Khi con cái trưởng thành, rời xa cha mẹ, đi đến nơi khác để lập nghiệp, cha mẹ sẽ thấy cô đơn đến thế nào?
Một video quảng cáo trên đài CCTV đã khiến nhiều người phải ấn tượng sâu sắc: Một bàn ăn thịnh soạn, chuông điện thoại đột ngột vang lên, ông cụ vội vã nhấc máy, nhưng đứa con trai lại bảo với ông rất nhiều lý do "Hôm nay không về nhà được."
Nét mặt ông cụ từ hy vọng tràn trề chuyển sang buồn bã, thất vọng. Ông chỉ biết đặt điện thoại xuống thở dài đầy bất lực: "Con cái đã lớn, đứa nào cũng bận rộn, cuộc sống cơm áo gạo tiền chẳng hề dễ dàng, chẳng phải lỗi tụi nó!"
Sau đó, ông cụ chỉ ăn vài miếng rồi dọn dẹp bàn ăn, ngồi trên chiếc ghế sô pha lớn trong phòng khách, ông quấn chăn cho đỡ lạnh. Màn hình lúc này chuyển đến giọng nói trầm ấm của MC: "Đừng để bố mẹ phải cô độc một mình, đời người không dài, cố gắng sắp xếp thời gian thường về thăm họ nhé."
Đối với người già, dù điều kiện sinh hoạt có tốt đến đâu, nếu trạng thái tinh thần của họ không tốt, sẽ rất dễ sinh bệnh.
Thông qua cuộc khảo sát với gần 14 nghìn người cao tuổi ở thành thị, người ta đã phát hiện ra hiện nay có rất nhiều người cao tuổi mang tâm trạng tiêu cực, chán nản do cô đơn.
1. Con cháu hãy tận hiếu làm tốt bổn phận phụng dưỡng, hiếu thảo với họ. Dành ra nhiều thời gian hơn bầu bạn, quan tâm đến cha mẹ, để cha mẹ có thể cảm nhận được hạnh phúc gia đình, và không còn cảm giác bị bỏ rơi.
2. Thiết lập một xu hướng xã hội mới, mà trong đó sự tôn trọng và yêu thương người cao tuổi được đề cao hàng đầu. Khiến cho tất cả người cao tuổi đều cảm nhận được sự ấm áp của toàn bộ gia đình và xã hội.
3. Ủng hộ việc tái hôn của những người già góa bụa. Dù con cái đối xử tốt với các cụ đến đâu, thì họ vẫn dành nhiều thời gian hơn cho chồng con của bản thân.
Đối với những người già góa bụa, nếu họ thực sự yêu thương một ai khác, bạn đừng vội chê trách hay lên án, mà hãy tìm hiểu cẩn thận rồi ủng hộ họ.
4. Thường xuyên trò chuyện với cha mẹ, bởi vì một khi lớn tuổi, họ chỉ có thể sinh hoạt nhiều nhất là khuôn viên trong nhà.
Những nỗi đau khổ, buồn chán và lo lắng của họ rất cần bạn cảm thông và thấu hiểu. Hãy dành thời gian nói chuyện để nắm bắt được tâm lý và thứ họ cần, giúp họ vui vẻ sống tiếp…
5. Trông cậy vào ai cũng không bằng trông cậy vào chính mình. Bạn hãy động viên cha mẹ để họ dám tự do làm những gì họ thích.
Bây giờ là tuổi "hưởng phúc", đừng để cha mẹ phải lo lắng cho cuộc đời của chúng ta như trước. Khuyên họ nuôi thêm con vật nào đó, hay trồng hoa, ngắm cây cỏ, đi chùa, du lịch những nơi mà họ muốn,…
Chúng ta có thể đưa ra những video những người già sống tích cực cho bố mẹ xem. Người cao tuổi cũng nên từ đó mà học cách tự điều chỉnh cảm xúc cá nhân, thay đổi tư duy lấy con cái làm trung tâm của cuộc đời.
Gần nhà tôi có một cụ ông đã 70 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn lo lắng cho anh con trai của mình. Anh này thường làm việc giữa chừng rồi bỏ dở, nên đến nay vẫn chưa có việc gì nên hồn.
Cụ ông lo lắng sau khi mình mất sẽ không còn ai bên cạnh giúp đỡ anh ấy, nên thường hỏi han con rồi đưa ra lời khuyên. Thế nhưng càng làm thế thì anh này càng chán ghét vì nghĩ rằng cha xem thường mình.
Càng quan tâm thế này lại càng phản tác dụng.
"Con cháu có phúc của con cháu", chúng đã lớn, cha mẹ không thể là người chăm lo cả đời được. Nên mong rằng những người cao tuổi có thể tự trau dồi sở thích, tự duy trì niềm vui tinh thần, sống thư thái, và đừng quá lo lắng về những vấn đề cá nhân của con cái.
Mong mỗi người làm con hãy cố gắng thấu hiểu cha mẹ hơn. Cũng mong rằng cha mẹ hãy tập "ích kỉ" một chút, nên sống cho chính mình nhiều hơn, đừng để con cái trở thành vướng bận cả đời của mình như thế!
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị