"Chả hiểu nhiều tiền để làm gì" - một câu hỏi tưởng như chỉ mang tính chất châm biếm. Bởi lẽ người ta thường chỉ gặp vấn đề khi thiếu tiền, chứ ít ai khổ sở vì có tiền. Một cách thực dụng, thứ gì không giải quyết được bằng tiền có thể giải quyết bằng rất nhiều tiền.
Nhưng bạn biết không, trên đời này có tồn tại một nghề bác sĩ tâm lý chuyên giúp đỡ những người giàu một cách khủng khiếp. Họ được gọi là "bác sĩ chữa 'bệnh giàu'", với mức chi phí cho mỗi giờ trị liệu dao động từ 450 tới 1000 USD.
Chỉ là, liệu vấn đề mà những người giàu - đúng hơn là rất giàu - có thể gặp phải là gì?
Hóa ra, khi chúng ta có tất cả mọi thứ mình muốn, mọi thứ có thể diễn ra theo chiều hướng khá tệ. Một trong những vấn đề nổi bật nhất mà các bác sĩ chữa "bệnh giàu" từng phải giải quyết, đó là cảm giác cô đơn khi một người sở hữu quá nhiều tiền.
Từng có một nghiên cứu kéo dài 4 năm với tựa đề "Niềm vui và nỗi khó xử của sự giàu có". Đúng như tên gọi của nghiên cứu, sự giàu mang đến những mặt lợi và hại, trong đó có việc cảm thấy tách biệt với phần còn lại của thế giới. "Giàu sang có thể trở thành rào cản ngăn trở sự kết nối giữa người với người," - Robert A. Kenny, một bác sĩ chữa "bệnh giàu" từng nhận xét như vậy.
Bạn có thể nghĩ chỉ cần có nhiều tiền là sẽ ổn. Nhưng cần biết rằng, việc kết nối, giao tiếp và tương tác là những yếu tố cơ bản nhất của một con người. Đó là lý do vì sao cảm giác cô độc ấy tồn tại, kể cả khi xung quanh bạn có rất nhiều người. Chẳng hạn, nó sẽ khiến các mối quan hệ trở nên rất tệ hại, khi bạn sẽ luôn có cảm giác những người xung quanh ở đó chỉ vì họ muốn lợi dụng bạn mà thôi.
Như trường hợp của một nữ khách hàng giấu tên (dĩ nhiên là rất giàu), bà cho biết mình luôn cảm thấy khó khăn mỗi khi tiết lộ khả năng tài chính của mình với đàn ông, vì họ luôn cảm thấy thua thế so với bà. Bà kết luận rằng họ sẽ nghĩ vai trò "trụ cột" vốn dành cho đàn ông giờ đã bị tước mất, bởi sự giàu có của mình.
Sự khó khăn này cũng xảy ra với những người đàn ông giàu có. Họ luôn cảm thấy rất khó để biết liệu phụ nữ sẽ quan tâm đến họ, hay đến túi tiền của họ.
Hơn thế nữa, có khả năng những người bạn thực sự quan tâm (và đã từng quan tâm đến bạn), giờ bỗng trở nên ghen tị với sự giàu có của bạn. Hoặc, một thời điểm nào đó họ gặp khó khăn về tài chính và bạn không dang tay giúp đỡ, điều đó cũng khiến họ buồn lòng. Thậm chí ngay cả khi bạn muốn giúp mà không đòi hoàn trả, điều đó có khả năng dẫn đến chuyện họ cảm thấy bạn như một nhà từ thiện vậy. Nó sẽ vô tình tạo nên sự căng thẳng, và khiến mối quan hệ thực sự trở nên xấu đi rất nhiều.
Và đôi khi, sự giàu có còn mang đến nguy hiểm - tình huống thường xảy ra với những người đột nhiên trúng xổ số. Bởi lẽ dù đa số những người xung quanh đủ tư cách để không làm phiền bạn, sẽ có một phần nhỏ làm như vậy. Và phần nhỏ ấy tính ra cũng là khá nhiều người.
Như trường hợp của Jack Whittaker - người vốn đã có khối tài sản lên tới 17 triệu USD, bất ngờ trúng số năm 2002 với số tiền lên tới 314,9 triệu USD (tương đương 400 triệu USD ngày nay). Nhờ việc tài sản tăng tiến đột ngột, số lần ông bị cướp cũng nhiều hơn. Thậm chí, đã có những âm mưu sát hại ông xuất hiện, như trường hợp 2 phụ nữ quen biết tính chuốc thuốc ông tới chết. Kế hoạch là sát hại rồi tiếp cận tài khoản ngân hàng, trộm nhiều tiền nhất có thể trước khi thi thể được phát hiện. May mắn là 2 ác nữ đã không thành công.
