01.
Trong chương trình “Offer mơ ước” tập 1, hai nhân vật là Vương Kiêu, nhân tài tốt nghiệp Đại học Stanford, và Lý Tấn Diệp, người sở hữu cả ngoại hình đẹp cùng chỉ số EQ cao, đã giành được rất nhiều sự chú ý. Người xem kỳ vọng họ sẽ dùng năng lực của mình để đàm phán được những Offer “xịn xò” thứ thiệt. Không ngờ rằng, qua những tập phát sóng sau đó, anh chàng Vương Kiêu bỗng trở nên đáng thất vọng hơn hẳn. Nguyên nhân chính nằm ở cách thể hiện có phần quá mức, khiến người khác phản cảm.
Cụ thể, trong suốt thời gian thực tập tại một công ty, Vương Kiêu đã không ngừng dùng “hành động” chứng minh bản thân là người đã tốt nghiệp tại Đại học Stanford. Từ cốc nước tới áo phông, từ dây đeo thẻ công tác cho tới ốp điện thoại di động, tất cả đều liên quan tới Stanford.
Cho dù yêu thương và tự hào về ngôi trường đào tạo mình đến mấy, cách anh chàng họ Vương thể hiện cho người ta cảm giác khoe mẽ, bất giác khiến mọi người trở nên phản cảm. Có người còn bình luận: “Nhất thiết phải vậy không? Tôi đây còn mặc áo Harvard đi ngủ đây này!”.
Sự bức xúc đã khiến cư dân mạng đào sâu vào lý lịch của Vương Kiêu. Họ nhanh chóng phát hiện rằng, văn bằng chính quy của anh tốt nghiệp Thạc sĩ Luật tại trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, còn thời gian thực tế du học tại Stanford chỉ có 10 tháng.
Trong khi Vương Kiêu từng nói rằng, bản thân “không nắm rõ luật pháp nước nhà”, thì từ văn bằng có thể thấy rằng, thời gian học Luật trong nước của anh dài hơn khoảng thời gian du học rất nhiều.
Ngoài ra, anh ta còn thích nói lẫn lộn hai thứ tiếng, thường xuyên đệm vào vài từ hoặc vài câu tiếng Anh khi giao tiếp. Cách hành xử với đồng nghiệp cũng cho thấy anh ta là một người tương đối cao ngạo, luôn cho rằng bản thân giỏi giang hơn cả.
Quả thật, sự ưu tú của Vương Kiêu, ai ai cũng nhận thấy rõ ràng. Để được đi du học tại Đại học Stanford chứng minh anh thật sự có tài năng nổi trội trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, cùng với bản lĩnh đó, nếu đủ khôn ngoan, điều mà anh nên thể hiện là sự tự tin, chứ không phải khoe mẽ.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai loại cảm giác này có thể tổng kết như sau: “Tự tin là khi tôi nghĩ rằng tôi giỏi, còn khoe mẽ là khi tôi nghĩ tôi giỏi hơn bạn.”
Với bất cứ ai, một khi họ bắt đầu đi quá giới hạn của sự tự tin, dần dần biến tướng thành sự thể hiện, kết quả mà họ nhận được chỉ có thái độ phản cảm và chán ghét của mọi người mà thôi.
02.
Một vị tác giả nổi tiếng tận dụng số lượng followers đông đảo của mình để bán bánh ngọt. Một hộp 4 cái có giá từ 400.000 - 700.000 đồng, nếu bọc gói sang trọng có thể lên tới 1 triệu đồng.
Cùng mẫu mã và loại bánh tương tự, người ta phát hiện cửa hàng khác chỉ bán với giá cả chưa đến 300.000 đồng mà thôi. Họ đặt ra câu hỏi rằng, có phải vị tác giả này cố tình “chặt chém” fans hâm mộ hay không.
Ngay lập tức, nữ tác giả đăng bài đáp trả trên mạng xã hội: “Bản quyền một tác phẩm của tôi có giá bao nhiêu? Vài trăm hoặc vài nghìn hộp bánh thì lời lãi bao nhiêu? Đáng chắc? Bạn ơi, số tiền tôi quyên góp trong đợt vừa rồi còn giá trị hơn thế nhiều. Đừng làm ếch ngồi đáy giếng nữa các bạn ạ.”
Đây cũng không phải lần đầu tiên xảy ra tình huống như vậy. Những sản phẩm nữ tác giả này đăng bán luôn có giá cao hơn thị trường gần như gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần. Lần nào nhận được thắc mắc, cô cũng phản ứng giống nhau.
“Bọn tôi làm vì đam mê chứ thiếu gì tiền”;
“Nguyên liệu tôi sử dụng chắc khối người còn chưa bao giờ được nếm thử đâu”...
Đáp trả lần đầu, mọi người còn khen cô thẳng thắn, rất có khí khái. Nhưng hết lần này tới lần khác, lời trong lời ngoài đều phô trương sự giàu có của bản thân, đồng thời hạ thấp người khác. Bất cứ ai để lại nhận xét không hợp ý đều quy chụp họ là “antifan”, trong khi, kỳ thật thắc mắc của đại bộ phận chỉ để suy xét tính hợp lý của giá cả sản phẩm đặt ra. Cuối cùng, vị nữ tác giả dần đánh mất thiện cảm của mình trong mắt cộng đồng.
Khi nội tâm một người tràn đầy cảm giác “hơn người”, sự dị nghị của mọi người xung quanh đều trở thành một loại trạng thái “ghen ăn tức ở”.
Họ quên mất rằng, người xưa đã dạy: “Sông sâu thì nước lặng, lúa trĩu thì cúi đầu.”
Càng là người bản lĩnh thì càng không cần thiết khoe khoang tất cả những gì mình có. Họ không cần phải thể hiện cho người khác biết mình đã đọc sách gì, lái xe gì, đi đâu, mặc bao nhiêu quần áo, mua trang sức gì, xài bao nhiêu tiền một tháng…
Tại sao? Vì họ biết, không cần thể hiện những điều đó, họ vẫn đủ tài năng để được tôn trọng thực sự.
03.
Nhà tâm lý học Alfred Adler từng nói: "Mặc cảm tự ti và khoe khoang thể hiện là hai phương diện tả thực cơ bản nhất của cuộc sống, và chúng không thể tách rời". Nói cách khác, sự tự ti và thói quen thích thể hiện thường xuất hiện cùng một lúc. Những người có tính hay khoe khoang đồng thời có xu hướng mặc cảm trong lòng. Ngược lại, những người thực sự tự tin trong lòng thì không bao giờ cố tình phô trương.
Carnegie từng nói: “Sự khôn ngoan đích thực là biết cách bộc lộ ánh sáng của bản thân mà không làm chói mắt người khác, dẫn tới gây thù chuốc oán với kẻ lòng dạ tiểu nhân.”
Bạn rất khó phân biệt được ranh giới lòng người, ai là quân tử thực sự hy vọng những điều tốt đẹp nhất cho mình, ai là tiểu nhân chỉ mong chờ cơ hội giẫm đạp mình xuống. Do đó, hãy giữ cho bản thân tránh xa thói quen khoe khoang, thể hiện quá đà.
Tự tin vừa đủ, bạn sẽ rất thần thái. Nhưng tự tin quá mức, ắt trở thành tự kiêu. Vế trước sẽ giúp bạn nhận được sự tôn trọng, vế sau chỉ đem tới sự phản cảm và xa lánh của mọi người xung quanh. Hãy cân nhắc thật kỹ ranh giới mong manh giữa hai loại trạng thái này để thực sự trở thành người khôn ngoan.
Trí thức trẻ