Hàng năm, một nhóm các chuyên gia về hạnh phúc trên khắp thế giới xếp hạng 156 quốc gia dựa trên mức độ hạnh phúc của công dân các nước này và công bố kết quả đó trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.
Hạnh phúc là một khái niệm khó có thể định lượng nhưng có cả một khoa học về hạnh phúc. Theo Jeff Sachs, giáo sư Đại học Columbia, đồng sáng lập Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, "hạnh phúc là trạng thái thoả mãn với cuộc sống".
"Về cơ bản đó không phải là một thước đo rằng ai đó cười lớn hay mỉm cười ngày hôm qua, mà là cách họ cảm nhận về cuộc sống của mình", ông nói.
Theo CNBC, kể từ khi báo cáo này bắt đầu vào năm 2012, các quốc gia Bắc Âu - gồm Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Iceland, thêm cả Quần đảo Faroe, Greenland và Aland - liên tục dẫn đầu. (Trong khi đó, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thường xếp ở vị trí 18 và 19).
Các nước Bắc Âu thường xuyên dẫn đầu danh sách quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh: Getty Images.
2019 là năm thứ hai liên tiếp Phần Lan dẫn đầu danh sách này. Năm 2017, vị trí này thuộc về Na Uy, còn Đan Mạch đứng đầu vào năm 2013 và 2016, Thuỵ Sỹ vào năm 2015.
Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia Bắc Âu có thứ hạng cao trong báo cáo hạnh phúc. Tại các nước này, giáo dục và y tế được miễn phí cho toàn dân, tỷ lệ tội phạm thấp, mạng lưới an sinh xã hội đảm bảo, dân số có trình độ tương đồng và cuộc sống tương đối sung túc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là những nước này luôn ưu tiên sự cân bằng - được xem là "công thức của hạnh phúc", giáo sư Sachs cho biết.
"Đó không phải là xã hội dành toàn bộ thời gian và công sức để trở nên giàu có. Họ tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống và kết quả vô cùng lạc quan", ông nói. "Chúng ta phải tìm được hạnh phúc trong mọi hoạt động của mình", ví dụ như trong công việc và đam mê.
Thời gian làm việc không dài
Tại Đan Mạch, một tuần làm việc thường kéo dài 37 tiếng, trong 5 ngày. Trong khi đó, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, một tuần làm việc trung bình của người Mỹ là 44 giờ, tương đương 8,8 tiếng một ngày.
Điều bất ngờ hơn nữa là thái độ của người Đan Mạch đối với việc lao động trong thời gian dài. Trong khi nhiều người Mỹ xem làm việc muộn như một điều đáng tự hào và là cách để thăng tiến, người Đan Mạch lại xem đó là một yếu điểm.
Theo Kay Xander Mellish, cố vấn doanh nghiệp người Đan Mạch, tác giả của cuốn sách "Làm Việc ở Đan Mạch như thế nào?", điều đó cho thấy bạn không thể hoàn thành công việc trong thời gian đã được phân cho. Theo Bộ Ngoại giao Đan Mạch, hầu hết nhân viên công sở nước này rời văn phòng vào lúc 4h chiều.
Để đạt được hiệu quả làm việc tốt nhất, người Đan Mạch thường không giao lưu hay giải lao giữa giờ để làm những việc vặt.
"Bạn có thể chỉ có 7,5 giờ một ngày nhưng dành toàn bộ thời gian đó để làm việc", bà Mellish cho biết. Thời gian rảnh là "thứ quan trọng nhất mà họ có", vì vậy hiếm khi họ ra ngoài vui chơi với đồng nghiệp sau giờ làm.
Người dân tại các quốc gia Bắc Âu cũng thường sắp xếp công việc linh hoạt. Ví dụ, Saara Alhopuro, một nhà ngoại giao tại Helsinki, Phần Lan, cho biết bà chỉ tới văn phòng 3 lần một tuần. Bà được phép làm việc từ xa một ngày mỗi tuần. Thời gian còn lại bà dành cho sở thích của mình: chụp ảnh nấm.
Bà Saara Alhopuro thường đi chụp ảnh nấm ở Turku, thành phố ven biển Phần Lan - Ảnh: CNBC.
Trên thực tế, ở Phần Lan, nhân viên công sở có quyền bắt đầu ngày làm việc sớm hơn hoặc muộn hơn 3 giờ so với yêu cầu thông thường của ông chủ.
Nghỉ phép du lịch 5 tuần liền
Tại Đan Mạch, nhân viên toàn thời gian tại các công ty thường được nghỉ phép hưởng lương 5 tuần liền để đi du lịch, bất kể vị trí hay lĩnh vực họ đảm nhận. Trong khi đó, nhân viên Mỹ với thâm niên 5 năm mới được cho nghỉ phép du lịch 15 ngày, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.
Mỹ không có chính sách nghỉ phép du lịch liên bang. Theo một nghiên cứu vào năm 2019, 23% người Mỹ không được nghỉ phép hưởng lương để đi du lịch và 22% không được nghỉ phép hưởng lương. Hơn nữa, chỉ 41% người lao động Mỹ cảm thấy rằng tổ chức họ đang làm việc khuyến khích nhân viên nghỉ phép. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn 55% không dùng hết ngày nghỉ phép của mình.
"Ở Đan Mạch, mọi người tận dụng mọi ngày nghỉ của mình", bà Mellish cho biết. "Nếu bạn cố gắng liên hệ với ai đó ở Đan Mạch và Thuỵ Điển vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8, rất có thể họ sẽ đang tận hưởng kỳ nghỉ của mình".
Còn ở Phần Lan, nhiều người nghỉ hè ở những ngôi nhà đồng quê, gọi là "mokki", nơi họ thư giãn với gia đình và bạn bè. Theo các chuyên gia, ngược với suy nghĩ thông thường, việc dành thời gian rảnh để nghỉ ngơi giúp một người cải thiện hiệu suất công việc nhiều hơn so với giảm thời gian đó để làm việc.
Nói "không" với căng thẳng
Christina Konig Koehrsen, đang theo học nghệ thuật ở Copenhagen, Đan Mạch, cho biết cô đã thôi việc trong lĩnh vực quảng cáo được 8 tháng. Nguyên nhân là cô bị căng thẳng và công việc không khiến cô cảm thấy hạnh phúc.
″Công việc đó không mang lại cho tôi sự cân bằng trong cuộc sống - điều mà chúng tôi vô cùng coi trọng", Koehrsen chia sẻ. "Chúng tôi có một hệ thống mà ở đó tôi được phép nghỉ việc và có một thời gian để suy nghĩ để tìm ra hướng đi tiếp theo cho đời mình". Trong khoảng thời gian này, Koehrsen được nhận trợ cấp 2.000 USD một tháng từ chính phủ.
Đây là một phần của mô hình thị trường lao động "linh hoạt và an toàn" của Đan Mạch. Với mô hình này, chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng sa thải và tuyển dụng nhân viên. Trong khi đó, người lao động được trợ cấp (trung bình 62,54 USD/tháng). Họ có thể được trợ cấp tới 2 năm nếu thất nghiệp và đáp ứng một số yêu cầu. Chính phủ Đan Mạch cũng hỗ trợ đào tạo và cố vấn miễn phí để họ trở lại làm việc.
Trường hợp Konig Koehrsen, cô đang theo học để trở thành hoạ sĩ và được trợ cấp giáo dục 1.000 USD/tháng từ chính phủ.
Konig Koehrsen đang theo học để trở thành hoạ sĩ sau khi nghỉ việc - Ảnh: CNBC.
Tự do là một giá trị quan trọng khác. "Bạn có thể sống theo cách mình muốn? Nếu bạn bị mắc kẹt trong nghèo khổ, nợ nần, thì câu trả lời là không", Sachs nói. "Nếu bạn có cơ hội theo đuổi cuộc sống mà mình muốn, thì câu trả lời là có. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều".
Tuy vậy, để có được những điều đó, người dân ở Bắc Âu phải nộp thuế cao. Trên thực tế, các quốc gia Bắc Âu là nơi thu thuế cao nhất thế giới. Ví dụ ở Đan Mạch, thuế doanh thu là 25%, thuế với ôtô lên tới 150%. Nhưng họ cũng vui vẻ nộp mức thuế cao như vậy bởi họ biết mình sẽ được hưởng những gì, Anu Partanen, tác giả cuốn "Nguyên Lý Bắc Âu", cho biết. Ví dụ, họ được miễn phí y tế, giáo dục, hưởng dịch vụ công cộng chất lượng cao...