Một bài báo trên Forbes (tháng 2 năm 2017) mô tả "TRỰC GIÁC" là "dạng trí thông minh cao nhất". Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ, những người luôn mong muốn dành những điều tốt nhất cho con cái của mình lại chưa bao giờ đề cập từ đó với chúng. Trực giác không phải là thứ mà chúng ta tập trung vào dù là ở nhà hay ở trường. Nó không phải là những gì chúng ta coi trọng, khuyến khích và vẫn chưa trở thành một chỉ báo chính về hạnh phúc tương lai của một đứa trẻ.
Tôi có một cậu con trai, vừa tròn 5 tuổi và bắt đầu đi học mẫu giáo. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những gì thằng bé sẽ học, nhưng nhiều hơn là về những gì thằng bé sẽ không học được. Công nghệ chắc chắn sẽ giúp ích cho sự phát triển trí óc của thằng bé, nhưng còn sự phát triển của "công nghệ bên trong": trái tim, tinh thần, đời sống tình cảm, khả năng điều hướng sự thay đổi của thằng bé thì sao?
Không ai có thể phủ nhận trọng tâm chính của hệ thống giáo dục của chúng ta là "bên trên cổ" (sự phát triển trí tuệ), nhưng những gì "bên dưới cổ" (chẳng hạn như "trái tim") lại dường như luôn ở vị trí thứ hai xa vời. Hầu hết trẻ em được nói rằng điều quan trọng nhất là não bộ và các kỹ năng "cứng", những thứ bên ngoài như sự thể hiện, sự cạnh tranh, sự so sánh và trở nên hoàn hảo là động lực của phần thưởng, của các ngôi sao, phiếu bé ngoan hay thậm chí cả tình yêu thương…
Tôi định nghĩa "trực giác" là "cảm giác hiểu biết tổng thể, vượt ra ngoài dữ liệu hoặc khả năng nhớ lại thông tin và kiến thức của não bộ". Khi trưởng thành, tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc "Tôi cảm giác như vậy," một linh cảm hoặc cảm giác nóng ruột nóng gan khó mà diễn tả được nguyên nhân, tuy nhiên, tâm trí vẫn khiến bạn tin tưởng vào nó rất nhiều.
Tại sao trực giác lại quan trọng? Bởi có lẽ hầu hết tất cả chúng ta đều từng trải qua một số khoảnh khắc vô cùng đau khổ, và những khoảnh khắc ấy lại thường xảy ra khi chúng ta bỏ qua trực giác của mình, và đi tin tưởng vào lý trí. Chúng ta có một mối quan hệ sai lầm, nhận sai một công việc, không thoát ra khỏi thị trường chứng khoán, hoặc bước vào một tình huống nguy hiểm... mặc dù một phần nào đó trong chúng ta đang cố gắng thu hút sự chú ý của chúng ta, đang cố gắng ra ám hiệu cho chúng ta, nhưng vì một số lý do, chúng ta đã không lắng nghe.
Những người thông minh lắng nghe những cảm xúc trực quan này cùng với tâm trí của họ.
Vì vậy, tại sao không bắt đầu dạy về điều này ngay từ khi còn nhỏ?
Albert Einstein nói: "Trí óc trực giác là một món quà thiêng liêng, còn trí óc lý trí là một người đầy tớ trung thành."
Vì vậy, là cha mẹ hay bất kỳ ai có đặc quyền ở bên cạnh một đứa trẻ nhỏ bé, làm thế nào để chúng ta không quên món quà này, và nói về trực giác cho con cái của mình?
1. Mô tả nó như một "micrô bên trong" và giải thích rằng nó nằm bên trong chúng, rằng đó là người bạn tốt nhất của chúng, luôn cố gắng giúp đưa ra câu trả lời cho chúng và nó sẽ ở bên chúng suốt cuộc đời.
2. Dạy con trẻ một điều rằng việc lắng nghe không chỉ dùng đôi tai. Con có thể lắng nghe bằng toàn bộ cơ thể của mình. Con có cảm thấy căng thẳng không? Con có đang cảm thấy tức giận hay sợ hãi không? Dạ dày của con có đang khó chịu không? Nói với con trẻ rằng cơ thể luôn thích nói sự thật và sẽ cho chúng biết khi bên trong cơ thể có điều gì đó không ổn.
