Mỗi bậc cha mẹ đều có quan niệm nuôi dạy con cái khác nhau, và những tranh luận về việc nuôi con theo kiểu giàu hay kiểu nghèo chưa bao giờ kết thúc. Có cha mẹ nghĩ rằng, nên cho con điều kiện sống tốt nhất có thể. Lại có cha mẹ chủ trương nuôi con theo kiểu "nghèo nàn" để con hiểu được giá trị của sức lao động, đồng tiền. Tuy nhiên, sự "nghèo nàn" cần có mức độ, nếu không sẽ phản tác dụng.
Chị Lý (Trung Quốc) chủ trương kiểm soát nghiêm ngặt con về mặt vật chất, bao gồm những thứ như quần áo, giày dép, đồ dùng học tập. Chỉ khi cần, chị Lý mới mua đồ cho con, vì muốn con nhận ra tiền của cha mẹ không phải lá cây mà phung phí. Dần dần, con trai chị không bao giờ đòi hỏi cha mẹ mua cho bất kỳ thứ gì.
Trong một lần chị Lý và một số người bạn dẫn con đi chơi ở trung tâm thương mại, trong khi những đứa trẻ khác hớn hở xem đồ chơi rồi xin mẹ mua cho thì con chị lại khác. Cậu bé nép vào một góc cửa hàng, nói với giọng rất nhỏ: "Cái này đắt quá mẹ ơi, con không mua đâu". Chị Lý lấy làm tự hào lắm, cho rằng con mình ngoan hơn hẳn những đứa trẻ khác. Chị không hề để ý ánh mắt cậu bé ghen tị, xen lẫn tủi thân khi các bạn được mua đồ chơi mới.
Ảnh minh họa.
Một đứa trẻ như con chị Lý nhìn thì rất ngoan, nhưng đằng sau đó là cả một vấn đề tâm lý. Khi trẻ còn quá nhỏ nhưng đã biết "tội nghiệp" cho cha mẹ thì điều đó còn đáng sợ hơn cả cái nghèo thật sự. Việc cha mẹ dạy con sự chăm chỉ, tính tiết kiệm là điều rất tốt nhưng đừng bao giờ dùng nó như một công cụ để hạn chế những nhu cầu bình thường của trẻ.
Một đứa trẻ không bao giờ dám nói ra nhu cầu của mình và một bậc cha mẹ luôn bắt con kìm hãm bản thân một cách mù quáng - đây chính là cách giáo dục sai lầm. Nó sẽ khiến trẻ trở nên tự ti, lúc nào cũng mắc kẹt với suy nghĩ "Con không dám", "Con không thể",...
Một khi "hạt giống tự ti" được gieo trồng, nó sẽ bén rễ, nảy mầm và bám theo trẻ đến suốt cuộc đời. Theo các chuyên gia giáo dục, cách nuôi dạy sai lầm này của cha mẹ sẽ làm hạn chế sự phát triển của con trẻ trong tương lai, gây ra những hậu quả sau:
Những đứa trẻ bị mắc kẹt trong "lối suy nghĩ của người nghèo" thường có một số khiếm khuyết về nhân cách. Trẻ sẽ hình thành thói quen quan tâm quá mức đến tiền bạc, luôn tính toán, so đo thiệt hơn về chuyện tiền nong trong các mối quan hệ. Hoặc, trẻ bị cha mẹ kiểm soát chặt chẽ từ nhỏ thường không dám bày tỏ nhu cầu và ý kiến của mình, từ đó trở nên rụt rè và tự ti hơn.
Dưới sự kiểm soát quá mức của cha mẹ, trẻ thường không biết sử dụng tiền đúng cách, thay vào đó hình thành những quan điểm lệch lạc về tiền bạc. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này có thể tiêu tiền một cách bừa bãi, phung phí để bù đắp lại sự thiếu thốn thời thơ ấu.
Hoặc một kiểu khác là trẻ lúc nào cũng lo lắng về việc không có tiền từ nhỏ. Suy nghĩ này ám ảnh trẻ đến khi trưởng thành, khiến trẻ chẳng bao giờ dám tiêu tiền vào việc gì, lúc nào cũng khổ sở, không dám tận hưởng cuộc sống dù có kiếm được tiền đi chăng nữa.
Vì quá coi trọng tiền bạc, trẻ dần trở nên tính toán và luôn xem xét được mất về phương diện tài chính. Thay vì chú ý đến các mối quan hệ gia đình và bạn bè, trẻ lại luôn cân đo, đong đếm về tiền bạc, tạo cho người xung quanh ấn tượng xấu về sự ích kỷ.
Suy cho cùng, cha mẹ dạy con về tiền bạc là tốt nhưng cần phải dạy đúng cách. Cha mẹ thông minh sẽ dạy con cân nhắc giữa nhu cầu bản thân và ngân sách mình có, thay vì bóp nhu cầu của con quá mức, khiến con trở nên tự ti, rụt rè.
Pháp luật & bạn đọc