Xoay tư duy, chuyển cuộc đời - Thoát khỏi chế độ "lái tự động": Bí quyết làm chủ thói quen để xoay chuyển cuộc đời

12/05/2020 15:05
Xoay tư duy, chuyển cuộc đời - Thoát khỏi chế độ "lái tự động": Bí quyết làm chủ thói quen để xoay chuyển cuộc đời

Trích lược lời giới thiệu cuốn sách Xoay tư duy, chuyển cuộc đời

Qua nhiều năm tháng, tôi nhận ra rằng tôi vẫn chưa là chính mình.

Không phải tôi bị khó ở hay bệnh tật gì; tôi thật sự có cảm tưởng như một kẻ nào khác đang sống cuộc đời của mình. Có những khoảnh khắc tôi được kết nối sâu sắc với bản thân, gia đình, bạn bè, công việc hiện tại và đương nhiên là với cả hành tinh diệu kỳ mà chúng ta đang sống. Những khoảnh khắc đó thật đặc biệt. Khi đó, tôi cảm thấy như mình đạt được sự thông suốt tuyệt đối. Tôi thật sự hiện hữu và tỉnh táo. Tuyệt đối không có điều gì bị bỏ lỡ. Mọi thứ vừa vặn, hoàn hảo.

Khi được trải nghiệm những khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận mình thực sự được kết nối với chính con người của mình và với nơi chốn mà tôi đang hòa nhập, nơi đó là điều kỳ diệu mang tên cuộc sống. Không sợ hãi, không lo âu và cũng không có mối bận tâm nào bởi mọi thứ đều thật đúng đắn. Ở trạng thái đó, tôi biết rằng mọi thứ đều thật vui vẻ, sáng sủa và thú vị, và thấy cuộc sống này có bản chất là một cuộc chơi tuyệt diệu.

Đáng buồn là trạng thái này thường chóng qua, và trước khi tôi kịp nhận ra nó thì tôi đã quay trở lại với đời sống tất bật, nơi tôi phải vật lộn với tốc độ quay cuồng, mất kiểm soát và chỉ “ghi bàn” khi đâm sầm vào mục tiêu một cách không chủ ý. Và rồi sau đó, một ngày nọ, một tuần nọ, hay thậm chí một tháng nọ, một cách tình cờ, tôi lại bị nẩy tưng ra khỏi trạng thái đó, để rồi tự hỏi: Điều quái gì đang diễn ra vậy?

Hầu hết chúng ta đều đã trải nghiệm việc chạy xe từ điểm A đến điểm B mà khi tới đích chúng ta chẳng nhớ ra là mình đã đi ngang qua những cột mốc nào đáng chú ý trên đường đi. Chúng ta đến nơi an toàn và kiểm soát được phương tiện trong suốt hành trình, tuy vậy ta lại có cảm giác như một ai khác đã điều khiển mọi thứ bởi vì chúng ta hầu như chẳng nhớ nổi làm cách nào mà mình đã đến được nơi đó. Nói cách khác, chúng ta đã sử dụng chế độ lái tự động.

Sự thật là, điều này không chỉ xảy ra khi chúng ta cầm tay lái; nó xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống, tại chỗ làm, ở nhà, với bất cứ ai. Và đó chính là lý do để quyển sách này hiện diện ở đây.

CUỘC SỐNG Ở CHẾ ĐỘ “LÁI TỰ ĐỘNG”

Nguyên nhân khiến phần lớn thời gian sống của chúng ta ở chế độ “lái tự động” là do cách bộ não chúng ta hoạt động. Não bộ làm việc ở hai trạng thái: ý thức và tiềm thức, và theo nhiều nhà khoa học đáng tin cậy thì hai trạng thái này cộng lại sử dụng hết khoảng 25% tổng năng lượng của chúng ta.

Bộ não ý thức được sử dụng cho các quá trình liên quan đến lô-gic, lý lẽ và các cấp độ xử lý nhận thức cao hơn. Khi chúng ta cố gắng suy nghĩ để quyết định xem việc thuê xe có hiệu quả hơn so với việc mua hẳn một chiếc xe hay không, hay liệu việc sử dụng hệ thống bơm địa nhiệt[1] có thực sự giúp chúng ta tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường hay không, thì khi đó chúng ta đang dùng bộ não ý thức để xử lý thông tin. Việc này làm tiêu hao rất nhiều năng lượng, đó là lý do tại sao khi cố gắng giải một bài toán khó, chúng ta thường nhanh cảm thấy mệt.

Trái lại, bộ não tiềm thức là một cỗ máy hiệu quả hơn. Nó rất giỏi nhận ra những kiểu mẫu và sự tương đồng trong những việc chúng ta đang trải nghiệm trong hiện tại so với những gì chúng ta đã từng trải nghiệm trước đây. Nếu một việc ở hiện tại có vẻ đủ tương đồng với một việc nào đó trong quá khứ thì tiềm thức sẽ kết luận rằng chúng là như nhau, và theo đó điều khiển hành vi của chúng ta để chúng ta có cách phản ứng tương tự lần trước.

Vì vậy, nếu chúng ta nhận ra cửa nhà bếp không được đóng như thường lệ khi hai tay ta bưng hai ly rượu đi ra và ta không nghe được tiếng chốt cửa kêu “tách” chứng tỏ cửa đã được đóng thì gót giày của ta sẽ tự động đẩy cửa về đúng vị trí, với một lực vừa đủ để đóng cửa một cách hoàn hảo. Thật tuyệt! Việc này chẳng cần chút suy nghĩ; và đó chính là cái hay của cơ chế “lái tự động”.

Đó là một quá trình cực kỳ hiệu quả mà không làm tổn hao chút công sức nào và đóng vai trò thiết yếu cho hoạt động của chúng ta. Chúng ta không thể giải quyết tất cả mọi việc lớn nhỏ trong cuộc sống bằng ý thức vì nếu phải làm thế, chúng ta sẽ kiệt sức.

Hãy hình dung sẽ khó khăn đến mức nào nếu phải học cho được một ngôn ngữ mới, chơi một loại nhạc cụ, hay thậm chí học lái xe ngay trong lần đầu tiên. Khi chúng ta thực hiện những công việc chân tay, những việc đã trở thành thói quen hay những việc mà chúng ta đã thực tập đủ thường xuyên để trở thành tự nhiên, thì tiềm thức trở nên thật hữu ích trong việc giúp chúng ta bảo toàn năng lượng, để dùng cho những công việc khó khăn hơn. Tiềm thức tư duy nhanh hơn và có tính tự động cao hơn ý thức.

Đó là lý do tại sao những người chơi tennis hay đàn chuông[2] là những người cần cảm ơn tiềm thức nhiều nhất. Họ đã tập luyện đến mức tiềm thức luôn nắm quyền kiểm soát và hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với anh bạn ý thức phản ứng chậm hơn. Trong những tình huống như thế thì không còn nghi ngờ gì nữa về vai trò vượt trội của tiềm thức, và sự khác biệt này là rất quan trọng.

Vấn đề là tiềm thức không có “công tắc ngắt nguồn”. Khi chúng ta có khuynh hướng sống theo thói quen với những thông lệ thâm căn cố đế thì hầu hết những gì chúng ta làm đều là những thứ ta đã từng làm; và vì vậy, chế độ “lái tự động” trở thành chế độ mặc định tự nhiên trong cuộc sống. Nếu chúng ta là một vận động viên tennis thì có lẽ điều này cũng không hề hấn gì, nhưng hầu hết chúng ta không dành tất cả thời gian của mình chỉ để chơi tennis – cuộc sống phức tạp hơn thế nhiều.

Vì vậy, chúng ta cần phải tạo ra một sự cân bằng tốt hơn giữa hai hệ thống não bộ của mình. Không thể định lượng chính xác thế nào là một trạng thái cân bằng đúng đắn, hoặc các khả năng của ý thức nên đóng vai trò kiểm soát đến đâu, nhưng hầu hết chúng ta đều biết theo bản năng rằng nếu chúng ta có thể trở nên tỉnh thức hơn và bớt lệ thuộc hơn vào chế độ “lái tự động” trong cuộc sống hàng ngày thì điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt vô cùng lớn trong cách chúng ta sống cuộc đời mình. 

BỘ NÃO CỦA NGƯỜI SỐNG TRONG HANG

Bộ não con người không tiến hóa nhiều trong vòng 50.000 năm qua, và cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn duy trì những bản năng sinh tồn được tạo nên để bảo vệ mình khỏi những mối nguy hiểm từ thời tiền sử, chẳng hạn như những loài thú lớn muốn ăn thịt chúng ta, thay vì bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm nguy của cuộc sống hiện đại.

Để sống sót, chúng ta đã phát triển một cơ chế bên trong bộ não có khả năng phát hiện những mối nguy hiểm tiềm tàng ngay tức thì và lập tức phản ứng lại chúng. Cơ chế này đã từng rất hữu ích đối với chúng ta vào thời xa xưa, bởi càng phản ứng nhanh, thậm chí là với những mối đe dọa mơ hồ nhất, chúng ta càng có nhiều cơ hội để sống sót. Thế nên phản ứng sợ hãi đã trở thành nhân tố chính yếu trong quá trình sinh sản của bộ gien và theo thời gian nó đã trở thành phần không thể thiếu trong chuỗi ADN của con người.

Những mối nguy hiểm đó từ lâu đã không còn, thế nhưng hầu hết chúng ta vẫn thể hiện một nỗi ác cảm bản năng đối với các rủi ro. Nó đã là một phần trong con người chúng ta.

Khi chúng ta ở chế độ “lái tự động”, chúng ta không thắc mắc đối với khuynh hướng tiêu cực này, chúng ta chỉ đơn thuần nghe theo nó. Bộ não của người sống trong hang vốn cực kỳ nhạy cảm với bất cứ thứ gì mới mẻ và khác biệt, hoặc những gì không tương đồng với đặc tính của mình, không tương đồng với những điều chúng ta biết là đã có hiệu quả trong quá khứ. Kẻ sống trong hang muốn mọi thứ được giữ nguyên như cũ.

Tất nhiên bản năng này của người sống trong hang là để giúp ích cho chúng ta, để giữ cho chúng ta được an toàn. Bản năng đó sẽ không biến mất vì nó là một phần của con người chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể học cách lắng nghe và đáp ứng theo nó một cách hợp lý, thay vì chỉ nghe theo không cần suy nghĩ. Khi chúng ta nhận thấy bản năng đó đang tạo ra phản ứng sợ hãi, bơm đầy adrenaline vào huyết quản chúng ta để thúc đẩy phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”[3], chúng ta có thể dừng lại, hít thở và tự hỏi: “Mối đe dọa thực sự trong tình huống này là gì?”. Thường thì bản năng người sống trong hang ở bên trong ta muốn kích hoạt ở chúng ta một phản ứng mạnh hơn so với mức cần thiết.

Trong khi bạn ở trạng thái “lái tự động” thì bản năng này sẽ nắm quyền kiểm soát; khi bạn tỉnh thức thì nó bị truất quyền.

Việc hiểu được cách lắng nghe bản năng sống trong hang, trân trọng những gì nó nói với bạn và rồi tỉnh táo lựa chọn việc làm gì tiếp theo chính là chìa khóa để bạn tìm thấy tự do và có được một cuộc đời xán lạn.

Chúng ta hãy cùng xem xét hai nửa quang phổ ý thức và tiềm thức. 

TIỀM THỨC

Khi chúng ta ở trạng thái “lái tự động”, tiềm thức của chúng ta nắm quyền kiểm soát. Điều này có nghĩa là chúng ta có khuynh hướng rất dễ tác động trở lại với thế giới mà chúng ta đang sống.

Khi chúng ta nếm trải bất kỳ loại cảm xúc nào, chúng ta đều có phản ứng và những phản ứng đó cho thấy chúng ta đã trải qua một ngày như thế nào. Tiềm thức của chúng ta rất mê sự tưởng tượng bay bổng và sẽ lôi kéo chúng ta vào những giấc mộng giữa ban ngày bất cứ khi nào có thể. Những giấc mộng ban ngày ấy thường là về quá khứ hoặc tương lai và chúng khiến chúng ta hầu như quên lãng những gì đang diễn ra trong hiện tại. Khi chúng ta ở trạng thái “lái tự động”, chúng ta đưa ra những quyết định trong phút chốc về mọi thứ và thường thì đó là những quyết định không sáng suốt.

Nếu chúng ta đang cảm thấy mệt mỏi, chúng ta thường nốc ngay một ly soda có đường thay vì dành vài phút để thư giãn và tái nạp năng lượng. Nếu chúng ta vừa trải qua một buổi sáng khó khăn thì có thể chúng ta sẽ nuông chìu bản thân bằng một bữa trưa quá thịnh soạn để cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng thực chất nó lại khiến chúng ta kém hiệu quả cho đến hết ngày. Có thể là những công việc mà chúng ta phải hoàn thành hôm nay thật khó khăn và vô nghĩa, thế là ta lại quay sang tìm Facebook để thư giãn. Chế độ “lái tự động” khiến chúng ta cảm thấy mình dường như đờ đẫn. Đó là trạng thái thụ động, mất kết nối.

Khi chuyển sang trạng thái này, chúng ta thường cảm thấy như thể chúng ta là duy nhất và làm sao để sống còn là ưu tiên số một của ta. Chúng ta mất đi nhận thức mình là ai và điều gì là quan trọng bởi vì chúng ta bị chi phối bởi bản năng nhiều hơn là sự thấu suốt.

Khi nhìn vào gương, chúng ta tin những gì chúng ta trông thấy chính là mình: không gì khác hơn một cái tên, một khuôn mặt, đặc tính cá nhân không thay đổi – hầu như không có sự kết nối với nhân loại. Thời gian vùn vụt trôi qua, vì khi ở trạng thái này, hoặc là chúng ta bận rộn với những ý nghĩ, những ảo tưởng và hành động; hoặc là chúng ta bước vào một vùng tranh tối tranh sáng mà ở đó não bộ được nuôi dưỡng ngày qua ngày bởi các thiết bị kỹ thuật số, bởi truyền thông xã hội, game, truyền hình, báo chí,… Tôi gọi đó là “vùng đất bóng tối”. Khi ở đó, chúng ta sống ở trạng thái “lái tự động” và luôn sợ hãi bởi vì sợ hãi có nghĩa là chúng ta sẵn sàng để đối phó với nguy hiểm, theo cách của người ở thời tiền sử, gần như với bản năng của loài thú. Tiềm thức của chúng ta có thể hiệu quả, nhưng nó sẽ không thể giúp ta tỏa sáng. 

Ý THỨC

Ở nửa bên kia quang phổ chính là nơi chúng ta tỉnh thức. Đây thực sự là một trạng thái tỉnh táo và được kết nối. Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua những khoảnh khắc thông suốt hoàn toàn như thế – đó là những khoảnh khắc lướt qua khi ta cảm nhận rằng cuộc sống có thể tuyệt vời đến thế nào.

Thường thì những khoảnh khắc lóe sáng đó đến từ những sự kiện rất ngẫu nhiên – như đi dạo ở vùng quê vào một ngày trời bỗng dưng tuyệt đẹp, hay bất chợt nghe được một bản nhạc đúng tâm trạng. Cũng có thể là khi ta ôm một người mà ta yêu quý vào lòng. Đôi khi, có thể hơi kỳ lạ một chút, chúng ta cảm thấy mình có sức sống hơn khi cái chết hay một thảm họa đến kề bên.

Hôm trước ngày tôi bắt đầu viết quyển sách này, David Bowie[4] qua đời. Mặc dù đó là một ngày đáng buồn nhưng vẫn có điều kỳ diệu bên trong sự kiện đó. Tôi cảm thấy mình tỉnh thức hơn vì việc David Bowie vừa mất đi đã nhắc nhở tôi rằng, cũng như Bowie, bạn hoàn toàn có thể trở thành người mà bạn mong muốn trong cuộc đời này và cảm thấy hạnh phúc với điều đó mỗi ngày, đồng thời tôi cũng nhận ra rằng không có gì tồn tại vĩnh viễn. Đây là một góc nhìn rất hữu ích để chúng ta luôn giữ cho mình tỉnh thức.

Mỗi người có trải nghiệm của riêng mình về việc tỉnh thức trước cuộc sống. Đó là một phần rất bình thường của sự sống. Khi chúng ta kết nối, chúng ta sẽ nhận thấy mình không còn phản ứng với thế giới xung quanh nữa, mà chúng ta tương tác với mọi thứ một cách có ý thức và có chủ đích hơn. Dường như chúng ta có nhiều lựa chọn hơn và có góc nhìn rộng mở hơn để biết đón lấy mọi tình huống với thái độ tích cực. Ta nhận thấy tâm trí ta tĩnh lặng hơn; có mặt trọn vẹn và tập trung hơn, trái với cách hành xử bạ đâu hay đấy khi ở trạng thái “lái tự động”.

Khi tỉnh thức, chúng ta nhận thấy rằng chúng ta không bao giờ đơn độc; chúng ta thực sự được kết nối với mọi thứ và mọi người trên hành tinh này bởi vì, về mặt năng lượng, tất cả chúng ta đều là một. Ở trạng thái mà khả năng thấu cảm được nâng cao này, chúng ta hiểu được cái gì là quan trọng, cái gì không và chúng ta đủ sáng suốt để bỏ lại phía sau những nỗi ám ảnh vụn vặt để có thể tập trung vào những gì thực sự có ý nghĩa.

Khi chúng ta tỉnh thức, chúng ta trở nên sáng suốt, chúng ta sáng tạo, chúng ta dung hòa với thế giới xung quanh thay vì cố chống cự với nó và chúng ta nhận ra mọi thứ trở nên thật dễ dàng. Đối với tôi đây thực sự là một trạng thái tồn tại đầy sức sống (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) và nó hoàn toàn khác với trạng thái “lái tự động”.

THOÁT KHỎI TRẠNG THÁI “LÁI TỰ ĐỘNG”

“Lái tự động” cũng giống như việc bạn ngồi thụ động trước tivi, liên tục nhai thức ăn vặt trong khi bụng không đói và để cho mọi thứ đang được chiếu trên màn hình hút mất hồn.

Khi bạn tỉnh thức, bạn cảm thấy như thể mình đang là ngôi sao truyền hình được trao giải cho một chương trình truyền hình do chính bạn sáng tạo ra và bạn sẽ tiếp tục tỏa sáng như vậy mỗi ngày, ngày nào mà bạn còn bước đi trên hành tinh này. Nhân lúc này, hãy dành thời gian suy nghĩ về những lần bạn cảm thấy hoàn toàn tỉnh thức và được kết nối. Hãy nhắm mắt lại, hít một hơi sâu và nhắc nhở bản thân về cảm giác khi đó của bạn. Đặc biệt, hãy tập trung nhớ lại điều gì đã khiến cho trải nghiệm ấy trở nên thú vị như thế.

Một trong những nỗi thất vọng thường trực của tôi đó là mặc dù tôi đã đạt được trạng thái tỉnh thức tuyệt diệu ấy rất nhiều lần, nhưng nó lại biến mất quá nhanh và tôi quay trở về với guồng quay bất tận của trạng thái “lái tự động” hết lần này đến lần khác. Thật trớ trêu là cảm giác thất vọng lại càng thúc đẩy trạng thái “lái tự động” chiếm ưu thế dễ dàng hơn. Khi chúng ta cố gắng quá sức, chúng ta sẽ càng khiến mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn đáng kể. Để tỉnh thức, chúng ta cần phải vui vẻ và thư thái. Sẽ chẳng ích gì nếu chúng ta cứ sống trong tình trạng căng thẳng.

Thực tế là tiềm thức của ta rất giỏi thâu tóm quyền kiểm soát tâm trí ta và nó sẽ nhanh chóng bắt lấy mọi cơ hội dù là nhỏ nhất. Bất kể chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc viên mãn đến đâu, ngay khi chúng ta bắt đầu trở lại bận rộn và làm những việc chúng ta đã từng làm trước đây, thì cơ chế “lái tự động” sẽ được kích hoạt ngay để tiết kiệm năng lượng. Đó là một phần trong cấu tạo của ta.

Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng việc chúng ta thường xuyên đánh thức chính mình một cách có chủ ý thì có thể sẽ tác động sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, những quyết định chúng ta đưa ra và niềm vui sống nói chung. Càng làm như vậy thường xuyên, chúng ta sẽ càng được kết nối với trạng thái ấy và cơ chế “lái tự động” sẽ dần suy yếu đi. Cơ chế này sẽ không bao giờ mất đi vì chúng ta cần có nó để tồn tại, nhưng nó có thể trở nên ít chiếm ưu thế hơn và nhờ đó mà nó sẽ đóng vai trò hỗ trợ, thay vì dẫn dắt cuộc sống của chúng ta.

CÁCH SỬ DỤNG QUYỂN SÁCH NÀY

Trước khi đọc và thử nghiệm những kỹ thuật mà quyển sách này cung cấp nhằm giúp bạn tỉnh thức, bạn nên thực hiện một bài tập rất hữu ích là dành một ngày, hay thậm chí một tuần chỉ để ghi nhận xem bạn cảm thấy mình thực sự tỉnh thức ở mức độ thường xuyên như thế nào.

Hãy mang quyển sách này theo bên mình và ghi chú lại vào trang trống bất cứ lúc nào bạn nhận biết những khoảnh khắc ấy và những gì mà theo bạn là nguyên nhân đưa đến sự tỉnh thức. Lúc tôi thử làm bài tập này, tôi đã rất sửng sốt khi nhận ra mình hiếm khi tỉnh thức trong khi làm việc đến mức nào. Gần đây tôi đã yêu cầu một nhóm người thử kiểm nghiệm bản thân họ trong một tuần, và sau đó mỗi người đều cho biết họ hết sức ngạc nhiên khi nhận ra cuộc sống của họ đã bị điều khiển bởi cơ chế “lái tự động” nhiều đến mức nào. Một cặp vợ chồng khá thành thật, thậm chí còn bảo rằng trong suốt cuộc thử nghiệm ấy, họ gần như chẳng có lúc nào thoát ra khỏi trạng thái mê ngủ thường trực này, và rồi họ tự hỏi bao nhiêu năm tháng trong cuộc đời họ đã trôi qua theo kiểu như vậy.

Một cách thầm lặng, cơ chế “lái tự động” chẳng những được nuôi lớn nhờ vào những thói quen sẵn có của ta mà nó còn tạo ra những thói quen mới. Bộ não của người sống trong hang rất thích sự quen thuộc. Bộ não đó lập luận rằng rõ ràng những gì chúng ta đã trải nghiệm và giúp ta sống sót trong thế giới nhị nguyên của 50.000 năm trước thì không thể nào quá tệ như thế được. Quả thật khi chúng ta ở trạng thái “lái tự động”, chúng ta sẽ tự động đưa ra những lựa chọn mà chúng ta đã đưa ra trước đây. Điều này dẫn đến kết quả là phần lớn mọi hoạt động trong cuộc sống trở thành thói quen, và chúng bao phủ lấy ta như một tấm chăn khổng lồ êm ái dễ chịu.

Tôi là một người rất tin ở thiền định, sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại[5], yoga và nhiều môn học bí truyền. Tuy thật sự tôn kính những trường phái triết học này, nhưng tôi nhận ra rằng chúng giúp tôi phát triển nội tâm nhiều hơn là những khía cạnh bên ngoài. Chúng giúp tôi kiểm soát được nguồn năng lượng, đạt được sự tập trung và tĩnh tâm, nhưng không hẳn đã giúp kết nối tôi với nguồn năng lượng tỉnh thức của hành tinh này, với thế giới con người và vũ trụ bao la. Trên phương diện cá nhân, tôi cần nhận biết những việc nên làm và những việc không nên làm. Đó là hai mặt âm dương của sự tỉnh thức.

Quyển sách này được thiết kế để bổ sung cho những phương pháp giúp tĩnh tâm nói trên bằng những hoạt động vui vẻ, đòi hỏi hoạt động liên tục và mang tính thực nghiệm. Tôi tin rằng cách duy nhất để tỉnh thức là đưa vào cuộc sống của chúng ta nhiều trải nghiệm mới mẻ và khác biệt một cách có chủ ý, thúc đẩy sự phát triển cảm giác tỉnh thức mạnh mẽ khi chúng ta gắn kết với những trải nghiệm đó.

Mỗi người chúng ta đều là duy nhất, và mỗi người có những nhu cầu, niềm tin, mong muốn và đặc tính cá nhân khác nhau, vì vậy những trải nghiệm khác nhau sẽ tác động đến chúng ta theo những cách khác nhau và những gì là hiệu quả với người này có thể lại không hiệu quả với người kia. Cốt lõi của quyển sách này là một chuỗi những thử nghiệm mà bạn nên thử, tận hưởng chúng và tìm xem cái nào hữu ích cho bạn.

Rất nhiều cuộc thử nghiệm trong sách này đã được tiến hành với những nhóm lớn các tình nguyện viên, và chúng tôi biết rằng những thử nghiệm đó có tiềm năng mang lại tác động tích cực. Một số thử nghiệm khác được giới thiệu ở đây lần đầu tiên, để bạn có cơ hội tham gia vào một cuộc thử nghiệm với quy mô lớn hơn. Hãy chia sẻ với chúng tôi bạn cảm thấy thế nào nhé!

Trên tất cả, xin bạn hãy nhớ rằng quyển sách bạn đang có trong tay là một cơ hội, chứ không phải gánh nặng. Đây không phải là loại sách đưa ra những việc cần phải làm để bạn phải mất thêm thời gian cho nó. Thật ra đây chỉ là những gợi ý để bạn thử nghiệm cho vui nếu bạn nhận thấy chúng phù hợp. Nếu bạn bỏ qua một vài thử nghiệm thì cũng đừng áy náy. Nếu một vài gợi ý không hiệu quả đối với bạn thì cũng là bình thường vì không thể nào tất cả mọi ý tưởng đều phù hợp cho một cá nhân nào đó. Không có việc đúng hay sai trong cách bạn thực hiện những thử nghiệm này, và cũng không nhất thiết phải theo đúng một trình tự nào cả. Chỉ cần tin tưởng rằng bạn sẽ tìm thấy những gì mình cần trong số những thử nghiệm ấy.

Một số người đạt được lợi ích bằng việc lặp đi lặp lại một thử nghiệm trong nhiều ngày liên tiếp – chẳng hạn như, bạn có thể thử một gợi ý nào đó từ thứ Hai đến thứ Năm, thứ Sáu được dành để tổng kết lại xem mình đã học được những gì. Trong sách có các trang trống để bạn ghi lại những điều bạn thông tỏ, những góc nhìn mới và những ghi chú ngoài lề. Cũng có khi bạn nhận thấy chỉ cần thực hiện mỗi bài tập một lần là đủ để hiểu được hiệu quả của nó – như thế cũng rất tốt. Có thể bạn muốn đọc quyển sách từ đầu đến cuối và nghiền ngẫm từng nội dung bên trong; hoặc chỉ chọn đọc những gì mình quan tâm đâu đó trong sách khi bạn cần đôi chút động lực.

Lời khuyên duy nhất của tôi là đừng chỉ đơn thuần cầm quyển sách lên, đọc sách, rồi đặt nó trở lại trên kệ – bạn cần phải tiến hành những thử nghiệm này để chuyển biến bộ não ý thức của mình. Tỉnh thức hàm ý là “suy nghĩ ít hơn và làm nhiều hơn”. Anh bạn thân Jeremy đã có lần bảo tôi: “Chris này, có những con người của hành động và những người không như thế”. Hãy là một người của hành động và bạn sẽ thấy cuộc sống của mình ngày càng phong phú. Chúng ta không thể tỉnh thức chỉ bằng trí óc, mà đó phải là một trải nghiệm toàn diện và mạnh mẽ, chỉ có được thông qua những hoạt động đầy hứng thú.

Đừng quá nghiêm túc, hãy xem đây là một trải nghiệm thật vui vẻ. Tôi đã có chủ ý không đề cập nhiều đến các kết quả nghiên cứu hay số liệu thống kê và tất cả những gì mang tính hàn lâm, bởi vì đó không phải là những gì quyển sách này đề cập đến. Đây không phải là một tài liệu khoa học về ý thức; chỉ là quan điểm và là quan điểm của riêng tôi. Xin trích dẫn lại một câu trong quyển sách trước đó của tôi: “Những gì quan trọng thường không được xem trọng và những gì được xem trọng thường chẳng quan trọng” và quyển sách của tôi xuất phát từ quan điểm này.

Nếu bạn đang cần một động lực mạnh mẽ, hãy thực hiện những thử nghiệm này cùng với một người bạn, bởi những gì họ học được cũng góp phần nâng cao hiểu biết của bạn. Tôi nhận thấy rằng một sự khai sáng tức thời hẳn là hiếm khi xảy ra; điều thường xảy ra hơn là những thay đổi nhỏ về sự tỉnh thức với những tác động lớn hơn ta mong đợi. Nếu bạn có thể kết nối với con người mình trong khi thực hiện những thử nghiệm thì bạn sẽ nhận được những kết quả phi thường.

Bộ phim Lawrence of Arabia được thực hiện dựa trên cuộc đời của T. E. Lawrence, một người đàn ông cảm thấy cô độc và đã đi theo tiếng gọi bên trong để tìm ra chính mình. Ở trên sa mạc, Lawrence đã có những nỗ lực gần như không thể để kết nối với các bộ lạc xứ Ả Rập. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông trước khi bắt đầu một cuộc chiến đầy thách thức là: “Những điều lớn lao thường có khởi đầu nhỏ bé”. Trong khi chúng ta chưa sẵn sàng để làm những điều lớn lao, như đương đầu với quân Thổ bằng quân vũ trang của bộ lạc Bedouin, thì mỗi người chúng ta, bằng những cách rất riêng của mình, có thể tạo nên những thay đổi nhỏ nhưng có khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống nếu chúng ta cho phép nó xảy ra.

Nếu một trong những bài tập trong sách này có vẻ không hiệu quả với bạn, hãy cứ mạnh dạn điều chỉnh hay sáng tạo sao cho nó trở nên hiệu quả. Nguyên lý bên trong những bài tập này có thể được tiếp nhận bằng nhiều cách, hãy chọn lấy cách nào đó phù hợp với bạn. Những bài tập này sẽ giúp bạn kết nối với chính mình và tập trung vào những gì quan trọng (những chỗ này được biểu thị bằng biểu tượng đầu người), kết nối với một hay nhiều nguồn năng lượng có ở khắp nơi xung quanh bạn (được biểu thị bằng biểu tượng bóng đèn), hoặc tăng cường sức mạnh cho cơ thể và/hay tâm trí (được biểu thị bằng biểu tượng con ốc vít phát sáng). Mỗi bài tập được phân chia thành ba phần: góc nhìn mới về thử nghiệm, kế hoạch hoạt động cho thử nghiệm đó và những thành quả bạn nhận được khi thực hiện thử nghiệm.

Lời khuyên quan trọng cuối cùng của tôi trước khi để bạn tham gia vào cuộc vui này, đó là cách bạn tiếp cận các bài tập này sẽ quyết định mức độ hiệu quả bạn nhận được từ chúng. Nếu bạn chỉ để tâm vào một nửa, bạn sẽ chỉ nhận được kết quả nửa vời. Nếu bạn nôn nóng cho qua, mọi thứ sẽ chỉ lướt qua bạn! Nếu bạn tham gia với trái tim rộng mở và thái độ tích cực, bạn sẽ nhận được rất nhiều. Trước khi bạn thực hiện bất kỳ bài tập nào, hãy hít thở ba hơi thật sâu trong khi ngồi hoặc đứng thẳng, nở nụ cười thật tươi và nhận thức trọn vẹn rằng cuộc phiêu lưu sắp bắt đầu. Hãy thực sự dành trọn tâm trí của mình vào đó.

------------

[1] Bơm địa nhiệt, hay còn được biết là bơm nhiệt từ lòng đất: là một kỹ thuật năng lượng mới có hiệu suất cao và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình, cũng như trong công sở. Kỹ thuật này ứng dụng trong việc điều hòa nhiệt độ và cung cấp nước nóng. Thuận lợi lớn nhất của nó là khả năng tập trung nhiệt từ tự nhiên (lòng đất) thay vì tạo nhiệt từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.

[2] Đàn chuông (glockenspiel): loại nhạc cụ gồm các thanh kim loại với độ dài ngắn khác nhau. Người chơi dùng hai chiếc dùi nhỏ bằng gỗ gõ lên các thanh kim loại.

[3] Phản ứng “Chiến hay Chạy” (hay bản năng “Chiến đấu hay Bỏ chạy”) là một phản ứng sinh lý xảy ra khi cơ thể cảm nhận về một sự kiện đe dọa, tấn công, hay nguy hiểm đến sự sống còn. Walter Bradford Cannon là người đầu tiên mô tả phản ứng này.

David Bowie (1947 – 2016): ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng người Anh.

[5] Sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại: là chánh niệm, theo giáo lý đạo Phật

Trò chuyện bằng âm nhạc: Vượt qua ranh giới Đông và Tây - ảnh 4

Độc giả có thể sử dụng mã giảm giá FHSFNS để được giảm thêm 5% khi mua sách tại: https://bit.ly/xoay-chuyen-fhs. Thời gian sử dụng: đến 31/05/2020 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025