3. Nói với con rằng giọng nói này thường rất nhỏ nên chúng cần thực sự lắng nghe và chú tâm vào nó để tăng âm lượng. Tâm trí sẽ luôn muốn trở nên lớn tiếng hơn và muốn chịu trách nhiệm.
4. Dạy con trẻ về "công nghệ bên trong" chúng, đặc biệt là trong thời đại mà mọi sự tập trung đều dồn vào "công nghệ bên ngoài" – tức trở nên toàn năng.
5. Bắt đầu với những cách nhỏ để con trẻ thấy được rằng trực giác có thể rất thú vị. Khi chúng đánh mất thứ gì đó, hãy hỏi chúng, "Trực giác của con cho con biết nó đang ở đâu?" Hãy hỏi chúng cảm thấy thế nào thay vì lạm dụng cụm từ "Con nghĩ gì?".
6. Khi con trẻ đưa ra bất kỳ cảm xúc hoặc góc nhìn nào, hãy luôn tôn trọng chúng, nếu không, nhiều trẻ rơi vào trạng thái thiếu tự tin, bối rối trong việc ra quyết định và có nhiều khả năng chỉ biết làm theo những gì người khác muốn.
7. Nếu một đứa trẻ cảm thấy điều gì đó, ví dụ bé hỏi, "Mẹ có buồn không?" và bạn nói "Không", trong khi thực tế là bạn đang buồn, điều đó có nghĩa là bạn đang dạy con mình không tin tưởng vào cảm xúc của chúng. Hãy luôn trung thực với trẻ để chúng biết những gì chúng đang cảm nhận là sự thật và đúng đắn. Nếu không, chúng sẽ học cách đóng bộ phận này lại.
8. Cách tốt nhất để dạy con bạn về trực giác là chỉ cho chúng cách bạn sử dụng nó. Là cha mẹ và người chăm sóc, bạn cảm thấy thế nào với việc lắng nghe trực giác của mình? Mô hình hóa hành vi này cho con cái của mình là cách nhanh nhất để chúng muốn làm như vậy. Nói về những gì trực giác của bạn đang mách bảo bạn.
Khi con bạn thực sự hiểu rằng chúng cũng có những câu trả lời của riêng mình, rằng dù chúng còn nhỏ nhưng chúng có thể có cảm giác về mọi thứ, hãy chỉ chúng vào hệ thống hướng dẫn bên trong của chính chúng.
Những đứa trẻ có trực giác thường:
- Nhận thức được suy nghĩ và cảm xúc của chúng và có thể sử dụng cả cái đầu và trái tim để đưa ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề.
- Nhân ái hơn đối với người khác vì chúng có thể "cảm nhận" được mọi thứ, có thể đồng cảm tốt hơn với người khác.
- Có khả năng xử lý cảm xúc hơn là kìm nén chúng.
- Rõ ràng được đâu là đúng và điều gì là sai, và áp dụng được khi vui chơi cùng bạn bè, ở trường học và đặc biệt là trên mạng xã hội.
- Tự thể hiện và tự định hướng, thay vì làm theo những gì chúng được bảo.
- Có ý thức tốt hơn rằng giá trị bản thân đến từ bên trong hơn là bên ngoài.
Tác giả của bài viết là Ariane de Bonvoisin, Tác giả, Diễn giả, Huấn luyện viên, một người có chuyên môn lâu năm về sức khỏe người sáng lập/khởi nghiệp, điều hướng sự thay đổi và nuôi dạy con cái.
Bổ sung: Ngoài định nghĩa về Trực giác của tác giả Ariane, "Trực giác" cũng có thể hiểu theo cách đơn giản hơn. Trực giác (còn được biết đến với tên gọi nôm na là "giác quan thứ 6") là cách tiềm thức giao tiếp với tâm trí có ý thức của chúng ta – khi bạn cảm nhận điều gì đó mà không thực sự hiểu rõ về nó, một bản năng hoặc linh cảm xuất hiện trong đầu bạn mà không rõ từ đâu. Nói cách khác, đây là thông tin mà chúng ta biết, nhưng chưa trải qua lý luận một cách có ý thức. (Theo vncmd.com)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị