đó, lại có một người khác đi qua, hỏi Shyamlal đang làm gì. Shyamlal nói đang đào giếng, và người này lại bảo, "Nếu anh đào ở chỗ kia, thì nước có mà tuôn ra như suối. Chứ chỗ này thì đào đến sáng mai cũng chẳng có đâu".
Shyamlal cảm thấy hơi cảnh giác, nhưng suy nghĩ một hồi, anh ta thấy cũng đúng. Chẳng phải chỗ thứ 2 này cũng đào quá cả 8m mà còn chẳng thấy một giọt nước nào hay sao. Vậy là anh ta lại đem xẻng ra chỗ thứ 3, kiên nhẫn đào rồi xúc hết xô đất này đến xô đất khác đổ đi.
Vài tiếng đồng hồ trôi qua. Anh ta đã đào được hơn 10m, nhưng những giọt nước duy nhất anh ta nhìn thấy chính là mồ hôi của mình.
Nước thì hiếm, nhưng người đưa ra lời khuyên thì chẳng hiếm chút nào. Lại một người thứ 4 đi qua và khuyên anh ta phải đào ở một chỗ mới. Tuyệt vọng và mệt mỏi, Shyamlal lại làm theo như một cái máy.
Kết quả, vẫn không có lấy một giọt nước. Điều này khiến anh ta vừa thất vọng, vừa tức giận, cả với những người khác, và cả chính bản thân mình.
Đúng lúc đó, một người bạn của Shyamlal đi qua. Người này hỏi Shyamlal tại sao trông lại phiền não như thế. Shyamlal kể lại đầu đuôi câu chuyện. Người bạn này nghe xong không nín nổi, vừa cười lớn vừa bảo Shyamlal, "Nếu anh kiên nhẫn đào xuống độ sâu 30m thì ở chỗ nào của làng mình chẳng có nước, kể cả những chỗ toàn sỏi đá".
Lời bàn: Đúng như một câu trong câu chuyện, nước thì hiếm, nhưng người đưa ra lời khuyên thì chẳng hiếm chút nào.
Trong cuộc sống, ta có thể gặp rất nhiều người thích cho người khác lời khuyên. Một số người dù thật sự có ý tốt đi chăng nữa, nhưng vì không đủ kiến thức, chỉ là thuận miệng nói mà thôi, kết quả là không những chẳng giúp gì được người, mà còn làm hại người, và khiến cho bản thân mình bị vạ lây.
Đức Phật từng nói, cho lời khuyên thì dễ, nhưng cho lời khuyên tốt mới khó.
Gia đình người ta đang có bất hòa, bạn nhảy vào giữa cho lời khuyên, cuối cùng khiến họ mâu thuẫn ngày càng chẳng thể giải quyết, cuối cùng ly hôn, nhìn cảnh con cái họ mỗi đứa một nơi, bạn có hối hận thì cũng muộn rồi.
Lời khuyên đúng có thể cứu cả một đời người. Song lời khuyên chẳng đúng lúc, đúng chỗ, nhiều khi như thêm dầu vào lửa, khiến tất cả bùng cháy hết.
Chính vì thế, đừng bao giờ tùy tiện đưa ra lời khuyên rồi để mình phải gánh nghiệp, còn bị người ta oán trách.
Về phần mình, để không rơi vào hoàn cảnh bi đát như người nông dân tên Shyamlal nói trên, trước khi làm điều gì, mỗi chúng ta hãy tìm hiểu thật kỹ vấn đề rồi hãy bắt tay vào thực hiện. Nếu đã xác định đúng mục tiêu, đúng phương pháp, thì hãy kiên định với lập trường của mình, tin vào chính mình.
Nếu mù quáng tin vào những lời nói thuận miệng của người khác thì đến cuối cùng, chúng ta sẽ chẳng làm được gì và chỉ biến bản thân trở thành trò cười của thiên hạ mà thôi.
Theo Moral Stories
ICTVietnam