Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực là một bài học bắt buộc trên đường đời của người lớn

15/07/2020 08:00
Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực là một bài học bắt buộc trên đường đời của người lớn

Người chưa từng bật khóc giữa đêm, nghĩa là chưa hiểu cái gọi là mùi đời.

01

8 năm trước, một cô gái để lại một status trên mạng với nội dung là "tôi bị trầm cảm, nên muốn "đi xa", không có nguyên nhân gì quan trọng cả, mọi người không cần bạn tâm tới sự ra đi của tôi. Vĩnh biệt." Sau đó, cô ấy đã vĩnh viễn ra đi.

8 năm sau, số lượt bình luận dưới bài đăng đó đã lên tới 1 triệu bình luận.

Mỗi một ngày đều có một người rơi vào trạng thái thất vọng, đem theo phiền não và mệt mỏi, viết vài dòng vào đây. Có người nói, cơ thể và linh hồn đã tách biệt, tâm hồn cảm thấy rất có lỗi vì để cơ thể mệt mỏi như vậy.

Có người nói, lại thất tình rồi, mỗi khi nào buồn bã vì đàn ông mới tìm tới đây, cảm thấy mình thật vô dụng. Có người nói, mình chuẩn bị tốt nghiệp, nhưng lại không biết rằng đây là kết thúc hay là bắt đầu cho một sự mệt mỏi khác. Có người nói mình mất ngủ; có người lại chỉ âm thầm gõ 2 chữ "xin lỗi", có người nói mình mệt mỏi, áp lực quá…

Những người mang trong mình sự thất vọng xem đây là nơi để trút ra, dường như chỉ có ở đây, mới có thể trút ra những nỗi đau chôn sâu trong tim một cách tự nhiên nhất.

Nó rất giống với ai đó trong chúng ta của hiện tại.

Lớn lên dưới vòng tay của ba mẹ, có lẽ ai cũng sẽ có vài phần mơ mộng và nổi loạn. Nhưng sau khi bước vào thế giới của người trưởng thành, chúng ta phải bắt đầu đối diện với thế giới huyên náo một mình. Nhìn đi nhìn lại, nhìn trái nhìn phải, nhìn đông nhìn tây, đâu đâu cũng chỉ hai chữ "lợi ích".

Chúng ta thấy được sự tàn khốc trong thế giới của người lớn, phiền não và áp lực cũng ngày một nhiều hơn. Tổn thương, phẫn nộ… rất nhiều cảm xúc tiêu cực cũng theo đó mà tìm tới.

2h sáng, hàng ngàn người suy sụp: Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực là một bài học bắt buộc trên đường đời của người lớn - Ảnh 1.

02

Vấn đề là, thế giới này vốn dĩ không thân thiện với người lớn

Nhân vật Dư Hoan Thủy trong bộ phim Trung Quốc cùng tên chính là một ví dụ điển hình. Trời vừa bừng sáng, Dư Hoan Thủy dậy làm bữa ăn sáng cho con trai. Vì hôm qua quên mất mua sữa cho con nên bị vợ chì chiết. Anh chỉ lí nhí giải thích vài câu rồi sau đó nhanh chóng chạy ra ngoài mua sữa, rồi sau đó điềm nhiên đi làm.

Vì đi mua sữa mà anh đi làm muộn, cộng thêm với việc KPI công việc mấy tháng gần đây không đạt chỉ tiêu, giám đốc yêu cầu Dư Hoan Thủy tự mình nghỉ việc. Vì muốn đạt được KPI, anh nhờ tới sự giúp đỡ của một đàn em mà trước đó mình từng dẫn dắt, nhờ cậu ta giới thiệu cho một vài khách hàng, nhưng lại bị mỉa mai rằng: "Tiền bối à, con người ý à, bị thương ở chân là chuyện bình thường, vấn đề là đừng để não của mình cũng tàn phế."

Các đồng nghiệp nghe vậy cười chê. Dư Hoan Thủy cúi đầu, một lúc sau, lại điềm nhiên như không gọi điện thoại cho vợ nói mình sẽ đón con. Đây chính là hình ảnh thu nhỏ của người đàn ông trung niên Dư Hoan Thủy trong cuộc sống.

Bạn thân mượn tiền mấy năm không trả, còn luôn tìm cách khất lần, anh nhịn; ở nhà ba vợ, anh trai vợ sai vợ như người hầu, gọi con mình là ranh con, không ngừng bóng gió cả nhà anh, anh nhịn… Rõ ràng là đã đen đủi tới đỉnh điểm, tủi thân tới mức cùng cực, nhưng Dư Hoan Thủy vẫn nhịn, chôn giấu tất cả những cảm xúc tiêu cực vào sâu trong tim. Phía sau người khác, người trưởng thành dù có khó chịu tới đâu cũng được, nhưng trước mặt người khác, chúng ta lại thản nhiên đến lạ.

Có một cư dân mạng nói như này: người lớn là sống cuộc sống của mình, kiếm tiền của mình, đau đầu chuyện khó của mình, giải quyết vấn đề bằng phương pháp của mình, rồi từ đó tự tìm đường ra.

Thế giới của người lớn, đôi khi nó giống như một cái lồng vậy.

2h sáng, hàng ngàn người suy sụp: Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực là một bài học bắt buộc trên đường đời của người lớn - Ảnh 2.

03

Dạo gần đây, câu chuyện của một cô bé thu phí đã khiến rất nhiều người cảm động.

Trong video, giây trước vừa như chực trào muốn khóc, giây sau đã mỉm cười chào đón vị khách tiếp theo. Sau này tôi mới biết, cô bé ấy mới chỉ 20 tuổi, mới làm việc ở trạm thu phí được 2 tháng.

Hôm đó là ngày thứ 2 trạm thu phí áp dụng chính sách mới. Vì hôm trước cô bé nghỉ việc, nên đây cũng là lần đầu tiên cô phải đối mặt với những tài xế "không muốn hiểu" chính sách mới.

Trong một ngày, cô bé không nhớ mình bị mắng bao nhiêu lần. Cô bé nói: những lời nói mắng mỏ vì nóng nảy đó giống như những cây kim đâm thẳng vào người cô vậy. Không phải cô không muốn khóc, mà là vì công việc yêu cầu cô phải lịch sự, luôn luôn phải giữ nụ cười trên môi. Vì công việc, cô bé chỉ có thể nhẫn nhịn sự tủi thân, mỉm cười với hành khách. Cho tới khi quản lý hỏi "sao thế?", cô bé mới òa lên khóc nức nở.

Tôi nghĩ, rất nhiều người nhìn thấy chính mình thông qua cô bé ấy.

Vì tăng ca lên tiếp một tháng, lại thêm tin con trai bị ốm nặng, bà mẹ khóc nức nở ở trạm xe; một bên bị công ty thúc về, một bên là bạn gái đợi chìa khóa để mở cửa, chàng trai vì vội vàng đi ngược chiều một đoạn rồi bị bắt mà òa khóc rung rức; hay những người đàn ông đứng trước chung cư hút hết hai điếu thuốc rồi mới chầm chậm đi lên nhà…

Thế giới của người trưởng thành, không ai là dễ sống cả. Chúng ta đeo lên chiếc mặt nạ kiên cường, giả vờ rằng mình mình đồng da sắt, đao thương bất nhập. Nhưng, khi tháo chiếc mặt nạ ấy xuống, nước mắt sớm đã ướt đẫm cổ áo.

Một câu nói, một ánh mắt, một cú điện thoại, một cơn mưa, đều có thể khiến chúng ta hiện lại nguyên hình. Rồi sau đó, trở thành một người trưởng thành mong manh, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

2h sáng, hàng ngàn người suy sụp: Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực là một bài học bắt buộc trên đường đời của người lớn - Ảnh 3.

04

Trên mạng có câu nói rằng: "Nhịn" một lúc tăng sinh tuyến vú, "lùi" một bước u nang buồng trứng.

