Sao con hỏi mà con kiến không trả lời với những câu chuyện nhỏ về cuộc sống, tính cách, thói quen của ba đứa trẻ trong một gia đình sẽ khiến nhiều người trong chúng ta – có lúc cười ồ thích thú, có lúc cảm động rưng rưng nhưng cũng không ít lần giật mình thảng thốt. Bột – Gạo – Nếp, với tất cả sự hồn nhiên của mình qua trang viết của nhà báo, nhà thơ Trần Lê Sơn Ý, hiện lên vô cùng sống động.
Khi nhà bạn có ba đứa trẻ, nghĩa là bạn có cả… ba thế giới để lo lắng, chỉ dạy và yêu thương. Với chị Sơn Ý, thế giới mà Bột – Gạo – Nếp mang lại cho chị thật sự đầy màu sắc và cảm xúc. Nơi đó, chị trải qua rất nhiều “thời kỳ hồng – thời kỳ xanh” khác nhau của từng đứa trẻ. Những lần con bịnh, chán ăn, những ngày con khó ở, những ngày con vui vẻ,… đều được chị ghi nhớ và ghi lại bằng giọng văn, khi thì tình cảm, lúc thì ngạc nhiên và lắm lúc thì đầy băn khoăn trăn trở.
Cũng phải thôi, làm mẹ là công việc đầy thách thức khi mà yêu cầu và nhu cầu ở bên con thì nhiều mà quỹ thời gian lại vô cùng hạn hẹp. Gói gọn trong 24 giờ một ngày mà hàng tá công việc cả có tên lẫn không tên đều cần giải quyết, nào là việc công sở, nào là chuyện bếp núc, ăn uống tắm rửa, đưa đón, chơi đùa cùng con,… Thế nên, khi nghe con nói rành rọt từng từ “Út đi, út bỏ Nếp một mình Nếp buồn làm sao”, “bà-mẹ-ba-con-thần-thánh” ấy phải thốt lên “mẹ vẫn ít thì giờ cho con quá!”; hay khi bỏ lỡ một khoảnh khắc tuyệt vời nào đó của con, chị ngậm ngùi: “không phải lúc nào mẹ cùng bắt được những khoảnh khắc đẹp đẽ dù ở ngay ở bên cạnh con”.
Sự trưởng thành của các con là điều cha mẹ nào cũng mong đợi. Nhưng khi nhận ra con lớn nhanh quá mà bản thân mình lại không theo kịp, không ít bậc cha mẹ phải giật mình. Hiểu rõ điều đó, tác giả luôn cố gắng bên con nhiều nhất, tận hưởng những khoảnh khắc thơ trẻ của con bằng cách đưa con đi chơi công viên, đi Thảo Cầm Viên, chơi đồ hàng, diễn kịch, đọc thơ đọc sách cùng con mỗi tối,… Có lúc, giữa áp lực của hàng trăm thứ, không kiềm chế được mình, chị đã nóng nảy la mắng con. Dù biết rằng năng lực mỗi người là giới hạn, dù biết phải tự tha thứ cho mình, thì người mẹ ấy vẫn không khỏi nặng lòng. Và có lúc, khi nghe con trai bảo, “Con hỏi kiến ơi, tại sao mọi người lại yêu quý bạn”, chị đã sững sờ rất lâu và tự hỏi mình, “Mẹ biết gì về sự nhẫn nại? Mẹ biết gì về lòng yêu quý? Mẹ biết gì về con?”.
Nếu nói cha mẹ là người thầy đầu tiên của con thì theo một nghĩa nào đó, con trẻ cũng chính là những người thầy của các bậc cha mẹ. Từ con trẻ, ta học được sự hồn nhiên, giản đơn, bao dung cùng tình yêu vô điều kiện – những điều mà ta đã đánh mất trong quá trình trưởng thành. Đọc Sao con hỏi mà con kiến không trả lời?, đọng lại trong ta là sự trong trẻo của Bột – Gạo – Nếp, là những tâm sự, trở trăn của một bà mẹ trẻ hiện đại và điển hình. Ta cũng học được không ít bài học để biết cách đồng hành cùng con trên mỗi bước trưởng thành. Trên hết, mỗi trang sách là một lời nhắc nhở rất khẽ để ta ghi nhớ rằng, “tuổi thơ con trôi qua rất nhanh”, nên hãy chầm chậm thôi, khi ở bên con và tận hưởng đi, những tháng ngày con thơ bé…!.