Rất nhiều người có thói quen lấy tiền bạc làm tiêu chuẩn để quyết định xem một việc nên làm như nào, mà ít khi sử dụng thời gian như một tiêu chuẩn để xem xét xem việc đó có đáng làm hay không. Trên thực tế, bạn định giá thời gian của mình ra sao, bạn sẽ có một cuộc đời như vậy.
Một Vlogger khá có tiếng từng nói như này:
"Cuộc sống rất mưu mẹo, nó sẽ lợi dụng một chút lợi nhuận vụn vặt trong những việc vặt vãnh hàng ngày để đánh lừa bạn lãng phí tài sản quý giá nhất của mình vào những việc nhỏ nhặt một cách dễ dàng. Đừng để thời gian, tài sản của bạn trôi qua vì những chuyện nhỏ nhặt không dễ thấy, như một cái túi thấm nước vậy."
Đối với rất nhiều người mà nói, thời gian là tài sản quý giá nhưng cũng dễ bị bán đứng nhất.
Lấy một vài ví dụ: Khi thuê nhà, thứ mà một vài người suy nghĩ nhiều nhất là căn phòng, vì muốn rẻ hơn 1,2 triệu mà thà thuê ở chỗ xa công ty một chút. Hay vào các dịp ưu đãi, sẽ dành phần lớn thời gian để nhờ người giúp đỡ, làm sao để có nhiều ưu đãi nhất có thể.
Những người này thường bỏ quên một món đồ có giá trị hơn cả đó chính là: thời gian. Có được căn phòng rẻ hơn 1,2 triệu, nhưng thứ bạn đánh đổi lại là 1, 2 tiếng đồng hồ chỉ để dành cho việc đi lại, ngửi khói xe vào ban sáng. Dịp ưu đãi tiết kiệm được vài chục nghìn, cũng là bạn dùng thời gian để đổi lấy.
Đã bao giờ bạn từng nghĩ, thời gian của mình rốt cuộc đáng giá bao nhiêu tiền chưa? Những cái mà bạn cho là "khoản lãi nho nhỏ" sẽ dần dần ăn mòn đi thứ tài sản quý giá nhất của bạn – thời gian, trong khi chúng ta thì lại cứ tự mãn, cho rằng mình đang lợi dụng được nó.
Rất nhiều người có thói quen lấy tiền bạc làm tiêu chuẩn để quyết định xem một việc nên làm như nào. Mà ít khi sử dụng thời gian như một tiêu chuẩn để xem xét xem việc đó có đáng làm hay không.
Trên thực tế, bạn định giá thời gian của mình ra sao, bạn sẽ có một cuộc đời như vậy.
01
Bản chất của công việc, chính là bán thời gian
Thực ra bản chất của công việc, chính là bán thời gian. Mỗi người có một phương thức bán và giá bán khác nhau. Dân công sở, bán thời gian cho ông chủ. Blogger bán thời gian cho độc giả. Bác sỹ tâm lý bán thời gian cho người bệnh. Lãnh đạo và nhà khởi nghiệp, lại là người mua bán thời gian của người khác.
Một người muốn nâng cao thu nhập của mình, thường sẽ có 3 con đường:
Một là bán nhiều thời gian hơn. Lấy một ví dụ, ngoài 8 tiếng đi làm hành chính, bạn có thể lợi dụng quãng thời gian sau tan ca để làm thêm một nghề gì đó kiếm thêm thu nhập.
Hai là nâng cao giá trị của mỗi đơn vị thời gian. Nâng cao giá trị của một đơn vị thời gian bằng cách nâng cao năng lực chuyên môn hay chất lượng phục vụ, hoặc cũng có thể thông qua cách loại bỏ trung gian, chẳng hạn như trở thành một freelancer, bỏ qua công ty, trực tiếp làm việc với bên đối tác.
Còn một kiểu nữa là thay đổi hình thức bán thời gian, bán một đơn vị thời gian vô số lần. Chẳng hạn như trở thành một giáo viên online hay một trở thành chuyên gia đào tạo trong các doanh nghiệp, có thể bán cùng một đơn vị thời gian cho nhiều người một lúc, bán càng nhiều, vốn càng ít, lợi nhuận càng lớn.
Vì vậy, "thời gian quan", cũng chính là "tài phú quan" của anh ta.
Cách bạn định giá về thời gian, quyết định giới hạn trên trong thu nhập của bạn.
Càng lớn tuổi, người đi làm càng cần phải giảm bớt tỷ trọng của phương pháp thu nhập đầu tiên, bởi lẽ phương thức kiếm nhiều tiền bằng cách bỏ ra nhiều thời gian hơn cho ra năng lực cạnh tranh nhỏ, khả năng bị thay thế cao.
Trên mạng từng có người hỏi như này: Vì sao 35 tuổi lại là một cái "nút thắt" đối với nhiều người? Bởi lẽ ở độ tuổi này, sức lực và tinh thần đang đi xuống, bạn không thể tăng ca như những người trẻ mới ra trường, cũng không thể có nhiều thời gian chịu vất vả hay xông pha như họ được nữa.
Lúc này mà còn phụ thuộc vào phương pháp thứ nhất, bạn sẽ bị đem ra so sánh với người trẻ, và tất nhiên, từ góc độ thức khuya hay chịu khổ, giá trị so sánh của người 35 tuổi là không cao.
Thực ra, con đường sự nghiệp của bạn có thể được hiểu là: bạn bán thời gian cho ai? Giá cả thế nào? Bán ra sao?
Khi bạn ở trong phương thức thu nhập thứ nhất, việc bạn cần làm là cố gắng hết sức nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng phục vụ, nâng cao khả năng thương lượng giá của một đơn vị thời gian, đồng thời thử và khám phá các cách bán thời gian vô số lần.
Vì vậy, những lúc như này, tôi không khuyên bạn nên bán thêm thời gian để đổi lấy thêm phần thưởng, bởi vì phương pháp này thực sự là bán thời gian với giá thấp và không thu hoạch tăng trưởng có ý nghĩa.
Khi còn là sinh viên năm 3, tôi từng cùng bạn cùng phòng đi ra ngoài làm thêm, đi phát tờ rơi, bán hàng, nhân viên thu thập thông tin. Những kiểu công việc này không khó, rất dễ thuần thục, một ngày có thể kiếm được hơn 100 ngàn, nhưng sau khi làm được một thời gian, tôi phát hiện ra, ngoài việc biết được rằng kiếm tiền không dễ, tôi không học thêm được bất cứ điều gì.
Vì vậy, càng ở giai đoạn chỉ có thể bán thêm thời gian để tăng thu nhập, bạn càng phải học cách trì hoãn sự hài lòng và đầu tư thời gian vào những thứ có thể giúp bạn tăng giá một đơn vị thời gian như cải thiện kỹ năng mềm, đọc, học kiến thức chuyên môn, giao tiếp với các bậc thầy trong từng lĩnh vực, bạn mới có cơ hội thoát khỏi tình trạng bận rộn mà vẫn nghèo.
02
Mức độ chi tiết trong thời gian của người thành công, quả thực đều rất "khác người"
Liu Run, một khởi nghiệp gia có tiếng của Trung Quốc từng kể một câu chuyện như này.
Năm 2002, Bill Gates đến thăm Trung Quốc và tham dự một số cuộc họp quan trọng ở Shangri-La, Bắc Kinh. Các đồng nghiệp ở Microsoft Trung Quốc vì nghênh đón ông mà đã đắn đo đi đắn đo lại, tính xem từ thang máy tới phòng hội nghị phải đi bao nhiêu bước, mất bao giây.
Liu Run khi đó ở hiện trường, chứng kiến mỗi một phòng hội nghị đều có một vị khách quan trọng ngồi đó đợi để được Bill Gates bắt tay và kí tên. Sau khi Bill Gates tới, ông vào từng phòng, bắt tay, kí tên, chụp ảnh, rời đi, tất cả chỉ vẹn vẹn trong vài giây.
Vì sao phải khoa trương tới như vậy? Bởi lẽ thời gian của Bill Gates được tính bằng giây. Độ chi tiết của thời gian, chính là đơn vị cơ bản trong cách mà một người sắp xếp thời gian của mình. Mức độ chi tiết càng nhỏ, càng dày đặc, có nghĩ là họ càng nhạy cảm về mặt thời gian, và thành tựu của họ sẽ càng lớn.
Trước đó tôi từng đọc được một bài viết nói rằng, nếu đang đi trên đường, Warren Buffet có gặp được tờ 100 đô la, vậy ông ấy có nên cúi xuống nhặt hay không.
Đáp án là không nên. Bởi lẽ, mỗi một giây thời gian của Buffett còn đáng giá hơn 100 đô la ấy nhiều.
Năm 2010, tại cuộc họp cổ đông của Berkshire, Buffett nói: "Goldman Sachs trả cho chúng tôi 15 đô la mỗi giây, tích tắc, tích tắc, tích tắc... âm thanh của đồng hồ đã trở nên thật ngọt ngào."
Vì sao có nhiều người bằng lòng bỏ ra một số tiền lớn như vậy chỉ để được ăn một bữa trưa với Warren Buffett?
Bạn đã bao giờ từng nghĩ, thứ thực sự quý giá ở đây là gì chưa? Là một bữa ăn vô cùng sang chảnh? Hay là hào quang tới từ truyền thông?
Đều không phải. Thứ quý giá ở đây, là thời gian của Warren Bufett.
Rất nhiều người thành công đều rất "keo kiệt", "ki bo" về mặt thời gian, họ rất trân trọng thời gian của mình, ghét việc phải lãng phí nó cho người hay việc gì không đáng.
Zuckerberg, người giàu thứ ba nước Mỹ, cũng không ngoại lệ, anh mặc những bộ quần áo giống nhau mỗi ngày để tiết kiệm thời gian.
Zuckergerg từng chia sẻ với truyền thông rằng: "Tôi hi vọng chất lượng cuộc sống của tôi sẽ được tối giản hóa, tôi không hi vọng sẽ lãng phí thời gian của mình cho những lựa chọn không cần thiết."
Càng là người thành công, càng xem trọng mỗi giây mỗi phút của mình.
Bản chất của độ chi tiết của thời gian, chính là hiệu suất trong việc tận dụng thời gian. Vì vậy, điều chúng ta cần làm có 2 thứ, một là bảo vệ thời gian của bạn, hai là tối đa hóa hiệu quả sử dụng thời gian và tối đa hóa giá trị của thời gian.
03
Có thể dùng tiền để giải quyết thì đừng dùng thời gian giải quyết
Rất nhiều người sử dụng tiền như một đơn vị đo lường để xác định xem có nên làm điều gì đó hay không. Chẳng hạn: Công việc lương cao nhưng áp lực, và công việc lương không cao nhưng không cần tăng ca, bạn chọn cái nào?
Bạn lựa chọn nấu cơm lãng phí thời gian để tiết kiệm tiền hay gọi đồ ăn ngoài lãng phí tiền như tiết kiệm thời gian? Bạn muốn sống ở nơi xa công ty nhưng rẻ hay nơi gần công ty nhưng đắt hơn một chút?
Khi tiêu chuẩn đo lường không giống nhau, lựa chọn được đưa ra cũng sẽ khác nhau. Nếu bạn lấy tiền làm tiêu chuẩn, vậy thì bạn sẽ chọn lựa chọn phía trước, còn nếu bạn lấy thời gian làm tiêu chuẩn, vậy thì bạn sẽ lựa chọn điều phía sau. Sự khác biệt của chúng nằm ở chỗ, lựa chọn thứ nhất dùng thời gian đổi tiền, còn lựa chọn phía sau, dùng tiền đổi lấy thời gian.
Cái tốt của cái thời đại này nằm ở chỗ, chỉ cần bạn chịu bỏ tiền ra, luôn sẽ có người và dịch vụ giúp bạn tiết kiệm thời gian. Đơn cử như chuyện dọn dẹp nhà cửa, bạn hoàn toàn có thể thỉnh thoảng thuê ai đó dọn dẹp nhà cửa cho mình vào ngày cuối tuần, trong 2 tiếng thuê người khác dọn dẹp đó, bạn có thể làm những việc cho ra được giá trị cao hơn.
