Giấc mơ thành hiện thực
Có một người phụ nữ trẻ, sùng bái đạo Phật, sớm tối tụng kinh lễ Phật, trước nay chưa từng dám buông lơi. Nhưng nhận thức của cô chưa đủ, cô tin vào Phật chỉ vì mong nhận được phúc báo. Một ngày nọ, cô mơ gặp Quan Thế Âm Bồ Tát nhìn mình với vẻ mặt hiền từ, nói: "Con có cầu mong điều gì không?"
Người phụ nữ nhìn thấy Quan Thế Âm Bồ Tát, lập tức hành lễ và cầu xin: "Nếu như có thể, con nguyện sinh được ba đứa con trai. Một đứa làm thương nhân, trở thành một ông chủ giàu có; một đứa làm nông, có kho lương thực dự trữ dồi dào; đứa còn lại làm quan, mang vinh quang về cho gia đình dòng họ."
Bồ Tát nghe xong hỏi: "Lẽ nào người tu hành lại không có yêu cầu nào khác sao?" Người phụ nữ suy nghĩ rất lâu, trả lời rằng: "Vậy thì con muốn sinh thêm được một đứa con trai nữa, xuất gia đắc đạo, sau này lại phổ độ cho cha mẹ."
Bồ Tát đáp lời: "Sinh bốn đứa con trai việc nuôi dưỡng chăm sóc sẽ rất vất vả, ta chỉ ban cho con sinh được một đứa con trai, nhưng cả bốn nguyện vọng đó của con đều trở thành hiện thực."
Nói dứt lời Bồ Tát biết mất, người phụ nữ cũng tỉnh dậy. Năm sau, người phụ nữ đó quả nhiên có con trai, tướng mạo trang nghiêm, thông minh hơn người, vợ chồng vui mừng khôn xiết! Đứa bé sau khi lớn lên, bước vào con đường kinh doanh trước, công việc làm ăn rất thịnh vượng, trong ba năm thu được khoản lợi nhuận khổng lồ. Rồi cậu ta bỏ việc kinh doanh không làm nữa chuyển sang làm nghề nông, ba năm sau, quả nhiên được mùa ngũ cốc, lương thực đầy kho. Thế rồi cậu ta cũng không gắn bó với nghề nông mà bỏ để thi thố làm quan. Con đường làm quan cũng rất hanh thông, trong ba năm đã giữ chức vụ khá lớn.
Trải qua những năm tháng như vậy, đột nhiên một ngày người con trai này nhìn thấu thế sự, muốn từ bỏ con đường làm quan để theo con đường đắc đạo. Người mẹ vội nói: "Con cầu tài được tài, cầu quan được quan, một bước lên mây, trên đời này có mấy ai được như con không! Con đường học đạo là rất gian nan, vinh hoa phú quý không hưởng, con hà tất lại chạy đi chịu khổ cực như vậy chứ?"
Người con trai nói: "Mẹ ơi, biết là khổ cực như vậy nhưng tại sao mẹ lại học đạo?"
Người mẹ đáp: Mẹ học đạo là vì tu hành cho kiếp sau, cũng là để con gặp nhiều thuận lợi vinh danh cho gia đình tổ tông."
Người con trai lại nói: "Không phải mẹ đã từng cầu nguyện Bồ Tát có một đứa con trai xuất gia đắc đạo, tương lai có thể phổ độ cha mẹ sao, lẽ nào mẹ đã quên những lời mình đã nói ra?"
Người mẹ im lặng không biết nói gì nữa.
Người con trai nói tiếp: "Cách đây mấy ngày con mơ gặp Bồ Tát, Bồ tát nói với con ‘quan trường hiểm ác, nếu ngươi không biết đường quay trở về, thì không những đánh mất tiền đồ mà còn gặp họa diệt thân’. Con nghe xong toàn thân toát mồ hôi lạnh rồi bừng tỉnh giấc. Sau khi tỉnh dậy con đã suy nghĩ rất nhiều lần, cảm thấy làm quan đúng là toàn nỗi lo lắng không yên!
Có câu "Làm bạn với vua như làm bạn cùng với hổ", một khi nhà vua tức giận chẳng khác gì việc đao phủ đang đứng ngay cạnh mình đợi sẵn, không những tính mạng của mình không bảo toàn được, đến gia đình cũng có khi cũng khó bảo toàn! Vì để tránh vận hạn này, con đã sớm tỉnh ngộ."
Người mẹ nghe xong cảm thấy rất có lý, đành không ngăn cản con nữa. Thế là người con trai treo ấn từ bỏ việc làm quan, tìm đến một ngôi chùa trên ngọn núi nổi tiếng, bái vị trưởng lão ở đó làm thầy, xuất gia học đạo.
Nhờ chăm chỉ học tập tu hành, bảy năm sau cậu tu hành đắc đạo, nhớ đến cha mẹ, cậu liền trở về nhà độ hóa cho họ. Cha mẹ nhìn thấy con trai thì rất vui mừng, nhưng làm thế nào để độ hóa cha mẹ mình, cậu vẫn còn do dự chưa quyết định được, bởi họ vẫn không nỡ từ bỏ tiền tài và vinh hiển của gia đình.
Người con trai nói: "Cha mẹ à, công danh lợi lộc, phú quý vinh hoa, tất cả đều chỉ là những thứ thoáng qua đời người, người tu hành nhìn những thứ đó như mây khói, chỉ có kẻ ngu muội ham vinh hoa phú quý mới bị nó mê hoặc. Cha mẹ đã hơn 60 tuổi rồi, đã là giọt sương đầu ngọn cỏ, là ngói đã phơi sương, còn bao nhiêu năm để hưởng phúc đây? Những tài sản này con đã không cần nữa, cha mẹ còn muốn để lại cho ai chứ? Cha mẹ là người tu hành tại gia, nên sớm biết thế sự vô thường, sinh mệnh nhỏ bé, sức khỏe mới là thứ khó có được, vì sao còn không chịu giác ngộ?"
Hai người họ khi nghe con trai nói xong, cuối cùng cũng đã tỉnh ngộ, đem tất cả tài sản vật chất chia cho người nghèo rồi đi theo con đường của con trai mình.
Lời bình
Mặc dù đức tin là sâu sắc, nhưng mức độ đức tin của con người rất khác nhau, rất ít người có thể hoàn toàn từ bỏ được tất cả những gì họ đã tích cóp được trên đời này. Trên thực tế, mọi thứ trên thế gian này đều là tạm bợ, hư vô và thoáng qua như mây khói, chỉ là con người bị mê hoặc bởi việc hưởng thụ vật chất mà khăng khăng không chịu tỉnh ngộ.
Chúng ta nên suy nghĩ về sự vô thường của kiếp người, đến cuối cùng của cải vật chất cũng không mang theo được, vì vậy hãy học cách buông bỏ bớt dục vọng, sự tham lam, sống tốt đẹp và ý nghĩa để không uổng phí sinh mệnh.
Trí thức trẻ