Cửa hiệu triết học – Hãy đọc cùng với một đứa trẻ và bạn sẽ ngạc nhiên...

18/11/2019 08:00
Cửa hiệu triết học – Hãy đọc cùng với một đứa trẻ và bạn sẽ ngạc nhiên...

Hôm nay chúng ta sẽ đến một nơi rất đặc biệt. Đây là một cửa hiệu nhỏ. Bước qua cánh cổng cũ kỹ màu vàng nghệ và đi thẳng vào trong, bạn sẽ thấy trên chiếc kệ gần cửa ra vào có một đôi vợ chồng chim cú. Họ đang nhắc đến một món đồ kỳ lạ trong nhà mình, món Không gì cả.

Nghe nói cú chồng rất sợ món đó, anh không dám bước vào nhà vì trong nhà đang có “Không gì cả”. Cú vợ thì muốn bán cái thứ kỳ quái đó đi để chấm dứt màn đối đáp không hồi kết của hai vợ chồng về việc “sợ Không gì cả là không sợ cái gì cả đúng không?”, nhưng cô không biết làm sao để bán khi không có gì cả… Bởi vậy nên hai vợ chồng đã mang món đồ kỳ lạ đó vào cửa hiệu đặc biệt này, hy vọng có ai đó thấy nó thú vị và “rước” nó đi…

Nếu bạn muốn mua Không gì cả, hãy ghé “Gian hàng Siêu hình học” ngay gần cửa ra vào và tìm quầy hàng của vợ chồng nhà cú.

Nếu bạn còn tò mò, hãy đi tiếp. Qua khỏi những dãy kệ đầy sách, bạn sẽ đến với một góc nhỏ có rèm che và mùi trà phảng phất. Đó là gian hàng có cái tên khá kêu, “Gian hàng Nhận thức luận”. Nếu kiên nhẫn rảo quanh khu đó, bạn sẽ gặp Trang Tử đang ngồi và suy ngẫm xem vừa nãy ông nằm mơ thấy mình là bướm hay lúc này ông thật sự là một con bướm nằm mơ thấy mình là Trang Tử. Bạn có thể cùng đàm đạo với ông về vấn đề này, và biết đâu bạn sẽ tự hỏi làm sao chúng ta biết lúc này chúng ta đang không nằm mơ.

Trang Tử bày bán Giấc mơ hóa bướm. Món này có vẻ khá kén người mua nên bạn đừng ngại nếu đã lỡ uống một bụng trà miễn phí ở đó rồi lại tay không rời đi. Bạn có thể rẽ vào khu kệ kế bên, khu kệ thuộc “Gian hàng Giá trị”. Hãy cẩn thận một chút, bên đó có kệ hàng của nhà thơ cáu kỉnh nhất thế giới. Ông ấy bày bán Nỗi buồn hạnh phúc. Đừng để hạnh phúc của bạn làm ông ấy buồn phiền.

Hay ngược lại mới đúng? Hãy để nỗi buồn của ông ấy làm bạn hạnh phúc?

Bạn có thể vừa suy ngẫm vấn đề này vừa đi tiếp sang gian hàng số 4, “Gian hàng Ngôn ngữ và ý nghĩa”. Nhớ đi nhè nhẹ thôi, đừng đánh thức chú cá heo nhỏ đang say ngủ sau một ngày rong chơi dưới gloppy.

Nếu bạn chưa biết, gloppy là từ ngữ mà Chú cá heo nhỏ dùng để chỉ bầu trời. Đừng dại dột mà hỏi xem từ ngữ là gì, hay tại sao không gọi bầu trời là bầu trời mà lại gọi là gloppy, trừ khi bạn muốn có một cuộc thảo luận dài về từ ngữ và sức mạnh của nó. Cha con nhà cá heo vừa tranh luận rất lâu về vấn đề đó. Nghe nói cá heo cha đã phải gầm lên.

Mà dùng từ “gầm” cho cá heo có đúng không đấy?

Cửa hiệu này còn nhiều gian hàng thú vị lắm, chẳng hạn như xa xa đằng kia là một câu chuyện có hai thế giới: thế giới Bộ máy đồng hồ và thế giới Lộng gió. Có thể bạn sẽ muốn biết trong hai thế giới đó, cái nào giống với thế giới của chúng ta hơn.

Nơi này chào đón tất cả những ai thích đắm mình vào những ý tưởng, đặt ra và trả lời những câu hỏi. Ở đây có các món hàng phù hợp với nhiều độ tuổi khác nhau, từ các bé tiểu học cho đến những người đã trưởng thành. Bạn có thể dẫn các con của mình vào cửa hiệu này, chúng sẽ thích thú với câu hỏi “Thần Zeus làm gì khi buồn chán” hoặc háo hức tìm hiểu về chiếc máy sao chép ở mé bên kia căn phòng.

Đây là CỬA HIỆU TRIẾT HỌC, một công trình của chuyên gia triết học nhà trường Peter Worley, với sự giúp sức của các nhà triết học trên khắp thế giới. Một quyển sách đầy ắp những ý tưởng khiến độc giả suy ngẫm, dù họ chỉ vô tình cầm lên hay vốn đã hứng thú với đề tài triết học trong đời thường. Đây cũng là một quyển sách mà ai cũng nên có, không chỉ vì cấu trúc chặt chẽ và nội dung khơi gợi của nó, mà còn vì bạn sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi bắt gặp những câu hỏi tưởng như rất đơn giản trong quyển sách này. Chẳng hạn như:

“Nếu bộ não của bạn được đặt vào một thân thể khác, bạn có nghĩ rằng bạn vẫn có tính cách như cũ?”; “Thời gian có chuyển động không?”; “Có thể ngăn những người cáu kỉnh cảm thấy cáu kỉnh không?” … và nhiều điều nữa.

Hãy đọc quyển sách này cùng với một đứa trẻ. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi những câu hỏi và câu trả lời mà một đứa trẻ có thể nghĩ ra.

“Cửa hiệu Triết học” được viết bởi Peter Worley và các nhà triết học khắp nơi trên thế giới. Sách đã nhận được giải Education Resources Award tại Best Educational Book năm 2012. Giành chiến thắng tại New England Book Festival 2012 cho hạng mục Compilations/Anthology, và thắng chung cuộc giải ForeWord Review Book năm 2012.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024