Gặp 'người nhà quê viết sách'

17/08/2018 11:28
Gặp 'người nhà quê viết sách'

Anh đến chỗ hẹn với trang phục giản dị đến mức xuề xòa, một túi nhỏ bên trong có 4 cuốn...hộ chiếu. 'Tui sợ người ta nói mình nổ để viết sách nên phải mang theo để làm chứng đã đi hơn 90 nước'.

'Bốn cuốn này kín hết rồi, cuốn thứ 5 tui đang nộp để xin visa đi tiếp', Linh nói.

Những trang hộ chiếu kể trên chi chít dấu hải quan, từ châu Âu, Đông Nam Á đến Chi Lê, Brazil, Bolivia đến tận châu Phi: Madagasca, Zambia v.v. cho đến những hòn đảo xa xôi như Maldives, Mauritius, Fiji, Samoa.

Nỗi sợ... học văn

Trên trang cá nhân, trong những trang viết hay những cuộc gặp gỡ, Nguyễn Chí Linh đều nhận mình là người nhà quê chính hiệu, từ cách ăn mặc, suy nghĩ lẫn giao tiếp. Sinh ra ở Long An, mở mắt ra đã thấy đồng lúa với những người nông dân chân chất. Lớn lên đi học đại học, chuyên ngành đầu tiên của anh là Nông nghiệp. Tốt nghiệp đi làm marketing cho công ty về thuốc bảo vệ thực vật, công việc gần như chỉ tiếp xúc với nông dân.

Cái chất “đồng quê” ấy đi cả vào cách viết tự nhiên, mộc mạc của người đàn ông này. Như anh thừa nhận: “Tôi thích sự chân thật của người nhà quê nên khi viết cũng giữ lại những gì thật nhất mình từng biết và hiểu trên đường đi”.

Nguyen Chi Linh trên Đại lộ cây Baobap hơn 800 tuổi tại Madagasca

Nguyễn Chí Linh trên Đại lộ cây Baobap hơn 800 tuổi tại Madagasca

“Người nhà quê” cũng thừa nhận từng rất sợ môn Văn: “Thời trung học, tôi học Văn rất tệ, nhiều lần thầy cô phải “cứu” bằng cách cho trả bài học thuộc lòng lấy điểm thay vì làm bài kiểm tra. Môn Văn ám ảnh suốt trong thời trung học và chỉ nhẹ thở hơn khi tôi vào đại học”.

Trước khi mê viết, “người nhà quê” này là một gã mê dịch chuyển. Những chuyến đi công tác đây đó của một người làm Marketing dường như không đủ với người đàn ông này. Đổi lại sự chăm chỉ và kỹ lưỡng trong công việc, anh thỏa thuận với sếp mỗi năm được phép nghỉ không lương 1 tháng để... đi chơi. Để chuyến đi kéo dài, anh ghép thêm vào các kỳ nghỉ lễ hoặc nghỉ Tết để đi cho đã. Đã đặt chân đủ 63 tỉnh thành trong nước, anh cũng đi hơn 90 nước trên thế giới. Có cả những vùng đất thanh bình, phong cảnh hữu tình.

Cũng có nơi được cảnh báo trước đầy rẫy bất trắc như chuyến đi Afghanistan vài năm trước. Cả người cấp Visa lẫn chủ khách sạn tại Kabul đã nghiêm khắc cảnh báo anh luôn phải đề phòng khi đi ra phố. Trong một ngày đẹp trời, có thể người tài xế Taxi sẽ “hiện nguyên hình” là tàn quân Taliban với họng súng lạnh ngắt.

Và khi giáp mặt, trò chuyện trực diện với 2 người lính Taliban tại khu vực gần biên giới Pakistan, anh vẫn chưa quên cảm giác “rụng rời tay chân” khi họ băng qua đường bám theo anh về tới tận khách sạn.

Nguyễn Chí Linh tại Cung điện Hoàng gia Teheran - Iran

Nguyễn Chí Linh tại Cung điện Hoàng gia Teheran - Iran    

Từ những chuyến đi này, nhu cầu viết lại những gì mình nhìn thấy và trải nghiệm đã nảy sinh. “Tui độc thân, không vướng bận gia đình nên đi đâu cũng thoải mái.10 năm nay tui không ăn Tết Nguyên đán. Tui rất thích nhà sư Trần Huyền Trang và cách ông ghi chép lại những gian truân, thử thách trong du hành ký đến Ấn Độ chiêm bái đất Phật. Ông cho tui cảm hứng để ghi lại địa lý, xã hội, tập quán của những vùng đất đi qua bằng cảm nhận cá nhân”.

Cách đây 10 năm, thời của Blog 360, những chuyến đi đó được anh viết như một nhật ký lưu lại trên trang cá nhân với giọng điệu và văn phong giản dị tạo được sức hút vô cùng lớn. Viết như một niềm vui chưa bao giờ có ý nghĩ trở thành người viết chuyên nghiệp.

Một ngày nọ, có một bạn trên Blog hẹn gặp mặt uống cà phê trò chuyện. Chuyện chẳng có gì to tát nếu một tuần sau cuộc gặp đó, đó lượng kết bạn tăng chóng mặt. Dò hỏi ra mãi anh mới hay họ biết mình qua...một bài báo. Hóa ra người bạn nọ chính là một ... nhà báo. Vì thích cách anh viết và ngưỡng mộ những chuyến đi đó đã tìm đến trò chuyện và viết hẳn một bài báo.

Quá ngỡ ngàng, anh liên lạc hẳn tới tòa soạn nhờ... gỡ bài xuống. Khổ nỗi báo in không thể gỡ được. Tác giả kia đành xin lỗi và “đền” bằng cách rủ rê cộng tác cho chuyên mục du lịch của tờ báo này mỗi số cuối tuần.

Nguyễn Chí Linh tai Pháo đài Benni Hammad - Algeria

Nguyễn Chí Linh tai Pháo đài Benni Hammad - Algeria 

Nhưng cú sốc đầu tiên của “nghiệp” viết báo là bài viết bị sửa tan nát: “Trời ơi tôi phát hiện ra viết báo khó hơn viết blog, nhìn lại bài viết thấy chỉ còn 1/3 là chính chủ. Tui xấu hổ quá, hứa với lòng phải tự rèn luyện cách viết. Cứ xem cách người ta biên tập rồi rút kinh nghiệm”. Dần dần, anh đứng mục cho báo này rồi cộng tác với một loạt tờ báo khác. Có năm có đến 5 bài báo Xuân.

“Hồi đó tôi viết không bao giờ hỏi giá nhuận bút vì xác định mình vẫn luôn học nghề, không kiếm sống bằng nghề này vì lương lúc đó khá cao, đủ tự tin để từ chối những “tín hiệu” từ các công ty du lịch hoặc “định hướng” có lợi cho DN”. Cho đến khi phát hiện ra các bài viết của mình được sử dụng cho mục đích riêng, anh nghỉ luôn. Tổng cộng hơn 300 bài viết từ ngày bước vào nghiệp viết báo cộng tác. 

Không viết như một "phượt thủ"

Cái tên Nguyễn Chí Linh không mới với những người yêu thích du lịch qua những bài viết của anh. Nhưng với sách, đó là cái tên lạ lẫm khi “người nhà quê” ra mắt cuốn sách đầu tay “Bốn mùa trên xứ phù Tang”.

Vì sao lại là nước Nhật chứ không phải vùng đất nào trong số 90 nước đã từng đến? Anh bộc bạch rằng đó là tình yêu với văn hóa và cách người dân ở đây tạo ra giá trị riêng mang tên Nhật bản. Cách tiếp cận đó đưa vào trang viết để làm rõ câu hỏi vì sao Nhật Bản luôn đặc biệt trong mắt thế giới?

“Những lần trung chuyển ở các sân bay, tôi luôn tự hỏi vì sao bạn bè thế giới luôn nhìn người Nhật bằng cặp mắt “khác lạ” so với những công dân châu Á khác? Có điều gì bí ẩn sau những bước chân vội vã, những cuộc trò chuyện thì thào như sợ người khác nghe thấy?”.

