Đặt ra giới hạn là một việc khó khăn với những người tốt bụng. Nếu bạn hay quan tâm và giàu lòng trắc ẩn, bạn luôn nhìn ra những điều tốt đẹp từ người khác, cũng dễ đồng cảm và tha thứ cho lỗi lầm của đối phương. Bạn không muốn làm tổn thương người khác nhưng trong phần lớn trường hợp, bạn là nạn nhân khổ sở nhất trong những màn “cứu khổ nhân loại” của chính mình.
Nếu bạn thấy những biểu hiện trên giống với mình, mời bạn tham khảo 3 bài học dưới đây để biết đặt lòng tốt đúng chỗ.
Thứ nhất, tình bạn là một món quà.
Không ai mắc nợ bạn một tình bạn, sự tốt bụng, sự giúp đỡ và thời gian. Bạn cũng không nợ người ta những điều tương tự. Đôi khi một người rất tốt bụng nghĩ rằng cô ấy sẽ dành được tình cảm của ai đó nếu cô ấy yêu thương họ đủ nhiều; hay đối phương phải chịu trách nhiệm bù đắp vì đã làm cô ấy tổn thương hay cô ấy đã hy sinh rất nhiều vì họ. Tất nhiên đây không thể là dấu hiệu của một mối quan hệ lành mạnh dù cô ấy là người rất tốt.
Một trong những dấu hiệu của sự trưởng thành là khi một người biết chấm dứt các mối quan hệ trong hòa bình. Rời xa một người mình từng yêu thương sẽ thật buồn, nhưng rất đáng nếu mối quan hệ đó không cho chúng ta cảm giác được trân trọng.
Để rời xa ai đó trong yên bình, bạn cần hiểu rằng bạn đáng được trân trọng ngay cả khi bạn không được tất cả mọi người yêu thích (không ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người). Mối quan hệ đi vào ngõ cụt đôi khi không phải do lỗi của bạn. Có thể đối phương đang trải qua biến cố gì đó. Có thể bạn gặp đúng người nhưng sai thời điểm. Có thể quan điểm sống và mục tiêu của người ta đã thay đổi. Hãy để họ đi, động viên bản thân rằng bạn là người tốt và tìm cho mình những người đồng hành mới.
Thứ hai, làm chủ cảm xúc của bạn.
Nếu bạn cảm thấy cô đơn, kiệt sức, lo lắng, đau đớn, đó là vấn đề bạn cần tự giải quyết, đó không phải là trách nhiệm của người khác. Cần nhớ rằng chỉ bạn mới có thể đem lại hạnh phúc cho chính mình. Bạn bè và gia đình có thể buồn với bạn, ủng hộ, yêu thương bạn nhưng không thể giải quyết những rắc rối của bạn. Họ không có trách nhiệm phải giải cứu bạn khỏi mớ cảm xúc tiêu cực nên bạn không nên kỳ vọng có ai đó sẽ hàn gắn vết thương lòng hay xua đi cảm giác lo lắng ngự trị tâm trí bạn.
Tương tự, bạn không nên cố tháo gỡ những rắc rối của người khác, dành tất cả thời gian tìm kiếm hạnh phúc cho một ai khác không phải mình. Những kỳ vọng này là không công bằng vì chúng tạo ra sự phụ thuộc. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng phải tự chiến đấu với con quỷ dữ ẩn nấp trong chính bản thân mình.
Nếu tôi ở bên người luôn cố làm mọi việc để tôi thấy hạnh phúc, và ngược lại tôi cũng luôn cố làm vui lòng anh ấy, mối quan hệ sẽ sớm trở nên mơ hồ và thiếu thành thật. Nguyên nhân là không ai hành động vì hạnh phúc của bản thân mình và cũng không ai bày tỏ rõ ràng nhu cầu của bản thân cho đối phương biết.
Bạn cần thể hiện tình yêu với người khác nhưng không nên bỏ rơi nhu cầu, hạnh phúc của chính mình để làm vừa lòng ai đó. Thể hiện tình yêu là để đối phương hiểu con người thật của mình chứ không phải để lờ tịt đi những nhu cầu và mong muốn của bản thân.
Kỹ năng bạn cần trang bị cho mình là dám đòi hỏi những gì bạn muốn và bạn cần. Bạn sẽ không trở thành anh hùng trong mắt đối phương vì bạn không nói lên nhu cầu của bản thân đâu. Bạn muốn chúng biến mất nhưng chúng chỉ mưng mủ trong lòng và trở thành bức tường ngăn cách bạn với người ấy. Nếu bạn không nói ra cảm xúc của mình, bạn đang tạo áp lực lên người khác: họ phải cố đoán ý nghĩ của bạn. Thể hiện mong muốn và nhu cầu là trách nhiệm của bạn, đừng bắt ai khác phải đoán xem bạn cần gì, muốn gì.
Thứ ba, biết cái gì thuộc về bạn.
Yếu tố tối quan trọng trong một mối quan hệ là sự sở hữu: biết cái gì thuộc về mình và cái gì thuộc về đối phương. Nỗi đau, sự dằn vặt, quá khứ của bạn thuộc về bạn. Cách bạn đối xử, chăm sóc người khác, cách bạn mơ ước và suy nghĩ thuộc về bạn. Người khác cũng có những ước mơ, mục tiêu, quá khứ, vòng an toàn, sự lựa chọn, giá trị, cuộc đời và cảm nhận của riêng họ.
Người tốt bụng thường dằn vặt mình theo kiểu như thế này: Sao mình có thể phản bác lại ý kiến của cậu ấy được vì mình chơi rất thân với cậu ấy? Sao mình có thể làm một chuyện khiến cậu ấy buồn được? Nhưng sự thật là người khác có quyền buồn, thất vọng về những lời bạn nói, những việc bạn làm cho bản thân và bạn có quyền hành động theo ý muốn của mình. Bạn không cần cắn rứt lương tâm về việc làm của mình và đối phương cũng không cần thấy có lỗi vì phản ứng của họ. Mối quan hệ sẽ không xấu đi ngay cả khi bạn làm người ta buồn và kiên định với lựa chọn của mình. Điều này thậm chí có thể khiến đối phương tôn trọng bạn hơn.
Ý thức được những thứ thuộc về mình, bạn biết nói “xin lỗi” khi hành động của bạn làm tổn thương ai đó. Ý thức được những thứ thuộc về người khác, bạn biết nói “cảm ơn” khi ai đó dành tặng những điều tốt đẹp của họ cho mình. Đó mới là điều cần có trong một mối quan hệ.
Nhiều người dùng từ “giới hạn” mà không biết chính xác ý nghĩa của nó. Có người nghĩ giới hạn là một bức tường. Nhưng không phải. Giới hạn là khi chúng ta hiểu chính mình, chúng ta biết yêu thương người khác đúng cách.
Khi hai người ở trong một mối quan hệ có những giới hạn lành mạnh, mỗi người sẽ tự cảm thấy rằng khi mình ở bên người kia, nhu cầu của mình được đáp ứng và bản thân được hạnh phúc. Cả hai không ngại ngần bày tỏ quan điểm, cảm nhận và nhu cầu cá nhân. Cả hai cũng ý thức rõ ràng về giá trị bản thân, trân trọng bản thân ngay cả khi đối phương có thay đổi và rời xa mình.
Bức tường thì khác. Bức tường được dựng lên khi chúng ta không giao tiếp với nhau một cách thành thật, không bày tỏ nhu cầu và không hành động vì hạnh phúc của bản thân, chúng ta để sự ấm ức và tổn thương len vào cản trở mối quan hệ.
Giới hạn là hạt mầm của niềm tin. Giới hạn cho phép người ta cãi nhau, nổi giận với nhau, làm nhau tổn thương nhưng nói được cho đối phương biết mình đang nghĩ gì và sau cùng họ vẫn yêu thương nhau. Đó là cách con người đi tìm và đạt được hạnh phúc. Một mối quan hệ lành mạnh không thể thiếu những giới hạn và chúng ta đều cần học cách duy trì chúng.
Theo Trí Thức Trẻ