Vậy các chuyên gia đã giải thích hiện tượng này như thế nào?
Theo một bài đăng trên trang web của Hiệp hội về sự Lo lắng và Trầm cảm (Anxiety and Depression Association of America - ADAA), Nhà tâm lý học đồng thời là Nhà sáng lập Viện Rối loạn lo lắng và Căng thẳng ở Maryland - Sally Winston cho biết: "Những suy nghĩ tiêu cực đột ngột xuất hiện có thể khiến cho người đó lâm vào tình trạng tồi tệ. Những suy nghĩ này có thể bao gồm các yếu tố bạo lực, tình dục, trái với lương tâm hoặc các hành động, quan điểm trái ngược với quan niệm của xã hội, trái ngược với niềm tin của con người. Và chúng có thể là bất cứ thứ gì khiến bạn kinh hãi."
Tuy nhiên, tin tốt là đối với hầu hết chúng ta, điều này không có ý nghĩa gì quá lớn lao hay ảnh hưởng đến nhân cách cả, tất cả mọi người đều một lần gặp phải tình trạng này trong đời. Theo Giáo sư Tâm lý học và Khoa học thần kinh tại Đại học North Carolina tại Chapel Hill, đồng thời là tác giả của các nghiên cứu này - Jonathan S. Abramowitz cho biết: “Mọi người đều có những suy nghĩ trái ngược với con người bên ngoài của họ. Những suy nghĩ này có thể khiến mọi người suy nghĩ đến mọi vấn đề trên đời này theo hướng tiêu cực và đáng sợ nhất có thể.”
Ví dụ, người yêu của bạn đã trễ hẹn với bạn khoảng 20 phút, bạn bắt đầu suy diễn ra hàng loạt tình huống có thể xảy ra như: cô ấy đang lén lút ngoại tình với đồng nghiệp hoặc ai đó bạn biết, hoặc cô ấy có thể gặp một tai nạn thảm khốc, hoặc đang bị tên biến thái nào đó bắt cóc... Hoặc bạn vốn đã có gia đình hạnh phúc êm ấm, bỗng nhiên một ngày nọ, bạn nghĩ rằng sẽ thế nào nếu bạn có mối quan hệ ngoài luồng?
Vậy những suy nghĩ này phát sinh do đâu?
Abramowitz đã giải thích rằng những suy nghĩ này chính là một phần trong sự hoạt động của bộ não. “Đó chỉ là một trong điều mà bộ não của bạn đang làm, giống như đang tập thể dục vậy. Chúng ta có những suy nghĩ tuyệt vời về điều tốt đẹp thì đồng thời cũng có dòng suy nghĩ tiêu cực mà không muốn kể với ai cả. Vì ai cũng có mắt sáng và mặt tối của mình, và đó là một điều bình thường.”
Việc bạn muốn vượt qua việc mắc kẹt trong các dòng suy nghĩ này có thể là một dấu hiệu cảnh báo bạn rằng liệu bạn đang có lo lắng quá mức về mọi thứ hay không. Và nếu bạn lo lắng quá nhiều, có thể bạn đang mắc phải hội chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD - Obsessive-Compulsive Disorder).
“Nếu một ai đó đang bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, sẽ rất khó để loại bỏ những suy nghĩ ám ảnh này ra khỏi đầu họ.” Theo Monnica Williams, Tiến sĩ - Nhà tâm lý học lâm sàng - Phó Giáo sư - Giám đốc phòng thí nghiệm về sự Chênh lệch văn hoá và sức khoẻ tâm thần tại Đại học Ottawa khoa Tâm lý học giải thích. “Họ thường lo lắng quá nhiều, đó chính là biểu hiện về những mong muốn tiềm ẩn trong lòng họ hoặc họ luôn ám ảnh về một điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra. Sau đó, những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ có một số hành vi cưỡng chế hoặc ép buộc bản thân loại bỏ những dòng suy nghĩ đó bằng mọi cách và nó khiến mọi thứ có thể xấu hơn.”
Winston cho biết việc hành động cưỡng chế tiêu cực nhằm ép bản thân loại bỏ những suy nghĩ đó có thể khiến mọi thứ trầm trọng hơn. Do bộ não của chúng ta nhận thức rằng các hành động đó là dấu hiệu của một điều gì đó đang đe doạ, vậy nên việc lo lắng cứ mãi lặp đi lặp lại mà không thể nào thoát ra khỏi nó.
Vậy đâu là giải pháp tốt nhất?
1. Đừng cố ép buộc bản thân phải quên đi nó
Nếu bạn đang mắc kẹt trong luồng suy nghĩ tiêu cực đó, có thể việc càng cố quên nó càng phản tác dụng nhiều hơn. Vì thế giới nội tâm bên trong bạn có cách hoạt động không giống với thế giới bên ngoài. Theo Winston giải thích: Đối với thế giới bên ngoài, bạn muốn dịch chuyển cái bàn, bạn chỉ cần cố gắng hết sức di chuyển nó đi chỗ khác là được. Nhưng thế giới nội tâm không như vậy: bạn càng cố gắng không nghĩ về điều gì đó, hoặc cố quên đi một cảm xúc nào đó, nó sẽ trở lại mạnh mẽ và dữ dội hơn gấp đôi.
2. Những suy nghĩ đó không nói lên con người bạn
Một khi bạn hiểu rằng những suy nghĩ này không đại diện cho nhân cách của bạn hay bất cứ điều gì khác, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Vì khi bạn cho rằng điều đó không to tát, bạn có xu hướng bắt đầu ngừng lo lắng về nó. Đồng thời, mức độ nhạy cảm hoặc sợ hãi của bạn đối với nó cũng bắt đầu giảm đi, cuối cùng nó cũng sẽ kết thúc.
3. Đừng suy nghĩ quá nhiều hay làm quá lên về điều đó
Winston khuyên không nên lún quá sâu với dòng suy nghĩ đó bằng cách phân tích hay ngẫm nghĩ quá nhiều về nó. Cô khuyên rằng những luồng suy nghĩ này rồi sẽ biến mất theo thời gian không quá lâu nên không cần bận tâm quá nhiều. Điều đó vô tình lại khiến rơi vào tình trạng lo lắng và khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.
4. Tập cách chăm sóc bản thân
Việc chăm sóc bản thân về mặt thể chất lẫn tinh thần có thể giúp ích được nhiều trong tình huống này. Tập thể dục, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc sẽ giúp tình trạng tinh thần của bạn trở nên khá hơn. Nó có tác dụng giúp giảm sự lo lắng và sự trầm cảm.
5. Đừng ngại khi tìm đến sự giúp đỡ
Nếu bạn đã thử những cách trên nhưng vẫn gặp khó khăn hoặc không ngừng lo lắng về những suy nghĩ đó, hãy tìm cách để được giúp đỡ. Abramowitz nói rằng đã đến lúc nên cần đến sự trợ giúp của chuyên gia và nói chuyện với họ. Đây chính là cách tốt nhất để giúp bạn vượt qua những luồng suy nghĩ tiêu cực và có phần đáng sợ đó.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị