Người trí tuệ không kiêu, khôn ngoan không bướng, có mưu trí không lộ, có mạnh mẽ cũng không làm điều này

02/03/2021 07:30
Người trí tuệ không kiêu, khôn ngoan không bướng, có mưu trí không lộ, có mạnh mẽ cũng không làm điều này

Người có thể thắng mà không cần thắng, thắng mà không kiêu không ngạo, mới thực sự là cao nhân, một đạo lý đơn giản nhưng ẩn chứa trí tuệ lớn.

Trí giả không kiêu, không bướng

Một người thực sự khôn ngoan và có trí tuệ sẽ hiểu tầm quan trọng của việc “Thắng không kiêu, bại không nản”. Cho dù tài trí hơn người, họ cũng phải giữ mình sâu lặng như biển cả rộng lớn. Một kẻ dễ dàng bị kích động bởi cảm xúc thì khó giữ sự bình tĩnh trong tư duy. Như vậy, hành động và các quyết định của người đó cũng bị chịu tác động rất lớn từ ngoại cảnh. Kết quả thành hay bại không do bản thân, mà dựa vào may mắn để quyết định.

Có chuyện xưa kể rằng:

Một vị tướng tài giỏi trước đây từng lập vô số chiến công lẫy lừng, được dân chúng và bệ hạ tin tưởng. Người ta gọi ông là Tướng quân bách chiến bách thắng, vì suốt chục năm cầm quân, ông chưa từng đánh thua trận nào. Kẻ thù nghe thấy tên ông đều khiếp sợ. Cũng vì thế, lâu dần, vị tướng quân có tâm lý rằng “Ta là người giỏi nhất thiên hạ!”.   Ông trở nên kiêu ngạo, cố chấp và bảo thủ trong khuynh hướng chỉ huy, lấy ý kiến bản thân làm đầu mà không nghe lời khuyên của cấp dưới.

Đến một ngày, sau khi thắng trận, ông dẫn quân công chiếm một thành trì và ra lệnh khao quân ăn chơi rượu thịt 3 ngày 3 đêm, sau đó về kinh để luận công ban thưởng. 

Dưới trướng của ông có một vị phó tướng trẻ từng nhiều lần lên tiếng khuyên can, đợi tới ngày nắm chắc đại cục trong tay, sau khi Bệ hạ ban thưởng, mọi người cùng nâng chén chúc mừng cũng không muộn. Nhưng Tướng quân lại không chịu nghe.

Cuối cùng, đợi khi quân lính đã uống suốt 2 ngày, ai nấy say mèm lăn ra ngủ say, bỏ cả việc canh gác thì quân thù bất ngờ ập đến từ bốn phương tám hướng. Trong khi quân mình chưa kịp tỉnh táo để cầm vũ khí thì vó ngựa quân địch đã tung hoành khắp nơi. 

Thành trì vừa chiếm được liền phải trả về cho giặc, quân lính còn chịu thiệt hại vô số. Triều đình nổi giận, vị tướng quân dù chạy thoát thân trong lần đó cũng bị nhà vua trừng phạt nặng nề.

Từ đó về sau, ông chỉ đóng cửa nhốt mình trong nhà, tự thấy hối hận vì bản tính kiêu ngạo trước kia, lại ăn năn trước tính mạng của biết bao binh sĩ uổng mạng không đáng. Danh xưng Tướng quân bách chiến bách thắng cũng trở thành trò cười.

 4 KHÔNG của trí giả: Người trí tuệ không kiêu, người khôn ngoan không bướng, có mưu trí không lộ, có mạnh mẽ cũng không làm điều này  - Ảnh 1.

Vì vậy, bậc trí giả luôn biết hành sự không thể kiêu ngạo, suy nghĩ không thể ương bướng, nếu không biết tiếp thu và liên tục học hỏi thêm từ xung quanh thì sớm muộn cũng phải đối mặt với sự đào thải. 

Trong cuộc sống hay công việc đều như vậy. Người xưa đã nói, “Ba ông thợ giày bằng một Gia Cát Lượng.” Hay như ngày nay, người ta cũng nói, “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau.” 

Phải biết kết hợp tư duy của tập thể thì mới có thể tạo thành sức mạnh tổng hợp lâu bền và vững chắc. 

Trí giả ẩn sâu, không lộ, không ép

Người xưa có câu: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”.

Những người đắc đạo thì không cần thiết phải lấy thân phận chân thật để thể hiện trước mặt người khác. Người thích thể hiện thì không phải người thực sự bản lĩnh.

Thời Xuân thu Chiến quốc, có một người giỏi cầm nghệ tên là Ôn Như Xuân. Từ nhỏ đã có khả năng chơi đàn và sáng tác linh hoạt, anh ta thường xuyên khoe khoang tài nghệ khắp nơi, nhờ đó mà tiếng tăm lan xa.

Một ngày, trên đường du xuân, anh ta bắt gặp một vị đạo sĩ mang tay nải chứa chiếc đàn cổ quý giá.

Ôn Như Xuân thấy vậy, tiến tới hỏi han bằng giọng trịch thượng: “Xin hỏi đạo trượng chơi đàn có giỏi hay không mà sở hữu chiếc đàn tốt thế?”

Đạo sĩ khiêm nhường: “Cũng biết đôi chút, còn cần bái sư học nghệ thêm với cao nhân.”

Ôn Nhu Xuân nghe vậy, tính thích thể hiện nổi lên, bèn yêu cầu đạo sĩ nghe mình đàn rồi nói: “Thế nào, ta có đủ trở thành cao nhân hay không?”

Đạo sĩ lại nói: “Cậu đàn cũng hay, nhưng chưa đủ để tôi bái sư.”

 4 KHÔNG của trí giả: Người trí tuệ không kiêu, người khôn ngoan không bướng, có mưu trí không lộ, có mạnh mẽ cũng không làm điều này  - Ảnh 2.

Ôn Nhu Xuân bất mãn, cho rằng kẻ này coi thường mình nên không cho đạo sĩ đi mà bắt ông cũng phải đàn một khúc. Lúc này, đạo sĩ vẫn giữ dáng vẻ khiêm nhường, vuốt nhẹ vài cái, tiếng nhạc vang lên như nước chảy réo rắt, khiến mọi người xung quanh sững lại, yên ắng chìm đắm trong âm thanh.

Bấy giờ, thanh niên họ Ôn mới giật mình bừng tỉnh, biết bản thân gặp được cao nhân chân chính, quỳ xuống xin được bái sư.

Có thể thấy, một con dao quá sắc bén không chỉ đe dọa kẻ thù, mà còn có thể làm tổn thương chính người sử dụng. Vì núi cao sẽ có núi cao hơn, người giỏi luôn có người giỏi hơn, chẳng ai có thể đảm bảo mình là thiên tài, không gì không biết, không gì không hiểu, giỏi giang hơn người.

Cho dù có năng lực thật sự, người ta cũng không nhất thiết phải nói oang oang bằng miệng, không ép buộc người khác phải thừa nhận. Cái gì “cố quá” cũng thành “quá cố”. Đánh giá của mọi người xung quanh cũng vậy.

Chẳng phải tự dưng mà cổ nhân đúc kết được rằng: “Quân tử chi tâm sự, thiên thanh nhật bạch, bất khả sử nhân bất tri. Quân tử chi tài hoa, ngọc uẩn châu tàng, bất khả sử nhân dị tri.”

Hiểu rằng: Tâm tư của người quân tử phải rõ ràng trong sạch, quang minh lỗi lạc, không cần che giấu bất cứ ai; ngược lại, tài hoa của bậc quân tử phải giữ như châu ngọc, không dễ dàng đem ra hiển lộ làm lóa mắt người ngoài.”

Đừng vì tranh chấp thắng thua nhất thời mà cố chấp với cái tôi của mình. Đời người, đôi khi thắng chưa hẳn đã là hơn người, thua cũng chưa hẳn là kém cỏi. Sự khôn ngoan được bộc lộ quá mạnh mẽ cũng là con dao hai lưỡi, có thể dẫn tới những tai ương cho chính chủ nhân của mình. 

Cao nhân thực sự trong thế gian chính là người hiểu được những lúc có thể thắng mà không nhất định cần phải thắng, có tấm lòng khiêm nhường trước người khác, có thể hiểu ý nguyện lòng người. Do đó, bậc trí giả càng có bản lĩnh càng phải ẩn sâu.

Thông minh thì không nhất định là có trí tuệ nhưng trí tuệ thì bao gồm cả thông minh. Tài trí không chỉ phân định ở bề ngoài, mà còn phải nằm trong thái độ đối nhân xử thế, có lý có tình, phải trái rõ ràng, có mức có độ. Cái gì không nên làm phải đủ bản lĩnh để giữ bản thân tránh xa. Đó mới là tâm thái mà bậc trí giả nên nắm giữ.

Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 23/11/2024