Khuyên người hỏi đường 1 câu, người phụ nữ gặp họa lớn và bài học về 2 chữ nghiệp báo

03/10/2019 08:30
Khuyên người hỏi đường 1 câu, người phụ nữ gặp họa lớn và bài học về 2 chữ nghiệp báo

Nghiệp là gì? Đừng nghĩ làm chuyện xấu mới phải trả nghiệp, đôi khi chỉ 1 lời nói thiếu suy nghĩ cũng khiến bạn phải trả một cái giá quá đắt.

Bữa tiệc biến thành đám tang

Ở Ấn Độ thời xa xưa, có một vị vua mời những người Bà la môn (đẳng cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ xưa, gồm đẳng cấp đứng đầu trong xã hội xưa của Ấn Độ, bao gồm các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo, được dân chúng hết sức tôn trọng) tới dự tiệc Bhoj. Bữa tiệc rất lớn nên được tổ ở ngoài trời, ngay bên ngoài cung điện của nhà vua.

 Khuyên người hỏi đường 1 câu, người phụ nữ gặp họa lớn và bài học về 2 chữ nghiệp báo - Ảnh 1.

Đức vua đã mở tiệc chiêu đãi các vị khách Bà la môn ở bên ngoài cung điện. (Ảnh minh họa: Internet)

Vào ngày bữa tiệc diễn ra, trong khi các đầu bếp đang chuẩn bị thức ăn cho các vị khách, thì một con đại bàng bay qua khu vực bếp ăn, 2 móng vuốt sắc nhọn của nó đang cắp một con rắn đang cố sức vùng vẫy để thoát ra.

Như một bản năng trong lúc gặp nguy hiểm, con rắn liền tiết ra nọc độc để tiêu diệt đối thủ. Thế nhưng, trong khi con đại bàng chưa hề hấn gì, thì vài giọt chất độc không may đã rơi xuống chỗ thức ăn chuẩn bị cho những người Bà la môn.

Trong khi đó, ở dưới mặt đất, không ai hay biết về tai họa này, và thức ăn vẫn được dọn ra. Vì thế, những người Bà la môn đến dự tiệc khi thưởng thức xong các món trên bàn tiệc đều lăn ra chết.

 Khuyên người hỏi đường 1 câu, người phụ nữ gặp họa lớn và bài học về 2 chữ nghiệp báo - Ảnh 2.

Nọc độc của con rắn đã rơi xuống chỗ thức ăn của bữa tiệc mà không ai hay biết. (Ảnh minh họa: Internet)

Khi đức vua hay tin rằng các vị khách do ông mời đến ăn phải thức ăn có độc nên đã bỏ mạng thì vừa buồn bã, vừa bàng hoàng và quyết định phải làm sáng tỏ vụ án nên đã phái cho một vị quan tòa tên là Yumraj xử lý mọi việc.

Sau khi cho điều tra, Yumraj đã biết rõ nguyên nhân của vụ trúng độc.

Thế nhưng, trong tình thế này, Yumraj chưa biết quyết định ra sao, rằng ai mới là người phải chịu trách nhiệm trước cái chết của biết bao nhiêu người Bà la môn vô tội nói trên.

Theo phân tích của Yumraj thì:

1. Nhà vua là người không biết thức ăn có độc nên không có tội.

2. Đầu bếp thì không biết thức ăn trong quá trình chuẩn bị và nấu nướng đã bị nhiễm độc cho nên cũng không thể kết tội anh ta.

3. Con rắn đã phun nọc độc chỉ để tự vệ nên cũng là chính đáng.

4. Con đại bàng đã bay qua cung điện của nhà vua mà quắp theo con rắn nhưng cũng chỉ là sự tình cờ.

Vì thế, trong nhiều ngày, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Và cái kết không ai ngờ tới

Sau đó một thời gian, một số người Bà la môn tới vương quốc để gặp nhà vua. Trên đường họ gặp một người phụ nữ nên đã hỏi đường tới cung điện.

Người phụ nữ này đã chỉ đường cho họ, còn không quên dặn dò rằng "Cẩn thận khi đến đó nhé, nhà vua sẽ giết những người Bà la môn như các anh đấy, bằng cách đầu độc thức ăn của họ".

Câu chuyện cuối cùng cũng đến tai Yumraj và ông quyết định người phụ nữ nói trên sẽ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của tất cả những người Bà la môn đã không may thiệt mạng trong bữa tiệc.

Chitchgupt, phụ tá của Yumraj đã rất ngạc nhiên về phán quyết này nên đã thắc mắc với chủ nhân của mình: "Thưa Ngài, người phụ nữ kia đâu có liên quan đến sự cố nói trên? Tại sao bà ấy lại phải chịu tội chứ?"

Đến lúc này, Yumraj mới trả lời: "Khi ai đó chủ mưu hại người khác mà thành công thì anh ta phải vui mừng mới đúng. Song, khi những người Bà la môn bị chết, nhà vua không hề vui mừng, người đầu bếp, con rắn hay con đại bàng cũng như vậy, vậy nên họ là kẻ vô can.

Trong khi đó, người phụ nữ kia lại lấy sự việc đau buồn kia ra để đùa bỡn, chưa kể việc tự bịa đặt ra một điều vô căn cứ mà bản thân còn chưa biết rõ nguồn cơn, đổ tội cho người khác, vì thế, bà ta chính là người phải trả giá cho hành động thiếu suy nghĩ của mình, đó chính là nghiệp báo".

Lời bàn: Trong cuộc sống này, có rất nhiều người đã từng nghĩ rằng, "Tại sao mình chưa từng làm việc gì xấu, mà mình lại hay gặp phải chuyện không may?", trong số đó, có lẽ cũng có cả bạn, cả tôi.

Vậy nhưng thật ra, khi một việc xấu xảy ra, dù bạn không phải là người trực tiếp gây ra nó, nhưng nếu bạn có những lời lẽ bình phẩm, thóa mạ hay đổ tội một cách vô căn cứ cho người khác, hay thậm chí chỉ là cảm giác hả hê do sự ích kỷ, ghen ghét hay đố kị thôi, thì một phần của quả báo cho việc xấu kia sẽ nhắm tới bạn, và tùy vào mức độ mà bạn sẽ nhận được sự trừng phạt của ông trời.

Vì lẽ đó, trước những việc mà mình không liên quan, không chắc chắn thì tuyệt đối không nên vào hùa, bày tỏ suy nghĩ một cách tiêu cực cũng như đưa ra những lời chỉ trích, đổ lỗi hay bình luận thiếu căn cứ.

Bởi vì đôi khi chính bạn sẽ phải trả giá toàn bộ cho những việc xấu mà người khác gây ra, giống như người phụ nữ trong câu chuyện của người Ấn Độ cổ đại nói trên.

Theo Moral Stories - Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 23/11/2024