Đứa trẻ suy dinh dưỡng, yếu ớt
Năm 1998, Jordan Windle được tìm thấy trong một chiếc giỏ để bên ngoài cổng trại trẻ mồ côi ở Phnompenh, Campuchia. Em được đưa vào trại trẻ mồ côi và bắt đầu những tháng ngày sống không có gia đình bên cạnh.
Cuộc đời của Jordan bước sang trang mới khi được ông Jerry Windle người Mỹ nhận nuôi. Vượt qua nhiều khó khăn, vừa qua, Jordan 22 tuổi là vận động viên nhảy cầu người Mỹ gốc Campuchia đầu tiên thi đấu ở Olympic.
Cách đây 23 năm, Jerry Windle là một người đàn ông sống độc thân ở Mỹ. Ông mong muốn nhận con nuôi và trở thành cha từ lâu mà chưa thực hiện được. Trong một lần đọc tạp chí, người đàn ông này tình cờ biết câu chuyện về cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi ở Campuchia. Ngay lập tức, Jerry liên lạc với cơ quan chức trách Campuchia bày tỏ nguyện vọng muốn nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi.
Tháng 6/2000, Jerry bay đến Phnompenh - nơi Jordan Windle cùng những đứa trẻ mồ côi khác đang sống sau khi cha mẹ qua đời. Nhớ lại thời điểm nhận nuôi Jordan, ông Jerry Windle cho hay, Joran lúc đó 18 tháng mà chỉ nặng 7,2kg. Sức khỏe của cậu bé yếu đến nỗi, ông Jerry cũng không biết là em có thể sống hay không.
"Tôi hứa với thằng bé là sẽ làm tất cả những gì có thể để thằng bé không phải đau khổ nữa. Tôi sẽ hy sinh mọi thứ có thể với tư cách là cha mẹ để có mọi cơ hội cho thằng bé", ông Jerry nhớ lại.
Trong cách nuôi con của ông bố đơn thân này, sự rõ ràng và cởi mở là điều quan trọng nhất. Khi con trai lớn lên, Jerry dạy con về văn hóa Campuchia. "Tôi chia sẻ với con trai từ đầu về chuyện chào đời và chuyện nhận con nuôi", ông Jerry chia sẻ. Với người cha này, mỗi phút ở bên con đều rất đáng trân trọng.
Nuôi dưỡng tài năng
Khi trở về Mỹ, nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cậu bé mới bắt đầu. Jordan bị nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, phải vật lộn để giành giật sự sống, trong khi đó ông Jerry phải giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu do cậu bé chưa học tiếng Anh. Tuy nhiên, điều may mắn là cậu bé yếu ớt đã được lớn lên trong tình yêu thương của ông Jerry nên dần khỏe mạnh trở lại.
Ông Jerry từng nói: "Hy vọng lớn nhất của tôi với Jordan là thằng bé tìm thấy hạnh phúc trong suốt cuộc đời và có cơ hội theo đuổi ước mơ".
Con đường đến với Thế vận hội của Jordan bắt đầu từ rất sớm. Năm lên 7 tuổi, một người bạn nói với Jerry về việc Jordan gợi nhớ đến vận động viên nhảy cầu huyền thoại Greg Louganis.
"Anh ấy nói với tôi cần phải cho thằng bé học môn nhảy cầu. Một ngày nào đó, cháu sẽ là nhà vô địch quốc gia. Thậm chí, một ngày nào đó có thể là vận động viên Olympic", ông Jerry kể lại lời người bạn nói với mình.
Đó cũng là thời điểm Jordan bắt đầu học nhảy cầu và giành được chức vô địch quốc gia Mỹ dành cho lứa tuổi thiếu niên sau đó 2 năm. Đây là điều đặc biệt, bởi gần như chưa từng có ai đoạt chức vô địch khi vừa chân ướt chân ráo tham gia một môn thể thao.
Sự đam mê và tài năng của con đã khiến cho ông Jerry quyết định chuyển nhà từ Florida tới Indiana. Đây là nơi có trung tâm huấn luyện nhảy cầu quốc gia Mỹ, Jordan sẽ có cơ hội tập luyện thuận tiện hơn. Từ một cậu bé yếu ớt, Jordan giành vô địch giải thể thao các trường đại học Mỹ NCAA nội dung cầu cứng, nhiều lần giành giải nhất ở giải nhảy cầu quốc gia.
Mùa hè vừa qua, Jordan thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 ở nội dung 10m cầu cứng nam và xếp thứ chín chung cuộc. Mặc dù, vận động viên này mang màu cờ sắc áo của Mỹ nhưng trong trái tim luôn có hình ảnh của Campuchia. Thậm chí, Jordan còn xăm lá cờ của Campuchia trên cánh tay để mọi người có thể nhận ra khi thi đấu.
Năm 16 tuổi, Jordan từng trở lại Campuchia để tranh tài trong một cuộc thi môn nhảy cầu nhằm truyền cảm hứng cho trẻ em ở quốc gia Đông Nam Á này. Khi 2 cha con vừa đặt chân xuống sân bay, nhiều người đã chào đón họ nồng nhiệt.
Bây giờ đã giành được những thành công bước đầu, Jordan luôn cảm thấy biết ơn cha của mình. "Nếu không có sự hy sinh, tình yêu thương và sự ủng hộ của cha, tôi thực sự sẽ không có được vị trí hôm nay. Tôi cảm ơn ông ấy về mọi thứ, tất cả những thành tích của tôi là hành trình tuyệt vời và chúng tôi vẫn đang tiếp tục", Jordan chia sẻ.
Câu chuyện của 2 cha con Jordan và Jerry đã được kể trong cuốn sách dành cho thiếu nhi, xuất bản năm 2011 với tựa đề "An Orphan No More: The True Story of a Boy". Hai cha con muốn chứng minh cho mọi người thấy được rằng "ở đâu có tình yêu, ở đó có gia đình".
Tuệ Minh
Theo USA Today/People/Brightside