Đường mây trên đất hoa - Nếu có thị phi thì tự tâm rối rít: Bài học sâu sắc về đi tìm sự bình an trong tâm hồn

29/07/2020 08:30
Đường mây trên đất hoa - Nếu có thị phi thì tự tâm rối rít: Bài học sâu sắc về đi tìm sự bình an trong tâm hồn

Trích dẫn chương 12, cuốn sách "Đường mây trên đất hoa".

Năm Dân Quốc thứ ba mươi ba (1944 – 1945), sau khi trùng tu lại chùa Nam Hoa, đạo tràng Lục Tổ Huệ Năng xong, ta cùng thầy Phước Quả đi Khúc Giang để tìm đạo tràng Linh Thọ nhưng không thấy. Khi đến núi Vân Môn, giữa các bụi cây cỏ lác, gai góc, chúng ta tìm được di tích một ngôi chùa cổ xưa và nhục thân của vị tổ sáng lập ra đạo tràng Vân Môn. Thấy Tổ đình bị hư hoại đến mức thậm tệ, ta không thể cầm được nước mắt. Có một vị tăng tên là Minh Không đã ở đó từ năm 1938, đơn độc chịu đựng gian nan, rét buốt để lo hương khói cho Tổ sư. Nếu chùa không được sửa sang ngay thì tương lai sẽ bị hư hoại hoàn toàn, chìm vào quên lãng.

Khi trở lại chùa Nam Hoa, ta có kể với tướng Lý Hán Hồn về việc này nên khi đi kinh lý qua núi Vân Môn, ông có đến tận đó quan sát và thấy chùa bị hư hoại sụp nát như chùa Nam Hoa thuở trước. Ông bàn với chư tăng và các thân hào địa phương, thỉnh mời ta lo việc trùng tu ngôi Tổ đình này. Ta chấp nhận, giao chức trụ trì chùa Nam Hoa cho đệ tử là Phục Nhân.

Ta được các ngài Lý Tể Thâm, Lý Hán Hồn, Châu Hồng giao tích trượng[1] Vân Môn cùng một số tiền lớn để trùng hưng lại chùa. Vì dự đoán là chiến tranh sẽ lan đến chùa Nam Hoa, nên ta bí mật thỉnh chuyển nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng và ngài Hám Sơn, cùng các pháp bảo khác về núi Vân Môn. Lúc mới đến Vân Môn, ta thấy hầu hết các tự viện trong núi đều bị hư hoại hoang tàn, ngoại trừ chánh điện thờ tổ Vân Môn, nhưng cũng sắp tàn hoại. Ta bèn tạm trú sau chánh điện, để định việc trùng tu lại các tự viện trên núi.

Mùa xuân năm Dân Quốc thứ ba mươi bốn (1945 – 1946), quân Nhật chiếm đóng Quảng Châu, các huyện bị vây hãm, dân chạy nạn chiến tranh kéo đến Vân Môn rất nhiều. Vì không đủ thức ăn nên đại chúng đồng cam cộng khổ. Mới đầu thì còn được ăn cơm, ăn cháo, sau chỉ uống nước bột gạo. Trong số những người chạy nạn có rất nhiều thợ mộc, thợ nề, thợ đun ngói gạch, gần cả trăm người. Họ giúp tăng chúng làm việc sửa chữa lại tự viện, phòng xá mà không lấy tiền công. Công lao của họ rất lớn trong việc trùng tu tự viện trên núi này.

Mùa hè, khi dân quân di chuyển qua căn cứ phòng vệ nơi khác, thì bị một nhóm cướp địa phương chặn đường, đánh phục kích nên quân lương bị tổn thất nặng nề. Đại quân tiếp viện kéo đến đánh quân cướp trong vùng, họ mở vòng đai bao bọc khoảng hơn bốn mươi làng, vì thế cả ngàn người, già trẻ, gái trai trong làng cùng mang đồ chạy nạn lên núi.

Các bô lão trong vùng đến chùa cầu ta giúp đỡ, thương lượng với quân binh. Ta bèn đi thẳng đến doanh trại các vị tướng tá, bàn luận cả ba ngày, rồi kêu gọi nhóm cướp địa phương trả lại những quân nhu đã lấy được. Nhóm cướp này đồng ý, trả lại tất cả đồ vật cho quân binh. Do đó, cuộc sống dân lành trở lại bình thường. Từ đó, dân chúng kính thương chư tăng như mẹ hiền. Quân Nhật tuy bao vây huyện thành, mà không dám quấy phá núi Vân Môn, nên dân trong vùng tránh được nạn chiến tranh.

