Ray Dalio, người sáng lập công ty đầu tư Bridwater Associates, một trong số các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, còn được ưu ái gọi bằng cái tên "bố già" của các quỹ đầu cơ Mỹ, ông được mệnh danh là "Steve Jobs của giới đầu tư", và luôn là một huyền thoại ở Phố Wall.
Năm 26 tuổi, trong một khu chung cư chật chội, Dalio thành lập Quỹ Bridgewater, năm 2011, quỹ của ông vượt qua Quantum Group of Funds của cá sấu tài chính Soros và trở thành quỹ đầu cơ sinh lời cao nhất thế giới. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Paul Volcker thậm chí còn nhận xét rằng phân tích thống kê của Quỹ Bridgewater về nền kinh tế thậm chí còn đáng tin cậy hơn của FED.
Ray từng chia sẻ rằng bản thân mình rất may mắn vì có cơ hội trải nghiệm cảm giác không một xu dính túi và cũng đã biết được thế nào là giàu có, nếu chưa trải qua hai trạng thái nghèo khó và giàu có, chúng ta có lẽ sẽ không hiểu được thật sâu sắc rằng tiền có thực sự quan trọng đối với mình hay không.
Theo Ray, có nhiều hơn không phải là không tốt, nhưng đối với cá nhân ông, khi tiền tích lũy đến một mốc quan trọng nào đó, dù có tăng thêm bao nhiêu đi chăng nữa, nó cũng không cải thiện được đáng kể những thứ mà ông cho là đáng quý nhất trong đời: một công việc có ý nghĩa, những mối quan hệ có ý nghĩa, những trải nghiệm thú vị, ăn đáng hoàng và ngủ ngon, nghe nhạc, nhiều ý tưởng mới, hay các nhu cầu cơ bản khác…
Ray Dalio
Phần lớn khái niệm thành công của chúng ta đều là như thế này: Mặc quần áo của Ralph Lauren và đính kèm phần giới thiệu về thành tích huy hoàng của bản thân bên cạnh một bức ảnh chân dung hấp dẫn: học trường dự bị tư thục tốt nhất, vào trường đại học danh tiếng Ivy League, có thể hoàn thành các bài thi với số điểm tuyệt đối. Trên thực tế, đây là cách hiểu sai về cuộc sống của những người thực sự thành công.
Cá nhân Ray đã làm việc, quen biết với vô số người, và ông cũng đã "đọc" vô số người, và ông nhận thấy một điều rằng, không ai trong số những người thành công là hoàn hảo, họ thậm chí thường mắc sai lầm và cũng không thiếu những khuyết điểm. Vì vậy, việc đối mặt với thực tế, đặc biệt là trải nghiệm đau đớn khi phải vật lộn với những trở ngại khó khăn, để rồi cố gắng hết sức học hỏi từ đó, đó mới là cách để có thể đạt được mục tiêu của mình nhanh hơn.
Theo Ray, những người thành công đều có 6 đặc điểm chung này:
Những người thành công không xem việc kiếm tiền là mục tiêu chính, bởi lẽ nó có thể tạo ra những thứ tiêu cực như lòng tham, thay vào đó, họ làm việc theo nguyên tắc lợi nhuận giảm dần, tức là tự nhiên tìm tới những điều mới mẻ hoặc khám phá mức độ mới của những thứ hiện có để tạo ra sự hài lòng.
Với họ, tuân theo các quy luật của vũ trụ và theo đuổi các mục tiêu cá nhân trên cơ sở có lợi cho sự tiến hóa, và bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Hãy nhìn vào tất cả các loài hiện có: chúng không ngừng bảo vệ lợi ích của mình, và đồng thời tiến hóa cộng sinh với các sinh vật khác.
Tương tự, lợi ích bản thân và lợi ích xã hội là cộng sinh. Theo đuổi cái lợi của cá nhân sẽ thúc đẩy con người chấp nhận thách thức, từ đó đạt được lợi ích và thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của xã hội. Ngược lại, xã hội cũng sẽ đáp trả cho những cá nhân thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của nó.
Nhìn vào động cơ thúc đẩy mọi người kiếm tiền, bạn sẽ thấy rằng điều này có liên quan tích cực đến giá trị sản xuất hiệu quả của họ đối với xã hội, chứ không liên quan gì đến mong muốn kiếm tiền của họ. Nhiều người rủng rỉnh tiền bạc không lấy việc kiếm tiền làm mục tiêu hàng đầu, họ chỉ chăm chỉ làm việc, sản xuất ra những thứ xã hội cần và rồi dần trở nên giàu có; trong khi không ít người chỉ chăm chăm muốn kiếm được nhiều tiền mỗi ngày thì lại chẳng thể giàu có lên được vì họ không lắng nghe nhu cầu xã hội và luôn đặt lợi ích ngắn hạn lên trên hết.
Ngoài ra, tuyệt đối đừng nhầm lẫn giữa "mục tiêu" và "mong muốn".
Mục tiêu là những điều bạn thực sự muốn đạt được và mong muốn là những điều bạn muốn nhưng sẽ cản trở bạn đạt được mục tiêu của mình. Giả sử mục tiêu là khỏe mạnh và mong muốn là ăn thức ăn ngon nhưng không lành mạnh, cái mong muốn này sẽ đem lại kết quả không có lợi cho mục tiêu sức khỏe của bạn. Vì vậy, nếu chỉ nhìn nhận vấn đề từ góc độ kết quả thì mục tiêu là tốt, mong muốn là không tốt.
