Vào cuối triều đại nhà Minh, đầu triều đại nhà Thanh có một cuốn sách tên là "Giải Nhân Di", trong đó miêu tả và lập luận rất sâu sắc về dục vọng như thế này: "Chạy vạy cả ngày chỉ vì đói, vừa mới ăn no lại lo đến áo quần, có đủ cơm ăn áo mặc, lại muốn có thêm một cô vợ xinh đẹp. Lấy được vợ đẹp sinh con đẻ cái, lại hận bản thân không tấc đất cắm dùi, khi mua được ruộng vườn rộng thênh thang, thì tiếp tục lo việc ra vào thiếu thuyền thiếu ngựa cưỡi. Chuồng đầy con la lẫn con ngựa, lại than rằng không quan không chức bị người khinh. Khi đã được làm quan huyện thừa thì lại chê chức nhỏ, mong muốn trèo cao tham dự triều chính. Nếu muốn thế nhân tự biết đủ, trừ phi nằm mơ giữa ban ngày."
Có thể thấy, "lòng người không biết đủ, như rắn nuốt cả voi" quả thực không phải là một câu nói suông. Nếu bạn không thể kiểm soát dục vọng của mình, bạn sẽ trở thành nô lệ của nó, đến cuối cùng đánh mất luôn chính mình.
Muốn kiểm soát ham muốn đòi hỏi chúng ta phải không ngừng tăng cường tu dưỡng bản thân, duy trì nội tâm bình lặng trong mọi lúc.
Đứng trước cám dỗ, phải biết giữ tâm lặng như nước, không được đánh mất phương hướng, nghèo cho sạch rách cho thơm, khi cô đơn cũng đừng nên vội vã, khắc chế mọi cám dỗ, kiên trì giữ vững chủ tâm, có như thế mới không làm ra sai lầm khiến người thân cận của mình bị tổn thương, khiến cho kẻ thù được đắc ý.
Đào Hoằng Cảnh, một nhà văn thời Nam triều đã nhận xét về câu: "Trí biết xét thị phi, mai rùa biết bói điềm hung cát, phương pháp dưỡng trí ngày xưa chính là học theo rùa." Trong cuốn "Bản kinh âm phù" của Quỷ Cốc Tử. Đào Hoằng Cảnh cho rằng từ "trí" mà Quỷ Cốc Tử đề cập đến là chỉ khả năng kiểm soát dục vọng. Dưỡng trí có nghĩa là nuôi dưỡng khả năng kiểm soát dục vọng.
Những gì Quỷ Cốc Tử nói về việc kiểm soát dục vọng của bản thân có ý nghĩa rất lớn đối với con người ngày nay.
Trên thực tế, dù là bất cứ lúc nào, chúng ta cũng phải chú ý kiểm soát dục vọng của mình.
Dục vọng là bẩm sinh, ai ai cũng có. Tại sao con người thường bất an trong cuộc sống? Đáp án chính là họ đã quá phóng túng dục vọng của mình.
Ở Ả Rập có một câu chuyện như thế này:
Một vị thầy tu già đang tu đạo trong hang thì bất ngờ có một con nai bị thương chạy trốn vào trong hang. Ngoài hang thì có một đội người ngựa đang truy đuổi, hóa ra con nai này đã bị nhà vua bắn trúng khi đang đi săn trên núi.
Vị thầy tu dùng tấm áo choàng rộng lớn của mình che con nai lại.
Người của nhà vua đuổi tới liền hỏi thầy tu có nhìn thấy con nai không, nhưng ông chỉ nhắm mắt làm ngơ không đáp. Binh lính tức giận và đe dọa sẽ giết ông.
Lúc này, vị thầy tu nói: "Vua của ngươi là nô lệ của nô lệ của ta."
Khi nghe xong, binh lính của nhà vua càng tức giận hơn, họ rút kiếm muốn chém về phía vị thầy tu, nhưng vừa hay nhà vua lại bước vào.
Vị thầy tu nói: "Lúc trước, ta từng là nô lệ của dục vọng, nhưng bây giờ ta đã tu hành, nên không còn nghe lệnh của dục vọng nữa. Ta có thể ra lệnh ngược lại cho dục vọng, và dục vọng đã trở thành nô lệ của ta. Tuy rằng ngươi là vua nhưng lòng ngươi tràn đầy dục vọng, ngay cả một con nai cũng không muốn từ bỏ, có thể thấy rằng ngươi đang nghe lệnh của dục vọng và là nô lệ của dục vọng."
Nhà vua thấy vị thầy tu này nói không sai, lời nói cũng chứa đầy triết lý, vì thế nên ông đã buông tha cho con nai nọ, sau đó rút khỏi hang động của vị thầy tu.
Khi lạnh người ta phải mặc quần áo, khi đói người ta phải ăn... Để có thể sinh tồn, con người không thể không có dục vọng.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc con người có thể phóng túng dục vọng, nếu quá phóng túng mặc kệ thì chúng ta sẽ trở thành nô lệ của dục vọng. Khi đó, không phải là bạn tự do muốn làm gì thì làm, mà là dục vọng muốn bạn làm gì thì bạn phải làm cái đó.
"Nếu không dưỡng trí thì lòng sẽ không an, lòng không an thì suy nghĩ sẽ không thông, suy nghĩ không thông thì ý chí sẽ mơ hồ. Nếu ý chí mơ hồ thì sẽ bị mất phương hướng trong cuộc sống, không có động lực, tinh thần và hoài bão. Giống như là xác sống, đờ đẫn thiếu tập trung".
"Để kiểm soát dục vọng thì con người nên tu dưỡng tâm trí. Vì tâm trí chính là sứ giả của dục vọng. Ví như khi dục vọng khởi phát, thì tâm trí sẽ là nơi đầu tiên có những suy nghĩ về dục vọng."
Vì thế khi bắt đầu học kiểm soát dục vọng, chúng ta hãy học cách tu dưỡng tâm trí, khi người ta an tĩnh thì dục vọng ắt sẽ tiêu tan.
Không có sự chi phối của dục vọng thì bạn sẽ có thể dễ dàng xác định được phương hướng trong cuộc đời, với một ý chí vững vàng và một tinh thần tích cực, bạn sẽ hạn chế được phần lớn vật cản trên con đường dẫn đến thành công, không chỉ riêng về vật chất mà còn cả về tâm hồn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị