Tăng trưởng thần tốc - Vén màn sự tăng trưởng điên cuồng của các startup tỷ đô

25/10/2019 08:00
Tăng trưởng thần tốc - Vén màn sự tăng trưởng điên cuồng của các startup tỷ đô

Là "ông trùm" đầu tư ở chốn Silicon Valley, đồng sáng lập LinkedIn, từng lãnh đạo PayPal, là người đầu tư sớm vào Facebook, Reid Hoffman tái hiện trong "Tăng trưởng thần tốc" những câu chuyện sống động về chiến lược tăng trưởng được ưa chuộng bậc nhất Silicon Valley.

Năm 2011, Airbnb còn là một công ty khởi nghiệp nhỏ bé với bốn mươi nhân viên, có một văn phòng duy nhất ở San Francisco. Trong khi đó, một công ty ở Đức là phiên bản nhái của Airbnb nhưng đã phát triển với quy mô 400 nhân viên với 20 văn phòng ở châu Âu. Các nhà sáng lập Airbnb biết rằng nếu công ty họ không phát triển với tốc độ thần tốc, công ty nhái kia sẽ chiếm lấy và thống lĩnh thị trường và Airbnb sẽ không thể sống sót.

Airbnb quyết định thực hiện một chiến lược phát triển như vũ bão, kêu gọi thêm hơn 100 triệu đô la vốn đầu tư chỉ trong vòng vài tháng. Kết quả, đến mùa xuân năm 2012, Airbnb mở chín văn phòng quốc tế, số lượng đặt phòng tăng gấp 10 lần. Startup tuyên bố đã đạt được lượt đặt phòng mười triệu vào tháng 6 năm 2012.

Tăng trưởng thần tốc - Tăng trưởng hay là chết

Tăng trường thần tốc, một cách phát triển chóng mặt để vươn lên nắm giữ thị phần, thị trường chỉ trong một thời gian ngắn, và chấp nhận rủi ro cao trong quá trình đó - là hình thức tăng trưởng đã góp phần tạo nên những doanh nghiệp khổng lồ. Trong vòng 3 năm từ 1996 đến 1999, Amazon từ một công ty 151 nhân viên trở thành doanh nghiệp có 7600 nhân viên với doanh thu 1,64 tỷ đô. WeChat - ứng dụng nhắn tin mạng xã hội dành cho di động được Tencent phát triển, để rồi chỉ trong vòng 16 tháng, WeChat chào mừng người dùng thứ 100 triệu, trở thành "ứng dụng Trung Quốc cho mọi thứ".

Tăng trưởng thần tốc - Vén màn sự tăng trưởng điên cuồng của các startup tỷ đô - Ảnh 1.

Trong cuốn sách "Tăng trưởng thần tốc", Reid Hoffman - nhà đầu tư gạo cội ở thung lũng Silicon - giải thích tại sao các công ty khởi nghiệp lại buộc phải lựa chọn hình thức tăng trưởng như vũ bão này: "Lý do thường gặp nhất khi các công ty thực hiện tăng trưởng thần tốc là để đạt được quy mô lớn một cách đáng kể, đủ mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài. Đôi khi đây chỉ đơn giản là vấn đề nắm bắt được quy mô kinh tế, như Amazon hay Walmart, nhưng phần lớn là nhờ vào quy mô lớn một cách đáng kể tạo nên hiệu ứng mạng, như đối với Uber hay Airbnb".

Các công ty chấp nhận đánh đổi sự không chắc chắn trong mô hình kinh doanh, trong sản phẩm hay chiến lược gia nhập thị trường, cố gắng làm sao tăng trưởng với tốc độ cao nhất có thể chỉ nhằm giành được "lợi thế người tăng trưởng đầu tiên". Như ví dụ của Airbnb, khi có hai công ty với mô hình kinh doanh tương tự nhau, cái tên có được vị trí đứng đầu và chiếm lĩnh được thị trường có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh dài hạn và có chỗ đứng vững chắc hơn.

Bên cạnh đó, một khi công ty phát triển mạnh chiếm lĩnh vị trí cao trong hệ sinh thái của nó, các mạng lưới xung quanh sẽ nhận ra vai trò lãnh đạo của công ty đó, từ đó cả nhân tài và dòng vốn sẽ đổ vào công ty. Tức, công ty lựa chọn tăng trưởng thần tốc có cơ hội thu được nguồn vốn với quy mô lớn, đi kèm với khả năng thu hút được những người giỏi nhất. Ngoài ra, công ty chiếm lĩnh thị trường sớm hơn sẽ "học" được nhiều hơn và đó cũng là một lợi thế cạnh tranh quan trọng.

Hãy lấy một ví dụ gần gũi: Cuộc đua của các ứng dụng đặt xe công nghệ ở Việt Nam, với những cái tên như Grab, Go-Viet, Be. Khi Grab là người tiên phong và phát triển với quy mô lớn, hiểu về thị trường, có nhiều tài xế lẫn khách hàng. Điều này cho phép khách hàng của Grab có được chuyến xe mà không phải chờ lâu như với các đối thủ khác. Công ty thu hút nhiều khách hàng hơn, dẫn đến thu hút nhiều tài xế hơn, cho phép khách hàng đi lại thậm chí nhanh hơn nữa, thu hút khách hàng nhiều hơn nữa, cứ tiếp tục như thế. Khi trải nghiệm thị trường của khách hàng tốt hơn thì doanh nghiệp đứng trong thị trường càng lâu hơn.

Tăng trưởng thần tốc hay thất bại thần tốc?

Với những lợi thế trên, tăng trưởng thần tốc trở thành một lựa chọn gần như không thể phớt lờ với những startup có tham vọng lớn. Trong "Tăng trưởng thần tốc", Reid Hoffman nói đơn giản: "Như trong làn sóng mạng xã hội cho người tiêu dùng: Giải nhất thuộc về Facebook, giải nhì là của MySpace, giải ba là Friendster". (Bạn biết đấy, ngày nay chẳng ai nhớ hai cái tên còn lại). Có vẻ như, trong thế giới dịch chuyển nhanh như hiện nay, sự tăng trưởng bình thường, truyền thống không còn phát huy tác dụng.

Nhưng tăng trưởng thần tốc tức là ưu tiên tốc độ hơn sự hiệu quả hay sự chắc chắn. Phần thưởng có được là khổng lồ, nhưng rủi ro cho những công ty lựa chọn hình thức tăng trưởng này cũng đáng sợ không kém. Như mô tả của Drew Houston - nhà sáng lập Dropbox: "Nó giống như đâm lao vào một con cá voi vậy. Tin tốt là bạn đã đâm trúng vào một con cá voi. Và tin xấu là bạn cũng đã đâm lao trúng một con cá voi".

Tăng trưởng thần tốc - Vén màn sự tăng trưởng điên cuồng của các startup tỷ đô - Ảnh 2.

"Phát triển nhanh chóng tạo ra nhiều vấn đề ngang bằng với những giải pháp và lợi thế nó mang lại", Hoffman nói, "Mục tiêu của tăng trưởng thần tốc là đạt được sự tăng trưởng "tia chớp" bất chấp rủi ro và chi phí có thể gia tăng".

Đó đơn giản là sự phát triển rất mất kiểm soát. Quyết định bành trướng thị trường của Airbnb năm 2011 đi kèm với nguy cơ vì ôm đồm quá nhiều thứ một lúc mà có thể hủy hoại việc kinh doanh cốt lõi. Hay như Amazon, công ty từng nhận nhiều chỉ trích vì những chiến lược liều lĩnh trong việc sử dụng nguồn vốn mà không tạo ra lợi nhuận ổn định.

Thậm chí, "bạn không nhất thiết phải giải quyết mô hình doanh thu trước khi quyết định thực hiện tăng trưởng thần tốc", Hoffman nói, "Giống như trong trận bóng bầu dục Mỹ, một người chơi có thể chạy té xuống sân để tạo nên cái chạm đích giành chiến thắng cho đội, thậm chí một công ty đã chiếm được lợi thế của doanh nghiệp mở rộng kinh doanh đầu tiên, doanh nghiệp này có thể đánh mất lợi thế của mình nếu điều này mang lại rủi ro lớn hơn những gì nó có thể giải quyết".

Sự lao dốc thần tốc của WeWork gần đây là một ví dụ rõ ràng nhất. Công ty này bành trướng mạnh mẽ, được định giá 47 tỷ USD, để rồi trước IPO, mọi số liệu chứng minh kết quả kinh doanh tệ hại. Người ta còn nghi ngờ liệu mô hình kinh doanh này có thể đem lại lợi nhuận hay không. Cái kết của tăng trưởng thần tốc, đôi khi lại là một người khổng lồ với thân thể rệu rã và không thể tạo nên một đồng lợi nhuận. "Nếu bạn không có được sản phẩm, thị trường phù hợp, hoặc mô hình kinh doanh của bạn không hiệu quả, hoặc nếu các điều kiện thị trường không phù hợp cho siêu tăng trưởng, thì tăng trưởng thần tốc trước khi kịp ổn định công ty có thể dẫn đến "thất bại thần tốc" rất đau đớn", Hoffman cho biết.

Là "ông trùm" đầu tư ở Silicon Valley, đồng sáng lập LinkedIn, từng lãnh đạo PayPal, là người đầu tư sớm vào Facebook, Reid Hoffman tái hiện trong cuốn sách "Tăng trưởng thần tốc" những câu chuyện sống động về chiến lược tăng trưởng được ưa chuộng bậc nhất Silicon Valley. Ông đưa người đọc trở lại những ngày đầu thành lập của Airbnb, Slack, Amazon, Facebook, chỉ dẫn cách tăng trưởng thần tốc thành công nhưng cũng cảnh báo về những góc đen của nó.

Tuy khẳng định vai trò của "tăng trưởng thần tốc" đối với các doanh nghiệp trong thời đại ngày nay, Hoffman cũng bắt độc giả phải tự đưa ra kết luận của riêng mình về tính đúng đắn của chiến lược này. Chính ông cũng thừa nhận: Nhà đầu tư và các startup chỉ thực sự biết lựa chọn tăng trưởng thần tốc có phải là lựa chọn đúng hay không chỉ khi họ "đến gần với điểm đích".

Theo Nhịp Sống Kinh Tế


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 03/12/2024