3 loại lòng tham: Ham rẻ, sự khó thành; Ham nhàn, lộc tiêu tan; Ham danh, đời không thuận

27/04/2021 07:30
3 loại lòng tham: Ham rẻ, sự khó thành; Ham nhàn, lộc tiêu tan; Ham danh, đời không thuận

Đời người kỵ nhất là chữ "tham". Khi làm việc, kẻ chỉ tham lợi về mình sẽ khó mà làm nên chuyện.

Dù cho tiền nhét đầy túi, con người cũng khó có thể thỏa mãn lòng tham không đáy của mình. Ở đời, có người chỉ chăm chăm thu lợi về phía mình. Có người lại chỉ ham sống an nhàn, hưởng thụ và rất sợ khổ. Cũng có người cả đời chỉ sống vì hư danh.

Đời người kỵ nhất là chữ "tham". Khi làm việc, kẻ chỉ tham lợi về mình sẽ khó mà làm nên chuyện. Nếu làm người mà chỉ cầu được nhàn rỗi thì đời này coi như bỏ. Trong chuyện đối nhân xử thế, người mà chỉ tham hư danh thì muôn đời bất dung.

Thế sự thiên biến vạn hóa. Nhân sinh như một giấc mộng. Chỉ có không tham mới đưa ta ra khỏi bể khổ. Nếu phạm vào ba "tham" sau đây, thì công sức cả đời cực nhọc cũng đành đổ sông đổ bể.

Làm việc: Đừng tham lợi về mình

Thế gian này vốn không thiếu những kẻ "khôn lỏi" chỉ thích thu lợi về phía mình. Những người ấy thông minh lanh lợi, chưa từng phạm sai lầm cũng chưa từng chịu thiệt. Những người ấy luôn cẩn thận từng ly từng tý để bảo toàn thành quả của mình. Bọn họ rất giỏi chứ không hề hồ đồ. Từng câu nói cho đến từng hành động đều được họ tính toán chi li, không một kẽ hở. Bọn họ giống như những con mãnh thú đang bảo vệ lãnh địa, không để cho bất cứ kẻ nào xâm phạm vào dù chỉ là một tấc. Nhưng ông trời vốn chẳng cho không ai điều gì. Mọi thứ đều đã được định sẵn cái giá phải trả rồi.

Nửa đêm nọ, chị hàng xóm hớt hải chạy đến xin tôi hai củ tỏi. Tôi dù có chút ngạc nhiên nhưng vẫn nhanh chân lấy tỏi đưa cho chị. Khi nhận lấy hai củ tỏi, chị cảm ơn tôi bằng một giọng điệu rất cảm kích.

Lúc đó, tôi cũng chỉ tiện miệng đáp lễ rằng: "Chị đừng nói vậy. Mọi người đều là hàng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Hai củ tỏi này có là gì đâu?" Vô tình câu nói ấy đã cho chị hàng xóm cơ hội để kể tội người khác.

Chị nói: "Đúng vậy, chỉ là hai củ tỏi cỏn con thôi mà. Nhưng người sống cạnh nhà chị lại nghĩ khác."

"Mấy ngày trước, chị mượn của nhà đó có ba cái bát và ba đôi đũa ăn cơm. Không ngờ, hôm nay, chị phát hiện bọn họ đã tránh mặt chị rồi! Đúng là cái đồ hẹp hòi keo kiệt!"

Ở khu chúng tôi, chị gái này nổi tiếng với kiểu mượn đồ người khác xong không chịu trả. Khi đi chợ, chị thường kỳ kèo bớt tiền lẻ của chủ tiệm. Chỗ nào có đại hạ giá, chị đi tay không nhưng kiểu gì cũng xách về được vài ba món tặng phẩm. Chị thích cái chậu của nhà này, liền tiện tay nhấc nó về nhà mình. Chị mượn cái bát của nhà kia, sang đến ngày hôm sau nó nghiễm nhiên là của chị.

