Từ những năm trước 1975, khi chưa xuất hiện kỹ thuật hiện đại để tạo ra được những bảng hiệu thì nhiều người chẳng thể nào quên được những hình ảnh bắt mắt do các họa sĩ vẽ bằng tay. Những bảng hiệu quảng cáo với màu sắc rực rỡ, được tạo nên từ sơn và thiếc, xuất hiện ở khắp nơi. Và rồi bảng hiệu vi tính, đèn led... ra đời dần chiếm lĩnh thị trường này. Nhưng thật may mắn khi ngay giữa lòng TP.Cần Thơ, những hình ảnh của quá khứ vẫn được duy trì bởi một họa sĩ U.80.
Quãng đời cơ cực của người họa sĩ tài ba
Hỏi thăm người dân xung quanh, PV được dẫn đến con hẻm nhỏ trên đường Châu Văn Liêm (P.An Lạc, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Nhà họa sĩ Phan Há là 1 căn nhà cấp 4 xập xệ, chật hẹp với diện tích chỉ gần 30m2. Phần lớn không gian trong nhà để chứa những dụng cụ quý giá phục vụ cho niềm đam mê hội họa của ông. Hàng ngày, ông vẫn lụi cụi bên những lon sơn để tạo ra những bảng hiệu, bức tranh chất lượng giao cho khách.
Họa sĩ Phan Há đã lớn tuổi và sức khỏe không còn tốt, đôi chân lúc nào cũng phải chống theo 1 cặp nạn do tai nạn giao thông gây ra. Ông nói: “Chân chú bị như vậy là do 3 lần bị người ta đụng. Tai nạn thì nhẹ thôi nhưng do lớn tuổi xương khớp cũng yếu nên mới thành ra như vậy”. Mặc dù vậy, ông vẫn cố gắng vì đam mê để tạo ra những tác phẩm rất điệu nghệ.
Thời còn trẻ ông cũng rất cơ cực, cha mẹ mất từ nhỏ, một mình ông phải tự bươn chải với cuộc sống mưu sinh. Đến lúc lớn lên lấy được vợ, cuộc sống cũng không khá hơn là mấy. Cả cuộc đời người họa sĩ già phải làm đủ nghề để kiếm sống. Tuy vậy, ông cũng không bỏ nghề và luôn vui vẻ lạc quan vượt qua mọi khó khăn đến với cuộc đời mình.
Nhắc đến chuyện xưa mắt ông ánh lên những giọt nước mắt, ông nói đứt quãng: “Từ nhỏ chú đã mồ côi cha mẹ, cuộc đời đắng, cay, ngọt, bùi gì cũng đã trải qua. Từ lúc 11 tuổi chú phải một mình sống ngoài xã hội, hàng ngày phải đi đánh giày cho người ta để kiếm sống và trang trải cho việc học. Khi lớn lên cũng làm đủ nghề như bán đồng hồ, bán radio, chạy xe ôm, vẽ tranh rồi đem đi bán dạo ở bến Ninh Kiều”.
Người họa sĩ già níu giữ nét đẹp của ngành nghề truyền thống
Lúc 10 tuổi ông bắt đầu học vẽ và mất 5 năm mới thành nghề. “Lúc đó chú học thì cũng không biết khi nào thành nghề được, nhưng do đam mê nên cứ theo. Thầy kêu làm gì thì làm đó, làm tới mức độ thầy thấy được rồi thì lúc đó bắt đầu cho vẽ. Vẽ từ từ tới khi nào vẽ tốt thì thôi”, ông Há tâm sự. Bắt đầu vào nghề, đầu tiên ông được thầy cho vẽ những tấm pano trong các rạp chiếu bóng ở Tây Đô.
Sau một thời gian ông bắt đầu mở phòng vẽ tại nhà. Ngoài việc vẽ bảng hiệu quảng cáo, người họa sĩ già còn nhận vẽ chân dung, tranh sơn dầu trên mọi chất liệu như thiếc, giấy, vải… Ông có 2 người con đang sống chung, cả 2 đều đã lớn tuổi. Con gái ông làm giúp việc nhà còn con trai đang làm thợ sửa xe trong 1 con hẻm nhỏ. Tuy thu nhập không nhiều chỉ đủ sống lây lất qua ngày nhưng cả 2 người con đều có hiếu lo lắng cho cha mẹ.
Họa sĩ Phan Há nói: “Hiện tại người ta đặt chú vẽ cũng không nhiều, khoảng 2-3 tháng mới có 1 người nên thu nhập ít. Nhưng vẽ là niềm đam mê của chú. May mắn là mấy đứa con hiểu nên ủng hộ, tụi nó không dư giả gì nhưng có hiếu nên cũng cố gắng kiếm tiền để lo cho cha mẹ”.
Họa sĩ Phan Há cho biết, 1 bảng hiệu cửa tiệm được hoàn thành tùy theo kích thước lớn hay nhỏ mà mất từng khoảng thời gian khác nhau, trung bình dao động từ khoảng 4-7 ngày. Để vẽ ra được 1 bảng hiệu hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn: đóng khung, sơn lót phông nền, phân chữ, sau đó bắt tay vào để vẽ và cuối cùng là lên nước bóng.
Hiện nay những bảng hiệu quảng cáo được làm dễ dàng bằng máy móc, mẫu mã cũng hiện đại hơn xưa, nên thu nhập của ông không còn như trước. Nhưng với niềm đam mê của mình, người họa sĩ già vẫn miệt mài gửi gắm cả tâm huyết vào từng nét vẽ. Ông muốn thông qua những bảng hiệu của mình giới thiệu cho giới trẻ biết về một ngành nghề xưa và gợi lại cho những người lớn tuổi về những ký ức xa xưa đáng nhớ.