Người xưa có câu: "Nhân phi Thánh hiền, thục năng vô quá? Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên". Ý nghĩa của câu này là con người không phải thánh nhân, không ai là không một lần mắc sai lầm, nhưng nếu biết sửa sai thì mọi chuyện rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Vậy mỗi khi gặp phải một vấn đề không như ý nào đó, phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Bạn sẽ lựa chọn trốn tránh trách nhiệm, đùn đẩy, đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác hay là nên tự kiểm điểm lại bản thân mình?
Trên thực tế, khi mọi việc không thành việc chúng ta không nên làm nhất là đùn đẩy trách nhiệm, oán trời trách đất. Thay vào đó, hãy xem lại chính mình.
Nghễnh ngãng
Trước kia, có một người chồng phát hiện ra vợ mình ngày càng nghễnh ngãng, có khi hỏi mấy lần mà bà đều không trả lời. Vì vậy, ông đã đến gặp bác sĩ và hỏi: "Tôi nên làm gì bây giờ?"
Bác sĩ nói: "Ông thử gọi bà ấy thêm vài lần nữa xem sao. Ví dụ ông đứng từ xa hỏi bà ấy, sau đó tiến lại gần để hỏi lần nữa và cuối cùng là đứng ngay cạnh."
Sau khi về nhà, người chồng vừa bước vào cửa đã hỏi: "Bà xã ơi, tối nay ăn gì thế?"
Không thấy vợ trả lời, ông bước tới gần hơn và hỏi: "Tối nay ăn gì thế, bà nó ơi?"
Vẫn không nghe thấy vợ trả lời, ông đành đi đến bên cạnh bà và hỏi lại: "Tối nay ăn gì hả em?"
Lúc này, ông mới nghe thấy bà nói: "Ăn cá nhé! Em trả lời anh ba lần rồi đó!"
Ảnh minh họa.
Trên chuyến hành trình của cuộc đời, mỗi con người thường mang theo hai túi hành lý. Một túi là sai lầm của người khác và túi còn lại là sai lầm của chính họ.
Tuy nhiên, nhiều người thường đeo chiếc túi sai lầm của người khác trước ngực và đặt túi sai lầm của chính mình ra sau lưng. Đó cũng là lý do khiến họ không bao giờ nhìn thấy sai lầm của mình, nhưng chỉ cần cúi đầu là có thể dễ dàng nhìn thấy sai lầm của người khác.
Họ luôn nói: "Tôi không sai, đó là lỗi của bạn."
"Việc này không liên quan đến tôi, bạn tìm người khác đi."
"Nếu như tôi sai thì đó là do bạn."
Những người như vậy thường thuở nhỏ trách cha mẹ, lớn lên trách xã hội, về già trách con cháu và không bao thấy tự nhận thấy được lỗi lầm ở bản thân.
Lời bình
Người xưa từng nói: "Tiểu nhân vô thác, quân tử thường qua". Câu này có nghĩa là kẻ tiểu nhân không bao giờ cảm thấy mình sai và luôn đổ lỗi cho người khác. Còn người quân tử lúc nào cũng tự kiểm điểm lại lỗi lầm của bản thân trước tiên.
Trên thực tế, người cao thượng bao giờ cũng tìm kiếm ở mình và người thấp kém thường sẽ cầu xin bên ngoài. Người càng bất tài lại càng thích bới móc sai lầm của người khác.
Cách tự kiểm điểm bản thân tốt nhất chính là: Phàm việc gì xảy ra cũng luôn ngẫm lại mình đầu tiên.
Kẻ mạnh hiểu được cách kiểm điểm chính mình, tìm ra mấu chốt của vấn đề và giải quyết nó. Còn kẻ yếu thường xem nhẹ vấn đề, đùn đẩy trách nhiệm và phàn nàn không ngớt.
Cái gọi là tự kiểm điểm bản thân tức là ngẫm lại khuyết điểm của mình, từ đó bù đắp thiếu sót và sửa chữa sai lầm.
Trong cuộc sống có hai vấn đề, một là những vấn đề tới từ bên ngoài và hai là những vấn đề xuất phát từ chính bản thân bạn. Chúng ta không thể quyết định những thứ bên ngoài, nhưng chúng ta có thể thay đổi bản thân bằng cách tự kiểm điểm mình.
Nhưng trong thực tế, chúng ta lại thường có thói quen che giấu sai lầm của mình và không muốn đối mặt với chúng.
Bởi vì tự kiểm điểm cũng chính là quá trình tự mổ xẻ bản thân, đòi hỏi sự can đảm vô cùng lớn, giống như ta cầm dao lên và cắt bỏ những khối u trên cơ thể. Khi chúng ta sẵn sàng đối mặt với con người thật của mình và nhìn lại bản thân, chúng ta sẽ có can đảm để vượt lên chính mình.
Khi gặp thất bại hoặc cản trở, nếu chúng ta có thể xem xét bản thân một cách khiêm tốn và sửa chữa những thiếu sót thì ta có thể tránh khỏi tai họa.
"Quả" đều do "nhân" sinh, nếu không biết tự ngẫm lại bản thân, chúng ta rất có thể sẽ còn phạm phải nhiều sai lầm.
Chỉ những người học được cách tự kiểm mới ngẫm lại mình trước tiên thay vì luôn luôn trách cứ người khác. Và bằng cách này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về bản thân và kiểm soát quỹ đạo cuộc sống của chính mình, từ đó tiến gần hơn đến thành công.