Năm Dân Quốc thứ ba mươi lăm (1946 – 1947), ta được một tram lẻ bảy tuổi. Thế chiến thứ hai chấm dứt, mọi người trở về quê quán làm ăn sinh sống bình thường. Chính phủ Dân Quốc ra lệnh cho các tự viện trong toàn quốc phải tụng kinh, truy điệu, cầu siêu cho các vong linh tử sĩ. Quan thân sĩ thứ trong vùng thỉnh ta đến làm pháp chủ.

Ngày mười bảy tháng Chín, tại chùa Tịnh Huệ, ta thiết lập đàn tràng cầu siêu. Trong chùa có một cây đào, đột nhiên nở hoa, nhụy đài tinh khiết như lưu ly, thực chưa từng có. Trên trăm ngàn người đến xem, rất thích thú. Cư sĩ Hồ Nghị Sinh vẽ một bức tranh về hoa đào kỳ diệu này. Pháp hội xong, quan thân sĩ thứ ở Hồ Sán thỉnh ta đến chùa Khai Nguyên tại Hồ Châu hoằng dương Phật pháp. Người thọ giới quy y rất đông. Mùa đông năm đó, đệ tử lớn của ta là Quán Bổn thị tịch.

Năm Dân Quốc thứ ba mươi bảy (1948 – 1949), ta đi Tuệ Viên để khai sáng nhà thương Phật giáo Chí Đức, rồi đến Hồng Kông giảng kinh tại Từ Hàn Tịnh Uyển nơi Sa Điện. Giám viện Trí Lâm thỉnh ta khai mở tuần niệm Phật thất, thuyết tam quy ngũ giới trước khi trở về Vân Môn. Tháng Năm, đệ tử lớn của ta là pháp sư Giới Trần thị tịch tại Vân Nam. Năm đó có một bà người Mỹ tên là Ananda Jenning đến chùa cầu giới, học thiền đả thất[2], rất hoan hỷ.

***
Phụ chú của cư sĩ Sầm Học Lữ

Trong năm đó, có một bà người Mỹ tên là Ananda Jenning, mến mộ thiền đức của Hòa thượng Hư Vân, từ ngàn dặm xa xôi, đáp máy bay qua Hoa Lục để cầu ngài chỉ dạy. Bộ ngoại giao Hoa – Mỹ báo tin, Hòa thượng Hư Vân chấp thuận. Đầu tiên, bà gặp Hòa thượng Hư Vân tại Hồng Kông và thuật lý do muốn gặp ngài vì bà thích nghiên cứu về Phật pháp. Xuất thân trong một gia đình theo Thiên Chúa giáo, bà đã nghiên cứu về Thần học hơn hai mươi năm, nhưng không hiểu rõ cho lắm, nên mới đi khắp nơi học hỏi Phật pháp. Bà đã qua Ấn Độ tu hành, nhập thất bốn năm, được chút sở đắc, nhưng vẫn còn chỗ nghi, nên nay không quản muôn dặm đường, tìm thầy học đạo.

Sau đó, bà theo ngài về chùa Nam Hoa, thọ giới quy y, pháp danh là Khoan Hoằng. Hòa thượng Hư Vân khai mở thiền thất, bốn chúng đến chiêm lễ, tham gia rất đông. Ngày đầu khai mở thiền thất, Hòa thượng Hư Vân thượng đường khai thị: “Nói về việc này, gốc vốn đã viên thành. Nơi thánh không tăng, nơi phàm không giảm. Như Lai bị luân hồi trong sáu đường. Nơi nào cũng nghe đến. Quán âm lưu chuyển trong mười loài. Loài nào cũng đều như thế. Nếu vậy thì cần cầu chi, tìm ở nơi nào?

Tổ sư nói: ‘Nếu có thị phi thì tự tâm rối rít. Khi thuyền chưa chạy thì đã bị ăn gậy rồi’. Thật đáng thương thay! Của báu trong nhà không tự mở ra, mà đến chòi tranh tìm tranh. Đó chỉ vì một niệm vô minh, tâm cuồng không dứt, ôm đầu chạy đi tìm đầu, nước để trước mặt mà kêu khát. Chư đại đức! Tại sao phải khổ công đến đây? Vì chư vị không thích phí tiền cho đôi dép rách, nên ta cũng không sợ mở miệng xấu ra mà nói!”.
Sau đó, Hòa thượng Hư Vân hô to: “Ông già Thích Ca đã đến! Tham quán”. Chư vị trưởng lão cũng ban pháp nhũ[3], khai thị đại chúng. Môn hạ đệ tử của Hòa thượng Hư Vân là ngài Độ Luân, pháp danh Tuyên Hóa, đối đáp cùng với bà Ananda Jenning.

