Nhà thơ Du Tử Lê và 'Em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình'

01/04/2019 17:15
Nhà thơ Du Tử Lê và 'Em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình'

Đây là tác phẩm thứ 75, của một người làm thơ đã ngoài 70 tuổi. Tôi không biết có phải là tác phẩm cuối cùng? Nhưng tôi rất hài lòng với tuyển tập này…”, nhà thơ Du Tử Lê chia sẻ.

Tuyển tập thơ 2016-2019 với tên gọi “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” là tác phẩm thứ 75 của nhà thơ Du Tử Lê, xuất bản tháng 4.2019.

Trong bài nói chuyện về thơ văn Du Tử Lê tại Hoa Thịnh Đốn ngày 11. 5.1997, diễn giả Toàn Phong / Nguyễn Xuân Vinh kể: “Cách đây mấy tuần, tôi được Thư viện Trung ương (Đại học Michigan) liên lạc và nhờ tìm hộ cuốn thơ Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà / Your Scented Garden, My Nostalgia của Du Tử Lê; vì có một sinh viên Mỹ muốn đọc mà không có.

Để nhanh chóng và tránh những phức tạp hành chánh tôi nhận lời mua hộ và gửi tặng luôn. Mấy hôm sau, tôi nhận được thiệp cám ơn của ông giám đốc thư viện, đại diện cho Hội đồng Nhiếp chính đại học. Tôi xin trao lại thiếp này cho Du Tử Lê, ghi nhận là sáng tác của anh hiện nay đã nằm trên kệ sách thư viện cao, làm tài liệu nghiên cứu cho các sinh viên văn học Á Đông.

Trong những năm xa xứ, Du Tử Lê không ngừng sáng tác. Có thể nói thêm là anh đã sáng tạo, khai phá. Tôi yêu thơ của Du Tử Lê, hay đọc thơ anh, vì qua những dòng chữ mà anh cho là dồn dập như những hạt nước, theo tôi là những hạt ngọc, xô đẩy nhau gợi cho tôi nỗi khắc khoải yêu con người, dù đồng hương hay khác giống, nhớ tổ quốc xa vời, mòn mỏi đếm từng ngày xa xứ.

đêm nghiêng bình rót ly không đáy

mỗi ngụm buồn, vui trớt tháng năm.

Nhà thơ Hoàng Cầm (phải) và nhà thơ Du Tử Lê, Hà Nội 2008. Ảnh: dutule.com

Những câu thơ lục bát của Du Tử Lê đã viết, dù không nhiều cũng dư thừa để anh ngang nhiên ngồi cùng chiếu với những danh tài thơ lục bát thượng thừa. Nhưng anh đã dũng mãnh khai một sạn đạo khi đề nghị rằng nếu cần diễn tả tâm trạng cho rộn ràng, hay làm cho câu thơ thêm trang trọng thì có thể bỏ âm trắc, như câu anh viết:

Tôi Lê. Lê. Lê. Lê nào?

Không những thế, anh lại đặt câu 6 này là câu cuối trong bài. Dứt bài thơ một câu ngắn ngủi, lại có âm bằng, tạo cho ta một bâng khuâng, vương vất, trong cái thiếu thốn lại nẩy ra một dư hưởng lê thê, ngập ngừng của du tử. Lê đã vạch ra một con đường rẽ từ thể lục bát, nhưng không phải ai cũng đi theo được, vì con đường độc đạo này chưa phải là con đường mòn đã có nhiều chân dẫn lối…

Như một tráng sĩ đi tiên phong, Du Tử Lê đề nghị dùng gạch chéo / Slash / như một đao pháp để hoán chuyển chữ trong một câu thơ. Chẳng hạn trong 2 câu:

còn/rừng/gương/soi cho tôi

bao dung/núi / đợi. Nghiêng vai / sông / chờ.

có đến 7 gạch chéo để người đọc có thể hiểu và hoán vị thành: “tôi soi gương,” hay “rừng soi gương,” hay “rừng còn soi gương,” hay “gương soi rừng...” Lối hoán vị này đã cởi những trói buộc cho thơ. Sau này, ở thế hệ tới, tôi tin chắc sẽ có nhiều bạn trẻ khi làm thơ lục bát đổi mới, sẽ thầm cám ơn Lê đã chỉ đường vạch lối cho họ…”

Toàn Phong/Nguyễn Xuân Vinh


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 23/11/2024