Vào một ngày đẹp trời cách đây nhiều thiên niên kỷ, Đức Phật đang dạy một học trò về bản chất của cuộc sống. Đức Phật hỏi người học trò: "Nếu một người bị một mũi tên bắn trúng sẽ đau phải không?
Không do dự, cậu học trò trả lời: "Vâng, thưa thầy"
Đức Phật hỏi tiếp: "Nếu người đó tiếp tục bị trúng một mũi tên nữa, anh ta có đau không?"
Học trò thoáng bối rối. Đức Phật ôn tồn nói: "Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng kiểm soát được việc bị trúng mũi tên đầu tiên. Tuy nhiên, mũi tên thứ hai là chúng ta có thể chọn cách phản ứng khác với mũi tên đầu tiên".
Rất nhiều lần, những sự việc đáng tiếc xảy ra khiến bạn mất phương hướng, đây là mũi tên đầu tiên. Vấn đề là hầu hết mọi người khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng cách phàn nàn, bực tức hoặc đổ lỗi cho người khác, đó là mũi tên thứ hai. Mũi tên đầu tiên, bạn không thể kiểm soát. Mũi tên thứ hai bạn có thể đề phòng. Một khi điều tồi tệ xảy ra, đừng làm cho nó tồi tệ hơn bằng cách phiền muộn về nó.
Đức Dalai Lama - một nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng nhận thấy sự cần thiết của việc giải trừ cảm xúc. Thay vì khuất phục trước cảm xúc, điều quan trọng là bạn phải giữ một cái đầu lạnh. Nó sẽ giúp bạn an toàn vượt qua mọi rắc rối phía trước:
“Hãy cố gắng nhìn nhận mọi thứ một cách thực tế và rõ ràng, không bị bối rối vì sợ hãi hay cáu giận. Nếu một vấn đề có cách giải quyết, chúng ta phải tìm ra nó còn nếu không, chúng ta không cần lãng phí thời gian để suy nghĩ về nó."
Có 3 nguyên tắc từ Đức Dalai Lama khá hữu ích cần ghi nhớ cho thời đại hiện nay. Nếu được áp dụng, chúng có thể giúp bảo vệ bạn khỏi sự đau đớn của mũi tên thứ hai:
Nguyên tắc phụ thuộc lẫn nhau
“Những người Phật tử chúng tôi tin rằng toàn bộ thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Đó là lý do tại sao tôi thường nói về trách nhiệm toàn cầu”, theo Đức Dalai Lama.
Trên thế giới có sự tác động lẫn nhau phức tạp của các nguyên nhân và kết quả dẫn đến một số việc xảy ra và những việc khác không bao giờ thành hiện thực. Điều này rất giống với quan điểm khoa học về cách thế giới vận hành. Sự sống trên trái đất dựa trên những tương tác đa dạng giữa các sinh vật khác nhau và môi trường của chúng. Bạn có thể thấy các chu kỳ, vòng lặp và các chuỗi khác nhau quy định cách mọi thứ diễn ra trong tự nhiên.
Các nhà triết học cổ đại thường xuyên nhắc về việc con người là động vật xã hội. Tất cả mọi người được kết nối với nhau trong một mạng lưới lớn. Nhưng hầu hết mọi người không nhận ra ảnh hưởng của hành vi mà họ làm đối với thế giới và những người xung quanh. Giữ nguyên tắc phụ thuộc lẫn nhau trong tâm trí sẽ giúp bạn có cái nhìn rộng hơn về hành động của mình để đưa ra những lựa chọn đúng đắn.
Nguyên tắc vô thường
Mọi thứ đều thay đổi. Tất cả mọi thứ trên thế giới đều bị khóa trong một dòng chảy liên tục đến và đi, sinh ra và biến mất. Đức Dalai Lama được sinh ra trước Thế chiến thứ hai và đã chứng kiến nhiều điều đến và đi trong suốt cuộc đời của mình.
“Là một Phật tử, tôi tin vào nguyên lý vô thường. Cuối cùng, dịch bệnh sẽ qua đi vì tôi đã chứng kiến chiến tranh và các mối đe dọa khủng khiếp khác trôi qua trong cuộc đời mình. Chúng ta sẽ có cơ hội xây dựng lại cộng đồng toàn cầu như cách chúng ta đã làm nhiều lần trước đây”, Đức Dalai Lama nói.
Để tự nhắc nhở mình về nguyên tắc này, người dân ở Tây Tạng xây các mandala bằng cát. Đây là những mẫu hình học phức tạp được tạo ra bằng cách sử dụng các hạt cát màu, một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. Mandala dịch nghĩa theo chữ Hán là "luân viên cụ túc", nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Các nhà sư dành rất nhiều thời gian để tạo ra vòng tròn đẹp đẽ đó để rồi phá hủy nó chỉ bằng một cái vuốt tay. Đó là một phép ẩn dụ tuyệt vời cho sự vô thường của cuộc sống.
Nguyên tắc từ bi
“Từ kinh nghiệm hạn chế của bản thân, tôi nhận thấy rằng sự bình yên trong tâm hồn đến từ sự phát triển của tình yêu và lòng trắc ẩn. Chúng ta càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác thì cảm giác hạnh phúc của chính chúng ta càng trở nên lớn hơn ", theo Đức Dalai Lama
Đức Dalai Lama cho rằng có hai loại cảm xúc mang tính xây dựng và phá hoại. Giận dữ là một cảm xúc mang tính phá hoại vì nó không chỉ gây hại cho mối quan hệ của bạn với người khác mà còn hủy hoại sức khỏe của bạn. Nếu bạn nuôi dưỡng những ý nghĩ thù hận hoặc sự tức giận dữ dội sâu trong bản thân, thì nó sẽ hủy hoại sức khỏe của bạn, phá hủy một trong những yếu tố dẫn đến hạnh phúc của bạn.
Sự tức giận có thể nuôi dưỡng lòng hận thù và dẫn đến những hành động sai trái. Điều bạn nên làm là vun đắp những cảm xúc tốt đẹp và quan trọng nhất chính là lòng nhân ái. Theo Đức Dalai Lama, lòng từ bi góp phần xây dựng sức khỏe tinh thần và thể chất tốt: “Chỉ có sự phát triển của lòng trắc ẩn và sự hiểu biết đối với người khác mới có thể mang lại cho chúng ta sự bình yên và hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm.”
Đại dịch và tình hình tài chính đều là những mũi tên đầu tiên bắn trúng bạn. Bạn thực sự không thể làm gì nhiều với chúng. Tuy nhiên, đừng làm cho tình hình tồi tệ hơn bằng cách tự bắn vào mình một mũi tên thứ hai. Thay vào đó, hãy thay thế những suy nghĩ tiêu cực của bạn thành một thứ gì đó tích cực hơn.
Theo Medium
Doanh nghiệp và tiếp thị