Bản chất không xấu nhưng chị lại mắc phải cái tật "khôn lỏi", thích nhận vơ đồ người khác. Sau khi tiễn chị về, tôi vừa mở Facebook lên thì thấy chị đăng dòng status: "Không nên chơi với người keo kiệt"

Tự nhiên, tôi nhớ ra lời dạy không nên chơi với người khôn lỏi. Sau một hồi đắn đo, tôi quyết định cũng sẽ tránh mặt chị giống như người kia. Đã bị người khác giở trò khôn vặt rồi, chúng ta không đáng bị mang thêm tiếng oan là đồ keo kiệt. Không có ai trong chúng ta muốn rơi vào trường hợp đó cả.

Sau này, trong một buổi liên hoan khu dân cư, chị gái kia lại tiếp tục "cầm nhầm" một thùng nước khoáng của BQL khu dân cư. Sau khi phát giác, BQL đã báo cảnh sát. Kể từ đó, tôi không còn thấy chị gái kia ở nơi này nữa. Có lẽ chị đã chuyển đến một nơi khác để sinh sống rồi chăng. Nhưng tôi vẫn thường nghe thấy người lớn quanh chỗ nhà tôi lấy chị ra để nhắc nhở trẻ con: "Người càng khôn vặt thì càng phải chịu thiệt nhiều. Con đừng có mà học theo kiểu đó nhé."

Chị ấy chỉ vì một thùng nước, hai củ tỏi, ba cái bát mà đánh mất đi danh dự và nhân cách của mình. Đúng là tham cái nhỏ mà mất cái lớn. Một nhà văn từng nói: "Một người không thể hèn nhát mà chấp nhận chịu đựng mọi thiệt thòi. Nhưng chúng ta cũng không thể quá đáng đến độ độc chiếm hết mọi lợi ích về mình."

Tránh xa được những người khôn vặt là một điều may mắn ở đời. Chúng ta bắt buộc phải học để không trở thành một người tham lam như vậy. Làm việc không khôn vặt mới có thể làm nên chuyện. Con đường phía trước sẽ trở nên rộng mở và tươi sáng hơn.

3 loại lòng tham vùi dập đời người: Ham rẻ, sự khó thành; Ham nhàn, lộc tiêu tan; Ham danh, đời không thuận - Ảnh 1.

Làm người: Đừng tham sống an nhàn

Một người từng nói: "Lao động miệt mài có thể làm hưng thịnh quốc gia. Nhàn nhã quá độ có thể làm hư thân vong mạng." Trong cuộc sống, hăng say lao động sẽ giúp con người tươi trẻ và khỏe mạnh. Sự lười biếng và ham hưởng thụ sẽ làm cho con người yếu ớt và suy kiệt.

Tôi quen một người bạn cũ có bố mẹ đều làm giảng viên. Từ nhỏ, cậu ấy đã được ăn sung mặc sướng. Gần đây, cậu vừa mới bị công ty sa thải. Ngày trước, dù cậu có làm sai điều gì, cũng đã có bố mẹ chống lưng đằng sau. Ngày học đại học, cậu sẵn sàng thức cả đêm để chơi game. Đến khi đi làm, cả ngày cậu chỉ ngồi lướt web, làm việc riêng chứ không chịu chú tâm làm việc. Đầu óc cậu trở nên trì tuệ và chậm chạp. Ngày ngày cứ trôi qua, cậu chẳng làm được việc gì nên hồn.

Năm ngoái, sau khi bố cậu qua đời, sếp bắt đầu thay đổi thái độ với cậu. Sếp đã thẳng tay thêm tên cậu vào danh sách cắt giảm nhân sự của công ty. Cậu cảm thấy rất hối hận, giá như ngày xưa cậu chịu khó học hỏi tìm tòi thì cũng đâu đến nỗi như ngày hôm nay. Rồi cậu lại tự chế giễu mình chỉ vì tham một lúc an nhàn mà hủy hoại một đời.

Tôi đã nhìn thấy những người dù đã dư dả nhưng vẫn miệt mài làm việc xuyên đêm tại văn phòng. Tôi cũng đã nhìn thấy nhiều bạn trẻ dù là sinh viên của các trường top lại sẵn sàng thức trắng đêm để cày game. Tôi cũng đã nhìn thấy có nhiều nhân viên làm việc trong các tòa cao ốc vẫn ngày ngày vật lộn với công việc. Đồng thời, tôi cũng chứng kiến cảnh thanh niên sức dày vai rộng nằm ở nhà ăn bám bố mẹ.

Cuộc sống sẽ chỉ nhẹ nhàng với những người không cầu được nhàn rỗi và hưởng thụ. Diệt trừ lòng tham sống an nhàn của mình, chúng ta mới có thể bước ra khỏi vùng an toàn của mình, để rồi nhanh chóng thích nghi và không ngừng vươn lên trong xã hội này.

3 loại lòng tham vùi dập đời người: Ham rẻ, sự khó thành; Ham nhàn, lộc tiêu tan; Ham danh, đời không thuận - Ảnh 2.

Ứng xử: đừng tham hư vinh

Tôi có một người bạn. Ngày trước, anh là trưởng phòng của một công ty start-up nổi tiếng, quản lý hơn 50 nhân viên dưới quyền. Trong mắt người trong ngành, anh là một trợ thủ đắc lực mà ông chủ nào cũng muốn lôi kéo về làm việc cho mình.

Nhưng sau khi rơi vào cảnh thất nghiệp, anh lại trở thành kẻ trắng tay. Sự tôn trọng của nhân viên, sự tin tưởng của cấp trên và danh tiếng trong ngành của anh cũng đã bay theo cơn gió. Anh buồn rầu nói: "Phải chăng sau ngần ấy năm cống hiến cho công ty, anh không được thành tựu gì hay sao?"

Thật ra, những mỹ từ họ gán cho anh đều chỉ là hư danh. Đời anh hẵng còn dài, còn vô vàn cơ hội đang chờ anh ở phía trước. Tôi khuyên anh đừng để những hư danh đó cản trở mình. Người xưa nói:

"Giàu sơn lâm lắm kẻ tìm tới

Khó giữa chợ chẳng ma nào nhìn."

Nghe thì thật bi ai nhưng ai cũng biết đó là chuyện thường tình ở đời. Bạn phải hiểu nếu như muốn đi được xa hơn và bền hơn, bạn buộc phải từ bỏ cái thói tham hư danh. Đừng trách đời bạc bẽo. Nếu chịu bình tâm suy xét lại, tôi nghĩ anh ấy sẽ hiểu được vấn đề. Liệu các nhân viên tôn trọng anh là vì nhân cách của anh hay là vì chức vụ anh làm? Rồi cấp trên tin tưởng anh là do anh có năng lực thực sự hay là do anh có ô dù to?

Diễn viên nổi tiếng Arnold Schwarzenegger nói: "Khi bạn ở vào một vị trí quan trọng, người ta sẽ khen ngợi bạn. Nhưng khi đánh mất đi cái danh phận đó, người ta cũng sẽ lãng quên bạn thôi."

Ngày nay, người ta thường gắn chức vụ vào trước tên của một người. Trước mặt mọi người, anh là nhân viên cốt cán của công ty. Tôi là nhân vật có tiếng trong lĩnh vực của mình. Anh là giám đốc, tôi lại là bác sỹ đầu ngành của một bệnh viện lớn. Anh là hiệu trưởng, còn tôi là giáo sư.

Nhưng sau khi những danh vị ấy không còn nữa thì thử hỏi chúng ta sẽ là ai trong đời?

Tham lam là bản năng của con người. Vì thế, có biết bao nhiêu người ngửa mặt lên than trời mình nghèo túng, mình đen đủi, mình chẳng có gì.

Ở đời, không tham lam mới là bản lĩnh. Làm việc không tham lợi về mình thì mới làm nên chuyện. Làm người không tham nhàn rỗi thì mới có thể tiến bộ hơn mỗi ngày. Ứng xử không tham hư danh thì mới được ung dung và thanh thản. Mong bạn chuyện gì cũng thành, ngày ngày tiến lên, tâm luôn an yên.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025