Đó là cách trình bày một phiên bản lộn ngược của hiện thực – cái hiện thực bề mặt mà nhiều nhà văn chúng ta ngày nay đang bị cầm tù.
Tác phẩm Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ của Nguyễn Ngọc Thuần - Ảnh: T.V
Đọc văn của Nguyễn Ngọc Thuần chúng ta thấy dường như anh kéo về bầu khí quyển mặc nhiên của dụ ngôn, thi ca và huyễn mộng để triển khai một cuộc phiêu lưu ý tưởng đầy duy mỹ và buồn bã.
Khu vườn với người cha muốn kiểm soát tất cả và ba người con gái mang ba tính cách nhưng đều lần lượt ly khai khu vườn. Khu vườn được dựng lên trên đồi cao bằng ý chí, vô nhiễm với xung quanh nhưng chính nó lại là một trong những cơ tầng, di chỉ của lãng quên. Nó gom vào trong mình một âm bản nhân thế sơ khai, tinh khôi như vừa được sáng lập, lại như đã ngấm ngầm trượt khỏi miền thời gian thực hữu, một hình thức cô lập cuối cùng của sự sống.
Cái chết, sự sinh sản và vô vàn những biến cố diễn ra giữa rừng ám tượng đưa người đọc đi vào một không gian khác biệt của thứ sáng tạo nâng niu vết dấu huyền thoại tưởng đã lụi tàn hay bị vùi chôn trong một đời sống văn chương nệ thực.
Tác phẩm Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ nhận được giải B (không có giải A) của Cuộc vận động sáng tác “Văn học cho tuổi trẻ” lần hai do NXB Thanh niên, báo Văn nghệ phối hợp tổ chức năm 2002-2003. Sau đó, tác phẩm này được dịch ra tiếng Nhật.
Tiểu Vũ