Nếu bạn muốn làm một người suốt ngày chỉ ở nhà ăn khoai tây chiên rồi xem tivi, mặc kệ sự đời, không muốn làm gì khác, cũng chẳng sao cả, nhưng nếu đó không phải cuộc sống mà bạn mong muốn, vậy thì tốt nhất là hãy vứt gói khoai tây chiên ấy đi. Đừng bao giờ để mong muốn trở thành vật cản hướng tới mục tiêu.
Sự khác biệt quan trọng nhất giữa những người thành công và những người tầm thường là khả năng học hỏi và thích nghi của họ.
Tự truyện của Darwin từng nói: "Trong lịch sử lâu dài của tự nhiên, những loài có thể sống sót không phải là loài mạnh nhất cũng không phải là loài thông minh nhất, mà là loài có khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường nhất. Có thể cảm nhận được những thay đổi của môi trường và thích ứng với nó cũng là một loại năng lực."
Những người suốt ngày lo lắng về vẻ ngoài đã đủ hơn người chưa hay quá sĩ diện, thường là đang che đậy những thiếu sót của mình, kiểu người này không dám đối mặt cũng không biết nên xử lý ra sao với những thiếu sót của mình, và khiến nó vô tình trở thành hòn đá ngáng đường của bản thân.
Không ai trong số những người thành công chưa từng học hỏi qua những sai lầm của mình. Họ cũng có những khuyết điểm như bao người khác, nhưng họ dám đối mặt và biết cách đối phó với những khuyết điểm của mình, họ sẽ không để nó cản trở việc thực hiện ước mơ của mình. Bên cạnh đó, những người thành công cũng là những người hiểu biết và có năng lực, và điều này có thể giúp họ đưa ra những quyết định tốt nhất.
Điều này giải thích tại sao những người đưa ra quyết định tốt nhất hiếm khi bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào kế hoạch của mình. Bởi lẽ quá trình đưa ra quyết định, họ hy vọng sẽ học hỏi được nhiều hơn (bằng cách thăm dò ý tưởng của những người đáng tin cậy khác, đặc biệt là những người bất đồng với ý kiến của mình), hi vọng phát hiện ra được những thiếu sót của bản thân và tránh để những thiếu sót này cản trở mục tiêu của mình.
Một số người có thói quen đổ lỗi cho người khác về kết quả không như ý thay vì tìm ra nguyên nhân từ chính mình, điều này mâu thuẫn với thực tế và cũng cản trở sự tiến bộ.
Những người thành công hiểu rằng kết quả tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, và mọi người, ai cũng vậy, dù chức vụ, vị trí ra sao, cũng đều có trách nhiệm với những thách thức khác nhau, có như vậy giấc mơ chung mới có thể thành hiện thực.
Trên hành trình đạt được mục tiêu của mình, chúng ta sẽ gặp phải vô số lựa chọn và mọi quyết định chúng ta đưa ra đều tạo ra kết quả của nó. Chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào chất lượng của những lựa chọn mà chúng ta đưa ra. Mỗi người trong chúng ta có thể sẽ đưa ra một triệu lựa chọn trong cuộc đời của mình, và kết quả cuối cùng sẽ tạo nên cuộc đời của chúng ta.
Chúng ta không được sinh ra để có thể 100% đưa ra những quyết định sáng suốt, nhưng chúng ta có thể nâng cao khả năng phán đoán của mình qua rèn luyện và học hỏi. Đối với hầu hết mọi người, thành công là một quá trình tiến hóa hiệu quả, đó là quá trình hiểu bản thân và môi trường xung quanh, quá trình thay đổi và cải thiện. Đạt được sự tiến hóa cá nhân, tức là, sự trưởng thành, sự cải thiện chính là thành tựu lớn nhất và cũng là phần thưởng hào phóng nhất.
Một quy luật cơ bản của tự nhiên là muốn tiến hóa thì bạn phải vượt qua giới hạn và chịu đựng đau đớn để phát triển. Cảm thấy khó khăn, cảm thấy nỗi đau? Trên thực tế, nó đang cho chúng ta thấy rằng chúng ta đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu của mình, hoặc chúng ta đã vượt qua giới hạn của bản thân theo một cách nào đó.
Với nhiều người, đau đớn là không tốt nhưng muốn mạnh mẽ thì cần phải biết và dám chịu đau. Tất nhiên không phải càng đau càng tốt, cái gì quá cũng không tốt, nhưng không có nỗi đau nào, quá bình yên đôi khi cũng không tốt cho sự phát triển. Vì vậy, có những nỗi đau, nỗi vất vả, nếu nó phù hợp và là thứ chúng ta phải trải quả để đạt được mục tiêu của mình, vậy thì nỗi đau đó rất đáng để bạn gánh lấy.
Đấu tranh với những vấn đề, sai lầm và điểm yếu sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, quá trình đấu tranh ấy tất nhiên cũng sẽ khiến ta đau đớn, nhưng cũng chính nhờ vậy, chúng ta mới trân trọng quả ngọt thành công hơn bao giờ hết.
(sohu)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị