Có tiền tài, danh vọng, hôn nhân: Bạn đã thấy hạnh phúc chưa?

27/12/2019 15:55
Có tiền tài, danh vọng, hôn nhân: Bạn đã thấy hạnh phúc chưa?

Cuốn sách “Happy Ever After: Escaping the Myth of the Perfect Life” (tạm dịch: Hạnh phúc mãi mãi: Thoát khỏi sự mơ hồ về cuộc sống hoàn hảo) là một đầu sách thu hút sự chú ý trên thị trường xuất bản tại Anh trong năm qua.

Có tiền tài, danh vọng, hôn nhân: Bạn đã thấy hạnh phúc chưa? - 1

Cuốn sách “Happy Ever After: Escaping the Myth of the Perfect Life” (tạm dịch: Hạnh phúc mãi mãi: Thoát khỏi sự mơ hồ về cuộc sống hoàn hảo) 

Tác giả Paul Dolan (51 tuổi) là giáo sư chuyên nghiên cứu về khoa học hành vi tại trường Học viện Kinh tế London (London School of Economics). Ông là một chuyên gia trong lĩnh vực... đo lường hạnh phúc và là một chuyên viên tư vấn hàng đầu về lĩnh vực này đối với nhiều tổ chức xã hội.

Cuốn sách đầu tiên của ông “Happiness By Design” (Hạnh phúc theo thiết kế - 2014) đã từng đưa ra kết luận rằng việc tìm thấy mục đích trong cuộc sống cộng thêm sự vui tươi, dễ chịu sẽ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Những đầu sách viết về hạnh phúc của ông Paul Dolan rất thu hút sự quan tâm của độc giả và luôn lọt vào top những đầu sách bán chạy tại Anh.

Khi được hỏi hồi năm 2014 về điều gì khiến ông hạnh phúc, Paul Dolan từng trả lời: “Hạnh phúc nằm ở việc chúng ta làm, người mà chúng ta ở bên. Hạnh phúc không nằm ở những câu chuyện mà chúng ta tự nhủ với chính mình về điều chúng ta nghĩ có thể khiến mình hạnh phúc”.

Về phần Paul Dolan, ông chia sẻ rằng bản thân ông tìm thấy hạnh phúc trong công việc, trong việc luyện tập thể chất, những buổi tối ở bên bạn bè, những trải nghiệm mới, những cuộc trò chuyện thú vị với tài xế taxi...

Có tiền tài, danh vọng, hôn nhân: Bạn đã thấy hạnh phúc chưa? - 2

Tác giả Paul Dolan

Trở lại với cuốn sách ăn khách luận bàn về hạnh phúc mà tác giả Paul Dolan vừa cho ra mắt trong năm nay, nội dung xuyên suốt của tác phẩm đánh giá rằng những quan niệm thường thấy về thành công cũng thường là định nghĩa của chúng ta về hạnh phúc, nhưng bằng chứng nghiên cứu trong thực tế lại cho thấy thành công trong tiền tài, danh vọng chưa chắc đã đồng nghĩa với hạnh phúc.

Có rất nhiều quan niệm về cách chúng ta nên sống cuộc đời mình. Chúng ta được kỳ vọng phải có chí tiến thủ, phải trở nên đủ đầy, sung túc, thành đạt, học cao, có hôn nhân viên mãn...

Những quan niệm chung đó có thể khiến cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn, bởi đó là những định hướng chung nhất cho hành vi, thực tế, những định hướng ấy cũng giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Nhưng đó là những quan niệm chung, khi đem áp dụng vào cuộc đời riêng, mỗi người sẽ thấy... mỗi khác.

Và khi một người nhận thấy mình không đạt được những chuẩn mực chung ấy, họ sẽ cảm thấy mình khốn khổ. Những chuẩn mực chung ấy đã tồn tại qua nhiều thế hệ, qua nhiều đổi thay. Chúng được hình thành từ những nền tảng vững chắc, phản ánh những khao khát bẩm sinh. Chuẩn mực chung giúp cho thế giới phức tạp trở nên dễ định hình hơn.

Những chuẩn mực chung khiến mọi người về cơ bản đều có những mục tiêu khá giống nhau, tạo nên một định nghĩa tương đồng về hạnh phúc, về cuộc sống hoàn hảo.

Quan niệm chung ấy cũng thường khiến chúng ta muốn cố gắng nhiều hơn nữa, bởi chúng ta muốn có nhiều hơn trong cuộc sống này, để có thêm hạnh phúc. Hạnh phúc khi ấy gắn liền với việc người ta càng muốn có thêm sự sung túc, đủ đầy, thêm những nấc thang thành công.

Có tiền tài, danh vọng, hôn nhân: Bạn đã thấy hạnh phúc chưa? - 3

Dù vậy, tác giả Paul Dolan cho rằng cùng với những áp lực của sự thành đạt, sung túc, niềm hạnh phúc cũng thu nhỏ dần và thậm chí có thể bị đảo ngược khi người ta ở vào trạng thái gắng sức thái quá. Để hạnh phúc hơn, theo tác giả này, chúng ta cần chuyển từ cách nghĩ “cần nhiều hơn nữa” sang “biết thế nào là đủ”.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (Office for National Statistics), đơn vị đã nghiên cứu thang hạnh phúc của 200.000 người qua từng năm, nghiên cứu được tiến hành từ năm 2011, chỉ có khoảng 1% số người tham gia khảo sát tự thấy mình khốn khổ. Thu nhập quá hạn hẹp là một trong những yếu tố dễ khiến một người cảm thấy khốn khổ.

Nhưng khi thu nhập đã ở mức khá, người ta lại dễ vướng vào một vòng xoáy chung, đó là mong muốn có nhiều hơn nữa, nhưng chính lúc này, mức độ hạnh phúc bắt đầu sụt giảm.

Thêm nữa, một nghiên cứu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ (United States Census Bureau) cũng nhận thấy rằng mức độ hạnh phúc gia tăng khi thu nhập gia tăng trong nhóm đối tượng thu nhập thấp, nhưng ngược lại, mức độ hạnh phúc sụt giảm khi thu nhập gia tăng trong nhóm thu nhập cao.

Vậy là thực tế đã cho thấy một điều bất ngờ, hóa ra những người có thu nhập cao chưa chắc đã hạnh phúc hơn những người có thu nhập thấp. Thậm chí, những người ở trong nhóm có thu nhập cao nhất lại dễ có những hoài nghi về mục đích, ý nghĩa trong đời sống. Khi một người đã ở vào trạng thái “có tất cả”, họ lại phải đối diện với những khó khăn tâm lý kiểu khác.

Nghiên cứu ấn tượng này cho thấy rằng sự giàu có có thể khiến người ta càng phải chịu nhiều áp lực hơn, đòi hỏi người ta phải dành nhiều thời gian và sự tập trung cho công việc hơn, trong khi đó lại xa rời những hoạt động giúp gia tăng sự hạnh phúc, như thời gian ra ngoài với bạn bè, gia đình.

Cuốn sách của Paul Dolan còn đề cập tới ý nghĩa của công việc trong cảm nhận về hạnh phúc, trong đó có những nghiên cứu thực tế cho thấy rằng người có công việc với địa vị và thu nhập cao cũng chưa chắc có được nhiều niềm vui và sự thỏa mãn hơn những người làm công việc thuần túy tay chân.

Công việc là một trong những tiêu chí đầu tiên giúp đánh giá về mức độ thành công của một con người và người ta luôn có những sự so sánh.

Tác giả Paul Dolan khuyến khích độc giả hãy tập trung vào những trải nghiệm thường ngày mà họ có được từ công việc, hãy lựa chọn để tâm vào những trải nghiệm giúp đưa lại cảm nhận tích cực về những gì ta làm mỗi ngày, để từ đó tìm thấy niềm vui trong công việc.

Có tiền tài, danh vọng, hôn nhân: Bạn đã thấy hạnh phúc chưa? - 4

Về khía cạnh tình yêu - hôn nhân, tác giả Paul Dolan đề cập tới một mô-típ gần đây được nhắc tới khá nhiều xung quanh những câu chuyện cổ tích mà chính người lớn chúng ta cũng có thể đã từng có lúc tin vào, về một cái kết “kể từ đó, họ hạnh phúc mãi mãi”.

Những hình dung về một kết “tốt đẹp mãi mãi” đã từng nằm trong suy nghĩ của nhiều người trưởng thành, trong khi đó, tác giả này đánh giá rằng có lẽ chính niềm tin về cái kết hoàn hảo lại tạo nên vô vàn áp lực đối với những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình yêu - hôn nhân.

Trong cuộc sống có nhiều nguy cơ trục trặc, đổ vỡ, không ai có thể hoàn toàn tránh khỏi những điều này trong suốt hành trình dài của cuộc đời. Một cách để có được hạnh phúc chính là nhìn nhận đúng đắn giá trị của cả những đổ vỡ, thất bại.

Điều quan trọng là chúng ta phải biết kiểm soát một cách thực tế những kỳ vọng của chính mình trong cuộc sống, không ngừng học cách thích nghi để có thể bước tiếp. Trong hành trình ấy, nhiều khi một người phải chấp nhận những khác biệt của bản thân so với quan niệm và kỳ vọng chung của xã hội về sự hạnh phúc, vẹn toàn của một con người.

Đó chính là khởi điểm để thoát khỏi “sự mơ hồ về một cuộc sống hoàn hảo” và cũng chính bằng cách đó, chúng ta có thể bắt đầu học cách “sống hạnh phúc mãi mãi” theo một cách thực tế hơn.

Bích Ngọc - Theo The Guardian


Gửi bình luận
(0) Bình luận