Lúc đầu, tôi cho rằng đây chỉ là một câu nói đùa vu vơ. Sau này mới biết rằng thì ra nó là thật. Tăng sinh tuyến vú, tỷ lệ kiểm tra ra bệnh đạt tới 70%, và nó đã trở thành căn bệnh vô cùng phổ biến ở phụ nữ hiện đại.

Mệt mỏi, lo lắng, áp lực, mâu thuẫn gia đình, đời sống vợ chồng, áp lực cuộc sống sinh hoạt và công việc, mỗi một lần cảm xúc tiêu cực xuất hiện, đều có thể trở thành nguồn gốc của căn bệnh này. Thậm chí u nang buồng trứng, cũng là một trong những khối u phổ biến nhất ở phụ nữ. Áp lực tinh thần lớn, cũng là nguyên nhân xuất hiện khối u này.

Mọi người luôn nói với chúng ta rằng, muốn khỏe mạnh, phải tránh xa thuốc lá rượu bia, tránh xa thức khuya, bớt chơi điện thoại lại. Nhưng rất ít người nói với chúng ta, muốn khỏe mạnh, hãy khóc nhiều hơn, phải biết cách giải tỏa áp lực của mình ra.

Con người ta luôn coi áp lực là một thường thái, người lớn, càng ngày càng không biết khóc. Một mặt, đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã lớn. Nhưng một mặt, nó cũng khiến những cảm xúc tiêu cực ngày một chất đống. Và hệ quả là, ngày càng có nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý quá căng thẳng, thậm chí mắc bệnh trầm cảm.

Từng có một nhà tư vấn tâm lý nói với tôi rằng, nguyên nhân dẫn tới bệnh trầm cảm, phần lớn là bởi họ tích lũy những áp lực và cảm xúc tiêu cực trong thời gian quá dài mà không chịu xử lý. Điều này thực ra không khó để tưởng tượng. Khả năng ôm đồm những cảm xúc tiêu cực của chúng ta là có hạn, giống như một ngôi nhà rỗng, bạn cứ không ngừng nhồi nhét bên trong, rồi tới một ngày nào đó, ngôi nhà sẽ được lấp đầy và sau đó là vỡ tung ra.

Gió lớn từ gió nhỏ mà nên, thứ đè bẹp những con lạc đà không phải là nhành rơm cuối cùng, mà là mỗi một nhành rơm nó từng mang. Nếu chúng ta khi bắt đầu, không đối diện trực tiếp với những cảm xúc tiêu cực của mình, tổn thương mà nó tạo thành và mang lại, có thể sẽ luôn lớn hơn những gì mà bạn có thể tưởng tượng.

2h sáng, hàng ngàn người suy sụp: Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực là một bài học bắt buộc trên đường đời của người lớn - Ảnh 4.

05

Tâm lý học có một cách nói, cảm xúc tiêu cực thực ra là một cơ chế tự bảo vệ bản thân. Khi cảm xúc tiêu cực xảy đến, nó thực ra là đang muốn nhắc nhở bạn về những nguy hiểm tiềm ẩn. Chẳng hạn, thời nguyên thủy, cảm xúc sợ hãi đã giúp con người thoát khỏi sự xâm lăng của động vật hoang dã.

Trong thời đương đại, lo lắng xã hội thường xảy ra là bởi vì trong kinh nghiệm trước đây, xã hội gây ra hậu quả xấu, vì vậy bộ não đang nhắc nhở bạn để tránh bị chấn thương một lần nữa. Sự buồn bã, thực ra là đang gửi một tín hiệu kêu cứu với thế giới bên ngoài, cho thấy rằng anh ta đang mong đợi sự đồng cảm, sự cảm thông và ủng hộ tới từ người khác... Nhưng, cơ chế bảo vệ này lại thường có tác dụng ngược lại ở thế giới hiện tại.

Lo lắng xã hội khiến con người ta không muốn tiếp xúc với bên ngoài, cảm xúc tổn thương cũng không muốn bộc lộ ra với thế giới bên ngoài, những điều này ngược lại lại càng khiến con người ta khép kín với xã hội hơn. Vì vậy, tiếp nhận cảm xúc tiêu cực của mình là một điều vô cùng quan trọng.

"Chưa từng bật khóc giữa đêm khuya, nghĩa là chưa nếm trải mùi đời", sự tồn tại của cảm xúc tiêu cực bên trong mỗi con người là điều tất nhiên. Nếu như bạn tiếp nhận tính tất nhiên của nó, mà không cứ phải đắn đo "vì sao mình lại thế", đó đã là thành công bước đầu. Còn về việc xử lý các cảm xúc tiêu cực, thì nó còn tùy trường hợp.

Cảm xúc tiêu cực ngắn hạn, có thể bị lãng quên hoàn toàn thông qua phương pháp "chuyển sự tập trung chú ý". Đi ăn món mà bạn thích, uống một cốc trà sữa, đi biển một chuyến, tất cả đều là những lựa chọn tuyệt vời. Còn với những cảm xúc đã bị kìm nén lâu ngày, thì cần phải định kì "phát tiết", bởi lẽ những cảm xúc này sẽ luôn trở lại trong những tình huống nhất định, không thể hoàn toàn bị lãng quên. Lúc này, xem một bộ phim cảm động, xem một trận bóng hấp dẫn, rồi hãy khóc và hét lên, những phương pháp này rất đáng để cân nhắc.

Cuối cùng, nếu thấy mình không cách nào giải quyết, hãy tìm tới sự giúp đỡ của chuyên gia. Tìm đến bác sỹ tâm lý để chia sẻ về tình cảnh của mình, có thể bạn sẽ phát hiện ra một góc độ mới. Cuối cùng nữa có thể xem xét tới các phương pháp trị liệu hoặc dùng thuốc, đó cũng là những phương pháp khá cần thiết.

Không coi thường, không trốn tránh, thử đối mặt và xử lý, chính là phương pháp ứng phó với cảm xúc tiêu cực tốt nhất. Nếu không thì, thứ hủy hoại chúng ta, thường không phải là cảm xúc tiêu cực, mà là chính chúng ta.

2h sáng, hàng ngàn người suy sụp: Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực là một bài học bắt buộc trên đường đời của người lớn - Ảnh 5.

06

Cuối cùng, tôi muốn nói một vài câu.

Xã hội của chúng ta vẫn còn quá phiến diện, nghiêm trọng hóa những cảm xúc tiêu cực. Lúc còn nhỏ, ba mẹ nghe thấy chúng ta khóc, liền thiếu kiên nhẫn rồi nói với chúng ta "không khóc nhé", "nín ngay, không được khóc". Sau khi lớn lên, ai ai cũng đi theo chủ nghĩa tự cường, thổi phồng sự mạnh mẽ, kiên cường.

Người có những cảm xúc tiêu cực thường dễ bị người khác cho là yếu đuối, có vấn đề, có thiếu sót. Mà quên rằng vế sau của câu "nam tử hán không dễ rơi lệ" là câu "chỉ vì chưa động tới chỗ tổn thương".

Cảm xúc tiêu cực, là một bộ phận không thể tách rời của con người. Khi mà người trưởng thành ai cũng đeo lên mình một chiếc mặt nạ, chúng ta ngược lại rất khó có thể hiểu rõ một con người.

Con người dù sao cũng chỉ bằng xương bằng thịt, già néo thì đứt đây. Sự xuất hiện của cảm xúc tiêu cực, là hợp lý, là chính đáng. Tiếp nhận cảm xúc tiêu cực của bản thân, thực ra là đang tiếp nhận chính mình.

Vì vậy, tạm thời che dấu có thể là tốt. Nhưng chúng ta cũng đừng quên đi cái tôi đích thực đằng sau lớp mặt nạ. Cái tôi bằng xương bằng thịt, có thất tình lục dục, có hỉ nộ ái ố đó.

Theo Trí Thức Trẻ

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 6, 11/10/2024