Bàn về tư duy, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân: Người có tư duy đóng không thoát khỏi ao tù thất bại

25/12/2020 23:00
Bàn về tư duy, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân: Người có tư duy đóng không thoát khỏi ao tù thất bại

Bên cạnh đó, nữ chuyên gia cũng "mách" 6 tips để rền luyện tư duy mở.

Ngày cuối năm nhắc lại về tư duy đóng (fixed mindset) và tư duy mở (growth mindset). Người có tư duy đóng chỉ nhìn sự việc theo cách của họ, và chẳng tiếp nhận được những góc nhìn mới, những tư tưởng mới và cách làm mới. Vì vậy, họ sẽ mãi sống trong quả bong bóng của những điều họ biết.

Ngược lại, người có tư duy mở hào hứng với cái mới. Họ chẳng phải biết hết mới hào hứng. Vì không biết nên họ hào hứng, luôn tìm tòi học hỏi và không ngừng phát triển bản thân mình. Vài bạn inbox hỏi, vậy em làm thế nào để rèn luyện được tư duy mở? Hôm nay, chia sẻ với các bạn 6 điều có thể làm để rèn luyện cho mình tư duy mở nhé.

1. Không ngừng học hỏi: Đừng mong người khác đồng thuận với mình. Hãy mong người khác giúp mình phát triển. Không biết, không hiểu là chuyện thường tình mà. Tôi cũng có khối việc bản thân chẳng biết và chẳng hiểu. Thì sách cặp đi cậy nhờ người khác chỉ cho thôi. Mấy bữa trước ở Phần Lan, tôi thích cách tiếp cận của trường học bên đó. Họ tổ chức lớp học ngược. Ở đó, học trò dạy cho thầy cô những điều thầy cô không rành, ví dụ như là cách sử dụng mạng xã hội chẳng hạn mà người trẻ hiểu biết nhiều hơn. Sự học không bao giờ là ngừng. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21 là tự học và học cả đời mà.

Bàn về tư duy, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân: Người có tư duy đóng không thoát khỏi ao tù thất bại - Ảnh 1.

2. Tính kiên trì: Hôm trước có bạn kia inbox than với tôi rằng bạn mới ra trường, thích làm tài chính nhưng bị công ty đẩy xuống chi nhánh làm kế toán chi nhánh. Bạn chán nản muốn nghỉ, inbox hỏi tôi có nên nghỉ hay không. Tôi hỏi em làm được bao lâu rồi. Bạn trả lời khoảng 1 tháng. Trời ơi, xin được vào công ty có tiếng, có tầm vóc, mới làm 1 tháng mà đã chán nản đòi nghỉ việc. Không làm từ thấp thì sao lên cao? Không bắt đầu từ chuyện học hỏi cơ bản thì làm sao làm quản lý? Không hiểu tính chất công việc của chi nhánh thì làm sao về làm HQ – văn phòng tổng? Làm gì cũng phải biết kiên trì, học hỏi và xây dựng nền tảng cho bản thân. Thiếu tính kiên trì thì cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì. Làm gì rồi cũng thất bại thôi à bạn.

3. Thích thử thách: Dù bạn là ai, làm gì, có startup hay không thì cuộc đời nào, dự án nào, công việc nào cũng có thử thách cả. Trong cái thế kỷ điên cuồng này, mọi thứ đều lật ngược. Mọi thứ được ủng hộ là phải mang tính chất thách thức truyền thống bằng công nghệ. Và thế là dù ta không muốn thì cuộc đời và công việc của ta cũng đầy thử thách. Có quá nhiều thứ phải học, phải thay đổi, phải tiếp nhận. Hoặc là ta bị thế kỷ đẩy ra rìa xã hội. Hoặc là ta ôm chầm lấy những thách thức mới và tiến lên cùng nó. Quyết định là của bạn!

4. Thất bại là chuyện bình thường: Hệ thống giao dục của những quốc gia phát triển và lấy 4.0 làm gốc luôn cho phép trẻ em được thử, được làm, và được fail. Fail thì thử lại thôi. Chỉ có điều bạn phải học từ cái đã fail để cải tiến, để làm lại một cách thông minh hơn, để làm lại với phần trăm thành công cao hơn. Đừng sợ! Sợ không là đã hết ngày rồi. Nhưng làm thì cũng bứt phá giới hạn một chút. Đừng làm trong vòng an toàn quá thì sáng tạo nằm ở chỗ nào? Cứ ngồi đổ thừa nhau hoài thì dĩ nhiên ta phải thua các doanh nghiệp khu vực và thế giới thôi. Học những thứ tiên tiến nhất từ thế giới. Nghĩ thế giới. Làm cho thế giới. Sáng tạo vì thế giới. Có thế thì fail cũng đáng nhỉ? Xong ta làm lại thôi. Vui mà!

Bàn về tư duy, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân: Người có tư duy đóng không thoát khỏi ao tù thất bại - Ảnh 2.

5. Tiếp nhận phản hồi: Đi chấm thi startup, tôi hay thấy các bạn phản biện đủ kiểu để bảo vệ ý kiến của mình. Tình thật phản biện là tốt, nhưng phải phân biệt được chỗ nào cần phản biện và bảo vệ ý kiến của mình, và chỗ nào cần tiếp nhận ý kiến người khác để cải tiến cái mình đang có. Người trong cuộc dĩ nhiên không nhìn thấy rõ, hoặc không nhìn thấy được từ góc độ của người sử dụng hay nhà đầu tư. Cứ cố chấp nghĩ mình giỏi và đúng thì tới đó thôi à, không phát triển tiếp thêm được nữa. Lắng nghe và tiếp nhận feedback thật ra là đang giúp cho bản thân phát triển hơn, dự án tốt hơn, cơ hội thành công cao hơn. Những người nói thật là những người thật tình giúp bạn. Còn muốn bạn chết luôn thì người ta sẽ ca tụng bạn đấy!

6. Vui mừng vì thành công người khác: Đừng ghen ghét hay sợ sệt khi thấy người khác thành công. Người ta làm được thì mình chúc tụng, vui vẻ cho họ. Biết đâu họ thành công cũng giúp được ta vài phần đó chứ. Khi ta mở lòng và vui vẻ cho người khác, người khác cũng sẽ mở lòng và vui vẻ cho ta. Kẻ đố kỵ sẽ chẳng đi xa. Người thành công giúp nhau cùng tiến.

Để có tư duy mở thật ra cũng đâu có khó. Mấy chuyện trên toàn là chuyện cách ta chọn thái độ và cách sống trên đời. Growth mindset thì thoải mái, thì tận hưởng và không ngừng vươn xa. Fixed mindset thì đóng thân mình trong cái ao tù không lối thoát. Đời là của bạn. Chỉ có bạn mới chọn được con đường mình muốn đi. Mà đã chọn rồi thì làm cho tới nhé!

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 04/12/2024