Kẻ cắp gặp "nhà giàu"
Dưới đây là một câu chuyện có thật.
Mùa hè năm đó, cậu sinh viên năm thứ hai Jon đến thủ đô Woashington (Mỹ) chơi, thật không may vì không cẩn thận nên đã làm mất ví tiền. Sau khi đã chịu đói hai ngày, Jon quyết định làm liều đi ăn trộm tiền.
Màn đêm buông xuống, Jon chui qua cửa sổ, lẻn vào một căn phòng ở tầng hai của khách sạn Willard.
Trong bóng tối, cậu ta mò mẫm tìm được quần áo treo trên móc, sờ thấy ví tiền trong túi quần và một chiếc đồng hồ quả quýt.
Dây đồng hồ móc vào cánh tay áo, đúng lúc Jon định đưa tay ra gỡ dây đồng hồ khỏi tay áo thì một âm thanh vang lên: "Xin đừng lấy chiếc đồng hồ quả quýt của tôi."
Ảnh minh họa.
Jon giật bắn mình, buột miệng hỏi: "Tại sao?"
"Đây không phải là một chiếc đồng hồ đặt tiền, chỉ có điều nó có ý nghĩa rất lớn với tôi. Tôi xin cậu đừng lấy nó đi."
Trong bóng tối, âm thanh đó dừng lại một lát rồi lại tiếp tục: "Chàng trai, tại sao cậu lại phải làm như vậy?"
"Xin lỗi ngài, tôi đánh mất ví tiền, không thể về nhà được, tôi rất đói…", Jon kể lại khó khăn của mình. "Nếu ông không phiền, tôi chỉ lấy ví tiền này thôi."
"Được, tôi không phiền gì cả. Chỉ có điều nếu trả tiền phòng và tiền xe cộ đi lại, 32 USD chắc là đủ." Trong đêm tối, giọng người đàn ông bình tĩnh nói tiếp: "Tôi nghĩ, 32 USD này tôi cho cậu vay, sau này nếu tiện, cậu có thể trả lại cho tôi."
"Tất nhiên rồi, tôi nhất định sẽ trả lại cho ông", Jon vô cùng cảm kích, cảm thấy vô cùng ấm áp, liên tục cảm ơn.
"Chàng trai, ta biết cậu là một người tốt, nhưng hành động của cậu hôm nay rất tệ. Từ giờ về sau, nhất định phải nhớ rõ: Cậu là ai!"
Rất nhiều năm sau đó, Jon trở thành một luật sư nổi tiếng. Anh cũng đã thực hiện được lời hứa của mình, trả lại 32 USD cho người đã cho mình vay. Bao nhiêu năm qua, anh luôn ghi nhớ câu nói của người đàn ông ấy: "Nhất định phải nhớ rõ: Cậu là ai!"
Câu chuyện này được ghi chép trong cuốn tự truyện của John Calvin Coolidge. Ông chính là chủ nhân của chiếc đồng hồ quả quýt và cũng là tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ.
Lời bình
Nhà triết học, nhà tư tưởng lớn Jean-Jacques Rousseau từng nói: "Hành vi lương thiện có một cái hay, đó là có thể khiến linh hồn của con người trở nên cao thượng và khiến nó có thể làm ra những điều càng tốt đẹp hơn."
Giáo sư Adam Grant, người làm việc tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ cũng cho rằng: Giúp người khác giải quyết khó khăn có thể sẽ giúp chính chúng ta học được nhiều thứ, vốn kiến thức xã hội của bạn cũng từ đó mà được tích lũy.
Tác gia nổi tiếng người Trung Quốc Lương Hiểu Thanh cũng từng có một câu nói rất hay về lương thiện: "Lương thiện không phải là việc mà bạn cố ý làm cho người khác xem. Đó là việc vừa vui vẻ là vừa hết sức tự nhiên, giống như có lúc, lương thiện chỉ là làm việc đúng lương tâm để bản thân cảm thấy an nhiên."
Có những lúc, khoan dung và tha thứ có thể rửa sạch linh hồn hơn là trừng phạt, bởi bản chất của khoan dung và tha thứ là "thiện" còn bản chất của trừng phạt luôn đi cùng cái "ác".
Và như một quy luật bất biến, cuộc đời sẽ luôn ngầm trao phần thưởng cho người có trái tim và tấm lòng lương thiện.
Trí thức trẻ