Nếu gần đây bạn hay được người khác khen, xin hãy nâng cao cảnh giác hơn bình thường. Vì lời khen của hôm nay có thể sẽ là thứ hủy hoại bạn ngay trong ngày mai. Nếu bạn của hiện tại vẫn không ngớt lời khen ngợi con mình thì bạn cần phải cẩn thận hơn. Vì rất có thể tương lai của con trẻ đang bị hủy hoại trong chính tay của người làm cha làm mẹ như bạn.
Khen ngợi đã trở thành chuyện thường tình trong cuộc sống. Cho dù bạn sống ra sao, bạn ở vị trí nào, kiểu gì cũng sẽ có những người nói hay về bạn và những người nói không hay về bạn.
Con người thường có xu hướng xa lánh những người nói những điều không hay về mình và thích gần gũi những người nói tốt về mình. Cũng chính vì điều này cho nên khi muốn con trẻ quý mình, chúng ta thường hay khen ngợi chúng.
Tôi đã từng áp dụng triệt để nguyên tắc này trong cuộc sống. Nhưng sau khi đọc cuốn sách "Tội nghiệp Almanack của Charlie" rồi nhận được những lời cảnh báo của Charlie Munger, tôi mới nhận ra rằng tất cả chúng ta đã sai.
Cách tốt nhất để hủy hoại một người không phải là liên tục vùi dập họ bằng lời nói, mà là không ngừng khen ngợi họ. Điều này đang thể hiện một nguyên tắc tâm lý mà có thể bạn chưa hiểu chính là khuynh hướng tự đánh giá bản thân quá cao. Nếu bạn có thể nắm bắt được nguyên tắc đó, bạn hoàn toàn có thể thoát ra khỏi được cái bẫy này.
Charlie Munger được ví như là người thầy của tỷ phú Warren Buffett. Munger đã đóng một vai trò rất quan trọng trong thành công hôm nay của Warren Buffett. Buffett đã từng nói về Munger như sau: "Ông ấy đã giúp tôi mở rộng tầm mắt. Ông còn giúp tôi tiến hóa từ vượn thành người với tốc độ rất nhanh. Nếu không có ông ấy, chắc chắn tôi còn nghèo hơn bây giờ rất nhiều."
Khuynh hướng tự đánh giá bản thân quá cao
Trong cuốn "Tội nghiệp Almanack của Poor Charlie", Munger đã đề cập đến một khuynh hướng tâm lý được gọi là tự đánh giá bản thân quá cao. Đó là khi con người bẩm sinh đã có thiên hướng tự đánh giá bản thân mình quá cao, chỉ thích những người giống mình và thường tự tin thái quá vào các quyết định của bản thân.
Ví dụ có rất nhiều tài xế ở địa phương cho rằng kỹ năng lái xe của họ nhỉnh hơn so với mặt bằng chung và thậm chí còn đạt đến trình độ xuất sắc.
Nhiều người cần phải đi gặp mặt khách hàng vào ngày mai. Rõ ràng là họ chưa chuẩn bị gì nhiều, nhưng họ cũng chẳng quan tâm mà tiếp tục bù đầu vào cày game và cày phim. Vì họ tự tin mình hoàn toàn có thể thuyết phục khách hàng bằng khả năng của bản thân.
Ngày mai là ngày thi học kỳ. Theo lý mà nói, học sinh cần phải ôn bài đến mười giờ tối hôm nay. Nhưng do chịu tác động từ khuynh hướng tự đánh giá bản thân quá cao mà học sinh này đã rút ngắn thời gian ôn bài và cho rằng mình chỉ cần học đến sáu giờ tối là đủ.
Thậm chí có một số người rõ ràng đã chọn phải một người không phù hợp làm bạn đời của mình. Nhưng do chịu ảnh hưởng của khuynh hướng này, họ luôn tự cho mình là người sáng suốt khôn ngoan.
Munger từng có thời gian làm chủ tịch của một ủy ban tuyển dụng học thuật. Ông đã cố gắng thuyết phục các thành viên khác trong ủy ban rằng hãy ngừng phỏng vấn những ứng viên xin việc, vì họ chỉ cần đọc tài liệu về ứng viên là đủ rồi. Nhưng những người khác lại chỉ trích ông đang không tuân theo "quy trình học thuật bình thường".
Trên thực tế, các thành viên khác trong ủy ban cũng có khuynh hướng tự đề cao bản thân. Họ rất tin tưởng vào giá trị của kết luận mà họ đưa ra dựa trên ấn tượng cá nhân về phần phỏng vấn của mỗi ứng viên. Do đó, họ hoàn toàn khước từ lời khuyên đầy thiện chí từ phía Charlie Munger.
Chính vì sự có mặt của hướng này mà mỗi lời khen ngợi đều trở thành một ngòi nổ. Người nào càng nhận được nhiều lời khen thì họ càng nhanh chóng bị hủy hoại.
Lời khen hay là ngòi nổ
Nếu bạn có xu hướng tự đánh giá bản thân quá cao, điều đó sẽ gia tăng khả năng thất bại của bạn. Những lời khen ngợi liên tục sẽ dần dần hủy hoại bạn.
Ví dụ, khi một tài xế cho rằng kỹ năng lái xe của anh ta nhỉnh hơn so với đại đa số các tài xế khác, mà bạn lại không ngừng khen ngợi kỹ năng lái xe của anh ta. Khi đó, dưới tác động của xu hướng tự đánh giá bản thân quá cao, người tài xế sẽ càng khẳng định rằng kỹ năng lái xe của anh ta rất đỉnh.
Ví dụ, nếu như bạn chịu chuẩn bị kỹ càng một chút, bạn chắc chắn sẽ có 70% cơ hội thuyết phục thành công khách hàng vào ngày mai. Lúc này, tự dưng có ai đó khen bạn rất giỏi giao tiếp và biết cách nắm bắt dẫn dắt cảm xúc của người khác. Lời khen này sẽ một lần nữa kích hoạt khuynh hướng tự đánh giá bản thân quá cao bên trong bạn. Bạn nghiễm nhiên sẽ cảm thấy rằng mình là một trong những người giỏi nhất của công ty vào lúc này. Cuộc gặp mặt khách hàng ngày mai chỉ là chuyện nhỏ và bạn quyết định mình chẳng cần phải tốn công chuẩn bị nhiều làm gì. Kết quả là bạn sẽ thất bại trong việc thuyết phục khách hàng vào ngày mai.
Ví dụ, nếu như con bạn thi được tám điểm mà bạn cứ khen ngợi con hết lời thì sẽ khiến con nghĩ bản thân đã làm rất tốt rồi, nên lần sau cứ thế mà thi thôi đâu cần phải ôn gì nhiều.
Bạn thấy đấy, những lời khen ngợi không ngớt nhìn có vẻ là điều tốt, nhưng thực tế nó đang âm thầm hủy hoại một con người.
Thực ra, bên trong vấn đề này tồn tại một mối quan hệ logic rất chặt chẽ. Các định nghĩa và quan điểm mà chúng ta đưa ra thường đến từ thế giới bên ngoài. Chúng ta không định nghĩa mình là ai dựa trên những gì mình đã làm. Chúng ta thường nghĩ bản thân là người như thế nào căn cứ theo những lời người khác nói về mình.
Không quá lời khi nói rằng hầu hết mọi người đều bị cảm xúc chi phối nhiều hơn lý trí.
Khả năng của một người ở một khía cạnh nào đó chỉ ở mức trung bình. Nhưng dưới tác động của hành động khen ngợi không ngớt lời từ người khác, người đó sẽ dần có những nhận thức sai lệch đối với bản thân. Người đó sẽ cho rằng khả năng của mình đã trở nên vượt trội hơn so với những người khác. Nhận thức sai lệch sẽ tạo nên hành vi sai lệch. Từ đó về sau, người đó sẽ dùng năng lực trung bình của mình để đi làm những chuyện chỉ chuyên dành cho những người có năng lực xuất chúng. Kết quả là họ liên tục thất bại.
Nhiều người thiếu đi năng lực suy xét lại những điều bản thân đã làm. Sau khi thất bại, họ sẽ suy nghĩ xem vì sao mình lại thất bại, ngày càng trở nên kém tự tin và sau cùng là suy sụp chán nản.
Cho dù là chính bạn hay là những đứa con của bạn, nếu như bạn mong muốn bản thân và các con có một tương lai tốt đẹp hơn, bạn cần phải tránh việc liên tục khen ngợi nhiều nhất có thể.
Làm thế nào để tránh rơi vào bẫy của việc được khen ngợi?
1. Suy nghĩ theo chiều hướng ngược lại
Charlie Munger đã từng nói: "Tôi luôn thích suy nghĩ theo chiều hướng ngược lại. Vì việc suy nghĩ theo hướng ngược lại sẽ giúp tôi giữ được lý trí tuyệt đối."
Bạn chấp nhận và vui theo lời khen mà người khác dành cho bạn, đồng nghĩa với việc bạn đang tự hủy hoại bản thân mình.
Nếu ai đó khen bạn giỏi giao tiếp, bạn cần phải tự nói với mình rằng, không tôi không giỏi giao tiếp cho lắm. Hãy nhớ cần phải suy nghĩ theo chiều hướng ngược lại mỗi khi nhận được một lời khen.
Chúng ta bị rơi vào cái bẫy của việc được khen là do chúng ta quá cảm tính và không giữ được lý trí. Nếu chúng ta tạo thêm cho mình một nấc khóa để chống lại lời khen kia, chúng ta sẽ có thêm thời gian để suy nghĩ xem liệu lời khen đó có đúng với khả năng thực tế của mình hay không? Lúc này, bạn mới có thể đưa ra những quyết định lý trí và sáng suốt hơn.
2. Kích hoạt ý thức tự chủ bản thân
Việc đánh giá mình dựa trên ý kiến của người khác vốn là một bản năng của con người. Nhưng điều này không hẳn là không thể thay đổi. Chỉ cần chúng ta chú ý kích hoạt ý thức tự chủ bản thân của mình, thì ý kiến của người khác sẽ trở thành một gợi ý. Quyết định cuối cùng sẽ trở nên lý trí hơn.
Chúng ta có thể bắt đầu từ một số việc không quan trọng. Chúng ta hoàn toàn có thể tự mình giải quyết chuyện đó mà không cần hỏi đến ý kiến của bất kỳ ai. Cứ như thế, chúng ta sẽ dần được kích hoạt ý thức tự chủ của bản thân.
Chúng ta cũng có thể hướng dẫn cho trẻ chủ động thực hiện theo các phương pháp trên.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị