Nhiều người từng tự hỏi bản thân “Vì sao mình lại thất bại? Tại sao mình không làm được việc đó?”, nhưng lại chưa tìm thấy câu trả lời cũng như cách thức mạnh mẽ để thay đổi những trở ngại đó.
Trên thực tế, một bí mật mà chúng ta vô tình “lờ đi” hoặc chưa sẵn sàng đón nhận chính là “gã khổng lồ” đang ngủ quên trong bản thân mình. Tuy nhiên, nếu đánh thức được “con người phi thường” của chính mình thì bạn có thể tạo nên những thay đổi kỳ diệu, kiểm soát được hàng tá rắc rối trong cuộc sống và quan trọng là biết được bạn có thể làm gì để quyết định vận mệnh của mình.
Đây cũng là nội dung chính trong cuốn sách “Đánh thức con người phi thường trong bạn” của Anthony Robbins (hay còn gọi là Tony Robbins), một tác giả người Mỹ của nhiều bộ sách nổi tiếng, doanh nhân, nhà từ thiện và là một trong những diễn giả hàng đầu trên thế giới về việc truyền cảm hứng, phát triển tiềm năng của con người.
Bìa quyển sách "Awaken Giant Within" của Anthony Robbins |
Tony Robbins chia sẻ đầy thú vị rằng: “Tôi thực sự tin tưởng rằng trong mỗi chúng ta có một con người phi thường đang say ngủ. Mỗi người đều có thực tài, có năng khiếu và có cả một chút khí chất thiên tài chỉ đang chờ được đánh thức”.
Có lẽ nhiều người cho rằng Robbins chỉ nói suông nhưng ông là một nhân chứng sống về việc đánh thức “con người phi thường” của bản thân.
Ít ai biết rằng trước khi trở thành một doanh nhân giàu có, diễn giả hoạt ngôn và gặt hái được nhiều thành công khác, chàng trai Robbins ở lứa tuổi 20 năm nào cũng từng gặp vô vàn khó khăn như lúc nào cũng cảm thấy chán nản, cô đơn, bị béo phì, hậu đậu, trình độ học vấn chỉ hết trung học, mắc ung thư tuyến yên...
Tony Robbins |
Tuy nhiên, sau khi khám phá ra nguồn sức mạnh tiềm tàng của mình, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Robbins khiến nhiều người đi hết từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác. Cuộc sống của anh chàng hậu đậu, béo ú đã thay đổi hoàn toàn khi ông tìm ra được lời giải cho những câu hỏi trăn trở về việc làm sao để quyết định vận mệnh của mình, cách để kiểm soát cuộc sống của bản thân... nhằm tạo nên những thay đổi tích cực.
Thông thường, người ta vẫn mặc định rằng cảm xúc quyết định hành động, nhưng cuốn “Đánh thức con người phi thường trong bạn” lại cho thấy khía cạnh ngược lại.
Hãy học cách kiểm soát thói quen hành động thay vì chỉ trông chờ, phụ thuộc vào cảm xúc của bạn. Ông Robbins từng chia sẻ: “Cách thức hiệu quả nhất để tự quyết định đời mình là tự chúng ta phải hành động”. Điều đặc biệt là mặc dù trong cùng một hoàn cảnh, nhưng những hành động khác biệt lại mang đến những kết quả khác biệt.
Theo các chuyên gia tâm lý học, hoạt động trên thực tế có thể dẫn đến những thay đổi trong tâm trạng thông qua một số con đường. Chẳng hạn, hoạt động thể chất giúp chúng ta có cảm giác khỏe mạnh bằng cách giải phóng hormone giúp ngăn chặn cơn đau và xoa dịu cảm giác khó chịu, chưa kể là lợi ích giúp gia tăng sức mạnh cơ bắp, cải thiện ngoại hình... Cơ thể con người được xây dựng để chuyển động và đó là lý do chúng ta cảm thấy tâm trạng tốt hơn khi thường xuyên tham gia cả hoạt động thể chất.
Thay đổi và kiểm soát được thói quen hành động của bản thân giúp bạn học cách đưa ra quyết định, xác định được điều mà bạn thân mong muốn đạt được và trở thành người như thế nào trong tương lai.
Thay vì mải mê hành động theo những cảm xúc “nhất thời”, để cho hoàn cảnh xung quanh đưa đẩy, bạn hãy học cách làm chủ nó và tự quyết lấy vận mệnh của chính mình.
Có một sự thật là về lâu dài, việc hành động quyết định cảm xúc còn là giải pháp cho cho những căn bệnh trầm cảm, giúp người bệnh có thể ổn định tâm lý.
Theo tạp chí Psychology Today, nhà tâm lý học - triết gia William James tin rằng, những cảm xúc thường nảy sinh từ các hành động của cơ thể mà chúng ta thực hiện nhằm phản hồi lại những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Nhưng bên cạnh đó, hành vi cũng có thể tạo ra cảm xúc.
Giới nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng cách nhanh nhất để thay đổi cảm xúc chính là thay đổi hành vi gắn liền với nó. Đây là ý tưởng không phải mới, nhưng nếu quay trở lại những năm 70 của thế kỷ 20, các nhà tâm lý học tin rằng một cách gián tiếp gây nên căn bệnh trầm cảm và khiến nó trở nên trầm trọng hơn là kết quả của việc xa rời hành động. Theo đó, việc buông xuôi, ngừng cố gắng sau nhiều thất bại, né tránh sai lầm, tự thu mình lại, không hành động để thay đổi khiến sự cô lập và thụ động tăng lên và điều đó khiến người ta dễ bị trầm cảm.
Sách "Awaken Giant Within" của Anthony Robbins |
Do đó, việc kích hoạt hành động, thay đổi hành vi để mang tới trải nghiệm về sự thay đổi, cải thiện tâm trạng, cảm xúc được coi là một giải pháp góp phần điều trị cho người bệnh trầm cảm. Đây có thể được coi như một cách để trị liệu tâm lý, mở rộng ra là khám phá tiềm năng bí ẩn trong mỗi con người.
Bên cạnh đó, việc sử dụng liệu pháp nghệ thuật nhằm khuyến khích người bệnh trầm cảm vẽ tranh hoặc sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật cũng được coi là một cách trị liệu để giúp giải tỏa những cảm xúc và tìm ra câu trả lời cho những khúc mắc của bản thân. Đó là minh chứng cho thấy hành động có khả năng chuyển đổi, kích thích và điều phối tuyệt vời cảm xúc của con người.
Một khía cạnh khác cho thấy hành động có nhiều ảnh hưởng đến một giai đoạn mà con người phải trải qua: tuổi già. Trên thực tế, già không chỉ liên quan đến tuổi tác mà còn do ít vận động. Hình thành thói quen ngừng làm việc, ngừng đóng góp, ít tham gia các hoạt động xã hội,... khiến con người ta dần có cảm giác bản thân mình đã già.
Trong cuốn sách “Bí quyết trường thọ của người Nhật”, cố bác sĩ 105 tuổi Shigeaki Hinohara cho rằng: “Khi có tuổi, trên mặt ta sẽ có thêm nhiều nếp hằn sâu nhưng ta vẫn muốn được sống đẹp. Nếu lúc nào ta cũng mỉm cười thì chắc chắn sẽ có ngày ta có những nếp nhăn in theo dấu nụ cười. Mỗi một độ già thêm, nội tâm sẽ thể hiện rõ hơn trên khuôn mặt. Hãy để những nét nhăn nụ cười tăng lên và làm tràn trề ‘khí’. Chính thứ ‘khí’ này làm cho con người khỏe mạnh, là nguồn mạch của sự sôi nổi”.
Vị bác sĩ nổi tiếng về “bí quyết trường thọ” nhận định, chúng ta đếm ngược từ cái chết là để luôn biết cảm ơn mỗi ngày mới mà chúng ta có để sống.
Bản thân bác sĩ Shigeaki Hinohara là một minh chứng của việc hành động để “sống thọ”. Bên cạnh việc ăn uống cân bằng, ông cho phép bản thân tiếp tục làm việc, và cống hiến cho xã hội, sống năng động, luôn bận rộn...
“Qua tuổi nào đó, chúng ta phải nỗ lực để tham gia hoạt động xã hội. Từ năm 65 tuổi, tôi luôn tham gia hoạt động tình nguyện”, ông Shigeaki Hinohara chia sẻ.
Chính những thói quen hành động ấy đã mang lại nhiều thay đổi kỳ diệu, giống như việc đánh thức “con người phi thường” trong mỗi chúng ta.