Thầy Tuyên Hóa hỏi:
- Bà từ phương xa, trải qua bao cực khổ, đến đây với mục đích gì?
- Vì muốn học Phật pháp.
- Học Phật pháp thì phải biết cách chấm dứt dòng sanh tử luân hồi. Vậy ý bà đối với việc sanh tử này như thế nào?
- Gốc vốn không sanh tử, thì cần gì phải thoát ra.
- Nếu đã không sanh tử, thì cần gì phải học Phật pháp?
- Xưa nay không có Phật. Người học là Phật.
- Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt. Khi ngài đặt ngón chân lên đất, thì dấu ấn phát quang. Vậy bà được gì?
- Được cùng không được, chỉ là lời nói nhảm thôi.
- Diệu giải của bà, lời lời đều hợp cả. Tuy thế, nói ăn mà bụng vẫn đói. Vậy một câu cứu cánh, bà hãy thử nói xem?
- Cứu cánh vốn không câu. Lời nói, gốc cũng không có. Nếu không dẹp bỏ lời nói tạp, làm sao biết được tánh giác vốn là mẹ của muôn vật!
- Những lời của bà, đều hợp với ý Tổ, nhưng nếu còn biết một chữ, tức là cửa ngõ của tai họa. Bà đã giải nhập được rồi. Vậy dám hỏi chứ rời ngôn ngữ, tuyệt không câu cú, bản lai diện mục của bà là gì?
- Kinh Kim Cang nói rằng A Nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề tức không phải A Nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề.
Thầy Tuyên Hóa gật đầu bảo:
- Tuy thế, mạng căn không thể cắt đứt bằng tri kiến. Hy vọng bà hãy nhìn rõ vào.
- Ta ít xem kinh Phật. Sau bốn năm nhập thất, ra ngoài bàn luận cùng người, ai ai cũng nói rằng lời ta luôn hợp với Phật pháp, nhưng lời ta không phải dựa vào kinh điển, cũng không dựa vào tri kiến.
- Tuy không từ kinh điển, mà được lúc tĩnh tọa ngồi thiền, đó là do trí tuệ tiềm ẩn phát ra. Nó cũng chính là tri kiến vậy.
- Phật pháp trọng thật chứng, không trọng tri kiến. Như thế nghĩa là gì?
Thầy Tuyên Hóa trả lời:
- Không câu nệ kinh luận, không chấp trước tánh tướng, đầu đầu là đạo, nơi nơi là chân lý. Chỉ miễn cưỡng nói “Như Thị” đó thôi!

Sau đó, bà theo Hòa thượng Hư Vân đến Vân Môn lễ tổ, rồi ở lại đó khoảng nửa tháng trước khi trở về Mỹ. Bà nói rằng khi trở về nước sẽ xiển dương Phật pháp tại đây. Bà là người Mỹ đầu tiên qua Hoa Lục cầu học giáo nghĩa thâm sâu trong Phật pháp. Bà tuy có chỗ chứng đắc[4], nhưng vì ngôn ngữ không thông, nên khi đến Hồng Kông và chùa Nam Hoa, tham gia thiền thất, được cư sĩ họ Nhan phiên dịch trong các buổi đối thoại. Những bài khai thị của Hòa thượng Hư Vân cũng được cư sĩ họ Nhan phiên dịch. Hòa thượng Hư Vân thuyết pháp, nghĩa lý tinh thâm, khiến bà có thể lãnh hội viên thông. Thật là một thắng duyên hy hữu.

***
Năm Dân Quốc thứ ba mươi tám (1949 – 1950), sau khi truyền giới trong mùa xuân tại chùa Nam Hoa, ta trở về Vân Môn, trùng tu toàn thể điện đường. Sơn phết mạ vàng, làm bàn tọa cho hơn bốn mươi thánh tượng lớn nhỏ. Công trình sửa sang chánh điện, mái ngói, phòng xá, đến nay đã hoàn tất được chín mươi phần trăm. Cư sĩ Phương Dưỡng Thu thỉnh ta qua Hồng Kông để làm lễ khai quang Phật đường. Ta cũng đến tịnh xá Bát Nhã giảng kinh, rồi lưu lại Hồng Kông một tháng. Sau đó, ta trở về núi Vân Môn, nhờ cư sĩ Sầm Học Lữ viết biên sử của núi Vân Môn.
________________________________________
[1] Tích trượng: tích là thiếc, trượng là gậy, tích trượng là một trong mười tám món đồ vật của nhà sư theo đạo Phật.
[2] Thiền đả thất: là một pháp môn thiền mà các thiền sinh dành ra bảy ngày nhập thất để tinh thần được tập trung, tâm không vọng tưởng, cầu đạt được sự thấu triệt, sáng suốt.
[3] Pháp nhũ: dòng sữa pháp, hàm ý là lời dạy của đạo sư có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu khiến cho người nghe pháp lớn mạnh tâm đạo.
[4] Chứng đắc: là đắc đạo, là tu đạt một chánh quả hay thành tựu nào đó.

Trạm Đọc trích đăng 

Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách "Đường Mây Trên Đất Hoa" tại: https://bit.ly/duongmaytrendathoa-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024