Jack Whittaker
Ngoài ra, Jack còn phải đối mặt với vô số vụ kiện pháp lý sau khi trúng số. Bởi lẽ, khách hàng hoặc đối tác của ông tìm cách kiện mọi thứ có thể, miễn là đưa được ông ra tòa và kiếm được chút đỉnh. Đỉnh điểm nhất là cháu gái ông đột nhiên mất tích, sau đó thi thể được tìm thấy trong một tấm vải vứt bên đường. Vài năm kế tiếp, con gái ông thiệt mạng vì sốc thuốc.
Jack, người qua đời vào năm 2020, từng nói: "Tôi ước gì mình đã xé tấm vé đó đi."
Chuyện của Jack có phần khá tiêu cực, nhưng trên thực tế, nhiều người thắng xổ số cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Nhiều người đột nhiên giàu lên đã phải đối mặt với những mối quan hệ xấu dần đi, đồng thời phải tăng cường an ninh cho bản thân.
Với những câu chuyện trên, phải chăng vấn đề chỉ là... đừng nói cho ai biết là bạn giàu. Hóa ra, cũng có rất nhiều người giàu làm như vậy, và được giới chuyên gia gọi là "giàu ngầm".
Nhưng ngay cả khi làm vậy, họ vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có chuyện tách biệt với xã hội. Việc phải giấu kín quá nhiều thứ về cuộc sống sẽ khiến bạn khó phát triển được mối quan hệ thân thiết với người khác. Hơn thế nữa, dù bạn bè của bạn có biết hay không, thì sự kết nối giữa bạn và họ vẫn khó lòng xảy ra do cách biệt về mặt tài chính.
Cách rõ ràng nhất đề giải quyết câu chuyện đơn giản là... hãy chơi với những người giàu có - những người có cùng nền tảng tài chính để thoải mái tương tác cùng nhau. Nhưng điều này lại dẫn đến vấn đề tiếp theo: không phải ai cũng giàu giống nhau, và mang đến cái gọi là tâm lý đua đòi.
Chẳng hạn theo thống kê tại Mỹ, khoảng 20% các hộ gia đình với tài sản trên 10 triệu USD mỗi năm sẽ chi tiêu toàn bộ thu nhập của mình. Phần lớn số đó dùng để theo kịp với bạn bè hoặc hàng xóm giàu hơn họ. Tưởng tượng, bạn có quỹ tiền đủ để ăn fastfood, nhưng bạn bè lại muốn ăn buffet 5 sao, bạn sẽ phải chọn nó, trừ phi không nghĩ ra cách nào để trả tiền cho bữa ăn.
Vấn đề tiếp theo nằm ở những người tự nhiên giàu, hoặc giàu từ sớm rồi nghỉ hưu non. Nghe có vẻ là cuộc sống trong mơ thật, nhưng sự thật thì đây lại là vấn đề nặng nề nhất, bởi sự buồn chán ngày qua ngày. Rất nhiều người giàu đã phải vật lộn với sự trầm cảm, sống không mục tiêu, và cô độc với cả thế giới.
Theo Kenny - một chuyên gia trị bệnh giàu, cách để thoát khỏi tình cảnh trên là người giàu phải tìm ra thứ khiến họ cảm thấy thỏa mãn tuyệt đối về mặt nhân văn. Nó sẽ giúp họ xây dựng những mối quan hệ chưa từng có, mang lại mục đích sống khi giúp đỡ cho cộng đồng...
Một ví dụ điển hình nhất về mặt trái và sự tích cực của việc quá giàu chính là vợ chồng Bill và Melinda Gates - cặp đôi tỷ phú đã dành rất nhiều tài sản để giúp thế giới giải quyết những vấn đề to lớn. Dù đã đóng góp rất nhiều, nhưng nếu dạo qua một vòng YouTube, bạn sẽ nhận thấy một tỉ lệ người ghét họ cũng rất lớn.
Xét cho cùng, dù bạn làm gì đi nữa, sẽ có những người không đồng tình. Xét cho cùng, người giàu cũng chỉ là con người, sẽ có những sai lầm. Và khi không thể đưa ra giải pháp hoàn hảo cho những vấn đề phức tạp, nhiều người sẽ cảm thấy tức giận. Họ sẽ nghĩ bạn làm đơn giản là để thu lợi mà thôi.
Cộng với thói "ghét nhà giàu" sẵn có trong cộng đồng, hẳn sẽ có một tỷ lệ người không ưa bạn (nếu bạn giàu, dĩ nhiên rồi). Kể cả khi bạn chẳng làm gì, người ta vẫn sẽ ghét bạn, chỉ vì bạn giàu.
Nhưng xét cho cùng, những người giàu vẫn có điều kiện để sống một cuộc đời chẳng phải lo nghĩ quá nhiều. Mà nếu phải lo nghĩ thì... đó, có ngay các bác sĩ "trị bệnh giàu", chỉ mất 1000 đô mỗi giờ thôi (khoảng 23 triệu đồng).
Nguồn: Today I found out
Pháp luật và bạn đọc