Trong nhiều năm qua, tôi đã nghe không ít người tâm sự về thất bại của họ, không chỉ trong kinh doanh mà cả trong các lĩnh vực, ngành nghề khác. Họ đưa ra vô vàn lý do hay những lời bào chữa cho thất bại của mình. Tôi nhận ra trong những lời bào chữa ấy, bao giờ cũng xuất hiện những suy nghĩ kiểu như “Thực tình, tôi đã không nghĩ việc này có thể thành công”, hoặc “Ngay trước khi bắt tay vào việc, tôi đã không thực sự tin rằng mình sẽ thành công”, hoặc “Tôi không lấy gì làm bất ngờ khi việc đó không thành công”.
Những suy nghĩ kiểu này chính là biểu hiện của thái độ tiêu cực: “Được-tôi-sẽ-thử-xem-sao-nhưng-tôi-không-nghĩ-là-sẽ-thành-công”… Chính vì thế, hầu hết không thể đạt được mục tiêu của mình. Sự hoài nghi, ngờ vực vào bản thân, nỗi lo lắng sẽ thất bại và thái độ không thực sự khao khát thành công chính là nguyên nhân dẫn đến hầu hết mọi thất bại.
Vẫn còn hoài nghi thì vẫn còn thất bại.
Thành công chỉ đến với những ai tin tưởng hoàn toàn vào chiến thắng sau cùng.
Gần đây, một nữ văn sĩ trẻ có tâm sự với tôi về những tham vọng của cô trong sự nghiệp cầm bút của mình. Khi nhắc đến một cây bút nổi tiếng trên văn đàn, cô đã thốt lên: “Ôi, ông ấy là một cây bút quá đỗi tài hoa, tôi có mơ cũng chẳng bao giờ được như thế đâu”.
Thái độ của cô gái trẻ ấy khiến tôi vô cùng thất vọng, bởi lẽ tôi biết khá rõ về nhà văn mà chúng tôi đang nói tới. Ông ấy chỉ là một nhà văn bình thường như mọi nhà văn khác, nhưng ông ấy xuất sắc hơn người khác ở sự tự tin. Ông ấy luôn tin rằng mình là một trong số những người giỏi nhất, vì thế ông suy nghĩ và hành động theo cách của người giỏi nhất.
Tôn trọng những người giỏi hơn mình là việc nên làm. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên học hỏi từ họ, chứ không nên tôn sùng họ quá mức. Hãy tự tin bạn cũng có thể vượt trội. Hãy tự tin bạn sẽ còn tiến xa. Những người không có niềm tin sẽ chỉ luôn là kẻ theo đuôi người khác.
Hãy thử nhìn nhận vấn đề theo cách khác xem sao. Niềm tin giống như một cỗ máy tự động điều chỉnh những gì ta sẽ đạt được trong cuộc sống. Hãy quan sát một người đang cố vùng vẫy thoát ra khỏi cảnh sống tầm thường. Anh ta không tin mình đáng được nhận nhiều hơn, do đó những gì anh ta nhận được thật ít ỏi. Anh ta không tin mình làm được việc gì to tát cả, và đúng là anh ta không thể. Anh ta không tin rằng mình quan trọng, bởi vậy những gì anh ta làm đều bị gắn cái mác “không quan trọng”.
Dần dần, thái độ thiếu niềm tin vào bản thân sẽ thể hiện qua cách nói năng, đi đứng hay cách anh ta đối xử với mọi người xung quanh. Nếu không sớm xây dựng được niềm tin vào tương lai thì anh ta sẽ ngày càng thụt lùi, ngày càng thấy mình nhỏ bé. Và trong mắt những người xung quanh, anh ta cũng sẽ ngày càng trở nên mờ nhạt hơn.
Còn bây giờ, hãy đến với một người đang tự tin vươn tới thành công. Anh ta tin tưởng mình xứng đáng gặt hái được nhiều quả ngọt, quả nhiên anh ta gặt hái được không ít. Anh ta tin mình hoàn toàn cáng đáng được những trọng trách lớn lao, và anh ta thực sự làm được. Mọi thứ anh ta làm, cách anh ta đối xử với mọi người, những suy nghĩ, quan điểm, tính cách, tất cả đều thể hiện rằng: “Anh ta thật nổi bật. Đó quả là một người quan trọng”.
Mỗi cá nhân là sản phẩm từ ý chí của chính mình. Hãy tự tin vào bản thân, tin vào những điều kỳ diệu. Hãy lao vào cuộc chinh phục thành công với niềm tin tuyệt đối rằng bạn có thể. Chắc chắn bạn sẽ làm được.
Vài năm trước, sau một buổi diễn thuyết trước giới doanh nhân tại Detroit, tôi có cơ hội trò chuyện với một người trong số họ. Anh ta chủ động đến gặp tôi, tự giới thiệu về mình và bày tỏ lòng ngưỡng mộ: “Tôi thực sự rất thích bài diễn văn của ông. Ông có thể dành cho tôi ít phút được không? Tôi rất muốn được chia sẻ với ông về những trải nghiệm của chính bản thân tôi”.
Chúng tôi nhanh chóng tìm được một quán cà phê nhỏ. Trong khi chờ vài món ăn nhẹ, anh ta vào chuyện ngay: “Tôi rất tâm đắc với những điều ông đã trình bày tối nay. Nó rất giống với những điều tôi học được từ cuộc sống: Đó là hãy khiến ý chí hỗ trợ, thay vì cản trở chúng ta. Trước đây, tôi chưa từng kể cho ai nghe về cách tôi làm thế nào để có được cuộc sống như ngày hôm nay, nhưng giờ tôi rất muốn chia sẻ với ông”.
“Tôi rất sẵn lòng nghe đây.” - Tôi nói.
“Vâng, mới chỉ 5 năm trước, tôi còn là một kỹ sư quèn trong một xưởng chế tạo dụng cụ và khuôn cắt. Cuộc sống của chúng tôi cũng khá đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn kém xa so với những gì mà tôi hằng mơ ước. Ngôi nhà quá nhỏ và cần có quá nhiều thứ phải sắm sửa nhưng chúng tôi lại không đủ tiền. Thật may là vợ tôi rất tuyệt vời, cô ấy chẳng hề phàn nàn hay kêu ca gì. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm nhận ở cô ấy toát lên vẻ cam chịu số phận. Tôi thực sự rất đau lòng mỗi khi tự nhìn lại, biết rằng mình đã không thể chăm lo tốt cho vợ và hai đứa con yêu quý”.
“Thế nhưng bây giờ mọi việc đã hoàn toàn khác trước”, anh ấy hồ hởi kể tiếp. “Hiện chúng tôi đang sống trong một ngôi nhà mới rất đẹp trên mảnh đất rộng gần một héc-ta, ngoài ra còn có một ngôi nhà nhỏ cách đây hơn 300 km về phía bắc nữa. Chúng tôi không còn phải lo lắng chuyện tiền nong sao cho các con có thể theo học những trường đại học uy tín, vợ tôi cũng không còn phải áy náy mỗi khi sắm sửa cho mình vài bộ quần áo mới. Kỳ nghỉ hè tới, cả gia đình sẽ đi du lịch châu Âu. Bây giờ, chúng tôi mới thực sự cảm thấy mình đang sống”.
Tôi vô cùng ngạc nhiên hỏi: “Ồ, làm sao tất cả những điều đó lại xảy ra được?”.
Anh từ tốn trả lời: “Vâng, những điều đó đang thực sự xảy đến với tôi đấy. Đúng như lời ông nói tối nay, ‘Tôi đã cố gắng phát huy hết sức mạnh niềm tin của mình’. Năm năm trước, tôi tình cờ biết một xưởng chế tạo dụng cụ và khuôn cắt ở Detroit này đang tuyển người. Lúc đó, dù chúng tôi vẫn đang sống tại Cleveland nhưng tôi quyết định thử vận may của mình với hy vọng sẽ kiếm được một công việc mới có khoản thu nhập khá hơn. Tôi đến đây vào một tối Chủ nhật để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn vào ngày hôm sau.
Sau bữa tối, tôi ngồi một mình trong căn phòng của khách sạn và suy ngẫm. Chẳng hiểu sao, tôi bỗng thấy chán ghét bản thân mình. Tôi tự hỏi ‘Tại sao mình mãi chỉ là một anh kỹ sư quèn? Tại sao mình lại phải cố gắng để có được một công việc mà tương lai cũng chắc gì khấm khá hơn so với chỗ cũ?’
Chẳng hiểu điều gì xui khiến, tôi lấy ra một mảnh giấy và ghi họ tên của năm người tôi biết rất rõ lâu nay. Họ đều là những người có được vị trí công việc và quyền lực hơn hẳn tôi. Hai người trong số đó là hàng xóm cũ của tôi. Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, với mức lương khá, họ đã chuyển đến nơi ở khác tốt hơn. Hai người khác từng là ông chủ cũ của tôi, và người cuối cùng là ông anh rể tôi.
Rồi tôi lại tự chất vấn bản thân: ngoài một công việc tốt hơn, những người đó có gì hơn tôi chứ? Họ thông minh hơn tôi chăng? Hay họ hơn tôi về học vấn, về phẩm chất cá nhân? Tôi ngầm so sánh và tự nhận thấy, về những mặt ấy, thực tình, họ chẳng hơn gì tôi cả.
Nhưng rồi, tôi nhớ tới một phẩm chất để thành công mà người ta vẫn thường nhắc đến. Đó là sự tiên phong chủ động. Về điều này, dù chẳng vui vẻ gì nhưng tôi buộc phải thừa nhận là mình kém xa những người bạn thành đạt này.
Dù lúc đó đã quá nửa đêm, khoảng 3 giờ sáng, nhưng thật ngạc nhiên là tâm trí tôi vẫn hoàn toàn minh mẫn. Lần đầu tiên, tôi nhận ra điểm yếu của chính mình. Từ trước đến nay tôi đã luôn do dự, để rồi bao cơ hội tốt vuột khỏi tầm tay. Càng suy nghĩ, tôi càng hiểu ra một điều: tôi không có được sự chủ động, bởi vì trong thâm tâm, tôi đã không dám tin mình xứng đáng có được nhiều thứ.
Suốt cả đêm, tôi chỉ ngồi và suy ngẫm xem trong suốt thời gian qua, cảm giác mất tự tin ấy đã chi phối bản thân mình như thế nào. Những năm qua, tôi không hề tin tưởng hay động viên bản thân mà chỉ luẩn quẩn trong ý nghĩ mình chẳng thể làm nên trò trống gì. Lúc nào tôi cũng đánh giá thấp bản thân mình. Giờ đây, mọi điều trở nên sáng tỏ hơn bao giờ hết. Sẽ không ai trao tặng niềm tin cho tôi, nếu tôi không biết tin vào chính mình!
Lúc ấy, ngay lập tức tôi quyết định, ‘Bao lâu nay mình vẫn nghĩ sẽ mãi là một anh kỹ sư quèn mà thôi. Từ bây giờ mình không hạ thấp bản thân như vậy nữa. Mình xứng đáng được nhiều hơn thế’.
Sáng hôm sau, tôi đến dự buổi phỏng vấn với sự tự tin cao nhất mà trước nay tôi chưa từng có. Trước buổi sáng đó, tôi chỉ hy vọng mình có đủ can đảm để yêu cầu một mức lương cao hơn trước một chút, khoảng 750 đô la, hay cao nhất cũng chỉ là 1.000 đô la. Nhưng giờ đây, sau một đêm dài suy nghĩ và ý thức được rõ hơn giá trị của bản thân, tôi đã không ngần ngại yêu cầu mức lương 3.500 đô la. Và tôi đã được tuyển dụng.
Sau hai năm nỗ lực làm việc, tôi đã tạo dựng được uy tín cho riêng mình. Tôi đã thể hiện và khẳng định với mọi người rằng tôi là một người có khả năng kinh doanh. Thế rồi tình hình hoạt động của công ty rơi vào suy thoái, trong bối cảnh đó giá trị của tôi càng được xem trọng hơn bao giờ hết, bởi tôi vốn được đánh giá là một trong những người có tài năng kinh doanh nhất trong ngành này. Sau đó, khi công ty được cải tổ, tôi nhận được một lượng cổ phiếu đáng kể cùng với mức lương cao hơn.”
Đó là toàn bộ câu chuyện của người bạn tôi. Chẳng có gì bí ẩn cả. Điểm mấu chốt chính là việc anh ấy đã nhận ra một chân lý: Trước tiên hãy tin vào bản thân mình, rồi những điều tốt đẹp mới có thể bắt đầu đến với bạn.
Thực ra, có thể ví tâm trí chúng ta như một “nhà máy sản xuất những ý tưởng”. Nhà máy đó hoạt động không ngừng nghỉ, sản sinh ra vô số ý tưởng mỗi ngày.
Nhà máy đó cùng lúc được điều hành bởi hai người quản đốc. Chúng ta tạm gọi họ là ông Chiến Thắng và ông Thất Bại. Ông Chiến Thắng chịu trách nhiệm tạo ra những suy nghĩ tích cực. Chuyên môn của ông là đưa ra những lý lẽ cho thấy chúng ta có đầy đủ năng lực, giải thích lý do tại sao chúng ta nên gánh lấy công việc và tin chắc chúng ta sẽ làm được.
Trái lại, ông Thất Bại chuyên sản xuất những suy nghĩ tiêu cực, những lý do cho thấy chúng ta không thể làm được hay những biểu hiện chỉ rõ chúng ta yếu kém đến mức nào. Chuyên môn của ông ta là tạo ra một chuỗi những ý nghĩ “tại-sao-chúng-ta-sẽ-thất-bại”.
Cả hai đều có khả năng nắm bắt mệnh lệnh của chúng ta rất nhanh. Để ra lệnh cho một trong hai người này, chúng ta chỉ cần ra dấu thật kín đáo. Nếu dấu hiệu đó mang tính tích cực, ông Chiến Thắng sẽ bắt tay ngay vào việc. Còn nếu dấu hiệu đó mang tính tiêu cực, ông Thất Bại sẽ bước tới.
Trích sách Dám nghĩ lớn