Bằng những câu hỏi đó, anh lần theo những dấu vết của các mùa và đào sâu vào lịch sử, văn hóa của Nhật Bản. Những bóc tách từ đồ vật, lễ hội, nghi thức, thói quen sinh hoạt trong 4 mùa làm nên chân dung của người Nhật khiến người đọc thích thú. Từ nước Nhật của kính cận và tóc bạc, nguồn gốc và chữ viết, đến Mèo Maneki -biểu tượng may mắn, hương vị đậu phụ ở Kyoto hay ký ức tuổi thơ với đèn đom đóm vào mùa hè...

Nguyễn Chí Linh với những người dân tại Samoa

Nguyễn Chí Linh với những người dân tại Samoa

Người ta đi chơi để thăm thú, anh lại dày công lăn lê góc này xó kia để khảo cứu từ chính những người bản địa, nghiên cứu văn hóa, tập quán với sự tò mò cao độ. Có khi, chỉ một lần ngớ ngẩn lỡ tàu cũng giúp anh khám phá ra khía cạnh khác trong đời sống tình dục thầm kín của người Nhật trong hệ thống “khách sạn tình yêu” ở Sapporo.

Để viết cuốn sách đầu tay này, anh mất đến…10 năm tròn với tổng cộng 5 chuyến đi dài ngắn khác nhau ở xứ hoa đào này. Thời điểm đó, du lịch Nhật Bản chưa cởi mở như hiện nay và không đơn giản để có tấm visa đến Nhật. 

Nguyễn Chí Linh thừa nhận, viết sách về Nhật không hề dễ dàng khi mà sự sùng bái đến cực đoan các “giá trị Nhật” không hề ít. Nhưng những trải nghiệm trong “Bốn mùa trên xứ Phù Tang” vẫn có thể tháo gỡ những “chiếc áo phù phiếm” để chỉ ra sự thảo mai nhất định trong tính cách của người Nhật.

Để làm điều đó, anh chọn cho mình tâm thế của người lữ hành. Viết sách du ký sợ nhất là sự “cuồng nhiệt” của đầy rẫy các “phượt thủ” luôn hào hứng săm soi từng chi tiết, cốt để bóc mẽ nhau và chứng minh mình đã từng đến nơi này.

“May quá đến giờ này cuốn sách đầu tiên của tôi chưa gặp phải tình huống khó xử nào”, anh cười hồn nhiên. Anh không đi theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Du lịch, với anh là hòa mình vào đời sống của người dân bản xứ, xem họ sống và thứ mang đi không gì ngoài những trải nghiệm, những tấm hình đẹp. Và viết để đi sâu vào nền văn hóa đó hơn là phong thái của một người đi chơi. 

Uống nước Kawa cùng thổ dân tại Fiji

Uống nước Kawa cùng thổ dân tại Fiji

Sau cuốn sách đầu tiên, Nguyễn Chí Linh tiếp tục ra mắt “Trên con đường tơ lụa Nam Á”. Những trải nghiệm du ký mà khi bước đi và tìm lại bóng dáng vàng son nhộn nhịp của những thương buôn thuở trước. Anh cảm thấy: “Rộn ràng như tuổi 13 và mơ màng xa xôi về hình ảnh đoàn thương gia với lạc đà cùng với tụi hàng gồ ghề trên lưng băng qua cái nắng, cái gió hay cái lạnh thấu xương của sa mạc hoang vu rộng lớn để đến Istanbul, Rome và Veniceti”. 

Chưa bao giờ nhận mình là người viết sách chuyên nghiệp nhưng nhiều người sẽ ngạc nhiên khi “người nhà quê” còn đến 4- 5 bản thảo đang chờ in.

“Tui yêu viết lách như một cách giải trí thú vị, kể chuyện cho người khác nghe, thử nghiệm đi qua nỗi sợ và thực hiện di chúc của mẹ trước lúc mất. Tôi chưa bao giờ xem mình là kẻ viết sách chuyên nghiệp, tôi chỉ là người học việc và cố gắng học một cách tốt nhất trong vòng 10 năm. Sau 10 năm ấy, tôi không viết nữa dù cũng chưa xác định sẽ làm gì”, anh cười chân chất đúng kiểu nhà nông, trước khi chia tay.

KHOA TƯ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 03/12/2024