Vì vậy, hãy thử suy nghĩ theo hướng tư duy lấy thời gian làm trung tâm, thay vì lấy tiền làm thước đo như trước.
Chẳng hạn như: Việc này cần mất bao nhiêu thời gian? Thời gian này nếu dùng để làm việc khác thì có tạo ra được lợi ích lớn hơn hay không? Mặc dù giá trị đơn vị thời gian cho việc này không cao, nhưng trong tương lai liệu có cho ra được kết quả lý tưởng hơn không?
Trong cuộc sống, cái gì có thể dùng tiền giải quyết được thì hãy cố gắng đừng dùng thời gian để giải quyết. Nếu bạn xem trọng thời gian, thời gian của bạn sẽ ngày càng đáng tiền, ngược lại, nếu bạn bán đứng thời gian, vậy thì thời gian của bạn sẽ ngày một rẻ mạt.
04
Wu Jun, cựu nghiên cứu viên cao cấp của Google, cựu Phó chủ tịch Tencent (Tập đoàn sở hữu mạng xã hội WeChat với hơn 1 tỷ người sử dụng), từng kể một câu chuyện như này.
Ngày còn học đại học, điều kiện kinh tế của Wu Jun rất bình thường, anh thậm chí còn từng rất nhiều lần nghĩ tới chuyện nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Nhưng nghĩ tới chuyện nếu làm vậy, trình độ học thuật sẽ không thể đạt tới đẳng cấp hàng đầu, vì vậy mà anh cố gắng kiên trì hoàn thành cho xong chương trình học của mình.
Trong khi ở thời điểm đó, có không biết bao nhiêu người vì cám dỗ mà bỏ học. Mặc dù những người bỏ học giữa chừng cũng tìm được cho mình một công việc ổn định, nhưng Wu Jun cho rằng, độ cao mà hầu hết họ có thể đạt được trong đời về cơ bản là đã bị hạn chế vào chính thời điểm mà họ quyết định nghỉ học đó.
Còn Wu Jun thì sao? Vì chống lại được những cám dỗ ngắn hạn, mà ngược lại đã thu được sự phát triển cũng như thành tựu lớn hơn. Thời gian nhiều khi giống như cái rương được chôn dưới lòng đất vậy, khi bạn vội vàng đào nó lên, bạn sẽ chỉ thu được một vài đồng bạc lẻ. Nhưng nếu bạn sẵn sàng dùng tâm đi bảo vệ nó, đợi tới khi chín muồi, nó sẽ đem tới cho bạn nhiều bất ngờ to lớn hơn.
Trong quá trình này, có hai kiểu tâm lý, một là mạo hiểm quái ác và hai là trì hoãn sự thỏa mãn. Hai kiểu tâm lý này quyết định chiến lược sử dụng thời gian để thu lợi nhuận của mỗi người.
Người trì hoãn thỏa mãn sẽ sử dụng thời gian để không ngừng đầu tư cho những chuyện quan trọng hơn, những chuyện này sẽ không lập tức cho ra kết quả, nhưng nếu bạn nhẫn nại chờ đợi, nó sẽ đem lại cho bạn nhiều trái ngọt mà bạn không tưởng tượng nổi.
Rất khó để đạt được mục tiêu dài hạn nếu chỉ dùng những phương pháp ngắn hạn, vì vậy kiểu tâm lý mạo hiểm quái ác sẽ chỉ giúp bạn thỏa mãn trong thời gian ngắn mà rất khó giúp bạn hiện thực hóa được mục tiêu dài hạn.
Nói tóm lại, thời gian là một loại tiền tệ trao đổi. Năng lực, thành tựu, tài phú, tất cả đều có thể được đánh đổi bằng thời gian. Nhưng bạn phải nhớ, thời gian là có hạn, và nó chỉ được đánh đổi một lần, một khi đã bán ra rồi là sẽ không thể chuộc lại được.
Vì vậy, mỗi một người cần phải suy nghĩ cho kĩ, bạn sẽ bán tài sản quý giá nhất – thời gian của mình ra sao!
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị