“Căn bệnh trầm kha nhất của con người là: hay bị cuốn hút vào những suy tư, lo sợ vẩn vơ ở trong mình”
Đã có khi nào, trong một phút giây bế tắc của cuộc đời, bạn từng đau khổ mà thốt lên rằng: “Đến tôi cũng không hiểu mình như thế nào?”. Có lẽ, câu hỏi lớn nhất mà nhân loại vẫn luôn tự đặt ra, đó là: “Tôi là ai? Tại sao tôi có mặt trên cuộc đời này? Mục đích tôi sống trên đời rốt cuộc để làm gì?”. Đôi lúc, những dấu chấm hỏi lơ lửng đó trở thành một sự tra tấn tinh thần khốn cùng, bắt buộc cá nhân con người ta phải tự tìm đến “cái chết” để giải thoát. Ngay cả sự phát triển tột bậc của văn minh nhân loại cũng không thể cứu rỗi được những bi kịch nội tâm xuất phát từ chính con người.
Từ những chương mở đầu cuốn sách “Sức mạnh của Tĩnh Lặng”, Eckhart Tolle đã chỉ ra rằng, “căn bệnh trầm kha nhất của con người là: hay bị cuốn hút vào những suy tư, lo sợ vẩn vơ ở trong mình.” Dưới góc độ Tâm lý học, cuốn sách đã phân tích nổi bật những hõm đen tối tăm trong thế giới nội cảm con người. Đó là một chuỗi cảm xúc tiêu cực: giận dữ, buồn bã, sợ hãi, ham muốn,... Đó là mối ác cảm, kỳ thị, phân biệt trong lối hành xử giữa nhân sinh đời thường. Đó là chứng bệnh đầy tệ hại, ám ảnh nhân loại nhất hiện nay: Trầm cảm...
Theo Eckhart Tolle, chính “cái Tôi” mong manh và luôn cảm thấy bất an đã thúc đẩy những cảm xúc tiêu cực luân chuyển trong tâm thức con người, tạo thành ngục tù tâm tưởng của những “suy-tưởng không-chủ-đích”. Khi suy nghĩ không được cắm rễ sâu trong ý thức, cảm nhận về bản chất chân thật của đời sống sẽ bị che mờ bởi những phiền nhiễu gặp phải, bởi dòng suy tư miên man không dứt. Không gì quan trọng hơn với mỗi cá nhân là nhận ra được điều này để mang lại sự chuyển hóa và tự do cho chính bản thân.
Khổ đau của bạn rốt cùng không phải gây ra bởi những tình huống khó khăn mà bạn gặp phải, mà chính là do những điều kiện rất tiêu cực trong tâm thức bạn
Bạn vẫn hay thường nghe đến câu nói rằng: “Thời gian sẽ chữa lành mọi thứ”. Thời gian phải chăng có một sức mạnh to lớn như vậy?
Eckhart Tolle đẩy cái nhìn rộng mở ra thế giới ngoại cảnh bên ngoài để phát hiện ra rằng: Mỗi thân cây, mỗi ngọn cỏ, chim chóc và muông thú,... đều an nhiên với chính nó. Kỳ thực, những nỗi đau, chấn thương tâm lý mà con người gặp phải cũng chỉ những gợn sóng trên mặt hồ, không thể xáo trộn tâm hồn bạn được lâu. Thực tại này vốn là một toàn thể thống nhất và suy tư con người chỉ là những mảnh vụn cắt xén rời rạc của thực tại .
Phương pháp thực tập mang tính trị liệu hiệu quả mà cuốn sách đưa ra đó là: “chuyển đổi từ trạng thái suy nghĩ, miên man không chủ đích sang trạng thái có mặt đầy ý thức với những gì đang xảy ra chung quanh bạn”. Kể cả khi bản thân ở trạng thái nhàm chán, hãy để mình thể nghiệm trong trạng thái nhàm chán đó, và cảm nhận xem cảm giác ấy thực ra như thế nào. Đó là cơ sở phát sinh nên sự sâu lắng, tĩnh lặng bên trong nội tâm, nhận thức vì thế mà được lọc qua tấm màng trong thuần khiết.
Đây không chỉ là một phương pháp thực tập tâm linh, mà còn là một triết lý sống đầy nhân văn, tích cực. Chẳng phải, bản thân mỗi người trong giây phút đối diện với hiểm nguy mới “thấm nhừ” giá trị của sự sống sao? Chẳng phải, ở giây phút hiện tại chúng ta vẫn luôn chấp niệm về một giây phút khác quan trọng hơn ở tương lai, mà sinh ra thái độ không thỏa mãn với thực tại hay sao? Cuốn sách đã dẫn dắt người đọc có cái nhìn sâu hơn vào phút giây hiện tại. Thế giới này chẳng khác gì một cuộc khiêu vũ của vũ trụ. Sự thật, bạn là một sự sống rộng lớn, và những gì được cho là “khó khăn”, rốt cuộc cũng chỉ là ý nghĩ, cảm xúc và cảm nhận của chính ta.
Bài học chan chứa lẽ sống nhân sinh sâu sắc, đời thường
Những ý tưởng trình bày trong tác phẩm không đại diện cho một tôn giáo hay truyền thống tâm linh chuyên biệt nào, nhưng nó có khả năng đáp ứng nhu cầu tinh thần của rất nhiều người.
Hầu hết mối liên kết giữa người với người đều bị trói buộc bởi sự trao đổi của ngôn từ. Trong nhân sinh đời thường, phải chăng chúng ta đã quá vội vàng khi đánh giá, hay kết luận về người khác. Sự lắng nghe sâu sắc là một khả năng “hiếm có” cần đạt được, giúp cá nhân có thể mang sự tĩnh lặng, minh triết vào trong những mối quan hệ.
“Sức mạnh của Tĩnh Lặng” không phải là một cuốn giáo lý, kinh văn nhưng có sức mạnh cảm hóa, thay đổi thế giới quan con người. Tác giả Eckhart Tolle thông qua cuốn sách đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với toàn nhân loại, nhanh chóng rũ bỏ những rãnh mòn ăn sâu trong nếp nghĩ xưa cũ, để vươn tới một mối quan hệ tích cực hơn với mọi người và với cuộc đời.
“Hãy sống với bản chất chân thực của mình!” . Đây là lời nhắn nhủ ngắn gọn được Eckhart Tolle gửi gắm sau cùng. Đời sống này vốn dĩ vô tận, do vậy, chết không phải là hết. Trải nghiệm khổ đau thực chất lại mang đến cho con người cảm nhận về chiều sâu vô lượng của kiếp sống nhân sinh, của sự khiêm cung và lòng xót thương. Sau cùng, tự do và giải thoát xảy đến khi mỗi cá nhân ý thức được mỗi giây phút hiện tại trôi qua đã là sự lựa chọn hoàn hảo nhất.
Bạn đọc quan tâm đến cuốn sách có thể đặt mua tại Fahasa qua link: http://ldp.to/suc-manh-tinh-lang . Nhập mã TRAMDOCFHS để được giảm thêm 5%. Thời gian áp dụng: 04/05/2021 đến 31/05/2021