Khán giả nuôi nghệ sĩ - Chúng ta cảm ơn nhau

Nguyễn Văn Mỹ26/05/2021 17:00
Khán giả nuôi nghệ sĩ - Chúng ta cảm ơn nhau

Bất chấp tình hình dịch bệnh phức tạp, những ngày qua, những quan điểm "Khán giả không nuôi nghệ sĩ" và "nghệ sĩ không cần tri ân khán giả" đã làm dây sóng với nhiều tranh luận, cả khán giả lẫn nghệ sĩ.

Đạo diễn viết: "Nghệ sĩ sống bằng nghề nghiệp phải mang ơn khán giả, phải nghĩ là được khán giả nuôi, phải tri ân khán giả, phải quan niệm là chén cơm của mình là khán giả ban cho? Ủa, sao ngộ vậy? Nghệ sĩ tự nuôi bản thân chứ không phải được khán giả "nuôi'. Bởi để có hào quang, tiền bạc họ cũng đều đánh đổi tương xứng từ công sức của mình”.

Dư luận chia làm hai phe rõ rệt. Số đông lên án, phản bác. Số ít nghệ sĩ đồng tình. Bên nào cũng có lý lẽ riêng để thuyết phục người khác. Tôi không là người ba phải nhưng cho rằng hai phe đều đúng, theo cách hiểu “Nuôi” nghĩa đen hay nghĩa bóng. Trong tiếng Việt – “Nuôi” là sự chăm sóc trực tiếp để phát triển. Từ nuôi con, nuôi tóc, nuôi gà cho đến con nuôi, má nuôi…

Nếu không có khán giả. Nghệ sĩ sẽ thất nghiệp, phải chuyển nghề. Nếu không có nghệ sĩ, cũng sẽ không có khán giả. Cả hai cùng cộng sinh trong xã hội đa chiều. Đó là mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng nhau, cùng có lợi. Xã hội được nối kết bởi vô số quan hệ cung – cầu, có tác động qua lại, thúc đẩy và hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững.

Các nhà tiếp thị Việt Nam thích “đại ngôn”, còn người mua thích “nịnh”. Chỉ Việt Nam mới dám ra rả tuyên bố “Khách hàng là Thượng Đế”. Chưa ai biết mặt mũi Thượng Đế thế nào. Chưa kể nói như vậy là xúc phạm các tôn giáo. Thật lòng, khách hàng chưa bao giờ đòi hỏi như vậy. Người mua chỉ cần được tôn trọng, bình đẳng với người bán. Những người bán chân chính cũng mong muốn tương tự.

“Nuôi” theo nghĩa đen, là sự ràng buộc trực tiếp thì không có giữa cung – cầu. Nhưng “nuôi” gián tiếp, theo nghĩa bóng thì mối quan hệ nào cũng có. Lập gia đình vì đôi bên cùng có lợi hơn khi ở một mình. Cha mẹ nuôi con lấy đó làm niềm vui, trách nhiệm, mong con trưởng thành, sau này có thể báo đáp. Cả việc đi tu, làm từ thiện cũng nhằm tích đức, chuẩn bị kiếp sau.

“Tri ân” (biết ơn) là quyền của mỗi người, thể hiện phần nào tính cách và đạo đức cá nhân; chẳng ai bắt buộc được. Có điều lạ, tiếng Việt phong phú. Người Việt vốn trọng nghĩa, giàu tình, hào hiệp tương trợ nhưng rất tiết kiêm khi dùng từ "cám ơn", "xin lỗi". Coi chuyện người khác làm có lợi cho mình là đương nhiên, không cần cám ơn. Làm sai, cứ đổ tại và bị, rút kinh nghiệm chứ không dám nhận và biết xin lỗi.

Ngược lại, người Mỹ và châu Âu sòng phẳng đến ky bo, từ điếu thốc, lon bia đến bữa ăn; ai dùng người đó trả nhưng hễ mở miệng là “I’m sorry”, “Excuse me”, “Thanks you very much”. Họ cũng không tranh luận khán giả có nuôi nghệ sĩ hay nghệ sĩ có phải tri ân khán giả. Khán giả chỉ cần biết bỏ tiền để mua các sản phẩm chất lượng, không bị lừa mua nhầm hàng dỏm. Nghệ sĩ tập trung cho ra đời những sản phẩm mà khán giả mong đợi.

Tôi làm nghề du lịch và ngành lữ hành đã lâu. Thi thoảng, các doanh nghiệp lưu trú và khu du lịch mới đến chào hàng. Câu cửa miệng là “Nhờ anh giúp đỡ”. Tôi liền bảo “Đừng nói vậy, chúng ta giúp nhau. Không có khách sạn và điểm đến mới, làm sao lữ hành có sản phẩm mới để chào bán. Chúng ta cám ơn nhau”.

Mua – bán phải sòng phẳng, minh bạch. Tiếc gì lời cám ơn kèm nụ cười để mối quan hệ này thêm bền chặt và cả hai cùng ấm lòng. Lời nói đâu mất tiền mua. Dĩ nhiên cần đúng lúc, đúng nơi và không lạm dụng thành đãi bôi, nịnh hót. Việc kéo bè, kết cánh trên mạng, ném đá gây thương vong cho người khác cần được xử lý nghiêm minh theo luật định.

“Cám ơn đời mỗi sơm mai thức đậy. ta có thêm ngày nữa để yêu thương (Kahlil Gibran, Mỹ 1883 – 1931; Nguyễn Nhật Ánh dịch).

Không chỉ cám ơn đời, ta còn cám ơn cả mọi người chung quanh.

Và, chúng ta cám ơn nhau.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025